Đầu tiên, mình xin giải thích một số cụm từ trong câu hỏi trên:
[Cô đơn] Một trạng thái cảm xúc phức tạp, thiếu/không kết nối với thế giới bên ngoài.
[Khoảng trống] hay [Khoảng lặng] Sự trống rỗng/trống vắng hay bình lặng trong tâm hồn.
Oke rồi, giờ chúng ta bắt đầu tìm câu trả lời cho chính mình nhé!
Đứa trẻ và Mẹ
Một đứa trẻ luôn khóc nhè, nũng nịu rồi tìm đến mẹ. Ngày đầu đến mẫu giáo, nó hét lớn, cái miệng nhỏ bật hết công suất, còn nước mắt cứ trào ra, ngoái tìm mẹ cầu cứu. Khi được đi chơi, nó cần biết chắc rằng mẹ đang ở đâu quanh đây, vẫn tại đó quan sát nó, ổn rồi mới tiếp tục vui đùa.
Một đứa trẻ khác, khi đi cùng mẹ tới mẫu giáo, nó háo hức, thoải mái nô đùa cùng chúng bạn. Quan sát kỹ hơn, hóa ra hằng ngày mẹ dạy nó cách “ở một mình” và đem lại một niềm tin trong nó rằng: “Mẹ luôn ở đây, ở trong tim của con. Vậy nên con đừng sợ, hãy thử làm điều đó. Cố lên con yêu!”.
Việc đứa trẻ phản ứng với bên ngoài có thể đến từ nhiều yếu tố: môi trường, bản năng,... Nhưng khả năng cô đơn có lẽ đã được hình thành một phần khi bạn còn là một đứa trẻ. Những khoảng trống bắt đầu xuất hiện nhưng với mỗi hành động của mẹ thì khoảng trống ấy ngày một khác. Phía trên là hai ví dụ điển hình: một khoảng trống luôn cần được lấp đầy bởi mẹ và một khoảng trống nơi mẹ ở vẫn ở đó trong tâm hồn. Hiển nhiên rằng, với đứa trẻ thứ hai thì khoảng trống không hề đáng sợ, niềm tin về một ai đó luôn trong lòng thì cô đơn sẽ chẳng thể hiện hữu.
Sức mạnh của khoảng trống
Bạn tin không, khoảng trống được bồi dưỡng khi còn là một đứa trẻ sẽ trở thành khoảng lặng khi ta lớn lên!
Quan sát đứa trẻ khi món đồ chơi yêu thích bị hỏng, có thể là chiếc xe hay con búp bê,... Nếu bố mẹ nhanh chóng xoa dịu nó: “Không sao đâu, mai bố/mẹ mua cho con cái mới nhé”. Vậy là xong, đứa trẻ ngay lập tức vui trở lại và đón chờ món đồ chơi hiện đại mới toanh, cách giải quyết đơn giản nhỉ?
Còn nếu bố mẹ dỗ dành: “Không sao đâu, giờ mình cùng sửa lại chúng nhé”. Đứa trẻ có thể sẽ có tia hy vọng trở lại, khoảng trống như le lói thứ ánh sáng kỳ lạ. Khi ấy, ta không ngờ nhóc này có thể sáng tạo ra cách chơi mới và tái sử dụng lại món đồ chơi đầy kỷ niệm. Phải chăng chính điều đó đang hình thành sự tò mò, sáng tạo và chủ động giải quyết vấn đề của một đứa trẻ. Nếu khoảng trống đó tiếp tục được bồi dưỡng thì tia sáng kia càng tỏa rộng, nuôi ước mơ ôm trọn khoảng trống vô định. Để rồi khi lớn lên, khả năng cô đơn của ta sẽ trở thành khoảng lặng, nhẹ nhàng, nơi ta nhìn lại bản thân, chậm rãi, yên bình; nơi ta quan sát và tận hưởng mọi thứ ở thế giới bên ngoài; và chắc chắc đó không còn là nơi bủa vây của sự cô đơn, hiu quạnh khi mất kết nối với xã hội. Trái ngược với đó, khoảng trống khi ta trưởng thành vẫn là khoảng không cần ai đó lấp đầy khi còn nhỏ, chúng sẽ đem lại sự trống rỗng, u ám khi đêm về; bơ vơ, cô quạnh giữa đám đông náo nhiệt và khoảng không tăm tối nơi tiếng nói trong ta luôn văng vẳng, dày vò: “mày thật cô đơn, lạc loài”, “mày đúng là kẻ vô dụng”.... Chúng luôn khiến ta phân tâm, rơi vào vô định bất cứ khi nào!
Nó giống như việc bạn đang ngồi trong bữa tiệc, ồn ào với nhiều nhóm tụ tập trò chuyện, tán gẫu. Bạn không có sự kết nối một cách thoải mái mà chọn ngồi nhâm nhi ly rượu vang, thưởng thức điệu nhạc mạnh, dồn dập, ngắm nhìn mọi thứ đang diễn ra náo nhiệt. Trong bạn khi đó là khoảng trống hay khoảng lặng?
Từ cô đơn đến cô độc
Đến đây, chúng ta có thêm một khái niệm nữa:
[Cô độc] Đây là một từ tiếng việt nếu nghe thoáng qua thì có vẻ mang cảm xúc khá tiêu cực nhỉ! Nhưng trái lại, cô độc là sự bình tĩnh, thanh thản trong tâm hồn, bạn chọn chỉ một mình, suy nghĩ riêng mình.
Cảnh giới cao nhất của cô đơn là cô độc.
Rằng bạn chọn ngưng kết nối với thế giới ngoài kia để ở một mình, nghĩ những điều mình muốn, làm những điều mình thích.
Rằng bạn sẵn sàng chọn ngồi 1 mình trong bữa tiệc nếu sự kết nối là không thoải mái, không còn ồn ào, sôi động, náo nhiệt.
Rằng bạn quan sát mọi thứ và nảy ra những ý tưởng rất gì và này nọ khi đang nhặt rau, rửa bát, đi bộ... tận hưởng mọi thứ xảy ra xung quanh mà không hề vướng bận.
Rằng bạn không cảm thấy tâm thần bất ổn, tâm tư bất định khi màn đêm buông xuống, như người ta vẫn bảo: đêm là khoảng thời gian người ta cô đơn nhất.
Rằng khi quá mệt mỏi, bạn chọn dừng lại, dành nhiều thời gian lắng nghe bản thân, nghỉ ngơi một chút để nạp lại năng lượng. Hãy nhớ rằng, lắng nghe chứ không đổ lỗi, tự dày vò.
...
Mình nghĩ cảnh giới này khó ai đạt tới được. Tất cả những điều trên không có nghĩa cô độc là hoàn toàn tốt đẹp, hoàn hảo. Thế giới xô bồ ngoài kia, bạn muốn cô độc nhưng cô đơn vẫn bủa vây không tha. Vì cuộc sống tất cả chúng ta là sự kết nối của vô vàn nhân duyên trên cõi đời, bạn không thể cắt đứt toàn bộ, khẳng định không để tâm, luôn luôn một mình thế này, mãi mãi... Cuộc sống này cần cân bằng, như âm-dương vậy đó, bạn cần kết nối với xã hội, đó là sinh tồn, kết nối sâu sắc với một số người, đó là nhân duyên, giải phóng năng lượng ra bên ngoài; và song song với nó, bạn cần cô độc để nạp năng lượng từ bên trong, và đôi khi, bạn có thể cô đơn một chút, con người mà, cô đơn để thành thật với cảm xúc của chính mình, tránh sự hạnh phúc, mạnh mẽ giả tạo. Mình vẫn chưa hề nói rằng cô đơn lúc nào cũng xấu, vì chắc cũng có nhiều loại cô đơn chăng *hì...
Pinterest
Pinterest
Không biết các bạn đã trả lời được câu hỏi chưa? Cho mình biết dưới cmt nhé ^^