Bố mình là một người ác khẩu.
Sự độc mồm độc miệng có thể nói là đã trở thành thương hiệu của ông. Tất cả những người từng tiếp xúc với ông, dù là thoáng qua hay thân thiết, đều mặc định rằng chỉ cần ông mở mồm ra, nếu không phải là câu quát thì sẽ là câu chửi, câu miệt thị. Vì thế mà không ai có thể chơi được với ông, cũng không ai dám rủ ông đi tới chỗ công cộng vì không ai muốn phải cảm thấy xấu hổ với những người xung quanh. Anh chị em của ông đã dừng liên lạc, vợ ông thì ly dị, con lớn của ông cũng luôn tránh phải tiếp xúc.
Ông chỉ thế khi ông uống rượu. Khi không có rượu, ông điềm tĩnh hơn, nói năng chuẩn chỉnh hơn. Có thể tính cách hay nhân sinh quan của ông vẫn vậy, nhưng chí ít, ông không còn làm ầm ĩ lên như khi ông say rượu. Có điều...ông nghiện rượu. Không ai có thể cản được ông. Bất kể loại rượu nào ông cũng uống. Mỗi bữa ăn ông đều phải có một chai rượu nhỏ uống kèm với nước lọc bên cạnh. Ngay cả sau lần mắc bệnh thập tử nhất sinh, ông chỉ ngừng uống rượu (vì sợ chết) một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy. Cũng chính vì vậy, hình ảnh một người ông, một người cha thương yêu con cháu, quan tâm tới mọi người thì hầu như không ai thấy, không ai thấu, mà hình ảnh một ông Chí Phèo thời hiện đại thì ai cũng biết về ông.
Mình đã dành 3 năm của cuộc đời mình để hận ông. Đó là khi mình bắt đầu vào cấp 3, và mâu thuẫn giữa bố mẹ mình trở nên đỉnh điểm. Ông làm những việc có lỗi với mẹ, rõ ràng tới nỗi một thằng nhóc cấp ba cũng có thể thấy được. Khi đó, dù bị tổn thương nặng nề, mẹ mình vẫn luôn dạy "Ba con dù gì vẫn là ba con. Ba có thể đối xử không tốt với mẹ, nhưng ba vẫn luôn yêu thương con và sẵn sàng làm mọi thứ vì con. Vì vậy con phải đối xử tốt với ba con để sau này con không phải hối hận". Đương nhiên, một teenager còn cứng đầu, chưa hiểu chuyện làm sao có thể nghĩ được đến chuyện "sau này". Vì vậy suốt 3 năm cấp ba đó, mình không có một chút tôn trọng nào cho bố. Chỉ nói những câu mà về mặt lễ nghĩa buộc phải nói như "Con chào ba", còn lại không nói gì hết, thậm chí đôi khi còn tỏ thái độ hỗn láo.
Và mình cứ như vậy cho tới khi mình lên HN học ĐH. Lần đầu tiên xa nhà, mình chợt nhận ra gia đình quan trọng như thế nào, người thân quan trọng như thế nào. Rằng mùa đông lạnh lẽ trong căn phòng trọ trên HN mà được nghe tiếng chửi rủa hay quát tháo ầm ĩ của người cha say rượu cũng cảm thấy ấm lòng. Kể từ đó, mỗi khi mình về HP thăm nhà, mình lại chủ động hỏi thăm, quan tâm bố thêm một chút. Đương nhiên, những cảm xúc tiêu cực về bố vẫn còn đó, nhất là khi bố vẫn cứ liên tục làm loạn mỗi khi uống rượu, nhưng mình cứ ép bản thân lại gần bố thêm mỗi lần một tí.
Khi nhìn thấy cách ông phản hồi với sự quan tâm của mình, mình chợt nhận ra: hóa ra ông thực ra vẫn luôn muốn có được sự quan tâm chăm sóc của các con. Chẳng qua lúc ông độc mồm độc miệng thì ông tỏ ra là ông đếch cần ai, chứ ông vẫn hiểu rõ rằng xung quanh ông không có bạn, không có người thân, và tuổi già của ông cần nhất là các con, các cháu. Dù cứ sang chăm là ông lại chửi, nhưng nếu con cái không sang nữa thì ông lại rất buồn và cô đơn.
Hiểu rõ được điều đó, mình dần học được cách tách biệt rạch ròi giữa những lời độc địa của ông, và cái tâm của ông. Mỗi khi ông chửi, mình cứ coi như ông đang hát một thứ ngôn ngữ mà mình không hiểu. Ông có chửi mình, mẹ mình, anh mình hay cả cái thế giới này, mình vẫn không cảm thấy bị xúc phạm, không thấy ấm ức, hoàn toàn không. Ngược lại, mình càng cảm thấy thương ông hơn, vì tự ông gây ra những nỗi khổ của mình và không hề nghĩ rằng đó là lỗi của mình, và rằng không ai có thể giúp ông thoát khổ ngoài chính ông - mà ông thì lại không nghe ai cả. Nhờ đó mà mình hoàn toàn có thể ở bên cạnh ông, quan tâm chăm lo cho ông mà không hề có một chút cảm xúc tiêu cực nào.
Đợt này về VN chơi vài tuần, vì có mỗi mình là chịu được bố nên cũng chỉ có mình đi du lịch được cùng ông, đi ăn với ông. Những năm trước về thì mình ưu tiên đi với bạn bè hơn, rất ít khi ăn cơm nhà, ăn với ông thì càng không. Bạn bè hay thậm chí là người trong gia đình ai cũng ngạc nhiên, vì trong bao người lại chọn bố mình để cùng đi du lịch hay ăn uống. Lý do cũng đơn giản thôi. Sức khỏe ông những năm gần đây không còn tốt nữa, ông không còn nhiều thời gian nữa. Mình muốn những năm cuối đời của ông, ông được hưởng sự thân mật gần gũi của thành viên trong gia đình, bởi mình biết khi mình quay lại Úc, ông sẽ lại chỉ còn một mình, vì mâu thuẫn giữa ông và mọi người xung quanh vẫn còn quá lớn. Mình biết ông thích lắm. Dù cứ đi ăn với mình là ông vẫn gọi thêm cốc rượu, lại lải nhải linh tinh, nhưng ông cứ có con ở bên là ông thích, những ngày sau ông lại rủ mình đi ăn, gạ đi du lịch dù thời gian mình ở VN không còn nhiều.
Qua chuyện của bố mình, mình học được rằng, khoảng cách giữa bố mẹ bọn mình và bọn mình là khoảng cách của nhiều thế hệ, và mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái có thể nói là không thể tránh khỏi. Ở văn hóa VN, bố mẹ càng không có thói quen nhận sai và xin lỗi con cái, nên rất nhiều khi, khoảng cách ấy càng được nới rộng và hằn sâu, ngay kể cả khi bạn có cố giải thích cho họ hiểu đi chăng nữa. Nhưng suy cho cùng, bố mẹ vẫn là bố mẹ. Dường như khi chúng ta xuất hiện trong cuộc đời của bố mẹ, bản năng của họ là yêu thương chúng ta vô điều kiện, và họ cũng muốn được chúng ta yêu thương vô điều kiện. Dù cho họ càng già càng khó tính, thậm chí ẩm ương hơn con trẻ bọn mình rất nhiều, dù lúc căng thẳng, họ có mạnh miệng mà nói "Tao không cần đứa con như mày", nhưng họ biết rõ họ sẵn sàng lao ra đầu ô tô để cứu chúng ta nếu cần. Trong thâm tâm, họ vẫn yêu con, và họ vẫn muốn được gần gũi con cái. Chẳng qua là nhiều người trong số họ không biết cách/không được học/không ai chỉ họ cách giao tiếp với con cái - những người thuộc thế hệ khác - mà thôi.
Vậy nên, nếu bạn đang có mâu thuẫn hay khoảng cách với bố mẹ, đặc biệt là những khoảng cách không thể thu hẹp, đừng vì thế mà tránh né họ. Rất nhiều khi, họ đáng thương hơn là đáng giận. Hãy nhìn vào sự đáng thương đó mà quan tâm, chăm lo, gần gũi họ. Hãy cứ nghĩ tới lúc bạn ẩm ương do tuổi dậy thì đã khó dạy như thế nào, và bố mẹ vẫn yêu thương chăm sóc bạn ra sao, thì bây giờ hãy đáp lại ân nghĩa ấy. Ngay cả khi bạn vẫn còn chấp niệm từ những quá khứ không tốt đẹp mà họ mang tới cho bạn, hãy tách biệt chúng ra, nhìn vào cái tâm làm cha mẹ của họ và làm chúng. Có thể bạn sẽ không thấy việc làm đó có ý nghĩa ở hiện tại, nhưng chắc chắn sau này, khi bố mẹ không còn trên đời nữa, bạn sẽ không hối hận rằng bạn đã đối xử tệ với những người đã từng cho bạn những gì tốt nhất họ có thể cho.
Hãy ở bên bố mẹ khi họ còn ở đây.