Xem lại Phần 1 tại đây: https://bit.ly/3v4oLhG
Nếu như trong bài viết trước, chúng ta đã nói về một số hiểu lầm phổ biến trong quá trình định hướng nghề nghiệp, những hiểu lầm đó đa phần đến từ phía chủ quan, từ chính bản thân những bạn học sinh, sinh viên. Thì trong bài viết này, Future Me muốn trình bày một số yếu tố khách quan, thậm chí là những thông tin có phần độc hại, gây ảnh hướng xấu đến những người đang muốn định vị và tìm kiếm giá trị bản thân.

1.Định hướng nghề nghiệp qua sinh trắc vân tay

Khi trò chuyện với một nhóm các bạn học sinh về chủ đề hướng nghiệp, Future Me nhận được một câu hỏi: “Các anh có sử dụng phương pháp sinh trắc vân tay (STVT) không ạ?” Lúc đó chúng tôi thực sự bất ngờ, thậm chí có phần hơi shock, shock vì hai điều. Điều thứ nhất, không ngờ được về mức độ phổ biến của nó. Điều thứ hai, không thể tin được là có nhiều vị phụ huynh áp dụng những thứ ngụy khoa học như thế này lên chính con cái họ.
Để nói về vấn đề này, xin phép được mượn lời của Monster Box: “Để đỡ tốn thời gian của mọi người, đầu bài tôi xin khẳng định luôn: sinh trắc vân tay là lừa đảo, không hơn không kém. Nhưng đó chưa phải điều tệ nhất. Sinh trắc vân tay không nên xếp vào nhóm bói toán, chiêm tinh, mà nên xếp vào nhóm thực dưỡng, anti-vaccine hay đa cấp. Vì ít nhất bói toán và chiêm tinh không tự nhận họ là khoa học.” (Link bài viết: https://bit.ly/3y94nOF)
Vậy nên, xin gửi đến những người lớn, những bậc cha mẹ đang áp dụng những điều này lên các bạn nhỏ hay chính con em mình, các vị nên biết phần lớn những nguồn thông tin về STVT đến từ Ấn Độ - đất nước mà mới gần đây thôi, có thể các vị đã cười và chế giễu một số người dân của họ vì đắp phân và nước tiểu bò lên người để phòng chống dịch COVID-19. Nhưng họ làm vậy vì niềm tin và tín ngưỡng, còn các vị đang đắp những thông tin độc hại lên bộ não của chính mình và tệ hơn là lên con trẻ.
Sự nghiệp được xây dựng không chỉ dựa trên tính cách, năng khiếu hay trí tuệ, mà còn phụ thuộc vào môi trường giáo dục, các nguồn thông tin tiếp nhận, sau đó phụ thuộc vào cách người đó tư duy, xử lí và áp dụng vào công việc, cuộc sống, chưa kể hàng loạt các yếu tố ngẫu nhiên khác như các mối quan hệ xã hội hay sự may mắn. Và tất nhiên, sự nghiệp của một nguời không dựa vào những dấu vân tay (trừ những dấu tay để lại tại hiện trường một vụ án).

2. “Em cứ đăng kí đi, bây giờ đầy người làm trái ngành!”

Một lời khuyên vô trách nhiệm và lố bịch từ một số vị “tư vấn hướng nghiệp”, tuy chưa lố bịch bằng lời của những “thiên thần đa cấp”: “Thu nhập thụ động hay bỏ học đại học để thành công, v..v..” Và ở đây, chúng ta có bài toán quả trừng – con gà: Nghe những lời khuyên này dẫn đến việc làm trái ngành, làm trái ngành xong lại đi tư vấn những người khác là trái ngành cũng không sao cả!?
Các bạn thử nghĩ xem, với hai người mới tốt nghiệp Đại học, một người học đúng ngành, được chuẩn bị những kiến thức từ nền tảng đến chuyên sâu, tham gia một số dự án, hoạt động, chương trình thực tập liên quan đến ngành học. So với một người làm trái ngành hoàn toàn với kiến thức 4-5 năm Đại học không liên quan, tất cả những gì họ có là lượng kiến thức vụn vặt thu nhận được qua google search hoặc vài khóa học online trị giá vài trăm nghìn. Nếu bạn là nhà tuyển dụng, bạn sẽ chọn người nào?
Để thành công, có thể chỉ cần một trong ba điều: Có hoàn cảnh hoặc năng lực cá nhân đặc biệt, có khả năng chịu đựng hoặc sự nỗ lực rất lớn, hay đơn giản hơn – cực kì may mắn. Tuy nhiên, nếu không có cả ba điều trên thì việc thành công của một người làm trái ngành so với người học đúng ngành là khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, tốt nhất bạn nên chuẩn bị cho mình một lộ trình cụ thể và những sự lựa chọn sáng suốt.

3. Chia sẻ kinh nghiệm, review về trường qua diễn đàn, group, fanpage Facebook

Nếu bạn có thể chắt lọc được thông tin, hoặc nhận được những lời khuyên đáng tin cậy và mang tính khách quan từ chính những sinh viên đã và đang học tại ngôi trường bạn muốn thi vào, thì đó là một điều rất tốt. Tuy nhiên, đa phần những bình luận trên mạng về chủ đề này thường là những lời bông đùa, những câu chuyện “trà dư, tửu hậu” câu chuyện phiếm, hơn là những thông tin thực sự có ích.
Hơn nữa, những chia sẻ này thường mang tính cá nhân, xuất phát từ những trải nghiệm và hoàn cảnh cá nhân. Bạn cũng không thể kiểm chứng được những nội dung đó, cũng như hiểu về bản thân người chia sẻ. Bạn không thể biết được người chia sẻ với mình là một sinh viên thực sự chú tâm vào việc học tập, rèn luyện, hay là một sinh viên đang nợ môn chồng chất với tư tưởng “học trường nào chỉ quyết định việc bạn chơi net ở đâu”.
Nếu có thời gian, xin mời bạn đọc lại mục 2 của phần 1 trong chuỗi bài viết này để hiểu rõ hơn về việc chưa chắc có nhiều thông tin hơn đã tốt hơn.

4. Các chương trình hướng nghiệp, coaching mang tính phong trào, tự phát hoặc mang tính thương mại

Tương tự như trên, trước khi tham gia những chương trình này, bạn cần trang bị cho mình một tư duy phản biện: “Những chương trình đó thuộc tổ chức nào? Có uy tín hay không? Nếu mất phí thì mức giá đó có tương xứng hay không? Mình sẽ nhận được những gì sau khi tham gia?”
Hiện tại, có rất nhiều những chương trình hướng nghiệp hay career coaching có chất lượng chưa được kiểm định nhưng vẫn hoạt động mạnh mẽ, đặc biệt là trên Facebook. Cá biệt có những chương trình sử dụng những mentor đang là sinh viên, thậm chí là học sinh!? Tưởng tượng 20 năm sau nhìn lại, công việc bạn đang làm hóa ra là do một học sinh hoặc một sinh viên hơn mình vài tuổi tư vấn. Hoặc ở vị trí một phụ huynh, bạn sẽ nhìn nhận sự việc này thế nào? Không phủ nhận việc các mentor này có một profile tương đối bắt mắt với những thành tích học tập khá tốt. Tuy nhiên để tư vấn về công việc cho một cá nhân thì điều cần thiết hơn đó là uy tín, kinh nghiệm cũng như sự trải nghiệm, chứ không phải những hoạt động mang tính truyền thông, bề nổi.
Tạm kết: Bài viết này có thể mang lại những tranh luận trái chiều, với chúng tôi, đấy lại là điều đáng để khuyến khích. Có thể bạn cũng sẽ tự hỏi: “Vậy liệu bản thân dự án Future Me có tốt không? Có đáng tin không?” Điều này chúng tôi không dám chắc và xin để bạn tự quyết định. Nhưng có một điều chúng tôi chắc chắn, đó là chúng tôi sẽ không mang lại cho bạn những “cạm bẫy” như những điều đã kể bên trên.
Đọc thêm: