tiếp theo bài trước
Khi tâm sinh khởi và nhận biết một đối tượng, một loại danh pháp khác cùng sinh khởi với tâm và kinh nghiệm cùng đối tượng với tâm. Danh pháp đó là tâm sở (cetasika). 

I. Tâm sở là gì

Ví dụ về một vài tâm sở, ta có: sân hận, tham ái, hỷ lạc, ưu sầu, keo kiệt, ghen tuông, từ ái hay bi mẫn .... Các thực tại, các pháp ấy là Tâm sở chân đế pháp (cetasika paramatha), chứ không phải là Tâm chân đế pháp. 
Người ta thường cho rằng con người hay các chúng sinh là tồn tại thật và các trạng thái như sân hận, tham ái, hỷ lạc hay ưu sầu là các trạng thái tinh thần cụ thể "của" các tự ngã như con người hay chúng sinh. Tuy nhiên, từ góc độ Giáo pháp, chỉ có bản thân các trạng thái ấy là thật sự tồn tại, là các pháp có thật. Các trạng thái ấy đều là pháp vô ngã, nằm ngoài sự kiểm soát của bất kỳ ai hay bất kỳ chúng sinh nào. Các pháp ấy là các tâm sở luôn sinh khởi cùng tâm, nếu không có tâm, các tâm sở như sân, tham, ưu .... không thể sinh khởi. 
Tâm, như ta đã biết, có nhiều loại và cũng tương tự, tâm sở có nhiều loại. Có tất cả 52 loại tâm sở. Chẳng hạn, sân (dosa) là một trong số 52 loại ấy, nó là một loại tâm sở với đặc tính thô tháo và hung tợn. Tham ái hay dính mắc (lobha) là một loại tâm sở khác, với đặc tính bám dính lấy, ham muốn và không buông bỏ đối tượng đang được kinh nghiệm. Như vậy, ta thấy các tâm sở không giống nhau và mỗi loại tâm sở là một pháp khác biệt với đặc tính riêng của chúng. Các tâm sở không chỉ có đặc tính riêng mà còn có các biểu hiện và cận nhân khác nhau cho sự sinh khởi của chúng.

II. Phân biệt Tâm sở và Tâm

 Tâm chân đế pháp và Tâm sở chân đế pháp thì đồng sinh và đồng cảnh. Tâm sở cùng sinh lên và diệt đi cùng lúc với Tâm, tâm sở kinh nghiệm cùng đối tượng mà tâm kinh nghiệm và cũng sinh khởi cùng một căn với tâm (đồng căn). Bất cứ khi nào tâm sinh và diệt, tâm sở cũng sinh và diệt. Đồng sinh, đồng diệt, đồng cảnh, đồng căn, Tâm chân đế pháp và Tâm sở chân đế pháp là không thể tách rời, chúng không sinh diệt mà không có nhau.
Tuy thế, Tâm sở và Tâm vẫn là hai loại pháp chân đế khác nhau. Tâm thì đóng vai trò lãnh đạo trong việc nhận biết đối tượng, còn các tâm sở khác nhau sinh khởi cùng với tâm, kinh nghiệm cùng đối tượng với tâm, nhưng mỗi pháp lại có một đặc tính và chức năng khác nhau trong việc kinh nghiệm đối tượng. Tâm đóng vai trò lãnh đạo trong việc kinh nghiệm cảnh. Một tâm thì luôn sinh kèm bởi nhiều tâm sở, và mỗi loại tâm khác nhau lại sinh khởi kèm với một số lượng tâm sở khác nhau. Cũng do sự khác biệt số lượng các tâm sở đồng sinh mà tâm có tổng cộng 89 hay 121 loại. Mỗi loại tâm nhận biết các đối tượng khác nhau, có các chức năng khác nhau và sinh kèm với các tâm sở khác nhau. Một số tâm đi kèm với tâm sở tham (lobha), một số tâm lại đi kèm với tâm sở sân (dosa) ....

III. Giáo pháp từ góc độ Vi diệu pháp

Khi một người có khả năng tiếp nhận Giáo lý, lắng nghe lời giảng về Vi diệu pháp, có duyên để tâm sở trí tuệ (panna) đã được tích luỹ trong quá khứ sinh khởi ở nơi họ và thực hiện chức năng thẩm sát các pháp chân đế đang xuất hiện. Tại khoảnh khắc mà panna (= tâm sở trí tuệ) sinh khởi ấy, tâm sở trí tuệ có thể xuyên thấu được bản chất thực sự của pháp chân đế. Chính vì thế vào thời Đức Phật còn tại thế, khi Đức Thế tôn, bậc vô song về khả năng giáo hoá, vừa kết thúc bài Pháp, đã có nhiều người giác ngộ và kinh nghiệm Niết bàn. Những người ấy nghe Pháp, hiểu và thẩm xét chân lý và thực-sự-thấy-được các pháp chân đế xuất hiện như-chúng-là. Khi Đức Phật giảng về nhãn thức là vô thường chẳng hạn, do các tích luỹ trong quá khứ mà họ có chánh niệm tỉnh giác (sampajanna = panna), và khi panna này sinh khởi, nó biết được bản chất thật sự của nhãn thức; nó nhận ra rằng nhãn thức đó chỉ là một pháp chứ không hề có một tự ngã, một chúng sinh hay một con người nào khiến nhãn thức sinh khởi cả. Với trí tuệ (panna) đã sinh khởi và xuyên thấu đặc tính vô thường, sự sinh diệt và bản chất bất toại nguyện của các pháp chân đế đang xuất hiện, dính mắc và tà kiến cho rằng có tự ngã, rằng tự ngã là thường, là lạc có thể được loại bỏ.
Vì vậy, ta cần phải hiểu một cách đúng đắn rằng, Giáo pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng, được tập kết và truyền tụng dưới tiêu đề Tam Tạng, là đề cập tới bản chất thực sự của các pháp chân đế. Do đó chúng ta cần nghiên cứu và thẩm xét các pháp chân đế đang xuất hiện để có thể chứng ngộ được bản chất thật sự của chúng. Bằng cách ấy, hoài nghi và vô minh về thực tại có thể được loại bỏ. 
--- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch. 
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.