tiếp theo bài trước
Sắc chân đế pháp (rūpa paramatha dhamma) là thực tại không biết gì cả. Nó sinh và diệt do duyên giống như tâm (citta) và tâm sở (cetasika).

I. Sắc không phải là Vật chất

Sắc pháp bao gồm 28 loại. Ý nghĩa của sắc (rūpa) thì không phải là "vật chất" theo nghĩa thông thường, chẳng hạn như cái bàn, cái ghế hay quyển sách. Trong 28 loại sắc, có một loại sắc gọi là "đối tượng thị giác". Những gì xuất hiện qua mắt chỉ là 1 loại sắc duy nhất gọi là "đối tượng thị giác", thứ có thể được thấy bởi tâm thấy (nhãn thức) mà thôi. 27 loại sắc còn lại thì không thể được thấy, nhưng những loại sắc đó có thể được kinh nghiệm qua các môn (cửa giác quan) tương ứng khác. Chẳng hạn, âm thanh (là một loại sắc) có thể được kinh nghiệm bởi tâm qua tai. 
Trong 28 loại sắc thì chỉ có 1 loại sắc có thể nhìn thấy được. Các tâm (citta) và tâm sở (cetasika) cũng là những thực tại không nhìn thấy được. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt lớn giữa tâm, tâm sở và sắc pháp: Tâm, tâm sở là các pháp chân đế có thể kinh nghiệm (nhận biết) được đối tượng, trong khi đó sắc pháp là pháp chân đế không kinh nghiệm bất kỳ đối tượng nào cả. 

II. Tổ hợp sắc

Sắc chân đế pháp là pháp hữu vi, nó có những duyên tố khiến cho nó sinh khởi. Một loại sắc thì phụ thuộc vào các loại sắc khác để sinh khởi mà không thể sinh khởi một mình. Luôn phải có một vài loại sắc sinh khởi cùng nhau trong một nhóm và phụ thuộc lẫn nhau. Các sắc trong cùng một nhóm như vậy được gọi bằng tiếng Pali là "kalāpa" hay Tổ hợp sắc. Các sắc trong môt tổ hợp sắc (kalāpa) thì không thể tách rời khỏi nhau. Mỗi kalāpa thì vô cùng nhỏ và cũng là một đơn vị sắc nhỏ nhất.
Sắc là một pháp vô cùng nhỏ và rất phức hợp, nó luôn sinh và diệt rất nhanh. Một tổ hợp sắc sinh và diệt trong khoảng thời gian 17 tâm sinh và diệt tiếp nối nhau, như vậy có nghĩa là cực kỳ nhanh. 
Mỗi đơn vị sắc nhỏ nhất hay một tổ hợp sắc (kalāpa) bao gồm ít nhất tám loại sắc không thể tách rời, 8 loại sắc này được gọi là 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa). Trong 8 sắc này có 4 sắc cơ bản gọi là Tứ đại (mahā bhūta rūpa), bao gồm những sắc sau:
 Địa đại (pathavi dhātu) là đặc tính cứng hoặc mềm Thuỷ đại (āpodhātu) là tính chất kết dính Hỏa đại (tejo dhātu) là tính chất nóng hoặc lạnh Phong đại (vāyodhātu) là tính chất căng hoặc chùng
Bốn loại sắc cơ bản hay tứ đại này sinh khởi phụ thuộc lẫn nhau và chúng không thể tách rời. Hơn nữa, chúng là duyên tố cho 4 loại sắc khác sinh khởi, 4 loại sắc này phụ thuộc vào tứ đại và sinh khởi cùng với tứ đại trong cùng 1 tổ hợp sắc, chúng là:
Mầu sắc (vanno) hay đối tượng thị giác - cảnh sắc, tức là sắc xuất hiện qua nhãn cănMùi (gandho) là sắc xuất hiện qua tỷ cănVị (raso) là sắc xuất hiện qua thiệt cănDưỡng chất (ojā), sắc là một duyên tố cho sự sinh khởi của các sắc khác
Bốn loại sắc này và tứ đại cùng nằm trong một nhóm 8 sắc bất ly, 8 sắc này tạo nên đơn vị sắc nhỏ nhất tức tổ hợp sắc, chúng sinh và diệt cùng nhau rất nhanh. Tứ đại không thể sinh khởi nếu không có 4 sắc y sinh (tức sắc phụ thuộc) này. Tứ đại là duyên tố cho các sắc y sinh sinh khởi trong cùng một nhóm, tuy nhiên các sắc y sinh đồng sinh với tứ đại trong cùng 1 kalāpa thì không phải là duyên tố cho sự sinh khởi của tứ đại. 

III. Một vài sắc y sinh nổi bật khác

 Đối với sắc thân của con người hay các chúng sinh khác ở các cõi có ngũ uẩn (danh và sắc) thì có các sắc pasāda rūpa (sắc thần kinh, sắc thanh triệt hay sắc giác quan). Những sắc này được tạo ra bởi nghiệp (kamma), đó là 5 loại sắc sau:
Nhãn căn (cakkhuppasādarūpa) có thể được in dấu (tác động) bởi đối tượng thị giác (cảnh sắc)Nhĩ căn (sotappasādarūpa) có thể được in dấu (tác động) bởi âm thanhTỷ căn (ghānappasādarūpa) có thể được in dấu (tác động) bởi mùiThiệt căn (jivhāppasādarūpa) có thể được in dấu (tác động) bởi vịThân căn (kāyappasādarūpa) có thể được in dấu (tác động) bởi đối tượng xúc chạm như là nóng và lạnh (hoả đại), cứng và mềm (địa đại), căng hay chùng (phong đại)
5 sắc trên làm cơ sở cho các tâm có chức năng tương ứng sinh khởi, đó là các tâm: Nhãn thức (đảm nhận chức năng thấy), Nhĩ thức (đảm nhận chức năng nghe), Tỷ thức, Thiệt thức và Thân thức.
Các loại tâm khác thì đều sinh khởi phụ thuộc vào một loại sắc khác gọi là Sắc ý căn (hayada rūpa)
Ngoài 6 loại sắc căn nói trên, nghiệp (kamma) còn làm duyên cho sự sinh khởi của 2 loại sắc giới tính: 
Sắc tính nữ (itthibhāvarūpa) là sắc bao trùm toàn thân, được thể hiện ở vẻ bên ngoài, cung cách, cử chỉ, cư xử mang tính chất của người nữSắc tính nam (purisabhāvarūpa) là sắc bao trùm toàn thân, được thể hiện ở vẻ bên ngoài, cung cách, cử chỉ, cư xử mang tính chất của người nam
Trong tất cả các tổ hợp sắc do nghiệp sinh thì luôn có một loại sắc cũng do nghiệp sinh gọi là Sắc mạng căn (jīvitindriya rūpa). Sắc này bảo tồn, duy trì sự sống của các sắc đi kèm trong một tổ hợp sắc có trong sắc thân của con người hay một chúng sinh. Sắc này không tồn tại trong các vật chất vô tri. 
Để có sự cử động của thân thì cần có thêm 3 loại sắc cụ thể do tâm tạo, bao gồm:
Sắc nhẹ (lahūtarūpa)Sắc mềm (mudutārūpa)Sắc nhu nhuyến (kammaññatārūpa)
Tâm cũng tạo ra 2 loại sắc nữa khi tâm muốn thể hiện, biểu đạt ý của nó. Khi biểu đạt bằng sắc trên thân, tâm tạo ra 1 loại sắc gọi là Thân biểu tri (kāyaviññatti rūpa). Khi biểu đạt qua âm thanh như lời nói hay các âm thanh khác mang ý nghĩa nhất định, tâm tạo ra 1 loại sắc gọi là Khẩu biểu tri (vaciviññatti rūpa). Thân biểu tri và Khẩu biểu tri là các sắc không có đặc tính riêng, chúng sinh và diệt cùng với các tâm tạo ra chúng.
Một sắc khác là Âm thanh (sadda rūpa). Âm thanh khác với Khẩu biểu tri. Âm thanh có thể tác động lên nhĩ căn và làm duyên cho sự sinh khởi của Nhĩ thức (tâm nghe).
Luôn có nhiều sắc sinh khởi trong một tổ hợp sắc. Số lượng sắc sinh khởi cùng nhau có sự khác biệt tuỳ thuộc vào các loại sắc liên quan.
--> Phần tiếp theo
--- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch. 
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.