TIẾN SĨ LÊ NGUYÊN PHƯƠNG - HÀNH TRÌNH HỌC “LỚN”
Cười lại với cuộc đời thì cuộc đời sẽ cười lại với mình
Tiếp nối series “Để Tâm lý học dẫn đường” của Spiderum kết hợp cùng tiến sĩ Lê Nguyên Phương - Chuyên gia Tâm lý và Giáo dục tại Hoa Kỳ, chúng mình sẽ cùng tìm hiểu về một chủ đề mà mọi thế hệ đều gặp phải nhưng dường như vẫn chưa có lời giải cụ thể. Đó là việc học lớn, học cách trưởng thành.
Với chủ đề “Hành trình học lớn”, câu hỏi mà Nhà Nhện cùng thầy Phương mong muốn tìm ra lời giải là: “Lớn lên” liệu có phải là một hành trình chỉ đầy hoang mang, bất an? Hay “trưởng thành” có thể là một cuộc du hành đầy thú vị và ý nghĩa?
* *
*
Bách: Nếu được quay lại thời điểm 20 tuổi, thầy sẽ có lời khuyên gì cho bản thân vào giai đoạn này? Tức là những câu hỏi mình cần một người giải đáp, mentor chỉ cho mình, giá như mình biết sớm hơn thì quãng đường đã bớt chông chênh hơn. Như là lời khuyên khi bắt đầu biết yêu, bắt đầu bước chân vào đại học, trước khi đi làm,..
Thầy Phương: Tuổi trẻ ngày hôm nay đã nhận quá nhiều lời khuyên rồi, không chỉ từ gia đình, xã hội đến những cuốn sách dạy học làm người, self-help, những thầy dạy thiền, linh mục,… Có phải thế giới chúng ta đang bị chất đầy bởi những lời khuyên hay không. Có một thời gian thầy bắt đầu suy nghĩ và thấy rằng nếu cuộc sống chúng ta sống bằng lời khuyên thì có thể mở ra cửa thiên đàng cho người này nhưng cũng có thể là cửa địa ngục cho người kia. Chúng ta cần cẩn trọng khi đưa ra những trải nghiệm của mình.
Là một người lớn tuổi và đã trải qua khá nhiều trải nghiệm với lứa tuổi 60 thì thầy có thể chia sẻ rằng các bạn trẻ hãy dũng mãnh tiến trên con đường của mình. Trải nghiệm, thử thách, thất bại, để thành công và để sống trọn vẹn với ý nghĩa nhân sinh của bản thân. Đừng hăm hở tìm kiếm lời khuyên từ bậc cao niên để rồi tưởng rằng đó là chìa khóa mở cửa cho mình vì cho dù nó có dẫn mình đến thành công đi nữa thì đó cũng sẽ là sự giới hạn cho bản thân mình.
Tuy nhiên, nếu có lời khuyên thì có thể bắt đầu như thế này. Lúc nhỏ, khi chuẩn bị vào cấp 3 thì mình nghe trong xóm bạn bè sẽ nói rằng là “Ồ cái chị đó, anh đó, nhà đó, học rất giỏi, thi là đậu”. Vì vậy, trong mình khởi lên một điều sợ hãi rằng mình phải cố gắng học hành mới có thể vượt qua, thậm chí còn nghĩ là mình sẽ rớt. Nhưng rồi nó trôi qua một cách dễ dàng. Rồi khi vào đại học Hoa Kỳ, có anh người bà con đi học trước và mình thấy tiếng anh ông rất giỏi nhưng lại vào một trường cũng bình thường. Mình nghĩ sức của mình tiếng anh không giỏi bằng ổng thì mình không nên mạo hiểm những trường thách thức hơn. Cuối cùng khi mình vào thì mình thấy quá dễ. Có một kỳ thấy lấy đến 18 tín chỉ mà buổi chiều thầy đi làm hai công việc mà thấy vẫn rất dễ dàng. Cái này nói ra như một sự khuyến khích với các bạn trẻ là đừng nghe ai, đừng so sánh với ai mà làm cho mình phát sinh cái tâm sợ hãi. Phải luôn luôn tin tưởng vào chính mình và tận lực, tận lực vì chưa biết ai giỏi hơn ai. Người ta cũng có câu “đường dài mới biết ngựa hay”. Thật sự trong cuộc đời có nhiều lần vấp ngã nhưng sau những lần đứng dậy thì mới biết kẻ nào đứng dậy được nhiều nhất.
Cái đó dẫn đến lời chia sẻ thứ hai. Cuộc đời của thầy từ trước đến nay là một chuỗi dài thất bại và đến giờ vẫn tiếp tục thất bại. Nhưng mình học được từ những lần thất bại và phê bình nhiều hơn những lần khen thưởng. Và nó không sao hết, họ có thể phê bình mình với ý xấu hoặc tốt. Mình tiếp nhận cả. Vấn đề là mình biến nó thành ly nước chanh, dù họ thảy cho mình những trái chanh chua. Còn nếu cứ để nguyên trái chanh đấy mà ăn thì chua miệng thì ráng chịu, đó là lỗi của mình. Tương tự, cũng phải thú nhận và tiêu hóa thất bại. Nó sẽ là hành trang cho mình đi những bước kế tiếp chứ không phải là viên đá cột chân mình để hành trình đi về tương lai càng ngày càng nặng nề.
Điều này dẫn đến một lời chia sẻ, trải nghiệm thứ ba, tức là trong cuộc sống này mình đừng nghĩ thành công là tất cả. Và mình cũng đừng nghĩ thất bại là những điều cản bước tiến của mình, mà hãy xem tất cả những trải nghiệm đó là điều mình học. Có một cuốn gọi là “Muôn kiếp nhân sinh”. Mình có thể hiểu nó theo ý nghĩa siêu hình, ý nghĩa ngôn tình nhưng điều quan trọng nhất là mình hiểu nó như thế này: Cuộc sống là một tiến trình trải nghiệm, trải nghiệm thật sâu sắc và biến những trải nghiệm đó thành tỉnh thức. Nếu em sống trọn vẹn từng phút giây, yêu cho thật đậm đà, vui cho thật ngất trời, em sẽ cảm nhận được từng phút giây cuộc sống. Miễn sao đi vào tâm cảnh, tức tâm trạng theo khung cảnh bên ngoài thì cũng đừng vướng vào nó. Ngày hôm nay vui tươi ngất trời, ngày mai đừng bỏ nguyên cả ngày để than tiếc ngày vui đã qua. Nếu ngày hôm nay buồn bã ngất trời thì đừng để chìm đắm trong hoài niệm đó.
Cái này dẫn đến chia sẻ thứ tư. Cực kỳ ngu xuẩn cho chính chúng ta khi để 15 giây cảm xúc quyết định tâm trạng cả một ngày. Ví dụ như buổi sáng ở trường bạn mình nói sao mày mặc cái áo xấu quá, hôm qua tau thấy cái post của mày có 5 like thôi,.. Nó chỉ là tương tác ngắn trong vòng 5 giây nhưng nếu mình để những tương tác, khoảnh khắc đó quyết định tâm trạng buồn vui, giận hờn của mình trong suốt 24 tiếng đồng hồ sau thì cái đó ngu xuẩn, mình ráng chịu. Vậy nên hãy sống trọn vẹn trong hiện tại.
Bách: Bây giờ các bạn có một trào lưu gửi thư cho mình vào 10 năm sau. Em muốn hỏi thầy so với cách đây 10 năm thầy có thấy mình thay đổi nhiều không? Em biết thầy có rất nhiều trải nghiệm, biến động cuộc sống thì trong hành trình 10 năm đấy, thầy có thấy mình “lớn” hơn không?
Thầy Phương: Câu hỏi cực kỳ thú vị. Quả thật có một xu hướng như vậy. Có nhiều công ty yêu cầu nhân viên vào đầu năm viết cho mình lá thư và cuối năm mở ra xem mình có đạt được điều mình ước nguyện không. Nó thường là những câu về mục tiêu, mục đích. Trong trường hợp này có thể ghi cả những ước mơ, suy nghĩ của mình. Quả thật nếu 10 năm sau em đọc lại lá thư và thấy mình đã tiến rất là xa thì đúng là điều đáng mừng. Còn nếu 10 năm sau mình mở ra lại thấy sao lúc đấy mình trong sáng thế, mình tư duy sâu sắc thế và 10 năm vừa rồi mình chỉ biết nhậu nhẹt, ăn uống vui chơi, làm trong công sở và bị cuốn vào việc làm hài lòng sếp của mình,... Để cuối cùng, mình đánh mất chính mình thì đúng là đau lòng.
Nên dùng lá thứ theo cách nào? Chúng ta có thể giữ lá thư đó để đặt ra những mục tiêu, để khi chúng ta chấm dứt một giai đoạn trong cuộc sống, chúng ta đánh giá lại chúng ta đã được hay chưa. Hoặc ghi vào lá thư những giá trị cốt lõi của chúng ta để xem năm sau chúng ta còn giữ được những giá trị đó không hay là bán linh hồn mình cho quỷ dữ. Hay là ghi lại những người thân yêu của mình, để sau này khi mình nhìn lại, để coi còn lại ai, mất ai, ai vẫn còn nâng đỡ trên đường đời, ai đã lừa dối mình và chia tay,.. Cũng là một dịp trải nghiệm để nhìn lại.
* *
*
Bách: Khi tìm kiếm từ khóa về người trẻ thì em có kết quả như này: "Không biết mình muốn gì; Không biết mình có nên kết hôn, mua nhà mua xe; Người trẻ chẳng chịu lớn". Đầu tiên là không biết mình muốn làm gì. Em nghĩ đây là câu hỏi mà độ tuổi nào cũng gặp phải, kể từ những năm mình mới bắt đầu có một chút nhận thức, kiến giải về bản thân, từ 17, 18,.. và còn kéo dài cho đến cả những người đi làm, đến tận những giây phút đang làm trong nghề của mình mà một ngày tỉnh dậy, mình cũng không biết mình còn nên theo nghề này nữa hay không. Theo thầy chúng ta phải làm sao để thật sự biết được điều ta mong muốn.
Thầy Phương: Đây là điều đã xuất phát từ rất lâu cho tất cả chúng ta, tất cả mọi người từ Đông sang Tây. Nó thuộc về một yếu tố gọi là nền tảng, chính là hành trình đi tìm căn tính của ta, tức là cái identity. Nói đúng hơn cái identity là tìm hiểu cái ý nghĩa của sự hiện hữu hay bản chất của sự hiện hữu. Chúng ta tồn tại như cỏ hoa, chúng ta còn tồn tại như thú vật hay chúng ta tồn tại như con người, như vị thánh đều nằm trong câu hỏi ý nghĩa của sự hiện diện. Với chúng ta, ý nghĩa của sự hiện diện chính là thứ xác định căn tính, identity của chúng ta. Từ đó chúng ta mới tìm được nguồn nội lực, dòng chảy mới để chúng ta trôi chảy một cách mãnh liệt, hào hùng về phía trước. Còn nếu không nó chỉ là một ao tù với rong rêu, ếch nhái trong đó thôi.
Điều đó nghe có vẻ triết học quá. Nhưng có những chứng cứ như có những người chuẩn bị lìa đời mới tiếc than giá mà lúc đấy mình sống như vậy, sống theo cách này cách kia. Và họ cảm giác bao nhiêu năm trôi qua, họ đã sống cho người khác, cho những tiêu chuẩn của xã hội mà họ không biết sống cho mình như thế nào. Sống thế này không phải ích kỷ, mà là hiểu được dòng chảy trong mình hướng mình đến đâu, để mình trọn vẹn kiếp người của mình. Điều thứ hai là có những người vừa mới mất việc, hay là về hưu thì mấy năm sau họ chết. Nhiều người không hiểu lý do tại sao. Nghiên cứu cho thấy những người như vậy, họ cho rằng căn tính, bản sắc của họ đều phụ thuộc vào vị trí của họ như “tôi là ông giám đốc trong công ty, tôi là công nhân nhà máy,...”. Nên khi mất đi danh tính đó, họ không còn tìm được ý nghĩa nào. Có người lại gắn sự hiện hữu, danh tính của mình với người yêu, người vợ.
Quay trở lại căn tính chính là ý nghĩa sống của mình - aspiration. Chúng ta nói về aspiration nhiều khi dịch là lý tưởng sống, nhưng mà có thể dịch một chữ khác để hiểu sâu sắc hơn là ý nghĩa sống. Nó sẽ trở thành khát vọng, sức mạnh để đẩy mình sống một cách mãnh liệt hơn. Chúng ta không thể sống với những lý tưởng do chế độ, nền văn hóa hay cha mẹ áp đặt. Hoàn tất việc học, kiếm việc làm, lấy vợ, đẻ con, xây nhà, mua ô tô, đi du lịch, bắt đầu lo cho con học,... rồi làm gì nữa và để làm gì. Và ai cũng quay cuồng theo cái đó. Tới bây giờ, thế hệ trẻ nếu nói một từ tiêu cực là khủng hoảng nhưng nếu nói một từ tích cực là các bạn bắt đầu tỉnh thức.
Bách: Em rất đồng ý với thầy, các bạn bắt đầu tỉnh thức rồi. Lứa 8x bọn em không bao giờ nghĩ đến việc đấy. Cố học cấp 3, thi tốt, mối lo chỉ ở ngay trước mắt. Tức là mình thi đại học, nếu nhà điều kiện tốt thì đi du học, yêu đương một chút, tìm công việc tốt,..
Thầy Phương: Cuộc đời là một bảng checklist.
Bách: Nhưng mà có một cái đau đớn nó không phải như thế.
Thầy Phương: Và càng đau đớn hơn khi bảng checklist đó là người khác đưa cho mình.
* *
*
Bách: Có một số người họ từ chối chịu trách nhiệm với cuộc đời, không chịu lớn. Thầy có lời khuyên gì cho các bạn ấy. Vì em biết có câu nói rằng ở Việt Nam, tuổi thơ dài vô cùng. Nhiều người vẫn cần sự giúp đỡ của cha mẹ kể cả khi sắp lấy vợ lấy chồng. Đâu đó nó cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định, sự trưởng thành của mình trong cuộc sống. Nhiều người sợ việc ra khỏi comfort zone - vùng an toàn, thà ở đây còn hơn thoát ra để làm một con người khác, để lớn, để làm cô gái, chàng trai họ mơ ước chẳng hạn. Thầy có nhận định thế nào về quan điểm này và thầy có lời khuyên gì cho các bạn trẻ không?
Thầy Phương: Lý do nào khiến các bạn trẻ không muốn lớn? Chúng ta hãy thử đặt ra những giả thuyết như sau. Đầu tiên, thầy thấy chắc chắn một điều rằng cảm xúc chính yếu là sợ, sợ thay đổi hiện trạng, sợ không biết cái này có tốt hơn không,.. Nếu chúng ta sống mãi trong nỗi sợ đấy thì cuộc sống sẽ không có gì mới mẻ. Tức là đời sống chúng ta trở thành ao tù, luôn trì trệ và như vậy còn chán nản và mệt mỏi hơn. Đừng nghĩ sống trong nhung lụa là thoải mái, vì cái gì cũng có sự đánh đổi. Một là nhàm chán trì trệ, hai là nhận tiền nuôi dưỡng của bố mẹ thì phải chịu sự chỉ đạo của bố mẹ. Như vậy mình muốn vùng vẫy, độc lập tự do nhưng nếu mình bị lệ thuộc vào kinh tế người khác tức là mình đã chối bỏ sự tự do, độc lập của mình rồi.
