Mình lựa chọn quyển sách này vì 2 lý do:
1. Nó được xếp vào hàng must-read trong nền văn học Mỹ và cả thế giới nữa
2. "Giết con chim nhại" nghe có vẻ gì đó creapy. Tại sao lại là "chim nhại"? Mà con chim nhại là con gì mình còn chưa nghe thấy bao giờ. Nó ẩn dụ cho điều gì?

Nguồn cảm hứng không lạ nhưng cảm hứng khá mới mẻ
Cuốn tiểu thuyết viết về vấn nạn phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ hồi bấy giờ. Một nguồn cảm hứng không quá mới mẻ nhưng góc nhìn lại khá thú vị.
Ngôn ngữ kể qua lời của Scout - một bé gái tầm 8-9 tuổi sống trong một gia đình có bố là một luật sự tốt bụng, sẵn sàng bảo vệ quyền lời cho người da đen và còn một người anh trai đang lứa tuổi trưởng thành.
Bạn nghĩ một ông bố phải nuôi hai đứa con nhỏ mà không có vợ, một người luật sư đi ngược lại định kiến cả xã hội để bảo vệ cho thân chủ mình là một người da đen... sẽ gặp phải những khó khăn gì?
Chắc chắn sẽ có những lời bàn tán, những câu nói miệt thị, những dị nghị từ hàng xóm xung quanh hay chính họ hàng. Nhưng ông vẫn sống mà không hổ thẹn với lòng mình và nuôi dạy 2 người con theo cách mà ông cho là đúng. Và có lẽ khi đọc bạn cũng cảm thấy vậy: Hai đứa trẻ đã được nuôi dạy bởi một tâm hồn tuyệt vời. 
Những xin phép chỉ nói đến đây thôi. Mình sẽ không spoil quá nhiều.
Có lẽ một ly rượu mạnh và uống hết trong vài hớp thì hợp với mình hơn là một ly rượu nhẹ nhưng nhâm nhi
Mình nghe audiobook trong lúc tắm, đánh răng, phơi quần áo, chạy bộ, nấu ăn... Bình thường vẫn làm thế khi bận rộn và cảm thấy hiệu quả vô cùng. Nhưng có vẻ với cuốn sách này thì không! Mặc dù giọng đọc quá hay giúp cho linh hồn của truyện nâng lên nhiều phần cảm xúc. Nhưng không thể phủ nhận là nhịp truyện chậm rãi trong suốt 2/3 cuốn ít nhiều khiến mình bị sốt ruột.
Cuốn tiểu thuyết với giọng văn chậm rãi, đều đều, mô tả cuộc sống, sinh hoạt và suy nghĩ của gia đình cùng những người dân ở đó nhiều hơn là một câu truyện li kì và đầy diễn biến cao trào. 
Cũng đúng!
Dưới góc nhìn của một bé gái 8 tuổi, dường như nhịp điệu và diễn biến như vậy là hợp lý hơn cả. Không gai góc, trai sạn. Cô bé nhìn cuộc sống với nhưng mối nguy hiểm và sự bất công của xã hội xung quanh mình nhẹ nhàng và đầy ngô nghê. Nhưng mà chân thực. Vì trẻ con không biết nói dối!
Ở 1/3 sau, câu chuyện đã có nhiều tiến triển hơn khi vụ kiện được đưa ra xét xử. Mình bị ấn tượng với những lời bào chữa "sắc nét", bình tĩnh nhưng đầy khôn ngoan của bố Atticus. Điều đó khẳng định tài năng và đạo đức của vị luật sư dũng cảm.
Kết quả của buổi kiện như nào mình sẽ không spoil đâu. Chỉ có điều sự thật là sự thật, còn định kiến sẽ mãi là định kiến. Đó mới là cái lý do giết chết con người ta.
Vì sao lại là chim nhại?
Trong quyển sách sẽ có một đoạn nói đến điều này:
"Chim nhại chẳng làm gì khác ngoài đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược con người, chúng không làm gì khác ngoài hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Chúng là biểu tượng của sự trong sáng và tốt đẹp, do đó, giết chim nhại là một tội lỗi"
Có người nói đó là hình ảnh của những đứa trẻ nhà Atticus, chúng hồn nhiên và vô tư. Chúng được nuôi dạy bởi một người bố có tâm hồn tốt. Vậy nên đừng để những mặt trái của xã hội đó làm tổn thương chúng.
Cũng có người nói chim nhại chính là những nạn nhân trong câu chuyện, là Tom Robinson - anh da đen oan ức và tội nghiệp, là Authur - người đàn ông bí ẩn nhốt mình trong nhà vì xấu hổ với tội lỗi trong quá khứ nhưng người dân lại biến ông trở thành một mối nguy hiểm.
So sánh
Nếu như so sánh với tác phẩm có cùng chủ đề thì mình thấy "Túp lều bác Tôm" vẫn xuất sắc hơn cả. Nó có sự kiện, gây tò mò và cao trào. Trong khi Túp lều bác Tôm khiến mình không ngừng nghỉ với những diễn biến tiếp theo, "Giết con chim nhại" lại đòi hỏi người đọc phải kiên trì ngấm dần từng khung cảnh và nhân vật ở đó. 
Vậy nên...
Hãy thật bình tĩnh khi đọc cuốn truyện này.
Nhâm nhi từng con chữ và biến mình trở thành một người dân ở Alabama đang quan sát cuộc sống thường nhật. Có như vậy bạn sẽ thấm dần được tư tưởng, lối suy nghĩ và sự bất công của xã hội lúc bấy giờ. Đó mới chính là điều tác giả mong muốn.
Tóm lại, điều giá trị nhất mình nhận được từ cuốn tiểu thuyết, đó chính là từng câu chữ đều chứa đựng những giá trị đạo đức, hàm lượng nhân văn cao, cũng là những triết lý bất kì ai cũng có thể chắt lọc cho cuộc sống của mình:
Ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ.
Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người.
Cho dù chúng ta đã bị đánh bại 100 năm trước thì đó cũng đâu phải lý do khiến chúng ta không cố gắng bây giờ?
Đối với bố chẳng có gì đáng ghê tởm hơn một người da trắng thấp kém lợi dụng sự ngu dốt của một người da đen.
Đọc thêm: