Melbourne - 27 Feb 2021 | DUC
Tình cờ trong quá trình tìm kiếm tài liệu cho một nghiên cứu mới về động lực (motivation) trong năm COVID đệ nhị vô vàn khó khăn trắc trở khiến con người ta cảm thấy chán chường này, tôi chợt nghĩ về Đai và Pop. Tôi nhớ lại cái phân đoạn mà Đai mất sạch ý chí chiến đấu sau khi bại trận, cậu cố chạy trốn khỏi cái tước vị “anh hùng” mà mọi người tôn vinh cậu, cậu cảm thấy bất lực và sợ hãi trước cái áp lực quá lớn, cậu không còn muốn tiếp tục chiến đấu. Ơ! thế làm quái nào mà Đai lại tiếp tục đứng lên vì cái nhân dạng the Hero của mình nhỉ!? Pop hình như đã nói gì với Đai ấy, tôi cố nghĩ lại…
Source: Twitter @Sackchief
    Tôi thi thoảng hay liên tưởng đến truyện tranh trong quá trình tìm tòi về một đề tài nào đấy có liên quan đến tính cách con người, mặc dù tôi cũng không đọc nhiều bộ lắm.. vì lý do nhà nghèo :) Cho nên quanh đi quẩn lại có vài bộ, mà tôi vẫn nhớ như in từng câu thoại, từng khoảnh khắc nhí nhố mà hồi đó anh em tôi cười như nắc nẻ, và cả những tiêu đề của từng tập mà tôi cảm thấy tuy khó hiểu nhưng rất là khích thích. Tôi cũng có viết một bài về Dấu Ấn Rồng Thiêng, nhưng là ở một khía cạnh khác. Còn bài này tôi muốn viết về cái tôi (self) và nhân dạng (identity), mà tôi cho là những vấn đề về nhân dạng mà con người ta phải đối mặt ngày càng trầm trọng và phổ biến trong cái thời đại của siêu kết nối. Cụ thể, tôi muốn mượn câu chuyện của Đai để đưa ra một ví dụ về khủng hoảng nhân dạng điển hình ở con người, rồi từ đó cung cấp thêm những thông tin và cách nhìn về vấn đề này ở thời hiện đại.
    Đai, sau một lần cùng cha quyết tử xâm nhập cung điện ma vương tạo ra một cuộc đụng độ kinh thiên động địa với siêu ma Hadlar và đại ma đầu Lord Vearn, đã phải gánh chịu một kết cục thảm khốc. Trong khi bản thân cậu suýt mất mạng, bảo kiếm gãy đôi, cha cậu đã hy sinh để bảo vệ cậu và các bạn khi quả bom huỷ diệt phát nổ. May mắn giữ được mạng sống, nhưng tinh thần cậu bé như kiệt quệ. Cậu mất sạch tự tin và động lực chiến đấu vì mất cha, và cũng vì ám ảnh sức mạnh quá to lớn của Lord Vearn; khi đó, Đai đã quyết định đào ngũ. Cậu chạy trốn đến đền thờ rồng, nơi mà Đai lần đầu gặp cha mình ngồi đó và tự dằn vặt bản thân vì năng lực kém cỏi của mình. May mắn thay, người bạn thân nhất của cậu bé đã kịp có mặt bên cậu để kéo lại cho Đai sự tự tin và tinh thần chiến đấu. Pop - chính là người mà tôi cho là nhân vật chính của truyện trong một bài viết trước đây - đã giải toả tâm lý cho Đai chỉ bằng vài câu nói đơn giản, khi mà Đai hay những người khác nếu lâm vào cùng cảnh ngộ sẽ cảm giác gần như bế tắc và tuyệt vọng, hay thậm chí bắt đầu tiến đến suy nghĩ huỷ hoại bản thân và tự tử. Khi Đai một mực cho rằng cậu vô dụng trước sức mạnh yêu ma, và mọi người đều quá đánh giá cao cậu, Pop quả quyết Đai vẫn là Đai trong mắt cậu, không hơn không kém, và dù có người anh hùng Đai hay không thì Pop và mọi người vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi thân tàn lực kiệt. Pop nói: 
…chúng ta đã chiến đấu rất kiên cường vì mọi người, giờ chính là lúc chúng ta chiến đâú… vì bản thân
    Vì bản thân ư? thế nghĩa là thế nào? Pop lý giải về sự trưởng thành của chính cậu trong việc đối mặt với sự hèn mạt và nhu nhược từ lúc bắt đầu cuộc phiêu lưu. Pop không chỉ chiến thắng kẻ thù, mà còn chiến thắng nỗi sợ hãi nằm sâu trong tâm thức mà cậu đã nhiều lần trốn tránh. Khi mà Pop ở hiện tại đã tìm ra được sự tự tin cho bản thân, tìm ra được hướng đi cùng vai trò và trách nhiệm cậu mong muốn để mang lại niềm vui không chỉ cho chính cậu mà còn cho nhiều người khác, Pop thề sẽ chiến đấu đến cùng với bất kỳ thế lực nào tìm cách huỷ hoại niềm tin và động lực của mình.
…đây là cuộc chiến của chúng ta - Pop khẳng định.
...
Những vấn đề về nhân dạng, thực ra, đã được giới học thuật đề cập trong quá trình ngiên cứu sự phát triển tính cách (personality development) của con người từ những năm 50 của thế kỷ trước, mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi cho đến tận ngày hôm nay. Nổi tiếng phải kể đến giáo sư tâm lý học người Mỹ gốc Đức Erik Homburger Erikson (1902-1994) tại đại học Harvard, người đã đưa ra học thuyết về các trạng thái phát triển tâm lý của con người. Đặc biệt, nhiều người biết đến ông qua khái niệm khủng hoảng nhận dạng (identity crisis) trong quá trình hình thành và phát triển những nét đặc trưng trong tính cách con người mà có thể phân biệt được (identity development / identity formation). Erikson cho rằng ở cái tuổi dậy thì, những người trẻ tuổi thường gặp phải những vấn đề về tâm lý khi không nhận diện được hoặc nhận diện sai lệch về những bản sắc/cái tôi (self) gắn liền với bản ngã (ego) của họ, dẫn đến những rối loạn trong hành vi. Như kiểu dân dã người ta hay nói đùa rằng: “tôi là ai…? và đây là đâu…?” Hầu hết các nhà nghiên cứu đồng ý rằng phần lớn nguyên nhân của vấn đề này nằm ở những tác nhân bên ngoài môi trường (external factors), nhưng bản chất của sự ảnh hưởng từ các tác nhân này vẫn còn nhiều tranh luận. Quả thực, ngay chính các khái niệm như “cái tôi” và “nhân dạng” và các vấn đề liên quan vẫn chưa hoàn toàn được nhất trí kể từ sau Erikson cho đến thời điểm hiện tại. Ví dụ như có hay không sự khác biệt giữa “cái tôi” và “nhân dạng”? hay là, có một nhân dạng đồng nhất hay là có nhiều nhân dạng khác nhau? 
    Tiếp cận vấn đề này dựa trên “thuyết tự xác định” (SDT; Self-Determination Theory) phổ biến trong suốt gần 40 năm qua của hai nhà tâm lý học người Mỹ Richard Ryan và Edward Deci, sự hình thành nhân dạng trong quá trình xã hội hoá (socialization) của con người và các vấn đề liên quan đã được giải thích theo cơ chế nội hoá (internalization) các tác nhân bên ngoài hoặc phát triển từ các động lực nội tại (intrinsic motivation) trên cơ sở của ba nhu cầu tâm lý cơn bản (basic psychological needs), bao gồm nhu cầu về sự gần gũi (relatedness), sự tự chủ (autonomy), và năng lực (competence). Theo đó, Ryan và Deci xem cái tôi và nhân dạng là hai phần có liên quan được tách rời nhau, trong đó cái tôi của con người được xem như phần gốc rễ trong tâm trí mỗi con người được hình thành dựa trên ba nhu cầu tâm lý nền tảng từ những năm đầu đời; sau đó, trong quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ trong một xã hội đặc thù, các nhân dạng phù hợp với hoàn cảnh sẽ được hình thành, gia cố, và duy trì xuyên suốt đời người. Theo ý nghĩa này, SDT cho rằng một người có thể tạo ra nhiều nhân dạng khác nhau, và người này sẽ gặp phải vấn đề về khủng hoảng nhân dạng nếu cái nhân dạng người đó đang “mang” không đồng nhất hoặc thậm chí đối nghịch với ít nhất một trong ba nhu cầu tâm lý trên theo những mức độ khác nhau. Vấn đề này thường thấy rõ nhất ở giai đoạn tuổi dậy thì, khi cơ thể và sự tương tác với xã hội bắt đầu có nhiều thay đổi; tuy nhiên, dù ở bất cứ độ tuổi nào thì khủng hoảng nhân dạng cũng có thể xảy ra khiến cho con người ta bắt đầu thay đổi suy nghĩ và hành vi. Điển hình như mất đi động lực sống và làm việc được xem như một trong những hậu quả của khủng hoảng nhân dạng, kéo theo nhiều hệ luỵ khác.
    Chính vì lý do muốn nhấn mạnh yếu tố “người” và yếu tố “xã hội,” cũng như tính chất “hàng hoá” đặc trưng (commodification), tôi dùng danh từ nhân dạng thay vì động từ nhận dạng hay cụm danh từ sự nhận dạng. Nhân dạng ở đây được xem như là một sự thể hiện bản thân qua các hành vi cụ thể, trong một vai trò được xã hội công nhận. Nhân dạng có được thông qua quá trình tương tác với ngoại cảnh trong suốt quá trình sống từ tuổi ấu thơ đến suốt giai đoạn trưởng thành. Trong quá trình này, con người, đặc biệt là trẻ em và những người trẻ tuổi, thường tiếp nhận và xây dựng nhiều nhân dạng khác nhau qua các phương tiện khác nhau ví dụ như truyện kể, truyện tranh, sách báo, ti vi, internet… Để dễ hình dung, tôi sẽ trình bày dưới đây một số ví dụ về nhân dạng mà cá nhân tôi và các bạn cùng thế hệ tôi đã được tiếp cận (ở đây là nam thôi nhé lol). 
Truyền thuyết kể rằng: “ngày xửa ngày xưa, có vị anh hùng nọ lớn nhanh như thổi, người mang áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, một thân một mình đánh đuổi bọn giặc Ân xâm lược, và được dân chúng tôn vinh là Phù Đổng Thiên Vương…” Rồi từ đó trở về sau, các cậu bé trong lúc chơi đùa thường tranh nhau cái vị trí Thiên Vương ấy, mà các cậu tin rằng mình chính là vị anh hùng hảo hán ngàn năm có một, đánh đuổi cái ác ban phước lành cho dân tộc…
Ôi dào! đó là chuyện từ cái thời nảo thời nao, chứ cái thời của tôi ấy hả, chúng nó tranh nhau làm Gasco, làm Kip, làm Hesman cơ. Sau một thời gian thì chúng lại tranh nhau làm siêu nhân Đỏ, chán chê rồi lại xí phần siêu nhân Bạc khi nhân vật này vừa được cho ra lò.
Còn tụi cấp 2 thì sao nhỉ!? cái tuổi tơ vương vừa chớm nở ấy, uh thì “..nhóm chúng tao là F4 [NV: bốn phẩy, lol], tao là Ngôn Thừa Húc, thằng này là Châu Du Dân, thằng kia là Chu Hiếu Thiên…” Nghĩ lại đúng cười *a! Haha!
“…Cái bọn con nít vớ va vớ vẩn, không lo học hành phấn đấu thành Steve Job hay Elon Musk đi, suốt ngày mơ mộng viển vông!” - Một anh tuổi “hăm” cho biết.
Trở lại với Dấu Ấn Rồng Thiêng, Đai từ khi còn ở đảo Dermline, được nhặt về nuôi bởi lão phù thuỷ quái vật Brass, đã bộc lộ sự yêu thích đặc biệt về kiếm thuật và hình tượng anh hùng trừ gian diệt bạo. Dưới sự dạy dỗ nhân từ của ông Brass, Đai đã có dịp nuôi dưỡng chí anh hùng, để bảo vệ các sinh vật trên đảo khỏi lũ người xấu. Dưới góc nhìn của SDT, trước tiên và trên hết, Đai đã có được sự thoả mãn về sự gần gũi với Brass và muôn loài trên đảo mỗi khi tố chất anh hùng của mình được bộc lộ. Cậu bé cũng được trao cho sự tự chủ cần thiết để đeo đuổi những việc cậu mong muốn. Và với tài năng ẩn dấu, năng lực chiến đấu của Đai càng ngày càng được thúc đẩy hoàn thiện theo thời gian. Từ niềm khát khao ban đầu, cùng với hoàn cảnh đưa đẩy, Đai đã trở thành vị anh hùng diệt yêu hàng ma - cái nhân dạng mà cậu bé hằng mong ước. Cho đến trước khi Đai nhận trái đắng bởi Lord Vearn, Đai vẫn không ngừng cố gắng chiến đấu hết mình và không bỏ cuộc. Nhưng sau thất bại, cậu bé cảm thấy bất lực vì năng lực kém, mối quan hệ của cậu và tập thể dường như bị rạn nứt vì mọi người vẫn nghĩ cậu là anh hùng, trong khi thực tế cậu chỉ là kẻ bại trận. Đồng thời, như một hiệu ứng domino, Đai mất luôn cả sự sự chủ, cho đến khi Pop chỉ ra rằng hình ảnh Đai trong mắt Pop vẫn không hề suy suyển, đem lại cho cậu bé một chỗ dựa tinh thần, dù là rất nhỏ.
Dragon Quest: Dai no Daibouken (anime 2020)
    Cái cốt lõi mà tôi muốn nói ở đây chính là sự kết nối giữa nhân dạng mà con người chúng ta đang mang và sự thoả mãn ba nhu cầu tâm lý cơ bản. Sự đau đớn về tinh thần chúng ta đang gánh căn bản nằm ở sự kết nối hay đứt gãy giữa nhân dạng và sự thoả mãn cả  ba nhu cầu tâm lý cần thiết. Trái ngược với Đai, Pop là một cậu bé bình thường thậm chí tầm thường khi đặt giữa những người bạn đồng hành với tài năng vượt trội. Cái sự hèn nhát của Pop lúc đầu bắt nguồn từ sự nuôi dưỡng khắc nghiệt của cha cậu. Thật trớ trêu thay, khi ông mong đợi cái sự mạnh mẽ trượng phu của con trai bằng sự khắc nghiệt, cái mà Pop tạo dựng chỉ là một nhân dạng của kẻ bạc nhược yếu đuối. Đây cũng là cái quy luật đền bù mà theo SDT thì dưới động lực cưỡng bức, cái nhân dạng được tạo dựng thay vì bắt nguồn từ cái tôi tích cực thì lại tiếp nhận các yếu tố lệch lạc tạo ra một nhân dạng lệch lạc bắt nguồn sừ sự sợ hãi. Từ khi bỏ nhà đi bụi cùng Avan, Pop mới có được sự tự chủ cần thiết, và sự gần gũi nhất định với thầy và các bạn để từ đó phát triển năng lực. Thế nên các đấng cha mẹ đang nuôi dạy con cái với nhân dạng “mẹ hổ,” cái viễn cảnh con cái xa rời đấng sinh thành là ở ngay trước mắt, mang theo cùng với cái nhân dạng méo mó thảm hại, và khủng hoảng triền miên. Vấn đề chỉ nằm ở cái chỗ nào chúng ta có thể sửa chữa được trước khi quá muộn mà thôi.
    Rõ ràng, không thể chối cãi rằng môi trường nuôi dưỡng một người ở giai đoạn thơ ấu chính là một phần quan trọng đóng góp vào cái nhân dạng, mức độ và tần suất khủng hoảng của người đó ở tuổi trưởng thành. Một điều cần phải nói thêm chính là cái nhân dạng anh hùng của Đai được xây dựng thành công là nhờ vào hoàn cảnh phù hợp: thời đại yêu ma hoành hành, dân chúng lầm than. Chứ ở cái thời khác thì các bạn cứ nhìn vào cái nhân vật Don Quixote mà thấy được ngay khi cái nhân dạng tách rời khỏi xã hội là như thế nào. Chẳng phải người ta vẫn bảo rằng “thời thế tạo anh hùng” đó hay sao! Ở đây tôi không có ý nói vào thời @ như hiện tại thì không có anh hùng. Anh hùng bây giờ không phải là hình mẫu cầm gươm đánh giặc nữa mà tuỳ hoàn cảnh vẫn sẽ có người được tôn vinh là anh hùng. Ví dụ như anh hùng bàn phím chẳng hạn lol hay ông anh cọc chèo của tôi vẫn được gọi là anh Hùng đó thôi… just kidding!!!
    Nói mới nhớ, mẹ tôi vẫn hay mắng tôi là: “con nhà lính tính nhà quan.” Ôi oan ức cho tôi lắm, phải là “con nhà lính tính nhà… thơ” mới đúng. Cái tâm hồn thơ thẩn cộng với sự kiềm cặp có phần hơi quá đà của cha mẹ tôi (căn bản là tại bởi cái thời ấy Si Đa và Mai Thuý nó cũng hoành hành khá dữ dội) đã góp phần tạo nên cái nhân dạng công tử bột trói trà không chặt đúng nghĩa đen. Vậy nên, cái tấm thân thư sinh suốt ngày tay cầm bút gõ phím như tôi mà phải cầm lấy dao rựa phụ giúp công việc vườn tược thì nhìn đúng ngứa mắt thật. Kết cục, cái nhân dạng thảm hại không phù hợp của tôi chỉ còn một lối thoát: tiếp tục việc học - công việc mà có vẻ tôi làm được nhiều thứ hay ho nhất. 
    Một ví dụ khác ở xã hội hiện đại cũng gây ra khủng hoảng nhân dạng đó chính là việc chuẩn hoá sự phát triển. Bốn tuổi phải học mẫu giáo, 7 tuổi phải biết đọc chữ, 18 tuổi phải tốt nghiệp phổ thông, phải thi đậu đại học, 23 tuổi phải có việc làm xịn xò… vân vân và vân vân. Với việc thiếu chú tâm vào một cách tiếp cận mà cá nhân mỗi con người được đặt vào trọng tâm, thì những nhân dạng được xây dựng lỏng lẻo và rời rạc liên tục đối mặt với khủng hoảng khi bắt đầu xã hội hoá. Cho nên mới thấy được rằng cái sự kết hợp hài hoà của nhân dạng và nhu cầu tâm lý thiết yêu và cả với hoàn cảnh xã hội là cần thiết để mang tới sự hạnh phúc và giảm bớt đi tác hại của những cuộc khủng hoảng của nhân dạng.
    Sự đứt gãy giữa tâm sinh lý và môi trường đã tạo ra khủng hoảng suốt hàng chục ngàn năm trong sự phát triển của loài người; tuy nhiên, vấn đề của khủng hoảng nhân dạng ở thời đại 4.0 lại nằm ở việc có quá nhiều nhân dạng được tạo ra trong một bản thể. Xã hội càng phân hoá, càng bị chi phối bởi các yếu tố vật chất, con người ta càng mang trong mình nhiều vai trò khác biệt cùng những áp lực song hành. Theo SDT, các tác nhân ngoại sinh cũng có thể gây ảnh hưởng để tạo ra những nhân dạng bị phân mảnh, và tách rời khỏi những động lực nội tại và các khuyng hướng tự nhiên đồng nhất với cái tôi. Ví dụ như một người có thể chịu áp lực biểu lộ những hành vi và thái độ hoàn toàn đối lập nhau, tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể. “Đi với Bụt mặc cà sa, đi với ma mặc áo giấy” có thể là một cách diễn giải đơn giản nhất theo ý này. Đặc biệt, nhiều nhà nghiên cứu theo trường phái hậu hiện đại cho rằng việc tạo ra nhiều nhân dạng khác nhau là có lợi và mang ý nghĩa thích nghi. Tuy nhiên, nghiên cứu thực tiễn cho thấy việc lợi hay hại khi có nhiều nhân dạng nằm ở chỗ các nhân dạng đó có thoả mãn với động lực nội tại và thoả mãn ba nhu cầu tâm lý trọng yếu hay không. Và thực tế chỉ ra rằng, càng nhiều nhân dạng được tạo ra, càng nhiều khác biệt với cái tôi tích cực được hình thành trong khi những áp lực duy trì những nhân dạng đó ngày càng một mạnh mẽ. Dần dà, việc khủng hoảng tâm lý và mất động lực hay dẫn đến trầm cảm là không thể tránh khỏi. 
...
Năm 2019, tôi có dịp về thăm cha vợ và được ông dẫn đi công việc cùng. Trên đường đi ông tâm sự, bởi tính chất công việc phức tạp và va chạm xã hội nhiều, ông nói: “…công việc khó khăn ghê ghớm… nhiều lúc cảm thấy mình không còn là mình nữa…” Trong mắt các chị em vợ tôi, cha, dù không toàn diện, nhưng là một người đàn ông thực thụ, là chỗ dựa cho tất cả mọi người trong nhà với tình thương và sự bao dung rộng lượng. Thực sự, trong tâm tôi, ông cũng là một hình mẫu mà tôi vẫn luôn ngưỡng mộ mà là tấm gương để cho tôi học hỏi về cách sống, cách yêu thương. Vậy thì khi ông bảo mình không còn là mình nữa, thì tôi chắc hẳn ông vẫn luôn phải chống chọi với áp lực cuộc sống, tiền bạc, gia đình, bằng tất cả mọi sức lực, kể cả phải đánh đổi cả những mong ước của chính mình.
    Nhưng không phải ai cũng có đủ mạnh mẽ như ông, khi mà những bản thể rời rạc và yếu ớt được tạo ra để chống chọi hoặc là để trốn tránh dưới áp lực, sức khoẻ tinh thần của con người ta sẽ dần suy kiệt. Không chỉ vậy, những nhân dạng thiên lệch đó cũng ngăn chặn sự kết nối của cái tôi tích cực và các động lực nội tại với một nhân dạng lành mạnh. Thực vậy, khi mà cuộc sống hiện đại được kết nối không ngừng bằng internet vạn vật, chúng ta dường như hiếm hoi có lấy một giây phút để ngẫm nghĩ, đặt tay lên trán mà hỏi rằng: “tôi là ai? và đây là đâu?” Thay vào đó, chúng ta luôn bị chiếm đóng với những áp lực cạnh tranh cho bằng bạn bằng bè và cố gắng sống "ảo" mọi lúc mọi nơi, để thoả mãn những khát khao phù phiếm, che đậy những tâm hồn yếu ớt và bất hạnh? Trước là Anh Quốc (2018), sau là Nhật Bổn (2020) cũng đã có thêm một chức vụ đặc biệt: “bộ trưởng bộ cô độc.” Cô độc có lẽ là hệ quả của một nhân dạng đứt gãy. Nước ta cũng nên đề cử thêm chức vụ này chăng? hay là “bộ trưởng bộ nhân dạng” cũng được.
...
    Trước khi vào phần kết, tôi muốn giải thích lại cho rõ cái nhân dạng mà gã thợ rèn yêu tinh Lonberk trong Dấu Ấn Rồng Thiêng theo đuổi. Hắn ta theo theo đuổi hình tượng thợ rèn huyền thoại với ước ao rèn được những thứ vũ khí tuyệt hảo và độc nhất thế gian. Hắn được Lord Vearn sủng ái, trao cho biết bao quyền lợi như tiền bạc, gái gú chỉ để rèn kiếm cho ma vương, dù vậy Lonberk vẫn chẳng thiết tha công việc này, hắn quyết định từ bỏ nó dù phải đối mặt với sự giận dữ cũa tên ác ma. Thật ra, trước đó Lonberk đã làm cho ma vương một thứ vũ khí lợi hại, được gọi là chiếc gậy ánh sáng quỷ. Dù khá đáng sợ, nhưng Lonberk cho rằng nó cũng chỉ là thứ tầm thường so với Đầu Long Đao của Baran hay thanh Orichalcum của Đai. Điều khác biệt nằm ở năng lực người sử dụng - đó là Lord Vearn với sức mạnh gần như bất tận. Đối với đại ma đầu, vũ khí có mạnh thêm chút nữa thì cũng chẳng mấy khác biệt. Chính điều này làm cho Lonberk cảm thấy công việc thật vô nghĩa và chán nản. Hắn đã vứt bỏ mọi thứ lại, chẳng màng vinh hoa mà mai danh ẩn tích. Có lẽ Lonberk đã gặp phải một khủng hoảng nhân cách điển hình. May mắn thay, Lonberk đã gặp Đai, người mang lại cho hắn ý nghĩa của nhân dạng mà hắn vẫn luôn mong ngóng từng ngày: người thợ rèn huyền thoại - người duy nhất có thể rèn một thanh kiếm hảo hạng cho dũng sỹ rồng.
    Tóm lại, dù cho nhân dạng hiện tại có như thế nào, quá khứ đã qua không thể thay đổi. Cái chúng ta có thể làm chính là sửa những thứ có thể sửa được. Hãy tạm lặng yên, lắng nghe những mong muốn của chính mình, đứng dậy và chiến đấu với một cuộc khủng hoảng với quy mô lớn nhất trong lịch sử loài người; trước là phải đấu tranh vì hạnh phúc chính mình, sau là hạnh phúc của những thế hệ tương lai. Giữa những sóng gió của đại dịch COVID-19 mang lại nhiều sự xáo trộn, không ít người mất đi động lực sống và phấn đấu. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm vàng để chúng ta nhìn lại, ngẫm nghĩ, và thay đổi. Dù thành công hay thất bại thì trái đất vẫn quay, con người ta ai cũng sẽ phải chết. Đừng sống như cái tựa đề của một tập truyện của Dấu Ấn Rồng Thiêng: “người trong lốt thú”! Bởi nếu không thấy phần người, ắt hẳn sẽ là thú!