Ngày thèm những thứ “phiền toái”, thèm cái cảm giác được lái xe giữa dòng người đông đúc, thèm được nghe tiếng ồn ào của xe cộ, phố xá, hay đơn giản là muốn ăn tô hủ tiếu, ổ bánh mì cũng trở nên xa xỉ. Không còn kẹt xe, tiếng còi inh ỏi, bụi đường,... Sài Gòn yên tĩnh đến lạ.

1. Buộc phải làm ở nhà

Là một người hướng ngoại, cái chân đi và ham vui thì làm ở nhà đối với mình thật sự là một trải nghiệm khó chịu. Công ty mình khá thoải mái, không bắt buộc phải lên văn phòng từ rất lâu rồi vậy nên mỗi khi muốn đổi gió mình sẽ ra cà phê ngồi, la cà sáng một quán, chiều một quán, đâu đâu cũng được, miễn là có dòng người tấp nập qua lại. Chắc sinh ra và lớn lên ở xóm chợ nên “tiếng người" đã trở thành một phần không thể thiếu đối với mình.
Tháng 5 năm 2021, “sức khoẻ” của Sài Gòn trở nặng, Công ty giới hạn 20 người lên văn phòng rồi giảm xuống 10, ai muốn lên thì phải đăng ký, và tất nhiên luôn có tên mình trong danh sách đó. Và rồi công chuyện tới, toà nhà có ca dương tính và toàn bộ nhân viên đều ở nhà… nhé. Ok ở nhà, khó chịu quá nhưng không thể cứ vậy mãi được, mình đã tự hỏi bản thân: Tại sao mình lại khó chịu? Tại sao mình phải ra cà phê ngồi? Tại sao cứ phải ra đường mình mới thấy vui? Cái lời khuyên “Suy nghĩ tích cực lên" lúc này thật vô nghĩa, vì nếu bản thân có thể tự làm được thì đã làm từ lâu rồi chứ không cần ai nhắc. Vậy phải làm sao đây?
Giây phút vui vẻ tại pantry
Giây phút vui vẻ tại pantry
Buồn có phải là không tốt? Khi cảm thấy buồn chán, có nghĩa chúng ta đang muốn có sự thay đổi, làm một cái gì đó để thoát ra khỏi tình trạng này, nhưng ta lại không biết là cụ thể là phải làm gì. Không ít lần mình đọc cái gì đó hay ho, xem một video truyền động lực, một cái trạng thái siêu tích cực và rồi dopamine được tiết ra, nó giúp mình cảm thấy hừng hực khí thế và có hẳn quyết tâm thay đổi Thế Giới. Nhưng rồi một ngày, một tuần cái động lực đó mất tiêu. Giống như cứ mãi tìm kiếm cảm giác hạnh phúc, cứ mãi tích cực và động lực cao vút… thì thua, mình không làm được. Mình không đủ năng lượng để duy trì điều đó cho một khoảng thời gian dài, nếu cứ “high” liên tục vậy, thì nó sẽ phải tăng dần lên, như kiểu leo thang thì mình sẽ bị “sốc hạnh phúc", “sốc tích cực" mà chết queo mất. Vậy nên mình đã thay đổi chiến thuật, tìm cách tự tạo niềm vui, động lực mỗi ngày, những điều nhỏ nhoi vun đắp từng chút từng chút để cảm thấy ở nhà thật vui, mỗi ngày đều vui chứ không phải cứ mãi chạy đi tìm hạnh phúc to lớn ở đâu đó ngoài kia.
Chúng ta đều có những khoảng trống và không thấy thoải mái với khoảng trống đó. Chúng ta cố gắng lấp đầy hay tống khứ nó đi. Chúng ta kết nối qua mạng rất nhiều nhưng vẫn cảm thấy cô đơn, ta sợ đối diện với chính mình nên sợ sự “im lặng”. Ta muốn sự thoải mái nhưng đó lại là khỏa lấp những đau khổ trong lòng, tránh đối diện vì sợ phải trở về đối diện với chính mình, với sự cô đơn, bơ vơ, và những khoảng trống mà không biết cách xử lý những nỗi khổ niềm đau trong lòng. 
Như khi con người ta trải qua cảm giác đau khổ, khó chịu thì khát khao muốn thoát ra khỏi cảm giác đó, khi đến với cảm giác dễ chịu thì ta lại muốn nó kéo dài và tăng lên. Đôi khi chúng ta khao khát một cái cảm giác dễ chịu thì đó đã là một cái cảm giác khó chịu. Trốn chạy không phải là cách, vậy nên mình đã chủ động đối diện với những tác động khách quan mà ta không thể thay đổi, nhìn vào chính mình và điều tiết cách cơ thể phản ứng lại với những điều đó. (Nhưng thực tế nghe, đọc thì dễ, nhưng làm sao để thực hành và áp dụng mới thật sự là vấn đề. Bản thân phải tự trải nghiệm) 

2. Những cảm xúc tiêu cực

Ở nhà mãi không ra ngoài thì tất nhiên đó là cảm giác bí bách, ngột ngạt, thèm hủ tiếu bún bò, thèm “vitamin sea", thèm "con người" và thèm thiên nhiên đến lạ. Kèm theo đó là những nguồn thông tin độc hại. Trong cuốn Lược Sử Loài Người có viết (Cái này mình tóm tắt nhé):
Bầy Tinh tinh có “con đực alpha", tranh giành vị trí bằng cách hình thành các liên minh giữa những người ủng hộ. Quan hệ giữa các liên minh dựa trên sự tiếp xúc thân mật hàng ngày như ôm, sờ, hôn, chải lông, giúp đỡ… (Như các chính trị gia đi vận động bầu cử) Từ giai đoạn Cách mạng Nhận thức. Bản năng xã hội con người thích nghi với các nhóm nhỏ thân mật, tán gẫu giúp Homo Sapiens hình thành những bầy lớn hơn và ổn định hơn.  — Lược Sử Loài Người - Yuval Noah Harari
Mỗi chúng ta chắc đều có nhiều hội nhóm khác nhau tán gẫu, làm việc, mọi người đều làm việc ở nhà, lượng thông tin tiêu cực trong tình hình dịch căng thẳng là khổng lồ. Ban đầu là những người tiếp xúc gần, rồi cách ly, rồi giãn cách xã hội. Vấn đề thực phẩm rồi tới người chết,... vô vàn thứ. Tham gia nhiều nhóm nhỏ nên lượng thông tin vào ra quá nhiều khiến mình kiệt sức. Tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử, lo lắng, tiêu cực, có một khoảng thời gian thậm chí mình bị mất ngủ, một, hai giờ sáng mà thông tin, suy nghĩ nó cứ vòng vòng trong đầu.
Và tất nhiên, con người luôn ấn tượng và quan tâm những thông tin tiêu cực, giật gân nhiều hơn bản tin tích cực, bản thân mình cũng bị cuốn vào cái vòng xoáy đó, mình chia sẻ linh tinh về covid cho nhóm này rồi nhóm kia, chính mình cũng góp phần vào việc đó và mình phải tự kiểm điểm bản thân: Mày điên rồi, có thật sự hữu ích và cần thiết không? Hay chỉ gây thêm hoang mang và tiêu cực? Nếu không thì làm ơn dẹp cmn đi.
Thuật toán gợi ý nội dung càng lúc càng thông minh, dòng thời gian phản ánh phần nào thói quen và sự quan tâm của bạn. Vậy nên trước khi đổ lỗi ông trời ơi sao con toàn thấy thông tin tiêu cực thì hãy xem lại chính mình, có phải là bạn cũng tò mò và quan tâm những thông tin như vậy không? Cứ lặp đi lặp lại và tiêu thụ nhiều xúc thực độc hại, thì dần dần ta sẽ tích tụ thật nhiều “độc tố" gây hại cho bản thân. Để giải quyết việc này thì mình đã hạn chế chia sẻ linh tinh, giảm tần suất tán gẫu và bớt đọc tin “tức".

 3. Tiêu cực quá, vậy làm cho mình tích cực, bận rộn hơn thôi: 

Không tốn thời gian lái xe tới Công ty, không còn những buổi cà phê cuối tuần hay những bữa nhậu lai rai sau giờ làm, đồng nghĩa với chúng ta đã có nhiều thời gian rảnh hơn. Vậy làm sao dùng thời gian đó hiệu quả? Mình bắt đầu quan tâm hơn tới việc phát triển cả tâm hồn lẫn “thể xác", để hướng tới mục tiêu một ngày nào đó mình sẽ có tài sắc vẹn toàn (hố hố):

Cải thiện sức khỏe tâm lý:

Nhìn vào bản thân và thay đổi cách phản ứng của chúng ta đối với những cảm xúc tiêu cực mình có nói ở đầu bài, mình thấy đó là yếu tố quan trọng cho việc cải thiện sức khỏe tâm lý. Ngoài ra mình cũng tìm hiểu thêm về Phật Giáo, về Chủ nghĩa khắc kỷ... Vẫn như trên, nói là một chuyện, đọc là một chuyện nhưng trải nghiệm và áp dụng lại là một chuyện hoàn toàn khác. Một cách khác đơn giản hơn là bạn có thể chọn “thức ăn” để nuôi dưỡng tâm thức, thay vì những thứ độc hại sẽ làm chúng ta tàn hại và khổ đau. Niềm vui và hạnh phúc của mình đến từ những thứ rất nhỏ bé, bắt đầu ngày mới bằng cách đọc những điều dễ thương nho nhỏ đã lưu lại, một bản nhạc hay cũng làm mình vui, mình trồng cây, chăm cây và tưới cây... Cái cây được chăm sóc mỗi ngày thật xanh và tươi, như tâm hồn mình lúc này vậy
Xanh tươi quá, sắp nứt chậu chui ra ngoài luôn rồi
Xanh tươi quá, sắp nứt chậu chui ra ngoài luôn rồi

Học tập và sự nghiệp:

Ba cái đồ yêu này thì nhan nhản, đâu đâu cũng thấy rồi:
- Tham gia các khóa học online: Từ lúc đầu dịch tới giờ, mình đã kết thúc được vài khóa học trên Udemy.com để phát triển kỹ năng chuyên môn. Có thời gian để đọc sách, medium rồi spiderum và tìm hiểu thêm những cái mình thích. 
- Mình có cả thời gian viết bài nữa này, cái mà mình chưa bao giờ thử. Mấy bài cũ mình để link ở dưới nhé. *khưa khưa*
- Mỗi tháng mình tạo một cái file ghi lại những điều hay lẽ phải mà mình học được, một file khác lưu lại những mục tiêu cần phải làm hằng ngày (Kiểu todo list) để xem trong mỗi tháng, có bao nhiêu ngày mình bỏ bê, nằm im hít thở và không làm gì cả. 

Cải thiện sức khỏe thể chất: 

Chưa bao giờ mình có ý nghĩ sẽ trải thảm và tập thể dục ở nhà. Như cái tính ham vui mình có nói ở trên, tập thể dục cũng không ngoại lệ, phải ra đường chạy bộ, đi bơi hoặc ở đâu đông vui thì mới chịu. Và đây cũng là lúc mình nhận ra mình đã quá buông thả và đối xử tệ bạc với cơ thể như thế nào. Mình lấy động lực từ Saitama trong One-Punch Man, mỗi ngày hít đất 100 cái và tập bụng theo bạn SHINPHAMM và anh CHRIS HERIA trên Youtube và đây là thành quả:
Đây là kết quả sau một tháng rưỡi (Mình đã tập rất chăm chỉ nhé, 28/07 - 14/09). Cứ đà này 6 múi sẽ ập đến với mình mất. hí hí
Đây là kết quả sau một tháng rưỡi (Mình đã tập rất chăm chỉ nhé, 28/07 - 14/09). Cứ đà này 6 múi sẽ ập đến với mình mất. hí hí

Phát triển các mối quan hệ: 

- Tui: Má tao vừa gửi đồ ở quê lên, vừa làm mắm cà ngon bá cháy, để tao gửi qua ăn lấy vị quê nè, đầu đường bị phong toả nên gửi qua số nhà đầu hẻm, mày chạy ra lấy nha. Và rồi đứa thì ê tao vừa làm sữa chua, để tao gửi qua cho mày, tao vừa mua được thùng mì, để chia cho mày một nửa… Xem thành quả của tao đây, cái này làm theo các bước abc-xyz, cuối tuần 500 anh em gọi video cái nha, vân vân và mây mây. Xa mặt nhưng không hề cách lòng. 
- Trên mạng có một cái clip có mấy em sinh viên của Cao Đẳng Y Tế Bạch Mai ngồi sau chiếc xe thùng, trời thì mưa, có hai bạn chạy theo và hỏi: “Các bạn có ăn mì gói hay trứng không? … Dừng lại dừng lại bên mình cho bánh nè! Trứng - bánh - trứng… Kìa dừng kìa. Chờ xíu, để tụi mình cho bánh nha…” Vậy là bánh trái, trứng mì gì đó được trao cho các em. “Vâng ạ, bọn em cảm ơn ạ" (Ui sao mình nghe giọng mấy đứa bé này siêu dễ thương và lễ phép luôn, làm mình nhớ mấy đứa em ở HN :v), “Cảm ơn các bạn. Bái bai nha, giữ sức khỏe” Mình thấy thật là ấm áp và hạnh phúc khi xem cái video này, vui cả ngày các bạn ạ. (Cái clip mình để ở cuối luôn nha)

Xin hãy tự bảo vệ chính mình: 

Những năm đầu khi covid xuất hiện, thông tin lây lan dịch bệnh, thiếu thực phẩm chỉ thấy ở một nơi nào đó xa xôi như Vũ Hán hay xa hơn là Châu Âu, Mỹ… Trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, nhưng chúng ta đã làm tốt cho các đợt bùng phát đầu tiên. Nhưng bây giờ Covid đã đến rất gần, nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, đến thành phố và những người yêu thương xung quanh mình. Trên facebook, những người bạn đổi hình đại diện màu đen mình không thể nhớ nổi, thằng cháu của anh đồng nghiệp đã không qua khỏi khi chỉ mới sáu tuổi, mẹ của bạn mình cũng không được may mắn, và sau khi điều trị covid trở về, ngoài nỗi đau mất mẹ thì bạn mình còn bị ảnh hưởng cả tâm lý vì tận mắt chứng kiến rất nhiều cảnh đau thương: “Phóng sự Ranh giới trên VTV1 chỉ mới thể hiện 80% so với sự thật ở ngoài khu điều trị", bạn mình nói. Covid chỉ là cảm cúm thông thường? Thằng em ở Công ty có bố làm việc ở chợ Bình Điền, thằng bạn mình chỉ ra ngoài đi lấy mẫu ở phường...  vậy rồi cả gia đình đều bị dương tính, hệ thống y tế quá tải nên ở nhà tự chữa trị. Nhiều người có thể tự điều trị và khỏi bệnh, ok vẫn ổn, nhưng cũng có rất nhiều người không được may mắn như vậy. Virus này thật sự rất dễ lây nên các bạn đừng chủ quan, xem nhẹ và lơ là. Hãy bảo vệ chính mình cũng như gia đình của bạn, không liên quan mà đoạn này giống báo đài đang tuyên truyền nâng cao ý thức ghê ^^. Luôn khỏe mạnh và tích cực các bạn nhé <3
Sài Gòn chưa bao giờ vắng vẻ đến vậy. Ảnh: Quỷ Cốc Tử
Sài Gòn chưa bao giờ vắng vẻ đến vậy. Ảnh: Quỷ Cốc Tử
Có những thứ giản đơn, đời thường luôn bên cạnh nhưng ta lại ít để ý, rồi đến một ngày nó biến thành những thứ đã từng thì con người ta lại tiếc nuối. Được ngồi một quán vỉa hè, nhâm nhi ngụm cà phê và ngắm dòng người qua lại, như vậy cũng hạnh phúc lắm rồi! Một dịp để sống chậm, và nhìn lại chính mình.
Bài viết đầu tiên của mình:
Tình cảm mặn nồng:
Clip ấm áp dễ thương: