Phân Định Đúng Sai Trong Chuyện Tình Cảm
Mình tin là càng là yêu đương nghiêm túc, tính tới chuyện lâu dài thì việc hai người trao đổi rõ việc nào đúng, việc nào sai càng quan trọng.
Đúng và Sai trong chuyện tình cảm có lẽ là một trong những vấn đề hay bị hiểu lầm nhất ở giới trẻ. Với những định kiến từ xã hội rằng đàn ông phải biết bao dung, không chấp nhặt, với những truyện ngôn lù có những nhân vật nữ dù làm gì cũng được các soái ca cho là đúng, là nhường, là ủng hộ, có rất nhiều các chị em phụ nữ ngày nay bước vào một mối quan hệ với một mặc định rằng “Mình có làm gì đi nữa thì anh ấy cũng phải nhường mình, còn không thì anh ấy mới là người có vấn đề”.
Mình tin là càng là yêu đương nghiêm túc, tính tới chuyện lâu dài thì việc hai người trao đổi rõ việc nào đúng, việc nào sai càng quan trọng. Tương tự, càng muốn tìm người yêu nghiêm túc thì một trong những tiêu chí buộc phải có ở người ấy là phải hiểu chuyện, biết tự nhìn lại bản thân và tự kiểm điểm. Tại sao mình lại nghĩ như vậy? Trước hết, nên bàn về việc cái gì đúng, cái gì sai đã. Mà bàn luận này, mình từng viết ở bài Cảm Xúc Luôn Đúng, Hành Động Thì Chưa Chắc trên Spiderum, các bạn có thể đọc lại nhé.
Phân định rõ đúng sai trong chuyện tình cảm quan trọng như thế nào?
Lúc mới yêu, hoặc lúc chưa xác định gì nghiêm túc, thì dù người ta có làm điều gì, nói câu gì khiến mình hơi phật ý, mình vẫn có thể cười xòa mà bỏ qua, không nghĩ gì nhiều. Nhất là khi hai bạn còn trẻ, và người này lớn tuổi hơn người kia, thì hai bạn có thể nghĩ là "ôi trẻ con chấp làm gì". Chưa kể là, tâm lý của những người mới yêu là muốn hạn chế lộ ra bộ mặt tức giận, khó chịu, xấu xí của mình cho người kia thấy.
Nhưng khi hai bạn đã bắt đầu tính tới chuyện lâu dài, cụ thể là kết hôn, thì việc bỏ qua như vậy thực sự là KHÔNG NÊN. Một khi đã xác định về chung một nhà, hai bạn sẽ phải ở bên cạnh nhau gần như 24/7. Chưa kể là hai bạn sẽ ở bên cạnh nhau không chỉ mỗi lúc rảnh rang, vui vẻ, mà đa phần là sẽ ở bên nhau lúc hai người mệt mỏi do đi làm về, căng thẳng vì nhiều áp lực từ chỗ làm, rồi bận bịu với những trách nhiệm cho hai bên gia đình, rồi con cái. Tức là những cái chuyện "không hài lòng" ấy nó sẽ có khả năng cao là thường xuyên xảy ra. Hầu như không ai có thể chịu đựng mãi những điều như vậy, đúng không?
Nói hầu như là bởi nhiều người, đặc biệt là những người của thế hệ trước - những người rất sợ những lời dị nghị, lời ra tiếng vào từ những người xung quanh, nghĩ rằng mục tiêu lý tưởng của hôn nhân hay của tình yêu nói chung là không cãi nhau nên họ nghĩ nhịn là điều đúng đắn. Việc nhịn này cá nhân mình nghĩ là không những không đúng, mà còn không thực tế, và thậm chí là có hại cho mối quan hệ tình cảm giữa hai người. Cãi nhau một cách đúng đắn là một hành động vô cùng lành mạnh trong một mối quan hệ nói chung chứ đừng nói là chỉ trong tình yêu. Bạn bè nhiều khi cãi nhau thì lại thân nhau hơn, mà có những tình bạn mà đánh nhau tóe khói rồi mới trở thành bạn. Con cái mà cãi lại lời cha mẹ, dù không đúng về mặt lễ nghĩa, nhưng vẫn sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về những suy nghĩ hiện có trong con trẻ.
Trong tình yêu, đây là khi mà hai người nói rõ những sự khác biệt không-thể-tránh-khỏi khi hai thế giới riêng biệt va chạm vào nhau, để rồi từ đó điều chỉnh và hợp lại làm một. Hành động nhịn, tức là không nói ra điều mình không hài lòng, không những khiến bạn tích tụ lại những suy nghĩ tiêu cực về người ấy - một điều giết dần giết mòn tình cảm trong bạn, mà còn tước đi cơ hội được trở nên tốt hơn của người ấy. Bạn cần hiểu là, khi mà hai bạn về sống chung 1 nhà, thì BẠN là người duy nhất biết được những khuyết điểm mà ngay cả bố mẹ họ cũng chưa chắc biết được, bởi họ sẽ tương tác với bạn theo một cách khác, trong những tình huống khác hoàn toàn với khi họ ở bên bố mẹ họ. (Đây là lý do vì sao nhiều thanh niên phạm tội vẫn được nhận xét bởi bố mẹ là "Cháu nó ở nhà ngoan lắm"). Vậy thì nếu bạn không nói cho họ biết là họ sai ở đâu hoặc bạn không hài lòng ở đâu thì còn ai có thể nói cho họ đây? Chẳng nhẽ ông hàng xóm lại ra bảo “vợ mày không thích mày nghịch tóc cô ấy đâu”?
Ngay từ đầu khi mình mới bắt đầu mối quan hệ với vợ mình, mình đã nói rõ là "Thế hệ các cô các mẹ các dì, thậm chí là các chị mình, đã phải nhịn và nuốt nhiều cái ấm ức vào lòng chỉ để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Mặc dù mục đích thì đúng nhưng anh tin cách làm ấy không đúng. Anh không muốn em phải nhịn bất cứ điều gì. Có điều gì hài lòng em hãy nói với anh, bọn mình sẽ cùng tìm ra giải pháp để cả hai cùng có thể vui vẻ hài lòng." Tương tự với việc không đồng ý việc phụ nữ phải nhịn đàn ông, thì mình cũng không đồng ý việc đàn ông phải nhịn phụ nữ. Nếu hai người cứ nhịn nhau, mà người kia lại không biết điều đó, thì dần dà hai người sẽ trở nên ấm ức, nghĩ xấu về nhau, thậm chí là ghét bỏ nhau.
Nhiều bạn nữ ít kinh nghiệm trong chuyện tình cảm lại nhịn cùng suy nghĩ “mong là người kia sẽ khác đi. Cứ cố thêm một thời gian xem thế nào”, để rồi lại thất vọng tràn trề khi người kia vẫn như vậy, từ đó sinh ra tâm lý đổ lỗi cho người kia thay vì không nhận ra rằng Chính bản thân mình không hề nói cho người ấy biết. Hoặc một số mộng tưởng phổ biến khác sẽ là "Nếu hai người vốn thuộc về nhau, người ấy sẽ phải tự giác nhận ra hành động gây tổn thương để mà xin lỗi, hoặc ngay từ đầu sẽ không làm những hành động như vậy. Còn nếu họ làm vậy thì có nghĩa hai bạn vốn không phải dành cho nhau, bất kể hành động đó là vô tình hay cố ý".
Bạn cứ nghĩ thế này. Nếu bạn không nói ra điều họ làm tổn thương bạn, thì tức là họ sẽ không biết rằng hành động đó/lời nói đó làm tổn thương bạn, và lần sau họ có thể sẽ lặp lại chính điều đó, mà vẫn không hề mảy may biết tới tổn thương của bạn. Mỗi lần bạn nhịn một điều gì đó, bạn đang tước đi cơ hội của người kia để trở nên tốt hơn, để yêu bạn đúng cách hơn. Dần dà bạn sẽ cho rằng những hành động liên tục gây tổn thương bạn đó thể hiện một con người xấu, ích kỉ, vô tâm, không tinh tế. Ngược lại, nếu ngay lần đầu họ làm vậy, bạn nói với họ, họ sửa đổi, thì bạn sẽ nghĩ họ là người thực sự yêu thương bạn, không muốn làm bạn đau, biết nghĩ cho bạn, chỉ là họ vô tình mắc sai lầm và biết sửa chữa mà thôi. Hai luồng suy nghĩ đó đem lại hai kết quả trái chiều thế nào cho mối quan hệ của hai người, chắc mình không phải chỉ ra nữa.
Bên cạnh đó, một cái nguy hiểm của việc nhịn trong một khoảng thời gian dài, đó là rất có thể tới lúc mà người kia biết được về những gì bạn phải nhịn, thì tình cảm trong bạn cũng đã hết. Ngay cả khi người kia liên tục xin lỗi, có thiện chí muốn sửa chữa, thì con tim bạn, vốn đã bị mài mòn tới vô cảm trong suốt thời gian dài, đã không còn quan tâm nữa. Từ phía người kia, khi mà họ luôn nghĩ rằng hai bạn vẫn đang rất hạnh phúc, tự dưng tới một ngày bạn mới nói ra rằng từ trước tới giờ bạn không thực sự hạnh phúc vì bạn phải nhịn này nhịn kia, thì kể cả họ có thừa nhận những hành động gây tổn thương bạn của họ, họ vẫn sẽ cảm thấy như bị đâm sau lưng vậy. Cảm thấy rằng tình yêu giữa hai người đã bị giết dần giết mòn sau lưng họ mà họ không hề hay biết vậy. Và như vậy thì hai người sẽ chia tay nhau cùng với những cảm xúc vô cùng xấu xí. Nếu bạn không muốn sinh ra những cảm xúc vô cùng tiêu cực như vậy với người mình yêu, đừng nhịn.
Vì tất cả những lý do trên, việc trao đổi rõ hành động nào, lời nói nào là sai thực sự rất quan trọng. Nó không hề liên quan tới việc người đàn ông ấy có nam tính hay không, có biết nhường nhịn hay không, mà thực sự liên quan tới sự sống còn của một mối quan hệ. Tương tự, khi người ấy làm điều gì đó đúng, làm bạn thích, họ cũng cần được nghe về nó, để từ đó họ có động lực làm những điều tích cực đó thường xuyên hơn.
KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ...
Tuy nhiên, không nhịn không có nghĩa là không nhường. Cũng cùng lập luận bên trên, thì việc nhường cũng nên được thực hiện từ cả hai phía. Ví dụ để tráng miệng sau bữa ăn, cô ấy thích uống trà sữa, còn bạn thích ăn chè. Giả sử hai bạn chỉ đủ thời gian để đi tới 1 hàng, nếu bạn vẫn ổn với việc uống trà sữa, hoặc không dùng tráng miệng hôm đó, bạn có thể nhường cô ấy và đưa cô ấy đi mua trà sữa. Tương tự, lên máy bay, anh ấy thích ngồi ghế ngoài cùng, và bạn không có vấn đề gì với việc ngồi ghế trong, thì hãy nhường anh ấy. Nhưng ví dụ anh ấy thích ngồi ghế ngoài, còn bạn thực sự rất khó chịu khi phải ngồi ghế bên trong, thì việc nhường sẽ là hai người nói rõ mình thích ngồi đâu, và cùng thỏa thuận để lần này bạn chấp nhận ngồi ghế trong, lần sau tới lượt anh ấy ngồi ghế trong. Chứ nếu mà lần nào bạn cũng “nhường” và ngồi ghế trong, thì tức là mỗi lần đi với anh ấy bạn cũng sẽ đều cảm thấy khó chịu, ấm ức, cảm thấy mình thiệt thòi, từ đó sinh ra cãi vã. Vì vậy, nhường và được nhường cũng cần phải có giới hạn. Cả hai người đều phải liên tục nhìn lại bản thân để vừa biết cho đi, vừa biết yêu cầu được nhận lại sự tôn trọng tương ứng nhé.
Không Nhịn cũng không có nghĩa là không Nhẫn. Ngay tại thời điểm xảy ra sự khó chịu, thay vì xả cơn tức ngay lúc đó, bạn nên Nhẫn lại, kiềm chế cảm xúc lại và lựa chọn thời điểm khác để nhắc nhở người ấy. Làm như vậy vừa là để bản thân bạn có thời gian suy nghĩ về cách bạn sẽ góp ý với người ấy sao để họ không bị tự ái, cũng là để tránh phản ứng phản vệ ngay tại chỗ từ người ấy, nhất là nếu sự khó chịu đó xảy ra chốn đông người. Bên cạnh đó, cách thể hiện sự khó chịu, sự không hài lòng của bạn cũng vô cùng quan trọng. Nhiều người có thể nhẫn và chọn thời điểm 2 người ở riêng để "góp ý", nhưng tới lúc thực sự nói chuyện thì lại dùng những từ ngữ, hành động xúc phạm, cứ nghĩ là xả được sự khó chịu của mình, để đối phương biết được về sự khó chịu đó là xong việc. Cách bạn truyền đạt nó sẽ quyết định thái độ của đối phương thế nào về sự khó chịu đó của bạn. Liệu có thực sự thấu hiểu được sự tổn thương của bạn và thành tâm hối lỗi, hay sẽ tập trung nhiều vào tâm lý phản vệ hoặc những tổn thương do chính sự xả giận của bạn gây ra? Vì vậy, Nhẫn không chỉ là nói về vấn đề thời gian, mà cả về cách bạn nói chuyện nữa.
Nhưng Nhẫn không có nghĩa là gạt bỏ hết lòng tự trọng sang một bên. Nhiều người cứ hay nói Khi yêu thì cứ cất cái tôi đi và dành chỗ cho tình cảm, cho trái tim. Cá nhân mình không đồng ý với điều đó. Không ai lại yêu hay thậm chí dành sự tôn trọng cho một người không có lòng tự trọng, không biết tôn trọng cái tôi của chính mình. Đây là lý do những người lụy tình thường sẽ không đạt được kết cục như mong muốn. Bạn có thể nhẫn và chờ tới thời điểm thích hợp để góp ý với người ấy, chứ không nên liên tục chịu chà đạp, chịu tổn thương suốt một thời gian dài, trong khi đối phương không có dấu hiệu gì là thay đổi.
Thêm vào đó, không Nhịn cũng khác với Không Chấp Nhận. Chắc chắn sẽ có một vài khác biệt nào đó giữa hai bạn mà hai bạn không thể, mà cũng không muốn điều chỉnh, bởi đó là những điều làm nên con người bạn. Trừ phi chính bạn là người tự thay đổi nó, còn không, nếu miễn cưỡng làm vì người khác, bạn sẽ không còn là bạn nữa, và sớm muộn bạn cũng sẽ cảm thấy ngột ngạt và muốn thoát ra khỏi mối quan hệ. Nếu bạn cảm thấy sự khác biệt nào đó giữa hai người có thể chấp nhận được, hãy chấp nhận nó trong vui vẻ. Còn nếu không vui vẻ được, thì nó lại trở thành Nhịn, và nó cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt.
CŨNG PHẢI LƯU Ý RẰNG....
Ngay cả khi bạn đã nhận thức được rằng phải nói ra sự không hài lòng của mình, ngay cả khi bạn đã chọn được đúng thời gian và cách thức bày tỏ sự hài lòng đó ở đối phương, sẽ là không thực tế nếu bạn mong chờ đối phương sẽ ngay lập tức chấm dứt hành động gây khó chịu đó mãi mãi.
Kể cả đó là một việc làm nhỏ thôi, có thể dễ dàng sửa đổi, nhưng chúng ta vốn là những cá thể của những thói quen. Vì vậy mặc dù dài ngắn tùy người, nhưng sẽ cần mất một khoảng thời gian để người đó có thể thực sự thấm nhuần sự đổi mới đó.
Nếu bạn thấy rằng người ấy thực sự đang có những tiến bộ, dù chỉ là từng chút một, dù chỉ là lúc có lúc không, miễn là bạn cảm thấy người đó thực sự vì không muốn làm tổn thương bạn mà cố gắng, thì hãy cứ hài lòng với họ nhé. Ngoài ra, nếu từng bước tiến bộ của họ được chứng nhận bởi những lời khen từ bạn, chắc chắn sự tiến bộ của họ sẽ được thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn đấy ;)
Chúc các bạn vui :)
Kênh Youtube Đàn Ông Học:
Apple Podcast Đàn Ông Học:
Spotify Đàn Ông Học:
Yêu
/yeu
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất