*** Trong phạm vi của bài viết, mình chỉ muốn bàn tới hai giới chung là Đàn Ông và Phụ nữ, dựa trên đặc điểm sinh học của cơ thể. Mình nhận thức rằng có nhiều hơn hai giới tính***
Bình đẳng giới là một sự tiến bộ, văn minh mà về mặt bản chất, nó đáng nhẽ nên được chào đón. Nhưng giờ đây, rất nhiều người đang lợi dụng nó, bóp méo nó để trục lợi cá nhân hay biện minh cho hành động sai trái của mình. 

Sự Khác Biệt Về Bản Chất

Hiểu một cách đơn giản, Bình Đẳng Giới có nghĩa là phụ nữ lẫn đàn ông đều có những quyền lợi và cơ hội phát triển bản thân như nhau. Nếu một người đàn ông có quyền được vào bể bơi chẳng hạn, thì phụ nữ cũng có quyền đó. Nếu một người phụ nữ được phép mặc váy, đàn ông cũng có quyền đó. Nếu một người đàn ông có quyền được thăng chức, phụ nữ cũng nên có quyền đó. Đó là bình đẳng giới. 
Tuy nhiên, ĐƯỢC LÀMLÀM ĐƯỢC hay LÀM THẾ NÀO là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nếu các bạn đã đọc các bài viết nói tới sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ của mình, có lẽ các bạn đã biết, đàn ông và phụ nữ có hai bộ não với những bản năng hoàn toàn khác nhau, cũng như thể trạng hoàn toàn khác nhau. Cứ cho là hai đứa trẻ, một trai một gái cùng tuổi được nuôi dưỡng trong cùng 1 chế độ dinh dưỡng, thì đứa bé gái vẫn sẽ học nói nhanh hơn, tốt hơn so với bé trai. Bé gái nhìn chung vẫn sẽ cao hơn, ít nghịch hơn so với bé trai. Tới tuổi dậy thì, bé trai sẽ lại cao vọt lên và cuối cùng trở thành cao lớn hơn,vạm vỡ hơn, và khỏe hơn so với bé gái. Ngược lại, bé gái sẽ dịu dàng hơn, duyên dáng hơn, có khả năng đọc ngôn ngữ cơ thể tốt hơn, làm việc đa nhiệm tốt hơn bé trai. Hẳn nhiên là không có cái gì tuyệt đối 100%, nhưng với phần lớn trường hợp, đó là thực tế của tự nhiên, là khác biệt về bản chất, HOÀN TOÀN KHÔNG PHẢI LÀ phân biệt giới tính

Nhà triết học Aristole đã từng nói "hành động bất bình đẳng lớn nhất là bắt những thứ vốn không bình đẳng phải bình đẳng". Trong cuộc sống hiện đại và văn minh ngày nay, bình đẳng giới dường như đã trở thành tiêu chuẩn thường thấy, tức là người thuộc giới nào cũng được trao các cơ hội như nhau, nhưng sự khác biệt về bản chất của các giới khiến cho hành vi, lựa chọn cũng như kết quả cuối cùng của họ trở nên khác nhau. 
Thử nói riêng về lựa chọn nghề nghiệp: Giáo Viên. Khi nhắc tới giáo viên, chưa cần nhắc tới cấp học, thậm chí chưa cần nhắc tới số liệu thống kê, ngay lập tức chúng ta đã nghĩ ngay tới "giới tính của nghề" giáo viên là nữ. Từ bé chúng ta đã được dạy cụm từ "thầy cô giáo", cũng không bao giờ được dạy là giáo viên chỉ có thể là nữ, nhưng tại sao chúng ta lại ngay lập tức có hình ảnh đó nảy ra trong đầu? Tại sao tỉ lệ giáo viên nữ vẫn nhiều hơn nam ở tất cả mọi cấp dạy cũng như quốc gia?
Số liệu của Úc 2019: 72% giáo viên là nữ, 29% là nam.
Số liệu của Anh 2019: 76% giáo viên là nữ.
Số liệu của VN 2020
Có điều luật nào cấm nam giới trở thành giáo viên không? Không. Vấn đề của sự khác biệt này không phải nằm ở việc bất bình đẳng giới, mà nằm ở việc số lượng nam giới muốn đi theo ngành nghề đó, nộp đơn xin việc ở các trường học không nhiều. Vậy tại sao nam giới ở hầu hết các nước đều không chọn Giáo Viên làm ngành nghề để theo đuổi? Bởi từ bản chất, phụ nữ vốn có bản năng chăm sóc, nuôi dưỡng và làm việc với trẻ con tốt hơn rất nhiều so với đàn ông. Đàn ông, với bộ não vô cùng logic, kể cả khi chọn nghề giáo thường cũng sẽ chọn cấp học cao để dạy hơn là cấp tiểu học trở xuống, bởi ở những cấp bậc cao, họ có thể dùng logic của họ để giao tiếp với học sinh hiệu quả hơn. Vì vậy, ở đây, phụ nữ và đàn ông đơn giản là cân nhắc cùng cơ hội việc làm đó, dựa vào những gì họ hiểu về bản thân, HOÀN TOÀN TỰ NGUYỆN đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với cá nhân họ. Nhưng với những ai không chấp nhận, hoặc từ chối chấp nhận sự khác biệt đó, họ chỉ tập trung vào những con số và nói "Ồ, số nữ khác với số nam, thế là phân biệt giới tính"?!?
Chúng ta thực sự cần phải thừa nhận rằng, có những việc phụ nữ làm tốt hơn đàn ông, và có những việc đàn ông làm tốt hơn phụ nữ. Hai giới có những bộ kĩ năng khác nhau, cách xử lý vấn đề khác nhau, vì vậy khi cho cùng một cơ hội làm việc, họ sẽ đạt được những kết quả khác nhau. 

Khi Bình Đẳng Giới trở nên bất bình đẳng

Tối hôm rồi mình và lũ bạn rủ nhau đi bar chém gió. Khi bọn mình đang từ tầng trệt đi bộ xuống tầng hầm để tìm chỗ ngồi, mình có đi ngang qua một cô gái đang đi bộ ngược lên. Sau khi mình đi qua cô ấy khoảng chục bước chân thì có nghe thấy tiếng ồn ào đằng sau, và thấy lũ bạn mình đang ngước lên cầu thang nhìn gì đó. Mình quay lại và thấy cô gái kia đang nói RẤT TO với mọi người xung quanh rằng mình .... sờ mông cô ấy. Vì mình không làm điều đó, nên mình vẫn giữ bình tĩnh và lên nói chuyện với cô ấy rằng mình không làm điều đó, nhưng cô ấy vẫn làm ầm lên, đòi gọi cảnh sát tới. Bạn bè mình thì đương nhiên bênh vực mình, và bạn bè cô ấy thì bênh cô ấy. Mình không muốn sự việc leo thang nên nói với cô ấy rằng tốt nhất hãy chờ cảnh sát tới giải quyết. Khi cảnh sát tới và bắt đầu hỏi chuyện gì đã xảy ra, cô ấy khẳng định với cảnh sát rằng cô ấy thậm chí chính mắt NHÌN THẤY tay mình sờ vào cô ấy, mà mình thì thậm chí còn không chạm vào cô ấy dù chỉ một sợi tóc. Mình cố gắng giữ im lặng không cắt lời cô ấy, chờ cho cô ấy nói xong rồi mình nói phiên bản của câu chuyện từ phía mình. Mình nói thêm rằng, thứ nhất là chỗ cầu thang của bar rất tối, lại không có camera ở góc đó, nên nếu cô ấy nói mình chạm vào cô ấy thì mình cũng có thể nói cô ấy chạm vào mình mà không có bất cứ bằng chứng hay nhân chứng nào. Khi này cô gái kia nghe thấy và nhảy bổ vào nói "Tôi là đàn bà con gái, tôi sẽ không bao giờ làm cái điều mà chỉ có cánh đàn ông làm như thế". Khi này cả mình và ANH cảnh sát chỉ biết nhìn nhau ngán ngẩm, và anh cảnh sát cũng chỉ biết giải thích với cô gái rằng vì không có bằng chứng gì nên anh ấy không thể bắt giữ hay buộc tội mình được. Thế là cô gái vừa chửi vừa bỏ đi, còn mình và lũ bạn thì mất nguyên một buổi tối vui vẻ.
Chưa hết, lúc về, lũ bạn mình (nam có nữ có), dù miệng thì chê cô gái kia điên khùng, nhưng cũng không quên quay qua cười đùa, trêu mình về việc đó. Thử tưởng tượng giới tính của hai người trong câu chuyện đảo ngược, thì họ liệu có cười đùa về việc đó với cô gái không? Nếu mình, một người đàn ông, kêu lên và nói "Tôi vừa bị sàm sỡ", thì liệu người ngoài có quay ra nhìn người phụ nữ vừa sàm sỡ mình với ánh mắt khinh bỉ không? 

Kể qua một câu chuyện như thế để mọi người thấy rằng rất nhiều người ngoài kia không thực sự hiểu được, thậm chí là từ chối hiểu sự bất bình đẳng, hay nói chính xác hơn là sự không giống nhau từ bản chất đó. Họ luôn khăng khăng rằng bình đẳng giới nghĩa là đàn ông làm được gì thì phụ nữ cũng có khả năng làm Y HỆT như vậy và ngược lại, hay phụ nữ được gì thì đàn ông cũng phải được Y HỆT như vậy và ngược lại. Đáng buồn thay, cũng chính bởi bình đẳng giới được tạo ra để nâng vị thế của phụ nữ - thứ trước đây ở dưới đàn ông - nên nhiều phụ nữ ngoài kia đang cố tình lợi dụng sự thúc đẩy này để lật ngược cán cân và lấn áp đàn ông. Họ sinh ra những tiêu chuẩn kép không thể nào vô lý hơn. Họ thậm chí còn lợi dụng quân bài nạn nhân "vì tôi là phụ nữ" để chuộc lợi cho bản thân, hoặc bóp méo sự thật, cho rằng có sự phân biệt giới tính trong những tình huống không hề liên quan gì tới giới tính. Họ chỉ nhắm tới cái kết quả cuối cùng, thấy sự chênh lệch giữa hai giới tính, và buộc tội đó là do phân biệt giới tính, mà không hề xét tới quy trình xử lý. Họ thậm chí dùng "bình đẳng giới" một cách có chọn lọc: họ dùng bình đẳng giới khi họ muốn nâng tầm lợi ích của mình, nhưng lại dùng "Vì anh là đàn ông nên anh phải...." khi họ muốn đòi hỏi điều gì đó. 
Về mặt bản chất, phái mạnh thường có thể chất khỏe mạnh hơn, thậm chí áp đảo hơn phái yếu (vì thế mà mới sinh ra từ "phái yếu" - "phái mạnh", và người ta ngay lập tức nghĩ tới phụ nữ khi nhắc tới "phái yếu" mà không phải là "Phái yếu? Bạn đang nói tới phụ nữ hay đàn ông vậy?", và ngược lại). Chính bởi vì thế, xã hội thường mặc định rằng đàn ông là những người có nguy cơ gây ra nguy hiểm cho người khác cao hơn phụ nữ, mặc dù khả năng gây tổn thương cũng như mức độ thiệt hại mà hai giới có thể gây ra là như nhau. 
Ví dụ điển hình là ở Úc, khi mình còn đang theo học khóa sư phạm, mình được dạy rằng "Không bao giờ được ở riêng với học sinh trong không gian kín. Phải là không gian mở hoặc nơi có cửa kính để người khác có thể nhìn vào". Điều này vừa là để bảo vệ học sinh, cũng vừa là để giáo viên. Mặc dù lời dạy đó hướng tới cả hai giới, trong thực tế, khi giáo viên nữ ở riêng với một học sinh nam ở một góc khuất nào đó và có ai đó nhìn thấy, họ vẫn sẽ không phải chịu nhiều trách móc hay kỉ luật gì, và phản ứng sẽ bị đảo ngược nếu giới tính của giáo viên và học sinh bị đảo ngược. Thực tế cũng cho thấy có rất nhiều vụ học sinh nữ buông lời buộc tội giáo viên nam hiếp dâm, và nhà trường mặc định nghiêng về phía "nạn nhân" và ngay lập tức đuổi việc giáo viên nam. Tới khi lời buộc tội đó được chứng minh là hoàn toàn không có thật thì đã quá muộn để giải quyết hậu quả hay sửa chữa sai lầm với giáo viên nam. 

Kết

Bình đẳng giới là tốt. Lợi dụng bình đẳng giới để đòi hỏi những điều vô lý là xấu. Từ chối sự khác biệt về mặt bản chất để bắt những thứ không giống nhau phải giống nhau là rất xấu. 
Mình biết với văn hóa của VN, vẫn có những kỳ vọng bất bình đẳng dành cho nam giới và nữ giới, nhưng nhìn chung ở nhiều năm trở lại đây, xã hội đã văn minh lên rất nhiều, cả ở gia đình lẫn trong công việc, và sự bất bình đẳng từ văn hóa đó đang dần được hiện đại hóa hơn. Vì vậy, hãy hưởng thụ nó, thay vì lạm dụng nó nhé :D
Đọc thêm: