Lạm phát ở Mỹ và dự báo suy thoái.
Trong giới hạn của bài viết này, tôi muốn làm rõ và phân tích về vấn đề lạm phát, đồng thời đưa ra một số dự báo về nền kinh tế Mỹ.
Lời đầu tiên
Tôi đã nhận được nhiều yêu cầu của quý độc giả về việc viết một bài nhận định, phân tích và đánh giá nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh Chiến tranh Nga - Ukraine hiện nay. Đặc biệt, vấn đề lạm phát đang là chủ đề nóng được nhiều bạn đọc quan tâm. Như các phương tiện báo chí đã thông tin, trong Quý I năm 2022, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 1,4%. Đây cũng là quý kinh tế mà Mỹ rơi vào tình cảnh tệ nhất, kể từ thời điểm dịch COVID-19 mới bùng phát hồi mùa xuân năm 2020. Bên cạnh đó, hồi tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981. Câu hỏi được nhiều độc giả đặt ra là liệu nền kinh tế Mỹ có đang chìm trong một cuộc suy thoái, hay có dấu hiệu đuối sức hay không, và việc này có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế thế giới. Trong giới hạn của bài viết này, tôi muốn làm rõ và phân tích về vấn đề lạm phát, đồng thời đưa ra một số dự báo về nền kinh tế Mỹ.
Phần I: Nhập đề: Về lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
1. Lạm phát.
Trong quyển Macroeconomics (Kinh tế học vĩ mô), nhà Kinh tế học Nicolas Gregory Mankiw đã định nghĩa lạm phát (Inflation) là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó [1]. Có nghĩa, khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây. Do đó, lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.
Khi so sánh với các nước khác, lạm phát là sự giảm giá trị tiền tệ của một quốc gia này so với các loại tiền tệ của quốc gia khác. Ta có thể hiểu lạm phát của một loại tiền tệ tác động đến phạm vi nền kinh tế một quốc gia. Bên cạnh đó, ta biết rằng lạm phát của một loại tiền tệ tác động đến phạm vi nền kinh tế sử dụng loại tiền tệ đó. Ngược lại với lạm phát là giảm phát. Nếu chỉ số lạm phát bằng 0 hay số dương nhỏ thì được người ta gọi là sự ổn định giá cả.
Để giải thích nguyên nhân tại sao lại có lạm phát, học thuyết kinh tế Keynes đề xuất rằng những thay đổi trong cung tiền không trực tiếp ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát có thể nhìn thấy là kết quả của các áp lực trong nền kinh tế tự thể hiện mình trong giá. Lý thuyết cầu kéo nói rằng lạm phát tăng tốc khi tổng cầu tăng vượt quá khả năng của nền kinh tế để sản xuất (sản lượng tiềm năng của nó). Vì thế, bất kỳ yếu tố nào làm tăng tổng cầu đều có thể gây ra lạm phát. Tuy nhiên, về lâu dài, tổng cầu có thể được tổ chức trên năng lực sản xuất chỉ bằng cách tăng lượng tiền trong lưu thông nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng thực của nền kinh tế. Một nguyên nhân khác, tuy ít phổ biến, có thể là một sự suy giảm nhanh chóng trong nhu cầu đối với tiền bỏ ra.
Tuy nhiên, các nhà Kinh tế học theo Chủ nghĩa tiền tệ (Monetarism) lại có nhận định khác. Chủ nghĩa tiền tệ là hệ thống các học thuyết và lý luận Kinh tế vĩ mô liên quan đến tiền tệ, một biến số kinh tế quan trọng. Các nhà Kinh tế học theo Chủ nghĩa tiền tệ cho rằng yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến lạm phát hay giảm phát là tốc độ cung tiền tăng lên hoặc co lại. Họ khẳng định rằng các nghiên cứu thực nghiệm lịch sử tiền tệ cho thấy lạm phát luôn luôn là một hiện tượng tiền tệ. Họ coi chính sách tài khóa, hoặc chi tiêu chính phủ và thuế, là không có hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát. Milton Friedman, nhà Kinh tế học từng đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 1976, cho rằng: Lạm phát là luôn luôn có và ở khắp mọi nơi là một hiện tượng tiền tệ.
Lạm phát ảnh hưởng đến các nền kinh tế theo nhiều cách tích cực và tiêu cực khác nhau.
Về ảnh hưởng chung, khi mức chung của giá cả tăng lên, mỗi đơn vị tiền tệ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn. Ảnh hưởng của lạm phát được phân bố không đều trong nền kinh tế, và điều này làm giảm sức mua của tiền bạc. Lạm phát làm xói mòn giá trị thực của tiền và các mặt hàng khác có tính chất tiền tệ cơ bản. Bất kỳ sự gia tăng bất ngờ nào trong tỷ lệ lạm phát sẽ làm giảm lãi suất thực. Các ngân hàng và cho vay khác điều chỉnh cho rủi ro lạm phát này bằng cách bao gồm cả phí bảo hiểm rủi ro lạm phát với các khoản vay lãi suất cố định, hoặc cho vay với tỷ lệ điều chỉnh.
Về ảnh hưởng tích cực, lạm phát có thể điều chỉnh thị trường lao động. Lạm phát cho phép tiền lương thực tế giảm ngay cả khi tiền lương danh nghĩa được giữ không đổi, lạm phát vừa phải cho phép thị trường lao động đạt được trạng thái cân bằng nhanh hơn.
Robert Mundell, nhà Kinh tế học đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 1999, lưu ý rằng lạm phát vừa phải sẽ khiến người gửi tiết kiệm thay thế cho vay đối với một số tiền nắm giữ như một phương tiện để tài trợ cho chi tiêu trong tương lai. Thay thế đó có thể làm cho lãi suất thực tế thanh toán bù trừ thị trường giảm [2]. Lãi suất thực thấp hơn có thể sẽ gây ra vay nhiều hơn để đầu tư tài chính.
Đồng thời, James Tobin, nhà Kinh tế học đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 1981, cho rằng lạm phát như vậy sẽ có thể làm cho các doanh nghiệp đầu tư thay thế trong vốn vật chất (nhà máy, thiết bị, kho tàng) cho số dư tiền trong danh mục đầu tư tài sản của họ. Thay thế đó có nghĩa là sự lựa chọn làm các khoản đầu tư với tỉ lệ lợi nhuận thấp hơn hoàn vốn thực tế. Tỷ suất hoàn vốn này thấp hơn bởi vì các khoản đầu tư với tỉ lệ hoàn vốn cao hơn đã được thực hiện trước đây [3]. Hai tác động có liên quan này được gọi là hiệu ứng Mundell - Tobin. Trừ khi nền kinh tế đã đầu tư quá mức theo các mô hình của lý thuyết tăng trưởng kinh tế, mà đầu tư tăng thêm đó do hiệu ứng này có thể sẽ được xem là tích cực.
Về ảnh hưởng tiêu cực, lạm phát có thể hoạt động như một lực cản đối với năng suất do các công ty buộc phải chuyển các nguồn lực từ các sản phẩm và dịch vụ để tập trung vào lợi nhuận và thua lỗ từ lạm phát tiền tệ [4]. Ngoài ra, lạm phát có thể áp đặt tăng thuế ẩn, do thu nhập tăng cao đẩy người nộp thuế vào thuế suất thuế thu nhập cao hơn trừ khi khung thuế được chỉnh theo lạm phát. Lạm phát cao có thể nhắc nhở nhân viên yêu cầu tăng lương nhanh chóng, để theo kịp với giá tiêu dùng.
Trong lý thuyết lạm phát đẩy chi phí, lương tăng lần lượt có thể giúp lạm phát nhiên liệu. Trong trường hợp thương lượng tập thể, tăng lương sẽ được thiết lập như là một hàm của những kỳ vọng lạm phát, mà sẽ cao hơn khi lạm phát cao. Điều này có thể gây ra một vòng xoáy tiền lương. Trong một nghĩa nào đó, lạm phát đem lại kỳ vọng tiếp tục lạm phát, mà điều này đem lại lạm phát tiếp tục. Bên cạnh đó, nếu lạm phát bị hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát (tức trong chiều hướng tăng), nó có thể cản trở hoạt động bình thường của nền kinh tế, làm tổn thương khả năng cung cấp hàng hóa. Siêu lạm phát có thể dẫn đến việc từ bỏ việc sử dụng đồng tiền của đất nước, dẫn đến thiếu hiệu quả của hàng đổi hàng. Siêu lạm phát có thể dẫn đến việc từ bỏ việc sử dụng đồng tiền của đất nước, dẫn đến thiếu hiệu quả của hàng đổi hàng.
Ngoài ra, tình trạng lạm phát cao có thể dẫn đến các cuộc biểu tình lớn và các cuộc cách mạng. Lạm phát và cụ thể là lạm phát thực phẩm được coi là một trong những lý do chính gây ra Cách mạng “Hoa Nhài” ở Tunisia năm 2010 - 2011 và Cách mạng Ai Cập năm 2011.
Trong phân tích lạm phát, một khái niệm cơ bản đáng quan tâm là mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp, được gọi là đường cong Phillips (Phillips curve). Mô hình này cho thấy rằng có một đánh đổi giữa sự ổn định giá cả và việc làm. Kinh tế vĩ mô hiện đại mô tả lạm phát bằng cách sử dụng đường cong Phillips, rằng các thay đổi nên sự đánh đổi giữa các thay đổi lạm phát và thất nghiệp vì những vấn đề như các cú sốc cung và lạm phát, trở thành xây dựng cho các hoạt động bình thường của nền kinh tế.
Tỷ lệ lạm phát (Inflation Rate) là tốc độ tăng mặt bằng giá của nền kinh tế. Nó cho thấy mức độ lạm phát của nền kinh tế. Thông thường, người ta tính tỷ lệ lạm phát dựa vào chỉ số giá tiêu dùng hoặc chỉ số giảm phát GDP. Tỷ lệ lạm phát có thể được tính cho một tháng, một quý, nửa năm hay một năm. Công thức tính tỷ lệ lạm phát là:
Inflation Rate = [(X - Y)/Y] . 100%
Trong đó, X là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của kỳ hiện tại (tức điểm hiện tại), Y là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của kỳ trước (tức điểm khởi đầu).
2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đo lường mức giá trung bình của giỏ hàng hóa và dịch vụ mà một người tiêu dùng điển hình mua. CPI được sử dụng để đo lường giá cả trong các lĩnh vực: thực phẩm và đồ uống, nhà ở, quần áo, phương tiện vận chuyển, dịch vụ y tế, giáo dục và truyền thông, hàng hóa, giải trí và các dịch vụ khác. [5]
CPI là một chỉ tiêu tương đối phản ánh xu thế và mức độ biến động của giá bán lẻ hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ dùng trong sinh hoạt của dân cư và các hộ gia đình. Vì vậy, nó được dùng để theo dõi sự thay đổi của chi phí sinh hoạt theo thời gian. Khi CPI tăng đồng nghĩa với việc mức giá trung bình tăng, và ngược lại. Sự biến động của CPI có thể gây ra lạm phát hoặc giảm phát từ đó làm suy sụp cả một nền kinh tế. Khi giá cả tăng tới mức không thể kiểm soát nổi thì lạm phát trở thành siêu lạm phát.
Cách xây dựng chỉ số giá tiêu dùng:
Bước 1: Cố định giỏ hàng hóa: thông qua điều tra, người ta sẽ xác định lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu biểu mà một người tiêu dùng điển hình mua.
Bước 2: Xác định giá cả: thống kê giá cả của mỗi mặt hàng trong giỏ hàng hóa tại mỗi thời điểm.
Bước 3: Tính chi phí (bằng tiền) để mua giỏ hàng hóa bằng cách dùng số lượng nhân với giá cả của từng loại hàng hoá rồi cộng lại.
Bước 4: Tính chỉ số giá tiêu dùng cho các năm:
Bước 5: Tính tỉ lệ lạm phát (như công thức đã nhắc đến ở mục 1.)
Phần II: Kinh tế Mỹ, lạm phát và suy thoái
1. Thảm họa của chính sách “Bidenomics”.
a) Sự khác nhau cơ bản giữa “Bidenomics” và “Trumponomics”.
