Một quyển sách mà mình nghe nói là những ai theo nghề content nhất định phải đọc. Kinh không? Ừ thì... đọc, xem thế nào.
Ngay bìa quyển sách đã thấy dòng title đầy thu hút:
Nghệ thuật quyến rũ và thuyết phục khách hàng chỉ bằng ngôn từ của bạn
Bạn biết sao không, mình sắp đọc một cuốn sách dạy người ta cách viết quảng cáo để thuyết phục khách hàng và bản thân tác giả chắc hẳn là một "bậc thầy" thuyết phục. Vậy nên... tinh thần cảnh giác được đẩy lên cao độ. Không phải cảnh giác theo kiểu tiêu cực, mà mình chỉ cố giữ một cái đầu tỉnh táo để chắt lọc được: đâu là kiến thức mình cần, đâu là... lời lẽ thôi miên.
1. Tác giả là người như nào ta? 
(Không hiểu sao nhưng mỗi lần đọc xong một quyển sách là mình lại thích đoán xem: Con người thực sự phía sau những dòng chữ là người như thế nào?)
Qua cuốn sách, qua giọng văn... Joe Vitale hiện lên là một nhà văn với đầu óc bay bổng nhưng trong thân xác của một nhà kinh doanh đầy thực tế. Bởi đôi chỗ trong cuốn sách, tác giả có cách nói chuyện rất thật: "Vì tôi biết mức thu nhập của tôi sẽ phụ thuộc vào sự thành công của cuốn sách này...". Nhưng xét cho cùng những câu văn hay, xuất thần, cho dù có là quảng cáo đi chăng nữa mà thiếu đi óc sáng tạo và sự tưởng tượng thì sẽ khó thu hút được khách hàng.
Cân bằng giữa sự bay bổng và thực tế, có lẽ đó chính là lý do khiến tác giả thành công trong lĩnh vực của mình, cũng là yếu tố mà một content writer cần có. Bởi suy cho cùng, mục đích viết của chúng ta là để bán hàng mà.
2. Cách đọc
Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết với một câu chuyện tình yêu lãng mạn hay những vụ thảm sát giật gân.
Cũng không phải là một cuốn self-help nhằm đưa ra những lời khuyên trong cuộc sống.
Nó giống như một cuốn sách giáo khoa cho môn "Viết quảng cáo". Ồ! Nhưng nhắc đến sách giáo khoa thì đừng vội sợ. Chỉ là hàm lượng kiến thức trong đó khiến mình tự nhiên nghĩ tới cái "danh xưng" này. Nhưng cách tiếp cận thì thân thiện và giọng văn gần gũi hơn nhiều.
Không nhất thiết phải đọc một lèo hết sạch cuốn sách. Cứ từ từ, thong thả "gặm nhấm" để ngấm dần những cái hay. Mỗi hôm hãy học thêm một vài "tuyệt chiêu" là hợp lý hơn cả. Đừng nhồi nhét, bội thực đấy.
Cách đọc tốt nhất là gạch chân những ý chính, sau mỗi chương hãy viết một vài gạch đầu dòng tổng hợp ý. Vì sao ư?
Bạn cần đọc cuốn sách thêm lần nữa!
Nhưng không phải theo cách "gặm" từng từ như lần một. Thay vào đó, nhờ những highlight trong lần đọc đầu tiên, bạn chỉ cần đọc lại những ý chính đó thôi. Tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều.
Chắc chắn bạn sẽ quên
Ý mình là cho dù là điều bạn tâm đắc thì với hàm lượng thông tin từ cuốn sách, quên là chuyện bình thường. Không sao, quên đâu mở ra ở đó. Mục lục trong cuốn sách này cũng đóng vai trò rất quan trọng, nó giúp tổng hợp ý chính chỉ trong 2 trang giấy.
Luyện tập!
Khi viết, hãy mở bất kì một trang và áp dụng "nghệ thuật" của chương đó vào bài viết của mình. Vì bạn không thể nhớ hết và cũng không thể nhồi hết những gì cuốn sách ghi vào cùng 1 bài viết. Cách này sẽ giúp bạn thực hành từ từ và nhớ lâu hơn.
3. Cái hay của sách
Không chỉ bởi những lời khuyên hữu dụng và giọng văn gần gũi.
Cuốn sách mang lại mạng lưới "giao tiếp" của cuốn sách này tới vô vàn cuốn sách thú vị khác. Không phải "Hãy đọc cuốn sách này đi, nó hay hơn bất kì quyển sách nào khác". Thay vào đó, cuốn sách gợi ý ra rất nhiều cuốn sách hấp dẫn tiếp theo bạn có thể đọc.
Và một điều thú vị nữa là...
Cuốn sách chính là một ví dụ thực tiễn nhất. Đúng vậy, trong cuốn sách này, tác giả đưa ra rất nhiều câu trả lời cho các câu hỏi "How to" mà chắc hẳn ai hành nghề viết cũng ít nhiều thắc mắc. Rồi mình phát hiện ra: Người viết đang áp dụng những lời khuyên đó vào chính quyển sách này. Hay nói cách khác, cuốn sách chính là một ví dụ trực quan cho những gì bản thân nó đang viết về.
Chẳng hạn như, có một chương tác giả đã khuyên:
Hãy lựa chọn keywords liên quan đến ý chính và "cài cắm" nó dày đặc vào mẩu quảng cáo một cách khéo léo, người đọc sẽ tự động "ngấm" vào tiềm thức những từ đó.
=> Thế là từng chương trong cuốn sách này, những ý chính đều được lặp đi lặp lại rất nhiều lần
Thêm một ví dụ nữa:
Hãy nêu trực tiếp vấn đề của khách hàng ở đầu và thế là tất cả những ai đang có chung vấn đề đó sẽ cùng "lao vào" đọc.... Ít ra, bài viết đã lọc được đúng đối tượng ngay từ giây phút đầu tiên!
=> Trong cuốn sách: Ở đầu mỗi chương, tác giả đều bắt đầu bằng một câu rất KÍCH THÍCH khiến người đọc như được động ngay vào "chỗ ngứa" của mình. Kiểu này:
"Bạn có chờ đến lúc có hứng rồi mới viết?" là mở đầu cho chương "Khơi nguồn cảm hứng"
Cuối cùng: "Cuốn sách này có đáng để đọc không?". Đáng lắm! Bạn thử đi.