Từ lâu, nhiều tờ báo đã và đang ở Việt Nam xây dựng hình ảnh Trung Quốc như một con ngáo ộp, nhưng con ngáo ộp đó lại bị họ bạc đãi bởi chất lượng thông tin và tâm lý e ngại, thù hằn. Đấu tranh và hợp tác với Trung Quốc, trên truyền thông hay bất cứ mặt trận nào, đều phải bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh. 
Con ngáo ộp bị ghẻ lạnh trên truyền thông
Nhiều tờ báo Việt Nam dường như có ác cảm với hai từ Trung Quốc. Có rất ít đề tài mang tính tích cực liên quan đến nước này được khai thác, và chỉ đưa tin ở chừng mực, trong khi với dân số đông, tốc độ phát triển nhanh nhất nhì châu Á và thế giới, các giá trị văn hóa nhiều biến động qua mỗi thời kì, thì đây có thể coi là mảnh đất vàng cho bất kì tờ báo nào muốn làm phong phú content của mình. 
Trong tình hình hiện nay, chỉ cần nghiêm túc thực hiện một chuyên đề về một mảng văn hóa hay đời sống ở Trung Quốc, đã có thể thay thế hàng loạt thông tin về sao hạng A USUK hở bạo, hay Chipu ngồi dạo giữa hai cái ghế sắt,... với mật độ và giá trị luôn tỉ lệ nghịch với nhau. 
Viết về Trung Quốc, thì tiêu đề đôi khi cũng phải thật mạnh bạo. Khi lợn bị ngừng nhập phải lưu ở biên giới, người ta nói "Trung Quốc ngừng nhập lợn: Lợn quay đầu về đâu?", lợn rớt giá thảm hại, người nông dân khổ vì lợn bị Trung Quốc ngừng nhập, mà không hề biết rằng do lợn và thịt lợn không đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của nước bạn nên không thể xuất khẩu, mà nông sản, thì bài học không dừng ở lợn, mà chất lượng, số lượng hay quy hoạch sản xuất còn là nhãn tiền với thanh long, dưa hấu. Cách làm đó không sai, nhưng không phù hợp với tính khách quan là điều kiện tiên quyết của tin tức - sự thật. 
Trên bình diện quốc tế, hình ảnh Trung Quốc cũng khó mà khá hơn. Những bài viết như "Bị công ty TQ 'càn quét', quốc gia 990 đảo có nguy cơ mất sạch rừng" trên Zing chẳng hạn là một minh chứng rõ ràng cho việc người ta đang khắc họa Trung Quốc thành một tên đồ tể. Chỉ cần một dòng tiêu đề, thì bản chất sự việc lại được nhìn ở một góc nghiêng hoàn toàn, và tính khách quan của thông tin buộc phải bị đưa vào dấu chấm hỏi. 
Khi nguồn tài nguyên của một quốc gia bị đe dọa trên bờ vực cạn kiệt, thì trách nhiệm đầu tiên phải xem xét là của Chính quyền sở tại và cơ quan quản lý chuyên môn, với năng lực yếu kém và chất lượng luật pháp về hạn ngạch xuất nhập khẩu, bảo bệ tài nguyên yếu kém, đã không quản lý được tình trạng mất rừng của mình. Trong nền kinh tế thị trường khi người ta thuận mua vừa bán, thị trường gần một tỉ bốn trăm triệu dân của Trung Quốc, với một túi tiền rủng rỉnh khi, sẽ sẵn sàng mua những thứ họ cần miễn là có người bán. 

Đừng e ngại Trung Quốc, hãy công bằng với họ!
Nhìn thẳng vào lịch sử, chúng ta và Trung Quốc đã có vài nghìn năm cơm chẳng lành canh không ngọt. Mấy nghìn năm qua, người Việt luôn phải đấu tranh chống lại sự rình rập và xâm lược từ phương Bắc, điều đó tôi luyện trong chúng ta dòng máu Lạc Hồng anh hùng, nhưng cũng tạo ra một thứ tâm lý đối với Trung Quốc nửa như e ngại, nửa như căm ghét. 
Người Việt có xu hướng phản ứng mạnh mẽ hơn với những thông tin có liên quan tới Trung Quốc, đặc biệt nếu mang tính tiêu cực. Hợp tác làm ăn với Trung Quốc cũng là một vấn đề nhạy cảm, có thể đối mặt với sự dị nghị hay ngờ vực bất kì lúc nào.
Chính vì thế, mà chúng ta đang không công bằng với Trung Quốc, và sự không công bằng đó đẩy họ ra xa khỏi chúng ta. Là hai nước đồng chủng đồng văn, là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam cũng là đối tượng đấu tranh lâu dài, việc định hướng quan điểm, tư duy về Trung Quốc của người Việt Nam cần thay đổi. Muốn tồn tại cùng họ, chúng ta không còn cách nào khác ngoài hiểu họ. 
Trung Quốc "mở cửa" từ năm 1978, nhưng đến nay bên cạnh việc họ giới hạn các công cụ tìm kiếm quốc tế, thì thông tin về họ ở Việt Nam chỉ vô cùng hạn chế. Bạn không thể đọc một thông tin trên Wechat, Weibo, nhưng nhìn vào phiên bản Việt là Tiktok của mạng xã hội Douyin, thì bạn sẽ thấy ngay ở người trẻ, nhu cầu được biết về Trung Quốc lớn như thế nào. 
Quan hệ giữa ta với Trung Quốc ngày nay không còn được giải quyết đơn thuần bằng những Bạch Đằng hay Chi Lăng - Xương Giang, nó là câu chuyện của ngoại giao, của hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa và đối thoại hòa bình, nêu cao cảnh giác và tự vệ. Báo chí vì thế không thể thiếu công bằng hay e ngại Trung Quốc, đó còn là cách chúng ta thể hiện sự ngang hàng, bình đẳng và tôn trọng không can thiệp trên trường quốc tế.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trước đây mình chuyên dịch tin nội địa ở mảng Đông - Bắc Á cho vài báo, nhưng thú thực, tin của mình được sử dụng rất ít, người ta khoái nói về phương Đông bằng thông tin trên các bào đài phương Tây hơn. 
Không ít hơn một lần, bọn mình có đề xuất làm chuyên đề về Trung Quốc, chủ đề gì cũng được, văn hóa, đời sống, pháp luật,... nhưng không được duyệt, đồng nghĩa với không có kinh phí, bó tay. Công việc đó thì thích thật, làm hơn một năm rồi, nhưng mình không chịu nổi kiểu đem con bỏ chợ, nên đi ra làm ngoài, dù buồn và đã muộn cmnr.