Kết quả hình ảnh cho procrastination


Một ngày mùa đông lạnh cóng, bạn không muốn ra khỏi chiếc chăn ấm áp của mình và tự nhủ: “Thêm 5 phút nữa thôi rồi mình sẽ dậy đi làm.” Cuối cùng là bạn ngủ thiếp đi đến tận trưa mới dậy.
Ngồi vào bàn làm việc, bạn mở Facebook và tự nhủ sẽ lướt trong 30 phút thôi rồi sẽ học ngay, nhưng kết quả là bạn cứ lần lữa mãi đến 10h đêm.
Bạn dự định sẽ dọn nhà vào ngày mai, nhưng ngày mai bạn lại có việc bận, và lại tự nhủ thôi để mai dọn, và ngày mai bạn lại mệt và tự nhủ nhà còn sạch, chưa phải dọn luôn. Và kết quả là nhà của bạn một tuần chưa được dọn dẹp.
Đã bao giờ bạn có những cảm xúc như vậy chưa? Nếu có thì bạn đã mắc căn bệnh muôn thuở của không chỉ người trẻ mà còn ở bất kì lứa tuổi nào - bệnh trì hoãn - procrastination.
Bệnh trì hoãn (procrastination), cái tên đã nói lên tất cả, là xu hướng bạn muốn hoãn lại mọi thứ, không muốn làm ngay công việc mà còn chần chừ hoặc có tâm lí chờ đợi. Đây là căn bệnh có thể xảy ra ở bất kì người nào, dù bạn là nam hay nữ, già hay trẻ, đều cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này.

I. Nguyên nhân gây ra bệnh trì hoãn:

1. Trì hoãn vì bạn nghĩ đến phần thưởng của hiện tại:

Bạn lập ra kế hoạch giảm cân, ôn thi học kì rất chi tiết, thậm chí cuối bản kế hoạch còn ghi thêm một vài câu slogan truyền cảm hứng, và sau đó bạn đi ngủ với tâm trạng vô cùng háo hức, và nghĩ đến viễn cảnh sau này nếu hoàn thành kế hoạch, bạn sẽ trở nên tốt như thế nào. Nào là bạn giảm được bao nhiêu cân, hay bạn sẽ được học sinh xuất sắc, nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của thầy cô và bạn bè. Nhưng chỉ ngay ngày hôm sau thôi, bạn lại trở về với cái thói quen cũ hằng ngày, và cái bản kế hoạch kia trôi vào dĩ vãng. Vì sao bạn biết không? Vì cái bản kế hoạch kia vẽ ra những phần thưởng trong tương lai, chứ không phải ở hiện tại, mà vốn dĩ bản chất của con người là suy nghĩ đến những gì ở hiện tại mà thôi. Chúng ta có nghĩ đến tương lai, nhưng ngay ngày mai thôi, cái vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền, hay đơn giản chỉ là những thú vui lãng xẹt như lướt Facebook, Youtube,... lại khiến bạn chìm đắm vào chúng, vì đơn giản những thứ ấy phục vụ nhu cầu của bạn ở hiện tại, ngay tại thời điểm này, còn khi nhìn vào bản kế hoạch kia là viễn cảnh của tương lai, và thế là bản kế hoạch kia lại để xó.

Đọc thêm:

2. Do thói quen lười biếng:

Sự lười biếng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Có thể bạn nhận một đồ án, nhưng nó quá khó để bạn bắt tay vào làm ngay. Và thay vì nghiên cứu, đọc tài liệu để bổ sung thêm kiến thức rồi sau đó hoàn thành thì bạn lại để đấy. Và cứ nghĩ đến việc phải làm công việc ấy là trong lòng bạn lại trào dâng lên cảm xúc vô cùng chán nản. Bạn thở dài một cái, và tặc lưỡi: "Thôi để mai, khó lắm!" Và cứ như thế, bạn tự nhủ không biết bao nhiêu lần, và rồi đến tận sát deadline, bạn mới cuống cuồng hoàn thành nó trong một tâm trạng vô cùng vội vã và không chỉn chu. Hay bạn đang định làm một việc này, nhưng bên cạnh bạn có quá nhiều thứ hấp dẫn hơn, dễ dàng hơ, và đương nhiên bạn sẽ chọn cái dễ dàng hơn ấy. Hãy thử so sánh mà xem, giữa việc bạn phải hoàn thành một bản báo cáo về khảo sát thị trường, bạn phải đi khảo sát, phân tích số liệu và viết báo cáo, với việc nằm ngủ ở nhà, lướt Facebook, xem Youtube hay uống cafe với bạn bè, bạn sẽ chọn việc nào. Chắc chắn là việc thứ hai phải không, vì đó là cơ chế của hầu hết não bộ con người khi có xu hướng ưu tiên những công việc dễ dàng, không phải động não nhiều và để lại những gì khó nhất làm sau. Nguyên lí này đúng nếu như bạn đang làm một bài thi hoặc với điều kiện là những việc dễ dàng ấy vẫn trong phạm vi công việc của bạn như có mảng dễ, có mảng khó, nhưng nó sẽ trở thành căn bệnh trì hoãn nếu những công việc dễ dàng là những trò vô bổ, thậm chí là giết thời gian.

3. Do ảnh hưởng của môi trường xung quanh:

Thử tưởng tượng nếu bạn làm việc trong một môi trường có những con người không biết cố gắng và mắc bệnh trì hoãn: đồng nghiệp đi làm muộn vì trời lạnh nên còn vương vấn cái ấm áp của chăn, đến công ti lại tự nhủ lướt Facebook một lát rồi sẽ làm, nhưng kết quả là lướt đến hết buổi sáng. Hay bố mẹ hứa sẽ cho con đi chơi vào cuối tuần nhưng cuối tuần lại lần lữa hết lí do này đến lí do khác, và lại trì hoãn. Đó là các yếu tố về con người, còn có một số các yếu tố bên ngoài khác như thời tiết chẳng hạn. Một cơn gió bấc ngoài trời khiến bạn chẳng muốn rời khỏi cái ấm áp của chăn để đi làm việc. Facebook và những thông báo của Messenger cứ cuốn bạn nhắn tin cho hết người này đến người khác, lòng tự nhủ sẽ đọc nốt cái dramma này thôi rồi sẽ học, nhưng ngẩng đầu lên đã là 10h đêm. Sống trong một môi trường như thế, có mấy ai đủ bản lĩnh để vượt qua cám dỗ mà tiến lên trên so với mọi người?

Đọc thêm:

II. Làm sao để ngăn bệnh trì hoãn?

Căn bệnh này không giống như những căn bệnh khác, chẳng đem lại cái đớn đau mà cũng chẳng đem lại điều phiền muộn. Cái nó mang đến ngay lập tức cho chúng ta chính là cảm giác thoải mái, bạn có thể trì hoãn công việc để đi mua sắm hoặc nằm trong chăn, tất nhiên mấy việc sau thích thú hơn nhiều đúng không. Nó như một con sâu cắn vào con người, nhưng con sâu này cắn lại chẳng thấy đau, mà chỉ thấy êm êm, nên ru con người ta vào sự thích thú của sự chây lười. Và nếu như ta chỉ tận hưởng cái cảm giác êm ái đấy dài lâu mà không tỉnh mộng thì không chỉ năng suất lao động bị giảm, mà con sâu ấy còn đục lỗ, phá hoại con người bạn, lột xác bạn trở thành một con người lười biếng, chậm chạp và lề mề. Giống như sâu trên rau quả, con sâu ấy cũng kìm hãm sự phát triển của chính bạn khi mỗi ngày, lỗ nó đục ngày một sâu hơn và biến con người bạn thành rỗng tuếch, ở đây có nghĩa là rỗng về mặt kiến thức, kĩ năng khi ai cũng tiến lên mà bạn thì ngày một trì hoãn. Nhưng chẳng phải là không có thuốc trừ sâu đó. Mỗi người sẽ sáng chế ra một loại thuốc độc cho riêng mình, nhưng cái cốt lõi ở đây là bạn phải nhận thức được sự nguy hiểm của căn bệnh này và thực sự muốn thay đổi và diệt trừ nó. Bạn có thể làm bất cứ điều gì để ngăn sự phát triển của con sâu, và tìm cách để không vỗ béo cho nó nữa. Chẳng hạn như tắt hết tất cả các thông báo Facebook, Youtube, Messenger, và các mạng xã hội khác; hoặc tự nhốt mình trong một căn phòng không liên lạc với thế giới bên ngoài để hoàn thành xong công việc. Ví dụ như Victor Hugo, nhà văn nổi tiếng của Pháp, nhận viết một cuốn sách trong một năm, nhưng ông lại trì hoãn nó đến 6 tháng, và ông đã chữa căn bệnh này bằng cách đóng kín cửa phòng, cho hết quần áo ra ngoài và ngồi viết với một khăn choàng lên người. Bằng cách này, ông đã loại bỏ được ham muốn đi chơi do chẳng có quần áo phù hợp để ra đường, và hoàn thành nhiệm vụ sớm 2 tuần. Cách quái đản nào cũng được, miễn là nó loại bỏ được hết những chất vỗ béo cho con sâu kia. Nếu cảm thấy chán nản vì công việc quá nhiều, hãy chia nhỏ công việc ra thành các phần, điều đó sẽ khiến bạn có động lực và có niềm tin để hoàn thành công việc hơn. Và điều cuối cùng cũng là điều tối quan trọng, đó là hãy ngưng tìm lý do. Lý do luôn là căn nguyên gây ra bệnh trì hoãn, như "Thôi, hôm nay lạnh lắm, để mai làm",.. và hãy cố gắng đừng nghĩ đến chúng nữa. Hãy điều khiển não bộ của bạn, ngăn không suy nghĩ tìm lý do để bao biện cho sự chây lười của mình, và thúc đẩy dây thần kinh động lực hoạt động mạnh mẽ.
Bệnh trì hoãn cũng luôn song hành với bệnh ảo tưởng và tự cao. Ta nghĩ mình giỏi, nên ta cho phép mình cái quyền trì hoãn. Một điều tồi tệ là khi ta trì hoãn thì mọi người ở xung quanh vẫn đang tiến lên mỗi ngày, và đến khi con sâu trì hoãn đục rỗng người ta rồi, ngoảnh đầu lại ta mới biết mình phí thời gian đến nhường nào. Có thể nói, nếu như bệnh trầm cảm giết chết con người ta bằng những điều phiền muộn và những suy nghĩ đau khổ, tiêu cực, thì ba căn bệnh trên, đặc biệt là bệnh trì hoãn, lại giết con người ta bằng sự êm ái, vui thích ban đầu. Và tin buồn là người ta cứ mãi tận hưởng sự vui thích ấy mà chẳng thể nào dứt ra được. Giống như vua chúa ngày xưa đam mê tửu sắc, căn bệnh trì hoãn cứ quyến rũ ta mỗi ngày mà nếu ta không nhận ra và diệt trừ nó sớm, thì nó cũng sẽ phá hỏng con người ta như tửu sắc đã phá hoại cả giang san đất nước như thế nào.