Chúng ta không khó để bắt gặp các ý kiến đổ thừa lên nghệ phẩm như: Phim hành động làm gia tăng bạo lực; truyện cổ tích làm tăng tính khôn lỏi; truyện ngôn tình làm tăng gái hoang tưởng v.v… Ấy là khi con người đổ vấy tội lỗi lên một vật vốn không có khả năng biện hộ: nghệ phẩm.
Nhưng ở mặt đối lập, tức là khi con người gán lên và tung hô nghệ phẩm những sứ mệnh không thuộc về nó, thì cũng gây cười gần bằng hài Trấn Thành pha bột canh. Ấy là: Truyện trinh thám rèn luyện tư duy lô-gích; phim Mĩ dạy cách làm đàn ông an-pha; đọc Haruki Murakami để học tâm lí học; đọc Dan Brown để học giải mã biểu tượng v.v…
Dầu vậy chưa ai từng tự hỏi, nếu nghệ phẩm có quyền năng đến thế, thì Salinger (tác giả Bắt trẻ đồng xanh) và Nolan (đạo diễn The Dark Knight) cần vào tù vì tội xúi giục giết người mới phải?

Bài viết này sẽ không phải là lời biện hộ cho nghệ phẩm, hoặc tuyên ngôn nghệ thuật nào, nhân vật trong ảnh trên đã làm tất cả điều đó.
Bài này tôi sẽ chỉ phân tích đôi chút quan điểm Oscar Wilde, kết hợp với vài quan sát được ở các hội sách Facebook để vãn chuyện chơi về một số độc giả thời nay.


I. MỤC ĐÍCH CỦA NGHỆ THUẬT



Năm 1890 Oscar Wilde ra mắt phiên bản đầu tiểu thuyết Bức hoạ Dorian Gray và nhận về cả rổ chỉ trích. Năm 1891 Wilde bổ sung cho tiểu thuyết của mình, viết thêm 6 chương mới cùng Lời tựa, trong đó một câu nói ngay lập tức trở nên nổi tiếng: “Thảy nghệ thuật đều tuyệt đối vô dụng.” [nguyên văn]
Ta cần hiểu câu nói này trước.
Đầu tiên, vô dụng (useless) khác với không có giá trị (no value). Nghệ thuật vô dụng ở chỗ nó không có tính thực dụng, nó không có chức năng hữu dụng nào cho cuộc sống con người cả.
Mục đích của nghệ thuật đơn thuần là tạo ra một tâm trạng. Nó không có mục đích dạy dỗ hay chỉ dẫn hành động con người. Mặc dù có thể có kẻ thưởng lãm nghệ thuật xong, y học được gì từ nó hoặc y khiến nó trở nên hữu dụng với y (như bán nó lấy tiền), nhưng đó không phải mục đích nghệ thuật, điều đó là dùng sai cách.
Và bất cứ khán giả nào thưởng lãm nghệ thuật dựa trên tính hữu dụng với y, thì nghĩa là khả năng cảm thụ nghệ thuật của y phải ở mức rất nghèo nàn cho đến rỗng tuếch.
Bức thư giải thích Wilde gửi người mến mộ. Phiên bản đầy đủ được gắn link cuối bài
Oscar Wilde là nghệ sĩ nổi bật theo trường phái Nghệ thuật vị nghệ thuật. Trường phái Nghệ thuật vị nghệ thuật lại bắt đầu từ quan điểm Mĩ học của triết gia Immanuel Kant. Theo Kant, một phán đoán thẩm mĩ cũng yêu cầu mệnh lệnh tuyệt đối như một phán đoán đạo đức, chúng cần tính phổ quát và tính tự thân.
Vì để hướng tới phổ quát cho tất cả mọi người thì việc vô tư, không vị lợi là bắt buộc. Và vì mang tính tự thân, cái đẹp ở tự thân cái đẹp, chứ không nằm ở sự vật cụ thể. Tuy ta cần nhìn vào sự vật đẹp mới lĩnh hội được mô hình cái đẹp, nhưng ta không chấp vào sự hiện hữu của sự vật ấy.
Nói tóm lại, cái Đẹp theo Kant là đối tượng của sự thoả thích mà không vị lợi, xuất phát từ phán đoán thẩm mĩ. Nếu vị lợi ở sự vật, và mang thích thú chủ quan cho ta, đó gọi là cái Thú vị. Còn cái ta quí trọng và có giá trị khách quan, đó gọi là cái Tốt. Ông phân biệt rạch ròi như vậy.

“Nếu một người tiếp cận nghệ phẩm với khao khát áp chế lên nghệ phẩm và nghệ sĩ, nếu tiếp cận với tinh thần ấy thì y không thể nào nhận được bất kì ấn tượng nghệ thuật nào cả. Nghệ phẩm phải chế ngự khán giả: khán giả không chế ngự nghệ phẩm. Khán giả phải dễ tiếp thu. Khán giả là cây vĩ cầm mà bậc thầy kéo. Và nếu y kìm nén được các quan điểm ngờ nghệch, các thành kiến vớ vẩn, các ý tưởng nực cười của mình rằng Nghệ thuật phải thế này và đừng thế kia nhiều bao nhiêu, thì y dễ hiểu và cảm thụ nghệ phẩm tốt bấy nhiêu.” – Oscar Wilde [nguyên văn]


II. NGHỆ THUẬT LÀ VÔ DỤNG



Nhớ cho, khái niệm nghệ thuật ở đây không chỉ đến các sách phi hư cấu (non-fiction) vốn có mục đích dạy dỗ người đời. Hiển nhiên chúng không phải nghệ thuật.

Ta có trường hợp như ảnh:

Người trả lời (che mực xanh) đã nhầm lẫn sơ đẳng giữa thứ họ nhận được từ nghệ thuật và thứ mà nghệ thuật mang cho họ (cứ cho như trinh thám là nghệ thuật đi, ô kê).
Nên khi người hỏi (che mực xám) hỏi những đầu sách với mục tiêu rõ ràng là dạy kĩ năng tư duy, thì người trả lời lại tung tăng chạy vào đưa ra sách trinh thám một cách hồn nhiên hết mực.
Sự nhầm lẫn như thế vừa là sai trước nghệ thuật vừa là tai hại cho nghệ phẩm và tác giả. Bởi một khi đã coi trinh thám dạy lô-gích thì người đọc trinh thám cần hiểu khái niệm lô-gích là gì, lô-gích hình thức hay biện chứng là gì, đâu là 4 qui tắc căn bản của lô-gích học? Rõ là trinh thám không dạy điều đó.
Và nếu người hỏi coi trinh thám là sách dạy lô-gích, hẳn đó là cuốn sách tồi và nhiều lỗ hổng. Hơn cả thế, vì tác giả trinh thám không viết toạc móng heo rằng tôi dạy bạn lô-gích, nên có thể người đọc còn chả học được tí lô-gích học nào cả.
Lúc này kịch bản sẽ quay về đổ lỗi lên nghệ phẩm và tác giả. Lỗi nhẹ như “sách dở, tác giả dốt” thì chưa sao, nhưng lỗi nặng như “sách dạy lối sống đồi truỵ, tác giả suy đồi” như Oscar Wilde từng gánh chịu thì mới là bi kịch.
Nguyễn Du đã phán: “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau!” Quả thật, sự yêu + hồn nhiên + ngu dốt = phụ nhau này khiến một chuyên gia nghiên cứu vườn trẻ trên Facebook như tôi cũng phải đến lặng người.
Đọc những dòng đầu tưởng trôn, nhưng đọc đến cuối mới biết là... thật.
Ngoài ra, tuy mục đích nghệ thuật là khơi gợi cảm xúc, nhưng không có gì chắc chắn là nó sẽ khơi gợi cùng một cảm xúc ở nhiều người khác nhau.
Chị A đang phiền muộn, đọc xong tiểu thuyết liền yêu đời. Anh B cũng phiền muộn, và bạn cho anh B đọc tiểu thuyết ấy để cũng yêu đời giống chị A được chăng?
Không! Không có gì chắc chắn cả. Làm như vậy là đã hiểu sai nghệ thuật.
Và nếu anh B đọc xong tiểu thuyết ấy rồi trầm cảm tự tử, thì lỗi không do nghệ phẩm giết người, mà là như tiêu đề: Lỗi do bạn ngu.

Mục III để nói rõ điều này.


III. PHÊ BÌNH LÀ TỰ TRUYỆN



Một câu nói nổi tiếng và khó hiểu khác của Wilde cũng trong phần Lời tựa: “Hình thức cao quí cũng như thấp kém nhất của phê bình đều là một dạng tự truyện.” [nguyên văn]
Ý của Wilde là những bài phê bình nghệ phẩm không phải đang nói về nghệ phẩm, mà nó đang tự nói về chính bản thân người phê bình. Câu sau đây bổ nghĩa: “Chính khán giả, chứ không phải cuộc sống, là điều nghệ thuật thực sự phản ánh.” [nguyên văn]
Lại nói về Kant, ông có câu: “Cái đẹp không nằm ở đôi má hồng người thiếu nữ mà ở đôi mắt kẻ si tình”. Còn theo hướng ngược lại, thì rác rưởi không nằm trong nghệ phẩm mà ở trong mũi bọn điếc văn.
Như hình dưới:

“Nếu một người tiếp cận nghệ phẩm với khao khát áp chế lên nghệ phẩm và nghệ sĩ, nếu tiếp cận với tinh thần ấy thì y không thể nào nhận được bất kì ấn tượng nghệ thuật nào cả. […] Và nếu y kìm nén được các quan điểm ngờ nghệch, các thành kiến vớ vẩn, các ý tưởng nực cười của mình rằng Nghệ thuật phải thế này và đừng thế kia nhiều bao nhiêu, thì y dễ hiểu và cảm thụ nghệ phẩm tốt bấy nhiêu.” – Oscar Wilde [nguyên văn]
Lại theo Wilde, một nghệ phẩm là một kết quả độc nhất của một khí chất độc nhất, và khán giả muốn thưởng thức trọn vẹn nghệ phẩm thì y đừng xen lẫn thành kiến cá nhân thì mới có cơ may hiểu được. Lại theo Kant, nói như hình trên là vô nghĩa vì nó không mang tính phổ quát với tất cả mọi người, vô nghĩa đối với cả phán đoán tri thức lẫn thẩm mĩ.
Thực chất câu trên hình có thể được diễn giải như sau: Bản thân người đọc không đủ khả năng tiếp thu nghệ thuật ở nguyên tác và cả dịch phẩm khi được dịch trung thành, đồng thời họ cũng không đủ can đảm để tự nhận mình thấp kém, hoặc chỉ trích tác giả vì đó là một tác giả kì tài, nên phương án được chọn là đổ lỗi lên dịch phẩm và dịch giả, họ nghĩ như vậy an toàn hơn.
Theo Wilde tiếp, nghệ phẩm như một bông hoa, mối quan hệ giữa khán giả và nghệ phẩm chỉ là ngắm nhìn chứ không bao giờ khán giả được quyền thay đổi nghệ phẩm. Một tác phẩm khó đọc với anh, thì nghĩa là anh không đủ khả năng đọc, anh không có quyền đòi dịch giả dịch lại dễ hiểu, hoặc đòi tác giả viết lại dễ hiểu. Nghệ sĩ không cần hạ mình cho ngang bằng công chúng. Nếu làm vậy, anh ta không còn là nghệ sĩ nữa.
Nếu một nghệ phẩm sửa đổi vì khán giả, thì đó là một thứ tác phẩm mạt hạng, và tác giả hoặc dịch giả chỉ là một tay làm trò giải trí thấp kém.
Một bài báo viết về Kim Dung sửa Thần Điêu Hiệp Lữ vì độc giả
“Một nghệ phẩm là kết tinh độc nhất từ một khí chất độc nhất. Vẻ đẹp của nó bắt nguồn từ thực tế rằng tác giả là chính bản thân mình. Chẳng có bất kì can hệ gì đến những ham muốn của kẻ khác. Quả vậy, thời khắc mà nghệ sĩ chú ý đến ham muốn của kẻ khác, và cố gắng đáp ứng họ, y không còn là nghệ sĩ nữa, mà trở thành một thợ thủ công đần độn hoặc nực cười, một con buôn thật thà hoặc xảo trá. Y không được coi là nghệ sĩ nữa.” – Oscar Wilde [nguyên văn]


Chú thích:


Tham khảo:

Bức hoạ Dorian Gray – Oscar Wilde, Nguyễn Tuấn Linh dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2018
Tiểu luận The Soul of Man under Socialism (1891) – Oscar Wilde
Bức thư Oscar Wilde phúc đáp người mến mộ (1891) – Oscar Wilde
Triết học Kant – TS. Trần Thái Đỉnh, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2005



Tornad
21/10/2018