Có lẽ, ngay cả chính ông Biden cũng không ngờ rằng, chính sách kinh tế “Bidenomics” của chính mình lại thành “gậy ông đập lưng ông”. Điều này không chỉ do bối cảnh khách quan của thời cuộc, mà còn vì sự khác nhau cơ bản giữa “Bidenomics” và “Trumponomics”.
Điểm khác biệt lớn nhất của ông Trump đến nay là việc tạo ra cuộc Chiến tranh thương mại với Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Chiến tranh thương mại với Trung Quốc có nhiều mục tiêu, chứ không hẳn là chỉ tập trung vào vấn đề chuyển công ăn việc làm về Mỹ. Mục tiêu lớn nhất vẫn là nhằm kiểm soát, kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa của Mỹ, và mục tiêu đó đã phần nào đạt được trong thời gian vừa qua. Ông Trump đã cố gắng vực dậy ngành thép và ngành dầu khí, những ngành từng rất mạnh ở Mỹ. Nó đã có hiệu quả. Trong bài viết “Chiến tranh Nga - Ukraine: Góc nhìn của Nga”, tôi đã nêu rằng: “Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, [...]. Mỹ đẩy mạnh khai thác dầu và khí đốt, khiến nước này lần đầu tiên sau hàng thập kỷ tự chủ được năng lượng, thậm chí còn là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn nhất thế giới”.
Những căng thẳng về sự mất cân bằng thương mại mới chỉ được ông Trump đặt ra trong thời gian rất ngắn, lại có tác động bất ngờ của COVID-19, nên chưa thể đánh giá được toàn bộ ảnh hưởng từ các chiến lược của ông Trump. Xu thế căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung sẽ còn tiếp tục, ít nhất là trong lĩnh vực thương mại.
Về đối ngoại, sự khác biệt cơ bản nhất của ông Trump và ông Biden là quan điểm song phương và đa phương. Cách tiếp cận của các đời tổng thống Mỹ trước ông Trump đều là xây dựng vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế bằng cách đầu tư rất nhiều vào các tổ chức quốc tế như WB, IMF, WTO với ý tưởng là Mỹ sẽ mạnh hơn nếu có quyền lực trong các tổ chức này.
Ông Trump muốn hạn chế thương mại, còn các Tổng thống là đảng viên Dân chủ trước đó lại tập trung vào việc mở rộng thương mại. Điều này vốn là tốt cho nền kinh tế, nhưng sẽ có một nhóm người nhất định bị ảnh hưởng tiêu cực từ nó, như là những công nhân sản xuất. Thất bại của Đảng Dân chủ vào năm 2016 là vì lẽ ra phải đi kèm với các chính sách thương mại đó phải là sự hỗ trợ cho lao động trong các ngành bị ảnh hưởng để họ chuyển ngành hoặc có sự bảo trợ xã hội vì họ đã mất việc. Và vì thế, ông Trump đã thắng vào năm 2016.
b) “Bidenomics” trước Chiến tranh Nga - Ukraine.
Các ưu tiên quan trọng của ông Biden đã được hiển thị đầy đủ trong “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” trị giá 1.900 tỷ USD do Đảng Dân chủ đề xuất và được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 03/2021. Kế hoạch của ông Biden không chỉ cho phép bổ sung hàng tỷ USD cho việc triển khai tiêm vaccine mà còn hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế 1.400 tỷ USD, mở cửa lại trường học, gia hạn trợ cấp thất nghiệp tới tháng 09/2021, giúp chính quyền các tiểu bang và địa phương, mở rộng Obamacare.
Ông Biden và một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng thông báo họ đã đạt được một thỏa thuận trị giá 1.200 tỷ USD để tài trợ cho việc cải thiện đường xá, cầu, băng thông rộng và đường thủy. Trong khi đó, chính quyền cũng đã yêu cầu các nhà lập pháp phê duyệt thêm 1.800 tỷ USD chi tiêu mới và các khoản tín dụng thuế hướng đến đối tượng trẻ em, sinh viên và gia đình. Các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng chi phí đầu vào tăng cao, mặc dù có thể kiểm soát được trong thời gian dài, có khả năng sẽ được chuyển sang người tiêu dùng Mỹ nếu các doanh nghiệp cảm thấy “quá tải”.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh vào mùa Xuân năm 2021 và tháng 05/2021 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi, là thước đo lạm phát của FED, tăng 3,4% trong tháng 05/2021 so với năm 2020. Khi Ngân hàng Trung ương cảm thấy rằng nền kinh tế đang “quá nóng” và giá cả đang tăng cao quá mức thì sẽ tăng lãi suất và hạn chế mua tài sản để giúp “hãm phanh" cho nền kinh tế. Lãi suất cao hơn do FED thắt chặt đồng nghĩa với việc sẽ có ít người dân có khả năng vay mua ô tô hoặc nhà hơn. Lạm phát tăng nhanh cũng làm cho bất kỳ mức giá nào, từ tiền lương, giá nhà, hoặc giá một gallon sữa, dễ biến động hơn.
Tôi không nghĩ rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và những kích thích tài khóa như hiện nay thì bất kỳ ai cũng có thể lạc quan hoặc cho rằng lạm phát chỉ là một “đốm sáng”. Lịch sử đã chứng minh, một khi một nền kinh tế đi lên, tinh thần dâng cao và chi tiêu tăng lên thì lạm phát sẽ theo sau.
Chủ tịch FED đã đúng.
c) Thảm họa ập tới.
Sở dĩ chính sách “Bidenomics” có hiệu quả thời gian đầu trong năm 2021 là vì dịch COVID-19 đã thuyên giảm ở Mỹ do sự thúc đẩy nghiên cứu Vaccine và nỗ lực dập dịch dưới thời ông Trump. Việc cần làm của ông Biden chỉ là việc “kế thừa” và thúc đẩy tiêm chủng diện rộng. Tuy nhiên, căn nguyên cốt lõi của “Bidenomics” vẫn không đổi từ “trong trứng”. Sai lầm chí mạng của “Bidenomics” ở vần đề mà chính nó muốn giải quyết: lao động và tiêu dùng.
Với đại dịch xảy ra, hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ được tiêm phòng đầy đủ, và các đợt truyền bệnh đã giảm xuống mức sàn, nền kinh tế Mỹ muốn bùng nổ trở lại. Số lượng việc làm tăng lên 9,3 triệu vào tháng 04/2021, con số cao nhất kể từ khi Bộ Lao động Mỹ bắt đầu thu thập số liệu thống kê vào năm 2000 và nhiều hơn một triệu so với tháng 03/2021.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong việc lấp đầy nguồn lao động: 3,5 triệu người Mỹ vẫn phải hưởng trợ cấp thất nghiệp vào 2021. Đây là mức giảm mạnh so với mức 19,2 triệu khi đại dịch COVID-19 đạt đỉnh ở Mỹ, nhưng vẫn gấp đôi mức trước COVID-19 bùng phát.
Một vấn đề rõ ràng bắt nguồn từ gói cứu trợ COVID-19 của ông Biden. Các nhà tuyển dụng trên toàn nước Mỹ viện dẫn lý do tại sao họ không thể thu hút người lao động trở lại mà không có mức tăng lương lớn, và một nghiên cứu của Đại học Chicago cho thấy 42% những người nhận trợ cấp đang kiếm được nhiều hơn những gì họ làm khi họ đang làm việc. Tại sao phải quay lại làm việc khi có thể đi nghỉ vài tháng mà vẫn có lương? Và như vậy, sự thiếu hụt lao động đã thúc đẩy lạm phát.
Theo đường cong Phillips (như đã nêu ở Phần I), lạm phát thường được biểu thị dưới dạng hàm của kỳ vọng lạm phát, lạm phát tụt hậu và thước đo khoảng cách trong hoạt động kinh tế. Nghĩa là, lạm phát phản ánh sự kết hợp giữa quan điểm của công chúng về lạm phát trong tương lai, quán tính lạm phát và mức độ nóng của nền kinh tế. Do một loạt các biện pháp chính sách được đưa ra trong thời kỳ đại dịch để đối trọng với tác động kinh tế của việc đóng cửa, các số liệu thống kê về thị trường lao động phổ biến, chẳng hạn như khoảng cách thất nghiệp, không đáng tin cậy. Hơn nữa, các biện pháp tài chính được đưa ra để chống lại đại dịch hơi bất ngờ ở chỗ không biết chắc chắn về cách thức, quy mô và phạm vi của chúng. [6]
Theo FRBSF (Federal Reserve Bank of San Francisco), bằng cách sử dụng logic của đường cong Phillips, ta có thể tính toán một cách hợp lý ảnh hưởng của các biện pháp hỗ trợ đại dịch đối với dự báo lạm phát. Ý tưởng là so sánh các quốc gia, như Mỹ, đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ tích cực, mà được gọi là nhóm chính sách “tích cực”, so với nhóm ít hung hăng hơn hoặc chính sách “thụ động” trước và sau đại dịch. Phân chia dữ liệu theo thời gian và theo quốc gia là một chiến lược thống kê phổ biến được sử dụng để tìm ra tác động của một chính sách. Những quốc gia có phản ứng chính sách ít hào phóng hơn sẽ hoạt động như một nhóm kiểm soát trước và sau đại dịch. Nếu các biện pháp được đưa ra bởi Mỹ và các quốc gia khác trong nhóm chủ động không có tác dụng đối với lạm phát, thì nhóm các quốc gia thụ động và chủ động sẽ thể hiện các đường dẫn lạm phát tương tự. Mức độ mà chúng không đạt được có thể giúp đo lường tác động của các chính sách tích cực đối với lạm phát ở quốc gia đó.
Sau khi Chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ đã cấm nhập dầu từ Nga (khoảng 8% lượng nhập dầu của Mỹ hàng năm). Anh Quốc cũng sẽ bỏ dần việc nhập dầu của Nga từ nay đến cuối năm (khoảng 4% lượng nhập dầu của nước này). Canada đã cấm nhập dầu của Nga nhưng lượng nhập rất ít nên không có ảnh hưởng gì. EU tuy không cấm nhập dầu khí Nga nhưng sẽ có kế hoạch giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung này trong thời gian tới.
Trước khi Nga tấn công Ukraine, thị trường dầu khí thế giới đã mất cân bằng vì mức cầu tăng khi kinh tế bắt đầu hồi phục, trong khi OPEC chậm trễ trong việc tăng sản xuất để đảo ngược quyết định cắt định mức sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong năm 2020 khi dịch COVID-19 đang hoành hành. Dự báo OPEC sẽ sản xuất dưới 30 triệu thùng/ngày trong năm nay, thấp hơn sản lượng trong những năm trước COVID-19. Khi lượng xuất khẩu dầu từ Nga bị cắt giảm, giá dầu đã nhảy vọt. [7]
Trong tình hình hiện nay, rất khó có thể bù đắp sự thiếu hụt này. OPEC hiện có năng suất dư thừa khoảng 4 triệu thùng/ngày, tập trung ở Ả Rập Xê Út và một phần ở UAE. Tuy nhiên, hai nước Trung Đông này, đầu tàu của OPEC, chỉ sử dụng năng suất dư thừa của mình khi tình hình rất căng thẳng trên thị trường dầu và chưa bao giờ dùng hết năng suất dư thừa đó. Hơn nữa, hai nước này cũng không muốn tăng sản lượng dầu thô nhanh và nhiều như Mỹ và châu Âu yêu cầu. Hồi tháng 3, lãnh đạo Ả Rập Xê Út, UAE đã từ chối điện đàm với ông Biden.
Trước mắt, vì mức cầu trong nước tăng nên Mỹ sẽ tiếp tục nhập ròng dầu thô, khoảng 4 triệu thùng/ngày; trong khi xuất ròng sản phẩm dầu cũng khoảng 4 triệu thùng/ngày nên không giúp được gì nhiều trong tình trạng mất cân bằng trên thị trường thế giới. Mỹ đang tìm cách đàm phán về dầu mỏ với Iran, Ả Rập Xê Út và Venezuela trong bối cảnh ông Biden hôm 08/03 đã công bố quyết định cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá từ Nga.
Như vậy, chúng ta có thể thấy được những vấn đề cốt lõi của chính sách “Bidenomics” đã vốn có từ khi nó được khai sinh. Những thảm họa của một cuộc suy thoái đã tích tụ dần, và chỉ chờ thời cơ đến khi cuộc Chiến tranh Nga - Ukraine xảy ra mới phát nổ. Lạm phát Mỹ đang ở mức rất cao, là một hệ lụy đằng sau gói kích thích kinh tế khổng lồ, chuỗi cung ứng gián đoạn, “Zero-COVID’’ cùng tình hình Chiến tranh Nga - Ukraine. Điều tạo ra sự khác biệt trong cuộc suy thoái này nằm ở chính tác động tâm lý đối với lực lượng lao động cũng như một lượng lớn các khoản trợ cấp được chính phủ đẩy vào nền kinh tế. Kịch bản thiếu hụt lao động dẫn đến suy thoái chỉ xảy ra trong thời chiến.
2. Dự báo sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ.
Trong một chương trình của CBS, Chủ tịch Goldman Sachs Lloyd Blankfein đã thúc giục các công ty và người dân Mỹ chuẩn bị cho kịch bản suy thoái. Ông nhận định khả năng này hiện đang rất, rất cao và gần như không chỉ là đồn đoán nữa.
Nếu đang điều hành một công ty lớn, tôi sẽ chuẩn bị cho kịch bản đó. Nếu là người tiêu dùng, tôi cũng sẽ làm điều tương tự.
Nếu kịch bản suy thoái hình chữ U, nó báo hiệu một đà suy giảm mạnh. Suy thoái sẽ kéo dài trong một hoặc hai năm giống giai đoạn 1973 - 1975, khi khủng hoảng dầu mỏ và chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED khiến nền kinh tế Mỹ gặp nhiều bất ổn. Nền kinh tế sẽ cần tăng trưởng chậm lại một thời gian trước khi lực lượng lao động và tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức bình thường. Quá trình này giúp kinh tế phục hồi ổn định, song có thể mất một vài năm.
Đối với mô hình chữ V, GDP giảm nhanh nhưng cũng bật lại nhanh. Đây được coi là kịch bản tốt nhất khi một quốc gia xảy ra suy thoái.
Nếu kịch bản diễn ra theo hình chữ W, nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, sau đó phục hồi và tiếp tục suy thoái lần hai. Quá trình này đặc biệt đau đớn đối với những nhà đầu tư vội rót tiền vào thị trường chứng khoán vì tin rằng kinh tế đã hồi phục trở lại. Kịch bản này đã từng xảy ra vào năm 1980, khi Mỹ suy thoái 6 tháng, sau đó hồi phục rồi lại suy thoái tiếp trong 16 tháng.
Kịch bản suy thoái theo hình chữ L là điều mà nước Mỹ muốn tránh bằng mọi giá. Nền kinh tế sẽ giảm tốc trong suốt thời gian dài, một lượng lớn lao động thất nghiệp trong khi các công xưởng buộc phải ngừng hoạt động. Cuộc Đại suy thoái thập niên 30 và khủng hoảng tài chính hồi 2008 đều đi theo mô hình này. Mỹ theo đó đã mất 6 năm mới có thể quay trở lại mốc GDP hồi năm 2007.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 01/07/2022, hoàn thành vào 07/07/2022.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] N. Gregory Mankiw, Macroeconomics (Ấn bản thứ 7), Chương 6, trang 155.
[2] Mundell, James, Journal of Political Economy, LXXI (1963), 280–83 “Inflation and Real Interest”.
[3] Tobin, J. Econometrica, V 33, (1965), 671–84 “Money and Economic Growth”.
[4] Taylor, Timothy (2008), Principles of Economics, Freeload Press.
[5] Giáo trình Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
[7] https://thesaigontimes.vn/anh-huong-cua-cuoc-chien-nga-ukraine-den-kinh-te-the-gioi-va-viet-nam/
[8] https://cafebiz.vn/kich-ban-nao-cho-mot-nuoc-my-suy-thoai-20220516160515767.chn
Ngày 07 tháng 07 năm 2022,
Trần Tuấn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất