Người Việt Nam có hài hước ?
Nếu các bạn có theo dõi những bài viết Spiderum từ tháng 2, có thể bạn đã biết tôi có tham gia bộ môn hài độc thoại - stand up comedy...
Nếu các bạn có theo dõi những bài viết Spiderum từ tháng 2, có thể bạn đã biết tôi có tham gia bộ môn hài độc thoại - stand up comedy và còn hứa sẽ viết 1 series giúp bạn vui tính hơn. Tin buồn là tôi quyết định sẽ ngừng viết vì những gì truyền tải được qua con chữ có lẽ tôi đã truyền tải hết. Tin vui là tôi vừa lập page Facebook tại https://www.facebook.com/nguyenisjoking, những bạn muốn tìm hiểu kĩ làm sao bớt nhạt hay đơn giản có hứng thú với bộ môn stand up comedy có thể dành chút thời gian để like và share page về nghiên cứu dần.
Hài hước bao gồm 50% bẩm sinh và 50% kĩ năng. Tôi không đẻ ra bạn và cũng chưa có kĩ năng điêu luyện, nhưng tôi nghiên cứu kĩ óc hài hước con người và cơ chế hoạt động tạo ra cười. Vậy nên hôm nay mạn phép bàn về tiếng cười và tiếng cười của người Việt. Đầu tiên xin giới thiệu công thức tạo nên tiếng cười bởi Steve Allen - nghệ sĩ hài huyền thoại của Mĩ
Comedy equals tragedy plus time
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng cái nôi của hài kịch chính là bi kịch, và nghệ sĩ hài phải là người đủ nhạy cảm để phát hiện ra cái bi kịch trong đời sống hàng ngày và đủ giỏi để biến nó thành tiếng cười qua nghệ thuật của ngôn từ, cơ thể,... Comedy và tragedy ai cũng hiểu, nhưng khái niệm time ở đây không để chỉ riêng thời gian. Time nên được hiểu theo nghĩa khoảng cách (địa lí, mức độ ảnh hưởng trực tiếp, mức độ thân thuộc,...). Khái niệm hài kịch đến từ bi kịch nghe qua thì trừu tượng nhưng lại rất gần gũi. Tưởng tượng đơn giản, truyện dân gian trạng Quỳnh không thể nào có những màn chọc ngoáy thâm sâu hay đối đáp đanh thép nếu như các địa chủ ngày xưa đều đối đãi tử tế với người nông dân. Khi quan sát những bất công xã hội thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, bạn có thể chọn cách biến thành nghệ sĩ hài bằng cách viết nên mẩu chuyện Trạng chết Chúa cũng băng hà hoặc biến thành một nhà thơ và thực tả sự thối nát của xã hội qua một nhân vật tưởng tượng như nàng Kiều của Nguyễn Du. Hai nghệ sĩ, hai cách tiếp cận khác nhau nhưng đều xuất phát từ những bi kịch cuộc đời.
Nhìn ra thế giới, Friends sẽ không thể nào là bộ phim sitcom nổi tiếng nhất của Mĩ nếu các nhà biên kịch không dành cả năm trời khắc họa thật rõ những xung đột của 5 con người từ 5 tầng lớp khác nhau với 5 tiểu sử khác nhau rồi khéo léo đặt tất cả trong quán cafe Central Perk giữa thành phố New York. Nếu hệ thống thoát nước của chúng ta đều đạt chuẩn và đường sắt cao tốc hoàn thành đúng hạn trong mức vốn, Chí Trung đã chẳng phải tốn công mũ áo trình diện Ngọc Hoàng Quốc Khánh hàng năm. Nói tóm lại, ngày Việt Nam thực sự trở thành thiên đường cũng sẽ là ngày cuối năm bật TV lên không còn Táo Quân nữa.
Tất nhiên tôi sẽ không bắt đầu sự nghiệp stand up comedy nếu không đủ tin tưởng vào độ mặn của bản thân nói riêng và người Việt nói chung. Niềm tin này hoàn toàn có cơ sở. Cả kho tàng tiếu lâm của ông bà cho ta thấy người Việt từ xưa chưa bao giờ ngần ngại sự tục tĩu trong hài. Nhìn sang Mỹ, những comedian gốc Việt như Dat Phan, Ali Wong đều có những dấu ấn và thành tựu nhất định trên bản đồ comedy scene thế giới.
Vậy người Việt có thể hài hước không? Có.
Nhưng người Việt có nhiều đất để hài hước không? Không.
Trở lại cái ngày cư dân mạng dậy sóng từ một câu comment bâng quơ của Dan Hauer về đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đấu tranh nội tâm rất nhiều bởi người dân Việt Nam trong tôi nhiều khi muốn điều tra thật kĩ cả tổ cả tông Dan mà đe dọa, nhưng phần nghệ sĩ hài yêu cầu tôi phải bảo vệ tự do ngôn luận. Hiểu đơn giản, tôi cho rằng việc Dan có quyền nói đùa về tướng Giáp tương đương với việc 90 triệu người dân Việt Nam cũng có quyền đăng nhập Facebook để chửi bới mạt sát qua mạng, thậm chí biểu tình trước cổng nhà miễn trong khuôn khổ luật pháp. Mà ai cũng quan niệm vậy thì vụ việc đã chẳng nổi tiếng. Ở Mỹ người ta cũng chửi Washington nhiều tương đương ngợi ca ông, nhưng hai bên đều đặt tinh thần tự do ngôn luận lên đầu nên mệnh ai nấy sống và mọi chuyện thường sẽ êm đẹp nếu nước sông không phạm nước giếng.
Nhưng hầu hết chúng ta không thể cười cho qua vụ việc bởi phần nào đó trong cái equation Comedy = Tragedy + Time đã bị vi phạm. Lí do bởi Việt Nam có quá nhiều vấn đề linh thiêng, nhạy cảm, cấm kị ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống các bạn. Hài Việt không nói về tôn giáo, bởi các cụ bảo lỡ mồm xúc phạm thần linh thì trời đánh thánh vật. Hài Việt không nói về lãnh tụ, bởi không chỉ cả ekip sẽ bị gô cổ lên phường mà có khi chỉ mở mồm ra cười đã có An Ninh Mạng đứng trước cửa. Hài Việt thử nói về bất công xã hội, nhưng Gặp Nhau Cuối Tuần 15 năm trước đã bị khai tử còn 2 tiếng Táo Quân cắt nham nhở cho 30 Tết. Ít ai hiểu những bi kịch xã hội ghê tởm nhất như bạo hành trẻ em, hiếp dâm, phân biệt vùng miền, bạo lực gia đình, tham nhũng đều chính là mảnh đất màu mỡ cho hài kịch ra đời mà chưa tiểu phẩm nào trên Danh Hài Đất Việt dám động chạm. Khi ấy, công việc của nghệ sĩ hài phải là dùng ngôn từ, hình thể khắc họa lại những bất công ấy để mang lại tiếng cười cho khán giả. Nam Tào và Bắc Đẩu không diễn lại cảnh bạo hành trẻ em tại trường mẫu giáo trên Táo Quân để chế giễu những nạn nhân bị bạo hành hay kêu gọi lật đổ Bộ trưởng Bộ Giáo Dục mà chỉ đơn giản để khán giả cười và có thể quên đi cái hiện thực trớ trêu trong chốc lát. Đất nước chúng ta không thiếu bi để làm tư liệu nhưng quá thiếu điều kiện để chuyển hóa thành hài.
Bên cạnh đó, đại từ xưng hô anh/chị/em của tiếng Việt thay vì I và U của tiếng Anh cũng hạn chế nhiều yếu tố bố láo, điều cần thấy trong hài. Truyền thông Việt Nam do còn non trẻ nên quá dễ bị định hướng và nhiễu loạn bởi nhiều “mương thông tin” kèm theo bộ máy an ninh trung ương được vận hành qua hàng chục năm trời để chọn lọc thông tin đến tai người dân cũng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của nghệ thuật, cụ thể ở đây là hài. Một nghệ sĩ hài từ Mỹ có thể nhắc tới Bill Cosby và cả khán phòng sẽ hiểu câu punchline đả kích việc Bill Cosby hiếp dâm phụ nữ. Nghệ sĩ Việt Nam không thể nhắc tới Minh Tiệp như một punchline về bạo hành trẻ em vì hình như ai đó đã trả tiền để vụ việc diễn ra ngắn và êm đẹp hơn. Họ càng không thể nhắc tới tên một quan chức cụ thể để đả kích việc tham nhũng.
Vậy hài Việt còn lại gì ?
Để hiểu rõ equation Comedy = Tragedy + Time, tôi sẽ thử phân tích lại một ví dụ trong chương trình truyền hình yêu thích nhất: Hỏi Xoáy Đáp Xoay
Xuân Bắc: Làm sao để tránh trộm cắp ví trên xe busGiáo sư Xoay: chúng ta nên luyện tập sức khỏe, nhưng không phải để đánh tên trộm hay đòi lại ví mà để mang theo một cái két sắt, mỗi lần lên xe bus nhét hết đồ đạc trong đấy. Tiện đợi xe bus lại có thêm chỗ ngồi.
Bi kịch ở đây chính là tệ nạn trộm cắp vặt, và giáo sư Xoay là người đã dùng kĩ thuật đánh lạc hướng để tạo nên câu đùa trên. Nhưng đó là câu chuyện của 6 năm trước, và trộm cắp vặt thì nước nào cũng có và không phải là vấn đề nhạy cảm. Giờ chúng ta có Ơn giời cậu đây rồi và Danh Hài đất Việt. Hài Việt gần đây khi xa rời bi kịch để hoàn toàn dựa vào kĩ thuật của diễn viên và biên kịch nhiều khi trở nên lố bịch và lạc lõng. Ai đó có thể cười khi Trấn Thành hay Trường Giang đội tóc giả và giở giọng đồng bóng chứ tôi và nhiều bạn ở đây không thể lấy đó để thỏa mãn.
Và chính vậy nên tôi tạm gác lại vô thời hạn việc nghiên cứu diễn hài độc thoại tiếng Việt. Vài người bạn của tôi cũng chia sẻ trăn trở viết hài độc thoại dùng tiếng Việt, nhưng chưa ai thành công. Chắc sẽ phải mất vài chục năm để truyền thông Việt Nam đủ phát triển và người Việt đủ thoáng trong suy nghĩ trước khi chúng ta thấy một comedian nói tiếng Việt thứ 2. Biết đâu trong thời gian ấy, một thế hệ người Việt giỏi tiếng Anh sẽ sản sinh ra vài chiếc comedy special trên Netflix. Còn trước đó, xin ngả mũ trước Dưa Leo, diễn viên hài độc thoại duy nhất của Việt Nam dùng ngôn ngữ mẹ đẻ. Theo tôi đây là cái joke hay nhất của anh chứ những lần diễn trên Got Talent Show joke hơi tục và tầm thường.
Nếu đã đọc tới đây chắc bạn cũng phải là người yêu hài. Lời cuối cùng xin quảng cáo lại trang Fanpage Stand up comedy của mình tại Nguyen Is Joking các bạn có thể để lại comment, upvote và mọi đóng góp tại đây hoặc page inbox. Cảm ơn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất