Mới  hôm qua, bạn tôi kể rằng lúc ghé nhà sách thấy một cây bút khá ưng  nhưng cũng chỉ khen vài câu rồi về. Ấy thế mà vừa tới nhà, quảng  cáo đúng cây bút đó xuất hiện trên news feed.
Đây  là một “hiện tượng kỳ bí” mà chúng ta ít nhiều cũng đã trải qua hoặc nghe nói. Để lý giải, bạn tôi chắc mẩn rằng Facebook đã  nghe lén qua điện thoại.
Chứ nếu không nghe lén thì sao Facebook biết???
*Trước khi đi vào lý  giải về “hiện tượng kỳ bí” trên, tôi cần lưu ý rằng thuật toán và các  dữ liệu mà Facebook thu thập đều là bí mật của công ty này. Ở đây,  chúng ta sẽ có những gì người viết tự đúc kết, học hỏi và kiểm chứng qua  quá trình làm việc.

Lý do xuất phát từ phía người dùng

Ở khía cạnh nào đó, hiện tượng này là một ảo tưởng của người dùng.
Chúng  ta thấy cả trăm quảng cáo mỗi ngày thông qua rất nhiều ứng dụng điện  thoại và máy tính. Hầu hết những quảng cáo đó đều bị lướt qua mà không  để lại bất cứ dấu ấn nào trong tâm trí người xem. Tuy nhiên, nếu một  quảng cáo rơi vào trường hợp chúng ta đang nói tới (tức là đã xem/nói  về/nghe người khác nhắc tới… sản phẩm đó từ trước) thì ngay lập tức nó sẽ gây chú ý. Và trong cả ngàn quảng cáo bạn xem mỗi ngày, mỗi  tuần,… thì việc có một vài trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên hoàn toàn có  thể hiểu được.
Thứ  hai, mỗi ngày, chúng ta nhắc tới nhiều sản phẩm khác nhau nhưng thực tế chỉ số ít trong chúng xuất hiện trở lại trên news feed. Là vậy đó, 999 sản phẩm đã nhắc tới nhưng  không xuất hiện sẽ rơi vào quên lãng, chúng ta chỉ chú ý đến 01 “trường  hợp kỳ bí” mà thôi.

Facebook không cần nghe lén

Nếu không nghe lén, làm sao Facebook biết là bạn tôi đã bày tỏ sự quan tâm tới cây bút kia?
Trong  trường hợp này tôi xin đưa ra một giả thiết. Facebook theo dõi lộ trình của bạn tôi trong ngày và biết được cậu ấy đã ghé qua nhà sách X. Và nếu như cây bút kia đang được nhà sách đó đẩy quảng cáo thì Facebook hoàn toàn có lý do để hiển thị nó cho cậu ấy. Rõ ràng, một người đã từng  ghé cửa hàng sẽ tiềm năng hơn hẳn những người chưa bao giờ tới.
Nhưng nhà sách kia quảng cáo bao nhiêu thứ, tại sao cây bút lại xuất hiện?
Nhà  sách quảng cáo nhiều mặt hàng nhưng bạn tôi có sở thích riêng và sẽ chỉ  quan tâm tới một số nhóm sản phẩm nhất định. Mà sở thích của người dùng thì Facebook nắm quá rõ rồi.
Sau khi kết hợp dữ liệu về lịch sử đi lại và sở thích thì bạn tôi đã trở nên vô cùng tiềm năng trong mắt Facebook do đó khả năng cậu ấy nhìn thấy quảng cáo cây  bút kia là rất cao.
Và như vậy, hiện tượng trên cũng không quá kỳ bí phải không nhỉ?!

Chúng ta đang chia sẻ nhiều dữ liệu cá nhân hơn chúng ta tưởng


Trong  vai trò là một performance marketer, cá nhân tôi luôn cảm thấy rằng sức  mạnh mà các công ty như Facebook nắm trong tay vô cùng đáng sợ. Trong  một lần trao đổi trực tiếp, tư vấn viên của Facebook cũng đã chia sẻ với  tôi rằng Facebook đang dự báo và tìm kiếm người dùng tương tự dựa trên  hàng chục đến hàng trăm nhóm hành vi.
Còn  về việc nghe lén, tôi không loại trừ khả năng Facebook đang làm điều  đó. Tuy nhiên nó cũng chỉ là một trong rất rất nhiều dữ liệu riêng tư khác mà chúng ta chia sẻ (kể cả có và không có sự chấp thuận) mà thôi. Do đó, dù không nghe lén thì Facebook vẫn có được lượng dữ liệu cập nhật theo thời gian thức siêu to khổng lồ vô cùng chi tiết về hành vi của chúng ta.
Từ việc kết hợp hàng chục đến hàng trăm hành vi của mỗi cá nhân, việc dự đoán nhu cầu của người đó đối với các siêu máy tính đúng là chỉ như lấy  đồ trong túi.
Vậy hãy yên tâm nhé, dù bạn bịt micro, che camera thì Facebook vẫn “ám” bạn mọi lúc mọi nơi như thường.

Những dữ liệu mà Facebook đang thu thập/theo dõi từ người dùng

Dưới  đây tôi sẽ liệt kê một số dạng thông tin phổ biến đang được Facebook  khai thác. Đáng sợ ở chỗ, dù có biết thì chúng ta cũng rất khó để làm  được gì ngoài xóa app Facebook.

Dữ liệu cơ bản

Thông tin cơ bản: tên, tuổi, giới tính, ngôn ngữ…
Thông tin liên hệ: email, số điện thoại, địa chỉ, khu vực sinh sống, làm việc
Trạng thái: tình trạng hôn nhân, học vấn, nghề nghiệp, tầng lớp (thu nhập thấp/trung lưu/giàu có…)…
Thông  tin về thiết bị: dòng điện thoại, trình duyệt web, công cụ tìm kiếm hay  dùng, các ứng dụng mà bạn cài đặt trong điện thoại…

Dữ liệu hành vi

Những  nội dung bạn đã và đang quan tâm (thông qua số lần xem, xem lúc nào,  xem bao lâu, tương tác với những nội dung nào, tìm kiếm gì…). Kể cả trên  Facebook hay trên các website khác.
Bạn thích xem bài viết, xem video hay xem nội dung website. Bạn thường comment, reaction hay share bài viết…
Bạn đang sử dụng những ứng dụng nào, sử dụng lúc nào, thời gian sử dụng bao lâu.
Bạn online vào thời gian nào trong ngày và hành động khác nhau như thế nào vào những khoảng thời gian đó.
Bạn  đã phản ứng như thế nào với các loại hình, vị trí quảng cáo. Ví dụ bạn  có từng click vào đường link, điền thông tin (lead form), gửi tin nhắn,  ghé cửa hàng…Lịch sử web, tìm kiếm, mua hàng, di chuyển,…

Dữ liệu từ những người khác có đặc điểm tương tự

Tôi và nhiều đồng nghiệp khác tin rằng Facebook, Google và các nền tảng  khác đang (có thể nói là đã) xây dựng chân dung người dùng một cách tỉ  mỉ. Hiểu nôm na là tạo ra một phiên bản online (avatar) của người dùng.  Từ đó, họ có thể dễ dàng nhóm người dùng tương tự nhau vào những “group”  động và dự đoán hành vi của 1 cá nhân thông qua hành vi của những người  khác trong “group” đó.
Một  ví dụ đơn giản, nếu Facebook tính ra rằng nam giới 30 tuổi, độc thân,  thích mèo, vừa mới mua nhà và từng đi tới Nhà Thờ Đức Bà có khả năng cao  sẽ đặt mua xe đạp, Facebook sẽ hiển thị quảng cao xe đạp cho những  người có avatar giống hoặc gần giống như vậy. Cho dù những người kia chưa từng tìm kiếm về sản phẩm đó.
*Về khả năng dự đoán của Facebook, nó khá thú vị. Tôi sẽ chia sẻ và dẫn chứng cụ thể hơn ở bài viết sau.

Vậy  đã đến lúc xóa app Facebook và đốt điện thoại chưa nhỉ? Vì nếu không,  dữ liệu cá nhân của chúng ta sẽ không bao giờ an toàn. Thực ra tôi có  một câu hỏi khác quan trọng hơn cho bạn đọc:
Trong vấn đề dữ liệu cá nhân bị xâm phạm, chúng ta là nạn nhân hay thủ phạm?
Hãy để cho tôi biết câu trả lời của bạn ở phần bình luận bên dưới hoặc theo dõi bài viết tiếp theo về chủ đề này nhé.