Rẽ Trái, Rẽ Phải: Tiếp chương 1
Tớ không mong có thể xoa dịu cậu, nếu truyện dài này có thể đảo tung những yêu thương, hụt hẫng, hoảng sợ, toxic trong chúng mình lên rồi bắt chúng ta tự thân đi tìm cách vượt qua thì thật tốt. Nào, hỡi những đứa trẻ từng tuổi 20 thiệt đáng yêu
Chương 1: Sao em lại viết một cuốn sách? [Tiếp]
Điều được làm lại 4: Đừng ôm giấc mộng hay - dở
Các bạn có thể đọc phần 1 tại đây
Và đọc thêm phần 2 tại đây
Còn bài viết này là phần 5 cơ =)))
Cơn sốt ập đến vào ban sáng, An liên tục đạp rồi lại kéo chăn lên đắp. Mồ hôi túa ra ướt đẫm chiếc áo sweater. Cô bé như một đường biên giữa hai thái cực. Bên trong bập bùng biển lửa, bên ngoài ào ào vũ bão. Chiếc cổ mỏi nhừ và cơn đau đầu nện từng nhịp mỗi khi nó quay từ bên nọ sang bên kia.
Đêm qua sương xuống dày đặc, sàn gỗ trước hiên nhà ướt đẫm. Chậu hoa trà mùa này chỉ trơ lá. Khánh bảo:
- Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi. Đếch thấy mùi thơm một tiếng khà.
- An biết anh đang nói đến cuốn sách sáng nay nó đọc, cô bé nhoẻn miệng cười.
Người ta bảo tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Nhưng thi nhân xưa so sánh phụ nữ chỉ dùng sắc hoa, mấy ai dùng được hương hoa. Chu Mạnh Trinh* cũng tặng cây trà này để ám chỉ Nguyễn Khuyến* mắt kém không nhận ra người tài. Ông bà mình sâu cay thật đấy.
Giữa An và Khánh có một sự ăn ý tự nhiên như thế. Khánh gật đầu cái rụp:
- Ừ. Hữu sắc vô hương hay vô hương hữu sắc có quan trọng gì đâu. Xấu đẹp nằm trong tâm người cảm. Người ưa diện mạo cứ diện mạo đẹp là đủ. Người trọng nội tâm thì đi tìm cái thâm ý sâu xa. Xét cho cùng hay - dở không hẳn thuộc trách nhiệm của hoa cỏ. Rõ ràng là của mắt kẻ xem.
Khánh dường như không nói về bông hoa, anh nói về chính mình và cái mộng làm nghệ thuật. An cho rằng nó hiểu được:
- Yep, nhiệm vụ của người ta là chơi tròn vai những quân bài được phát. Còn lại thì vũ trụ sắp xếp vậy. Nhưng giá mà mình giàu một tí, chơi hơi dở cũng sẽ chẳng sao.
An biết mình sẽ viết gì về điều hối hận thứ 4. Nó luôn ám ảnh với việc lựa chọn ra một từ ngữ đắt giá. Cô bé già đời khiến Khánh im lặng hồi lâu. Anh đã qua cái tuổi sẽ nhảy dựng lên phản biện: “Không. Cứ dốc cạn đam mê ra chơi hết mình. Kiểu gì cũng không thiệt”. Khánh hiểu cảm giác cần có đường lùi trước khi dấn thân vào nghệ thuật. Bao nhiêu lần anh thất bại, nếu không có gia đình phía sau chống đỡ, chắc gì anh chưa gieo mình xuống một lòng sông. Ông già vứt cho anh căn hộ ngay giữa trung tâm thành phố, ý bảo muốn mơ mộng gì cũng được. Nhưng đừng trông chờ bố sẽ tự hào về sự bay bổng của con. Thế mà vào những đêm trắng tay, căn nhà cứu anh khỏi cảm giác “đã mất hết tất cả”. Nó nhắc Khánh cứ chơi nốt ván này, thiếu tiền thì hãy bán đi. Theo cách nói của An, anh cũng được tính vào khung “giàu một tí”.
- Em đã xem tranh của anh trên Facebook ấy. Thanh từng khoe.
Cô bé ngừng một xíu, Khánh vẫn im lặng, không quá tò mò ý kiến đánh giá của người khác:
- Anh dùng rất nhiều đường cong, giống như tranh được vẽ bằng sóng biển. Tiếp nối, tiếp nối. Lúc vui thì thấy bình yên thật. Lúc buồn lại cảm giác chẳng có hồi kết.
- Ừ. Anh thấy cuộc sống đủ gai góc rồi. Em biết không các nét tròn làm lòng mình dịu lại ấy. Thế nên lũ mèo làm chủ thế giới.
- Em chẳng mê gì lũ mèo.
Sương làm tóc hai người bết lại, anh vuốt phần mái. Cuộc nói chuyện khiến Khánh quên bớt cơn thèm rượu cứa trong dạ dày. Sao hôm nay chẳng rõ vì trăng thống lĩnh nguồn ánh sáng áp đảo trên nền trời.
- Thanh bảo em đang viết một cuốn sách hả?
- Vâng ạ. Một cuốn sách ngập tràn sự hối hận.
- Rất nhiều điều làm em hối hận à?
- Chắc vậy. Em nghĩ ai cũng có đấy, chịu thừa nhận hay không thôi. Nhiều khi người ta chối bỏ hối hận để chứng minh bản thân đã đúng.
- Như một bà cụ non ấy.
Sương đêm xuống sâu thêm, cầu vai áo hai người đã ẩm, chiếc hoodie chẳng còn đủ ấm. Ai về phòng người đó vào lúc 2h sáng. An thay áo mới, lười lau khô tóc mà chui thẳng vào chăn. Sớm nay cơn sốt tìm đến như sự trừng phạt.
Rất lâu rồi không ốm, nó vật lộn chờ cơn sốt qua đi. An nhớ hồi bé ba thường đắp lên trán em một chiếc khăn bông lạnh. Chỉ cần vậy thôi sẽ dễ chịu hẳn. Sốt là biểu tượng chiến tranh diễn ra trong cơ thể. Bản năng sinh học oằn mình bảo vệ người ta khỏi những điều xấu xa. Nghĩ vậy, An thấy cơn sốt nhẹ nhàng hơn nhiều.
Suy nghĩ ào ào trong cái đầu nhỏ. Tối qua gọi về nhà, mẹ bảo nhớ cô bé. Cơn mất ngủ ám ảnh hơn và chắc mẹ nên đổi thuốc. 3 năm nay mẹ không có giấc ngủ tự nhiên nào. An sợ mẹ lại rơi vào u uất. Những lúc như thế nó muốn ngay lập tức về nhà. Nhưng ngược lại, cô bé sợ cũng ngã xuống đại dương đen nếu ở cạnh mẹ quá lâu. An từng đọc được rằng người chăm sóc bệnh nhân trầm cảm thường có xu hướng “lây” căn bệnh ấy. Với mẹ, trầm cảm phải chăng cũng là cơn sốt. Đến rồi đi. Khỏi rồi không có nghĩa sẽ chẳng thể mắc lại.
Những ngày bế tắc, hẳn mẹ cũng đau đớn và cố giành giật giữ phần cứng cỏi trong người.
Mẹ luôn tỏa ra ánh hào quang khiến An ngưỡng mộ. Chất giọng trầm và day dứt như danh ca Khánh Ly. Người ta sẵn sàng trả rất nhiều tiền để mời mẹ hát các tác phẩm bất hủ của Trịnh Công Sơn. Bố thích đưa em tới phòng trà xem mẹ, ánh mắt ông tự hào. Lúc hát, mẹ cô đơn trong thế giới riêng mình, bố đứng ngoài đúng vai một khán giả. An nghĩ cả đời ông đều dõi theo mẹ hơn là đi bên cạnh.
Bà nội ghét cái nghề cầm ca, bà đay nghiến mẹ không chịu sinh tiếp em trai. Kiếp bán nghệ mua vui cần mẹ phải luôn xinh đẹp, giữ giọng và son phấn. Bà nội tin đó là những thứ khiến An trở thành con một, dẫu mẹ từng suýt chết trong phòng mổ lúc sinh. Bà thương cô bé lắm nhưng vẫn luôn muốn có thêm đứa cháu trai. Thế nên An chẳng nỡ giận mà cũng chẳng thể yêu bà hết lòng.
Mẹ bảo cả đời này mình núp sau bóng người khác, được yêu thích bởi chất giọng giống người khác. Mẹ học nhạc viện, luôn nổi bật trong khóa nhưng ai cũng mặc định khi mẹ lên sân khấu là một Khánh Ly phiên bản trẻ tuổi hơn hiện ra. Mẹ học cách nhả từng chữ cho Tây, thử sức thêm ở dòng nhạc trẻ. Nhưng càng làm vậy, khán giả càng quay lưng.
Mẹ dần tin vào những điều bà nội nói, rằng mẹ chỉ bán nghệ mua vui. Giọng hát là thứ may mắn trời cho để người khác bỏ tiền ra tiêu khiểu. Bởi nếu giọng hát thuộc về mình, tại sao mẹ lại chẳng thể đối xử với nó theo cách mình muốn. Cả đời này mẹ cứ theo hoài thứ định nghĩa hay - dở chiều lòng khán giả.
Giá mà mẹ không ôm giấc mộng hay - dở của người khác, chuyện giờ cũng đã khác. An nghĩ rồi mê man. Cuộc gọi từ Thanh khiến cô bé tỉnh dậy, điện thoại hiện 11 rưỡi.
- Em bị ốm rồi.
Giọng cô bé như con mèo tên Xoài lúc làm nũng. Thanh cũng ngờ ngợ vì anh đã gọi nhỡ 5 cuộc.
- Xuống nhà ăn được không? Hay anh mang lên cabin nhé.
An cúp máy kéo chăn từ dưới đất, tóc bết như bước ra khỏi hồ bơi. Cô bé lết đi đánh răng, thay một chiếc áo mới. Trận sốt rút kiệt những nhức nhối bên trong. An thấy mình tỉnh táo ngoại trừ cơn đau đầu vẫn giống đứa trẻ nghịch ngợm đang nhảy nhót. Thanh bắt cô bé kẹp lại nhiệt độ, mang theo vỉ thuốc hạ sốt và cả thuốc cảm. Ánh mặt An sáng ngời sau cơn bão sớm nay.
Hicc, tớ vẫn tiếp tục viết tiếp Rẽ Trái, Rẽ Phải. Dù không biết ai sẽ đọc. An và Thanh là những người bạn tuổi 20 của tớ. Cũng bao gồm cả tớ. Phần này có thêm Khánh - một vị khách mới từ Tả Van. Bọn mình muốn trở nên tốt hơn nhưng bên trong vẫn ích kỷ, tự ti và cứng đầu. Chúng mình nhiều lúc đôi co giữa khao khát trở nên hoàn thiện với khiếm khuyết vốn có. Tớ tin là còn đầy những ngay dằn vặt khe khẽ như thế, cơ mà chắc chắn chúng mình sẽ học được cách vừa bao dung - vừa nghiêm khắc với bản thân. Comment nếu cậu cũng muốn nói gì đó để tui đừng lười nữa nhá!!! Diligent lên!!!
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất