“Hè đến, Thu đi, Đông ở lại
Xuân về mang covid đến bên ta.
Konami, Ea và Bethesda
 Nhìn Riot cười ha ha ha.”
Còn gì nữa đâu hả Riot, viewer vote em lên bàn mổ rồi kìa, thôi thì mình đặt poster em lên tường, từ nay mình bên nhau em nhé. Mỗi lần nhìn thấy rito, Tien Lee lại thấy yêu đời hơn. Mình cùng trao cho nhau những gì tuyệt vời nhất, em ráng nằm yên để chém cho dễ nhé… Xin chào các ngộ đang đón chờ chuyên mục bóc phốt nóng hổi vừa thổi vừa gói mang về, như tựa đề thì ai ai cũng đã đoán ra được khổ chủ hôm nay là ai rồi ấy nhỉ. Thế thì để không làm phiền các ngộ nữa, chúng ta hãy cùng cắn miếng bánh, nuốt tí kem để cùng thí chủ mổ xẻ one punch man ý lộn Copy game man- Riot Games nhé!

Khởi nguồn của Riot

Riot Games, một công ty chuyên về phát triển duy nhất một tựa game ở Mẽo được thành lập vào năm 2006. Vào tháng 12 năm 2015, mười xu đã mua lại 100% cổ phần của Riot, giúp các nhân viên tại đây được nhận thưởng mức lương cao hơn, tổ chức nhiều sự kiện hơn cũng như là chăm chút vào những tác phẩm nghệ thuật game hơn. Tuy nhiên đó là trên lí thuyết, chứ thực tiễn thì là làm skin bắt mắt hơn hút tiền game thủ chứ chả có tốt lành gì ở đây cả. 

Liên minh huyền thoại

Về sự thành công tuyệt vời của riot, không thể không kể đến Liên minh huyền thoại hay còn được các game thủ Việt gọi với cái tên thân thương mỗi khi tạch chuỗi là game lìn, à mà nếu không kể liên minh huyền thoại thì còn cái gì mà giúp Riot thành công được đâu nhỉ? Được phát hành vào ngày 7 tháng 10 năm 2008 và lấy cảm hứng từ Warcraft 3 lẫn Dota, LMHT là một tựa game lấy thể loại MOBA làm chủ đạo với những cuộc chiến online diễn ra trong thời gian thực. Khi quả bom này được tung ra, nó đã là một cơn bão tuyết càn quét thị trường game trên toàn thế giới, rất nhanh chóng tựa game này đã trở nên nổi tiếng trong giới game thủ với những đánh giá vô cùng tích cực kèm với lượng người chơi bình quân cao quất ngưởng. Theo tờ báo của Forbes năm 2012, số giờ chơi của liên minh chiếm kỉ lục tại thị trường Bắc Mĩ và Châu Âu. Tháng 9 năm 2016, ước tính số lượng người chơi tựa game này lên đến 100 triệu người mỗi tháng. Năm 2020 vừa qua, con số này đã vượt qua con số 100 triệu chứng minh rằng đây là một trong những tựa game thành công nhất mọi thời đại. Với tổng cộng 12 máy chủ chính trên toàn thế giới, bạn thử tưởng tượng rằng cứ một giây trôi qua thì một trận liên minh lại được bắt đầu thì cũng đã hiểu được cái bóng của nó to đến mức nào.

Sự thành công của liên minh

Câu hỏi ở đây là, tại sao liên minh lại cuốn hút đến vậy, liệu nó có ngon hơn việc húp trà xanh hay không? Một trong những điểm cộng của liên minh, đầu tiên phải kể đến đó chính là việc được Riot trau dồi quá kĩ lưỡng... à thì không đầu tư cho con game này thì còn game nào nữa đâu mà đầu với chả tư, từ phần hình ảnh được nâng cấp qua từng năm để bắt kịp với thời đại đến những vị tướng có lối chơi độc dị giúp người chơi không bị chán ngán, liên minh huyền thoại chính là tinh hoa, là sản phẩm nghệ thuật để đời của hãng. Tiếp theo chính là tính dễ tiếp cận của game, quả không ngoa khi nói rằng liên minh huyền thoại tuy là một tựa game MOBA có số lượng tướng lên đến 154 cái tên nhưng người chơi newbie vẫn có thể nắm bắt được những gì đang diễn ra trong trận, chính vì yếu tố này đã cấu thành nên độ nổi tiếng của tựa game. Người người chơi liên minh, nhà nhà chơi liên minh, nó trở thành một tựa game “quốc dân” đến mức thằng bạn nối khố chỉ cần hỏi “Liên minh không?” là sẽ ngầm hiểu rằng chuẩn bị trốn học làm nhẹ kèo sting thôi. Có thể tôi hơi quá, nhưng thực chất solo yasuo coi ai chuẩn men hơn từ lâu đã trở thành một phần truyền thống gamer xứ Đông Lào, nó là một đặc sản, là một phần không thể thiếu của thời trẻ trâu lẫy lừng của rất nhiều người.

Một cộng đồng Toxic


Cuộc đời là một con dao hai lưỡi, đi kèm với sự thành công nối dài của liên minh đã kéo theo không ít những hệ lụy không bao giờ có thể xóa nhòa được, một trong số vấn đề còn tồn đọng hiện đó chính là cộng đồng liên minh huyền thoại quá toxic. Tôi biết rằng đây là câu chuyện muôn thuở với tất cả các tựa game online nhưng nếu có một cuộc thi bình chọn game toxic, liên minh sẽ xếp thứ ba chỉ đứng sau CS:GO và Dota 2, hứa với các bạn luôn đấy. Theo thống kê của cục phòng chống nghệ thuật hắc ám, cứ mỗi 10 trận ghép đội thì có đến 8 hoặc 9 trận bạn sẽ được trao tặng những lời hay ý đẹp từ cả team bạn lẫn team mình. Chơi gà bị chửi là ngốc, chơi hay lại bảo ks, thằng ad bị bắt nó bảo tại sp không biết bảo kê, thằng top lỗi đổ tại rừng không biết gank, cặp bot bị đì đọt lại đổ cho mid chỉ biết ôm lane, bị cướp rồng rừng chửi tại team không biết kiểm soát, ôi giời ơi một nghìn lẻ một câu chửi đi vào sách giáo khoa toàn thư của game thủ liên minh sẵn sàng rút đũa phép ra cùng với câu thần chú “Tại abc...vì xyz...” trút hết mọi sai lầm của mình lên đầu người khác và sẵn sàng bắn bỏ bất cứ ai dám mò lên dòng chat. Một ngày đẹp trời bạn hãy vào thử trang liên minh huyền thoại trên facebook và cả những confession, sẽ không khó để bắt gặp trận đấu võ mồm vô cùng kịch tích về chất tướng quá yếu quá mạnh, con này cuối game mạnh hơn con kia đầu trận, xóa con này đi bỏ con kia đi cùng với vô số lời đao to búa lớn trao cho nhau. Chưa dừng lại tại đó, một số trường hợp còn quá khích show địa chỉ nhà, số điện thoại, thông tin cá nhân, thách thức tổ chức đánh nhau ngoài đời thật khiến môi trường chơi game trong liên minh huyền thoại trở thành một bãi chiến trường hỗn độn. Còn có mấy ai nhớ đến thiết luật anh hùng- những luật lệ được Riot tạo ra nhằm giúp xây dựng cộng đồng liên minh huyền thoại trở nên tốt đẹp hơn?

Cái client khó ở

Không phải thứ gì được nâng cấp hơn là tốt hơn, trong đó có client của liên minh huyền thoại, để có thể đặt chân đến được vùng đất liên minh, bạn phải bước qua đầm lầy của cái client sida này trước. Thật là cho dù có bắc thang lên hỏi ông trời đi nữa cũng không giúp tôi hiểu được tại sao Riot games có thể tạo ra client nhiều bug hơn cả fallout 4 với cyberbug cộng lại. Cứ mỗi phiên bản update thì lượng bug này ngày càng một nhiều thêm, nhiều đến mức gây khó dễ cho người chơi khiến cho trải nghiệm của mỗi lần chơi liên minh huyền thoại là một lần đớn đau, để hiểu rõ hơn về sự khó ở của cái client, mời các quý bà con cô bác qua kênh của thánh tìm bug Vandiril để hiểu rõ hơn. Tháng 3 năm 2020 tại máy chủ Bắc Mĩ, Riot Games hứa rằng sẽ sửa thế nhưng cho đến hiện tại thì crush sắp lấy chồng, tôi sắp ba mươi rồi mà vẫn chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy việc client đã được chăm chút lại cả.

Kinh nghiệm 200 năm cân bằng tướng

Để tôn vinh cho đội ngũ phát triển game của Riot đã làm việc suốt ngày thâu đêm quên ăn quên ngủ, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt nước mắt đầm đìa, chỉ mong có thể tạo nên một tựa game hoàn toàn cân bằng cho người chơi có thể tận hưởng sau một ngày làm việc học tập mệt mỏi thì game cực hay và toàn thể cái internet này sẽ trao tặng giải thưởng danh giá “công ty có hơn trăm năm tận tụy cho mỗi việc cân bằng game”. Liên minh của hiện tại, Riot dành cả thanh xuân cho game cũng không thể chắp vá được những lỗ hổng to như chân voi. Riot “Lực bất tòng tâm” trong việc cân bằng chính là những vị tướng liên tục bị ăn búa rìu nerf đến mức không còn cái quần mà bận. Điển hình nhất phải nhắc đến Cua-ka-li sau khi “được” làm lại ở bản 8.15 thì ăn búa toàn diện lết dài đến phiên bản hiện tại, từ nội tại đến chiêu cuối đến cả những chỉ số cơ bản, Akali bị đì đọt đến không ngóc nổi cái đầu lên, cứ một bản cập nhật được buff thì ba bốn bản cập nhật bị nerf đến thảm hại. Nhưng Akali chưa phải là bệnh nhân đau khổ nhất của khoa chỉnh hình hồi phục chấn thương sau ăn búa mà là Ryze cơ, vị tướng già gân gắn bó với liên minh từ những phiên bản đầu tiên phải chịu 3 lần làm lại hoàn toàn bộ kĩ năng cùng với hàng tá danh sách buff nerf dài hơn cả sổ chủ nhiệm. Bạn có bao giờ tự hỏi rằng, tại sao yếu đến thế, khổ đến thế mà những vị tướng này vẫn bị nerf không? Đó chính là sự khác nhau giữa rank đồng và kim cương, đội ngũ cân bằng game phải vắt óc suy nghĩ xem liệu tăng hoặc giảm sức mạnh một tướng sẽ có ảnh hưởng gì đến những mức rank hiện tại khi mà chỉ cần nâng sức mạnh của chúng lên một chút sẽ làm loạn mức rank cao ngay lập tức còn nếu hạ xuống quá thì chẳng ai còn muốn sử dụng chúng nữa, vì vậy việc cân bằng một tướng hợp tình rank cao vừa lòng rank thấp gần như trở thành một nhiệm vụ bất khả thi. Game đã khó thế nhưng Riot còn quyết định hô biến việc cân bằng trở thành một cơn ác mộng thật sự khi mà hãng liên tục tạo ra những vị tướng mới, để làm chi á? Tất nhiên là để tạo ra những dòng skin mới để hút tiền túi game thủ rồi.

Bước đi vội vã

Vào ngày 30 tháng 7 năm 2020, thành phố Neom của Ả rập xê út, đã trở thành thành phố tài trợ giải chính cho giải liên minh huyền thoại tại Châu âu được tổ chức vào mùa hè. Tuy nhiên, thành phố này lại là nơi từng bị Eurogamer bóc phốt là đã sát hại dã man các dân tộc thiểu số để mở đường xây dựng thành phố. Ả rập xê út ngoài ra cũng nổi tiếng với việc vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng và có nhiều luật lệ hà khắc. Điều này khiến người hâm mộ và cả những nhân viên tại Riot games đặt ra một dấu chấm hỏi lớn: Liệu bỏ tiền ra tổ chức một giải đấu liên minh huyền thoại có phải là một nỗ lực đánh bóng tên tuổi và cố gắng xóa đi những tội lỗi của thành phố trước kia? Rất may là Riot đã sớm nhận ra bước đi sai lầm này, hãng nhanh chóng hủy hợp đồng bên cạnh đó đưa ra lời xin lỗi chân thành với fan của hãng khắp thế giới. Nhưng ai nào đâu được chữ ngờ, hóa ra Riot còn vi phạm nhân quyền ngay cả trong hệ thống của mình, cái mà tôi đang nói là vụ việc phân biệt giới tính ngay chính tại công ty đấy.

Nạn phân biệt giới tính


Tất cả bắt đầu bằng một bài báo được đăng tải trên Kotaku- blog nổi tiếng nhất nhì giới game thủ, về nạn phân biệt giới tính tại công ty. Lacy- một cựu nhân viên tại đây đã đặt dấu chấm hỏi rất lớn cho Riot về việc các nhân viên nữ không được lên chức mặc dù họ đã cống hiến rất nhiều cho hãng, hầu hết những lí do mà Riot từ chối nâng vị thế của những nữ nhân viên này rất nhảm nhí nào là “không đủ tố chất”, “cái tôi quá lớn”, “chưa đủ gamer”. Riêng bản thân Lacy, cô đã phải chịu đựng những câu hỏi vi phạm quyền cá nhân, những lời bàn tán về ngoại hình, thậm chí sếp trên đôi lúc còn ám chỉ rằng vị trí mà cô có hiện giờ là nhờ vào ngoại hình của cô chứ không có tài cán gì cả. Kotaku đã trò chuyện với 28 người bao gồm nhân viên và cựu nhân viên, hầu hết đều có những câu chuyện bị phân biệt như Lacy. Để trả lời cho việc này, 5 tháng sau Riot đã quyết tâm cải cách lại bộ máy bằng việc hứa sẽ thanh trừng mọi hành động phân biệt giới tính, đồng thời sẽ sửa đổi lại luật tại công ty để có thể tạo ra một môi trường ít độc hại hơn cho phái yếu. Để chứng minh cho điều ấy, Riot sau khi điều tra đã ra án phạt cho “cái tên nổi bật nhất” giám đốc điều hành Scott Gelb đó là.... trừ lương hai tháng.
Tiện nói về các giám đốc của Riot, đợt tháng 6 năm ngoái khi vụ việc George Floyd đang gây làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trên toàn thế giới về vấn đề phân biệt chủng tộc. Giám đốc mảng sản phẩm toàn cầu của Riot, Ron Johnson đã đăng 1 bức ảnh nhấn mạnh vào “lối sống tội phạm” của người đàn ông này. Một cú tẩy trắng nhẹ khiến cho Riot phải ra tay tẩy trắng luôn chức danh của Ron. Mặc dù đây chỉ là hành vi của 1 cá nhân, nhưng với việc sở hữu giám đốc điều hành và giám đốc sản phẩm toàn cầu như vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ về môi trường độc hại họ tạo ra cho cấp dưới của mình.

Vấn đề về bản quyền và những thứ khác

Vào năm 2016, một tựa game được ra mắt trên Google PlayStore với tên gọi Mobile Legends: Bang Bang, với hình ảnh và cách chơi na ná với LOL. Game cũng khá là nổi tiếng, nhất là ở vùng Đông Nam Á, nghe đâu còn được làm hạng mục thi đấu esport tranh huy chương tại ao làng SEA GAMES lần thứ 30 tại Philippines. Dĩ nhiên Riot không để yên, họ đâm đơn kiện lên tòa tại California, sau khi bị từ chối thì mếu máo mách mẹ Tencent, và ông lớn này đã kiện Moonton - chủ nhân của tựa game trên - tại Trung Quốc. Dĩ nhiên là với quyền thế của mình thì Tencent thắng kiện, và Moonton phải trả đâu khoảng 2,9 triệu đô nghĩa là 70 tỷ VND đền bù. Chưa hết, thậm chí Riot còn kiện một đội tuyển esport tại Mỹ dại dột chọn cái tên cho mình là Riot Squad Esports, bởi vì … họ đã đăng ký bản quyền cái tên Riot. Thật là trớ trêu thay, khi Riot lại là copy man của giới làm game.

Thú thật đi, bạn thừa biết rằng tất cả các tựa game của Riot, ít nhiều gì cũng là lượm ve chai của các tựa game khác rồi biến nó thành nồi lẩu của mình. Đấu trường vô lý hay là AutoChess 2.0,  valorant hả, nghe giông giống CS:GO 2.0 ấy nhỉ. Đây thật sự đáng báo động vì hiện tại Riot không có cho mình một tựa game nào đó thể hiện được bản sắc riêng của hãng, Valorant hiện tại không khác gì con rơi con rớt sau đêm CS:GO đi bay với Overwatch, từ cách bắn, lối chơi đặt bom, thể loại, độ giật của súng, xài tiền mua súng, đi bộ không phát ra tiếng, teamwork, 25 round đấu mỗi round tầm 2 phút tổng cộng một màn chơi rơi vào khoảng 30 phút. Việc tôi đem tựa game mới nổi này lên bàn cân với CS:GO, một tựa game với tuổi đời hơn 8 năm đã là quá nhân nhượng rồi, nếu đặt vào thị trường game FPS hiện tại với những ông lớn như Call of Duty, Apex Legend thì với nền đồ họa và lối chơi như thế đủ để hai từ “lỗi thời” trở thành một vấn đề lớn trong công ty. Ngoài ra chúng ta ở hiện tại còn có Đấu trường chân lý, một chế độ chơi hoàn toàn khác của Riot, dòng game này hiện tại đã vấp phải rất nhiều hoài nghi về tính công bằng trong game khi phải phụ thuộc không ít vào tính may rủi thì nay Riot hoàn toàn biến lối chơi của chế độ này xoay quanh những món đồ mà hên xui người chơi mới có thể có được, mục đích của việc theo đuổi một đội hình hoàn hảo đúng hệ đúng tộc làm gì nếu thiếu đi những trang bị thiết yếu. Một tướng 3 sao sẽ hoàn toàn vô tác dụng nếu không được ráp đúng đồ của nó và ngược lại, một tướng chỉ cần 2 sao nhưng nếu lên đồ đúng sách giáo khoa thầy ba thì vẫn có khả năng một mình ngộ chấp hết. À mà do tôi hay hay là cái skin Lucian của Riot này y hệt như Edgar Davids- một cầu thủ bóng đá nổi tiếng ngoài đời thật ấy nhỉ, gì cơ, mấy ông nói với tôi là Edgar Davids thậm chí đã kiện Riot vì tội ăn cắp bản quyền hình ảnh của mình và thậm chí còn thắng kiện cơ á, thật là ngạc nhiên quá đi mà!

Riot họ biết việc họ đang làm không? Có chứ, với lượng nhân viên khá đông thì ắt hẳn việc vô tình hay cố ý làm giống với các tựa game khác đều đã nằm trong dự tính của công ty. Việc chi quá nhiều tiền vào hình thức marketing quá đà vô hình chung đã làm giảm chất lượng của những đứa con tinh thần của Riot, không phải ngẫu nhiên mà người ta kêu Riot đi sản xuất phim đâu, những cinematic hay những video ca nhạc đều quá bắt mắt, quá hoành tráng trong khi chất lượng game của công ty lại ở mức trung bình nếu không muốn nói là dưới trung bình. Đáng tội hơn, những sự kiện ra mắt gần đây như sự kiện mừng năm mới, mừng sinh nhật xuống cấp rõ rệt khi hiện tại đều quay quanh những skin vô thưởng vô phạt, còn mấy ai nhớ đến những chế độ chất chơi người dơi của hãng khi xưa như chế độ thăng hoa, cướp cờ, máy siêu khủng khiếp, quái vật xâm lăng, huyết nguyệt,... đã từng một thời Riot rất chăm chút vào những trải nghiệm mới mẻ ấy nhằm giới thiệu những trang phục sắp được trình làng, người chơi đã từng rất hào hứng khi tham gia vào những sự kiện ấy, tất cả chỉ để lại nỗi thất vọng khi mà giờ đây khi đăng nhập vào game, người ta lại lắc đầu ngao ngán khi thấy một sự kiện mới đang diễn ra mà không có tí công sức hay sự đầu tư đúng đắn nào cả. 

Hút máu nhè nhẹ

Sẽ là một sai lầm nếu như tôi nói rằng skin của Liên minh huyền thoại hay Valorant hút máu người chơi đúng không, chẳng phải đây toàn là những tựa game free hoàn toàn đấy sao, Riot còn thương người chơi hơn bằng cách ra mắt hệ thống mở hòm lấy skin hoàn toàn miễn phí. À thì đấy là lợi cho những người chơi hệ free, còn những người chơi hệ nạp tiền thì sao? thì viêm màng túi chớ sao. Với số lượng skin đỏ và xanh (đều có giá trên dưới 200 rp) ngày một nhiều thì số tiền mà game thủ phải bỏ ra cũng ngày một dày, những trang phục thường đều bị lãng quên và đôi khi chất lượng của những skin mới ra còn khiến cho cộng đồng phải thất vọng. Đôi khi giữa dòng đời tấp nập, tôi tưởng tượng rằng liệu bán quyển sổ đỏ tại thủ đô Hà Nội đi không biết đã đủ tiền mua toàn bộ các skin súng trong Valorant hay chưa. Một gói bao gồm toàn bộ skin Dragon huyền thoại có thể tiêu tốn đến tận 300 đô đồng giá với đâu đó gần 7 củ, chúng ta phải bỏ ra gần 7 củ cho mấy cái skin vào một tựa game mà biết chắc rằng nó hoàn toàn vô tác dụng ngoài đời thật. Tôi biết là Riot phải làm cách nào đó để kiếm cơm nuôi đội ngũ phát triển của họ, nhưng lí do như thế là chưa đủ để che đậy việc những skin súng đó tốn quá nhiều tiền, nhiều lúc  tôi muốn bỏ một hai bữa ăn sáng để có thể ủng hộ Riot cùng những người bạn nhưng nhìn lại giá tiền thì chỉ có nhịn ăn cả tháng mới đủ mua một hai cái skin ghẻ. Với một tựa game mà đặt nặng esport lên hàng đầu như thế mà lại có skin quá đắt đỏ thì nó liệu có phải là một điều tốt hay không?

Hệ thống chống hack đầy tranh cãi

“Nước trong thì không có cá 
Làm việc tốt quá thì con cá cũng chả thèm chơi”

Vanguard- hệ thống anticheat của Riot vận hành một cách kì lạ đến mức khó hiểu. Chống hack làm việc hiệu quả đến mức ngay cả khi Valorant đã tắt đi thì nó vẫn hoạt động bình thường khiến cho những tựa game khác bị giảm FPS đi một cách rõ rệt, việc “chạy ngầm” này không những chiếm tài nguyên của máy, chiếm dụng bộ nhớ mà còn gây ra tình trạng tràn ram, đứng máy và khiến máy nóng lên nhanh chóng. Một bài viết trên Reddit nhận được hơn 20 nghìn lượt upvote về việc Valorant tắt đi toàn bộ tính năng tản nhiệt và các ứng dụng hệ thống của máy tính dẫn đến việc máy nóng lên đến hơn 90 độ C, tận 90 độ cơ đấy, bắt cái chảo đập quả trứng đem chiên còn được, điều này dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn về việc cháy nổ cũng như là gây nguy hiểm cho fan của tựa game này. Vanguard anticheat thậm chí còn chiếm quyền admin đồng nghĩa với việc những dữ liệu bí mật có thể có nguy cơ bị đánh cắp, à mà đừng bất ngờ quá, Riot Games giờ thuộc quyền sở hữu của công ty Trung Quốc mang tên Mười Xu rồi cơ mà, chuyện phần mềm thứ ba ăn cắp dữ liệu chắc chỉ còn là sớm muộn thôi. Để bào chữa cho sự việc này, Riot Games lại hứa sẽ điều chỉnh lại các tính năng bảo mật của Valorant và cam kết sẽ không đánh cắp bất kì thông tin nào của người dùng, à thì ban ngày hứa hẹn thế nhưng ai biết được khi màn đêm buông xuống Riot sẽ làm gì đâu, thôi thì lời xin lỗi muộn màng thế cũng không vớt vát được niềm tin của người hâm mộ đã đặt vào công ty, điều này đã để lại một vết đen lớn cho tựa game mới nổi Valorant.

Đôi lời dòng cuối

Với trình độ phát triển game không hề giả trân như hiện tại, có lẽ Riot nên suy tính đến việc đầu tư thêm tiền bạc và công sức cho những tựa game của hãng trong hiện tại và tương lai thay vì đổ tiền vào làm cinematic quá sức hào nhoáng. Thôi thì mình cùng tôi gửi những lời chúc tết tốt đẹp nhất đến với Riot Games cầu mong hãng sang năm mới sẽ tập trung hơn vào chuyên môn của mình nhé.