Thứ hai là nhiều bố mẹ hiện nay, ước muốn về vật chất thì thỏa mãn ngay còn ước muốn về tinh thần, đặc biệt là sự tự lập - tự do - tự chủ của trẻ thì không thỏa mãn. Vì không muốn con khổ hoặc vì một điều riêng tư nào đó khiến mình không muốn con thoát khỏi vòng tay của mình, cứ muốn con mình trở thành một bản sao nào đó của mình. Cho nên điều kiện tinh thần để trẻ phát triển không có. Chúng ta nuôi con như gà công nghiệp mà muốn nó trở thành đại bàng. Chính Mạnh Tử cũng nói "Trời muốn ai làm việc lớn thì phải làm cho người đó mòn cái da, gãy cái xương."
Cái điều chúng ta cần là đừng sợ hãi và hãy đi tiếp. Bên cạnh chúng ta còn vài người bạn, vài người thông hiểu, đồng cảm với chúng ta. Đó là hành trang quý giá nhất. Và đừng nghĩ bố mẹ, những người có quan hệ sinh học, và vợ chồng, những người có khế ước xã hội là phải hiểu mình, thương mình hơn tất cả những người ngoài kia. Không phải. Đó là một ảo tưởng. Nếu bố mẹ hiểu và thương mình, đó là hạnh phúc. Nhưng nếu những người có quan hệ đó không hiểu và thương mình, mà người hàng xóm, một anh bạn hiểu và thương mình thì cái đó nó giá trị hơn nhiều. Cái đó là hạnh phúc, là nơi nương tựa tinh thần. Hãy đếm cuộc đời với những khoảnh khắc hạnh phúc như vậy. Mình cười lại với cuộc đời thì cuộc đời sẽ cười lại với mình.
Bách: Đôi lúc phải đứng lên, đi ra ngoài chiến đấu, phải chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Em nghĩ đó là một phương pháp rất tốt.
Thầy Phương: Dùng cái từ phương pháp mình có cảm giác như nó là một cái gì ngoài mình, mình phải adopt - tiếp nhận. Nhưng ở đây phải hiểu đó là sức mạnh của con người. Nếu chúng ta không thể adapt, thích nghi với môi trường thì chúng ta sẽ tuyệt chủng. Cuối cùng, nếu có một lời cầu chúc gửi đến các bạn trẻ ở ngoài kia đang lắng nghe Bách và cá nhân tôi, tôi thành thật cầu chúc các bạn chân cứng đá mềm, hãy tin vào nội lực của chính mình. Nguồn nội lực đó phải luôn luôn có ở trong ta và nội lực đó cũng chính là dòng chảy mới, tưới mát tâm hồn của bạn. Hãy đứng dậy và đi, không đi thì sẽ không đến, không đứng dậy thì mình mãi mãi là nô lệ của những người xung quanh.
Lắng nghe đầy đủ những chia sẻ từ thầy Phương về những vấn đề trong hành trình tập lớn như không muốn lớn, không muốn kết hôn, burn out,... trong số Podcast “Hành trình học lớn” từ series “Để Tâm lý học dẫn đường” TẠI ĐÂY nhé: https://b.link/Hanh-Trinh-Hoc-Lon
Bạn có thể gửi những thắc mắc, băn khoăn mình gặp phải để được thầy Phương giải đáp trong Podcast tại đây: https://b.link/Tam-ly-hoc-CFS
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất