Gần đây, một đứa em sắp tốt nghiệp Đại học nhắn cho tôi về việc em đang mất phương hướng trong chuyện tìm việc.
Em kể em thường ngồi suy nghĩ hàng giờ và lo lắng về việc phải có ngay một công việc để đi làm. Mẹ em luôn đặt kỳ vọng rất lớn ở em. Nhưng ngành em học lại không khiến em có hứng thú để tìm kiếm một công việc. Em còn thiếu tự tin, chỉ thấy mình quanh quẩn trong vòng an toàn của bản thân. Em cũng thích khám phá, làm những điều mới lạ nhưng lại vô cùng "chết nhát".
Tôi nhắn lại cho em rằng trước hết tôi gửi một cái ôm tới em vì những cảm xúc lo âu của em hiện tại. Nhưng tôi muốn em hiểu rằng những cảm xúc đó là chuyện nhiều người ở tuổi em và giai đoạn của em gặp phải. Hãy yên tâm là không phải một mình em gặp vấn đề đó.
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Tôi cũng mới đi làm được 5 năm và đang trong cơn khủng hoảng nghề nghiệp - career crisis của chính mình. Vì vậy, tôi thấy mình không đủ tư cách để cho em lời khuyên nên chọn công việc ra sao. Nhưng vì em đã hỏi và cần hỗ trợ nên tôi vẫn chia sẻ những góc nhìn và trải nghiệm của bản thân, hi vọng giúp gì đó cho em.
Thực ra, tôi nghĩ không có công việc nào là đúng ngay với một người khi vừa mới ra trường cả. Hầu hết mọi người đều phải thử các vị trí, công việc, môi trường khác nhau trước khi tìm được nơi mình thực sự phù hợp và có cảm giác thuộc về.
Thời trước của bố mẹ chúng ta là thời bao cấp, được nhà nước phân công. Đa phần ai ở đâu chỉ ở đấy cả đời. Nhưng đó là chuyện của thời trước. Còn bây giờ, là 1 người trẻ, tôi mong em cho mình quyền thử và sai. Em có thể làm ở 1 nơi, nếu thấy mình không phù hợp thì chuyển sang một nơi khác. Đừng ép mình phải "ổn định" ngay lập tức như kỳ vọng của cha mẹ. Em xứng đáng được hơn như thế.
Cá nhân tôi khi đi tìm việc thì ưu tiên tìm công việc cho mình những kỹ năng và kiến thức mà mình muốn học. Ví dụ khi mới ra trường tôi muốn trở thành giáo viên giỏi với kỹ năng sư phạm tốt, tôi chọn ở lại trường Đại học giảng dạy tại khoa Sư phạm.
Hồi đi phỏng vấn để làm giảng viên, thầy trưởng khoa hỏi tôi "Tại sao em chọn ở lại trường trong khi hồ sơ của em tốt và có thể chọn đi những nơi khác?" Tôi trả lời "Em chọn ở lại vì ở đây có nhiều người giỏi nhất trong cả nước. Chỗ nào có nhiều người giỏi nhất thì em ở đó, em muốn học hỏi nhiều nhất có thể."
Đó là suy nghĩ rất thật của tôi. Tất nhiên, qua thời gian thì mọi chuyện thay đổi. Gần đây tôi thấy môi trường đó không dạy tôi thêm được điều gì nữa. Đó là lúc tôi phải tự chuyển mình, đi tìm những công việc và môi trường phù hợp với con người mới và nhu cầu mới của mình hơn.
Ví dụ sau khi đi làm 1 thời gian, tôi muốn phát triển kỹ năng hosting và viết content, tôi quyết định tự lập 1 kênh podcast để vừa làm vừa học. Bất kỳ một cái gì tôi muốn học, tôi sẽ nghĩ ra cách hoặc tìm nơi mình có thể học và học cho bằng được. Tôi nghĩ khi còn trẻ thì đầu tư cho bản thân, nâng cao tầm hiểu biết và kỹ năng của mình là ưu tiên hàng đầu, sau đó mới là thu nhập tốt hay sự ổn định.
Vì vậy, tôi mong nếu có thể, các bạn trẻ sắp ra trường như em tôi cần xác định xem mình muốn học cái gì, muốn trau dồi kỹ năng gì thì hãy chọn một công việc và một môi trường có thể dạy cho mình cái đó. Đặc biệt, nếu có một người sếp tốt - một mentor giỏi để dẫn dắt chỉ bảo cho mình trên con đường đó thì càng tốt.
Và nếu một ngày các em thấy mình không còn thích hay phù hợp công việc đó nữa thì có thể suy nghĩ tìm một công việc hoặc nơi làm việc mới phù hợp hơn. Hành trình đó tôi cho là rất tự nhiên, và tôi hi vọng em cũng không quá lo lắng phải chọn đúng ngay từ đầu.
Tôi cũng hiểu tâm lý của em - sợ sai và sợ thất bại tới mức không dám làm hay quyết định điều gì. Nhưng cứ ngồi cả ngày suy ngẫm và sợ hãi không giải quyết được vấn đề gì. Nỗi sợ ở đó để ta cẩn trọng hơn, nhưng không thể để nó kiểm soát mọi thứ ta làm. Ta phải học cách thừa nhận, nhìn sâu để hiểu nỗi sợ của chính mình và dần vượt qua nó mà sống.
Sợ thất bại cũng là một tâm lý thường gặp của những đứa trẻ bị bố mẹ kỳ vọng cao. Khi bố mẹ dạy con theo cách không cho phép con vấp ngã, bắt con luôn phải thành công và hoàn hảo không tì vết, đứa trẻ dần hình thành một nỗi sợ thất bại.
Bản thân tôi đã quá hiểu điều đó từ trải nghiệm thơ ấu của mình. Tôi từng ví nỗi sợ thất bại như một sợi dây thừng luôn treo sẵn ở cổ, sẵn sàng thít tôi đến chết nếu tôi dám lơ là, sẩy chẩn. Nhưng cuộc đời vốn định sẵn chúng ta phải trải qua thất bại để học hỏi và phát triển.
Mỗi khi làm một điều mới, một điều ta chưa quen, chưa có trong vốn sống, vốn trải nghiệm của ta, ta gần như chắc chắn phải gặp thất bại. Như người mới tập xe đạp chắc chắn phải ngã đôi lần, đó là cách chúng ta học những điều mới. Không thể vì sợ ngã mà không bao giờ tập xe đạp. Nếu cả đời bạn phải đi bộ không đi được xe đạp chỉ vì 1 nỗi sợ thì thực sự là rất đáng tiếc.
Việc thất bại cho phép ta trưởng thành lên, và nó cũng có thể coi là những chiến tích để ta kể lại về sau. Năm lớp 9 từng có một chuyện khiến tôi nhận ra tầm quan trọng của việc có thất bại trong đời.
Năm đó, tôi cùng một đứa bạn đăng ký thi vào một trường cấp 3 của Singapore. Lúc đó chúng tôi ai cũng hừng hực khí thế và chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho kỳ thi đó, hi vọng được sang Singapore du học. Tôi đã ôn thi ngày đêm và rất tự tin về bản thân cho đến ngày thi.
Tôi làm các bài thi toán và ngữ pháp tiếng Anh rất tốt. Nhưng đến bài luận thì mọi chuyện thay đổi. Đề bài hỏi "Hãy kể về 1 lần em thất bại và bài học rút ra từ thất bại đó!" Tôi chết lặng nhìn đề bài một lúc và không biết viết gì. Xung quanh ai cũng đang viết rào rào. Tôi cố đọc đi đọc lại đề bài mà vẫn không nghĩ ra được một thất bại nào đáng để kể trong đời mình.
Từ lúc sinh ra đến năm lớp 9 đó, tôi luôn sống trong vùng an toàn của bản thân. Tôi được bố mẹ bảo bọc rất kỹ, đưa đón tận nơi, không phải đi chợ nấu cơm hay rửa bát. Tôi chỉ tập trung vào học và ôn thi hết kỳ thi học sinh giỏi này đến kỳ thi học sinh giỏi khác. Ngoài học và thi ra, tôi chẳng có một trải nghiệm nào khác.
Thất bại duy nhất tôi có thể nghĩ đến là lần tụt hạng từ giải nhất xuống giải ba Học sinh giỏi năm lớp 4. Nhưng xét đi xét lại thì nó chẳng có gì là to tát và tôi cũng chẳng học được bài học gì ngoài việc cần phải chăm chỉ hơn. Tôi đành viết lại câu chuyện đó trong bài luận, và tự hiểu bài luận này coi như bỏ.
Ra khỏi phòng thi, đứa bạn thi cùng tôi năm đó kể nó đã viết về lần nó tự bắt xe buýt đi học và bị lạc đường. Từ trải nghiệm đó nó học cách tự bắt xe buýt và cảm thấy trưởng thành hơn như thế nào.
Và kết quả, tất nhiên là tôi bị đánh trượt trong khi đứa bạn tôi đỗ và giành được học bổng 30%. Hai đứa tôi vốn luôn ngang bằng về học lực và đồng giải trong nhiều kỳ thi trước đó. Vì vậy, tôi biết sự khác biệt hoàn toàn nằm ở bài luận kia.
Thú thực tôi rất buồn vì đã trượt, nhưng đó không phải là thất bại lớn nhất. Tôi nhận ra thất bại lớn nhất của mình là không có thất bại nào để kể cả. Đến một thất bại cũng không có để kể, tôi làm sao có thể đi du học ở một đất nước khác, ở một môi trường cạnh tranh cao như Singapore. Việc tôi trượt là hoàn toàn dễ hiểu.
Sau lần đó, tôi tự hứa với bản thân sẽ không sống mãi trong vùng an toàn của mình nữa. Tôi cần nhiều trải nghiệm và cần có thất bại của riêng mình. Lên cấp 3 và đại học, tôi bắt đầu năng động hơn. Tôi xin làm lớp trưởng. Tôi thử đăng ký vào các câu lạc bộ, cũng bị đánh trượt nhiều lần cho đến khi tìm được 1 câu lạc bộ phù hợp.
Tôi đi làm tình nguyện ở nhiều sự kiện từ ngoại giao đến dịch thuật, đi phát đồ ăn, dẫn tour du lịch đến concert âm nhạc. Tôi thử thách bản thân bằng cách đứng ở giữa Văn Miếu Quốc tử giám đông người giơ biển tìm khách nước ngoài để luyện tiếng Anh. Suốt thời sinh viên tôi tận dụng mọi cơ hội để thử những điều mình chưa từng thử mà tôi nghĩ sẽ có ích cho bản thân.
Tôi đã thất bại rất nhiều trong suốt quá trình đó, nhưng tôi thực sự rất vui khi nhìn lại. Bây giờ mỗi khi ngồi kể cho sinh viên nghe về trải nghiệm thời đi học của mình, tôi đều biết ơn vì mình đã cho phép bản thân bước ra khỏi vùng an toàn. Tôi cảm thấy mình tự tin, trưởng thành và vững vàng hơn nhiều nhờ tất cả những trải nghiệm và thất bại tôi từng có.
Sau này về già, ngồi kể lại cho con cháu nghe chuyện đời mình, tôi sẽ tự hào mà kể về những lần vấp ngã, thất bại cũng như những lần mình đã thành công. Tất cả đều cho thấy tôi đã sống và đã sống hết mình. Người ta nói khi về già bạn chỉ hối hận những điều bạn không làm hơn là những điều bạn đã làm. Vì vậy, tôi cảm thấy việc dấn thân và cho phép mình thất bại là một điều đúng đắn.
Tôi chia sẻ câu chuyện này không phải là để khoe khoang về bản thân. Tôi chỉ hi vọng từ câu chuyện của tôi, các bạn trẻ giống như đứa em đang mất phương hướng của tôi có thể tự tin hơn một chút, sẵn sàng bước ra ngoài kia và thử những điều mới. Tất cả những trải nghiệm mà các em có được sẽ có ích và ý nghĩa nhất định cho các em về sau, nhưng phải trải nghiệm đã thì mới biết nó có ích và ý nghĩa thế nào.
Vì vậy, nhân dịp rất nhiều sĩ tử vừa kết thúc kỳ thi THPT và nhiều sinh viên đang ở ngưỡng cửa tốt nghiệp ĐH, chúc cho các em sẽ luôn vững vàng, tự tin vào bản thân và mạnh dạn cho phép mình được thất bại và đứng lên từ thất bại đó. Đừng như tôi của năm lớp 9 ngày xưa. Hãy coi thất bại thực sự là khi bạn chẳng có thất bại nào để kể lại nhé ~