MỞ
Các bạn có thể đọc full series của mình tại đây.
Chào các bạn, lâu lắm rồi mình mới quay lại viết tiếp về chủ đề này, về cuộc sống của sinh viên Y với mục đích để mọi người có thể hiểu thêm về quá trình học của bọn mình.
Cùng tìm hiểu với mình, một cô sinh viên sắp lên Y6 để xem bọn mình đã, đang và sẽ học những gì để có thể trở thành bác sĩ trong tương lai nhé!
1, Chương trình học 6 năm Y đa khoa và hướng đi sau khi ra trường:
Để mình nói qua chút về thời gian học để các bạn (đặc biệt là ngoài ngành) cùng nắm được nhé! Khối ngành liên quan đến sức khỏe (chủ yếu lấy kết quả thi khối B, có vài trường lấy cả khối A nhưng ít) sẽ chia ra thành hệ cử nhân học trong 4 năm (bao gồm điều dưỡng, nhãn khoa, dinh dưỡng, y tế công cộng) và hệ bác sĩ học trong 6 năm (gồm y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt, y học dự phòng).
Trong năm học đầu tiên hay còn gọi là Y1, bọn mình sẽ học các môn đại cương như sinh viên trường khác (như tin học, triết học, thể dục, giáo dục quốc phòng, ngoại ngữ: thường là tiếng anh, tiếng pháp thì ít hơn) và các môn y cơ sở (gồm giải phẫu, sinh lý, lý sinh, mô phôi, hóa sinh, điều dưỡng, sinh học di truyền).
Y2 và Y3 bọn mình được học module. Nói đơn giản, dễ hiểu thì tức là bọn mình sẽ học theo hệ cơ quan (VD module hô hấp, module tim mạch, module tiêu hóa, module cơ xương khớp,...). Trong mỗi module sẽ có các phân môn nhỏ hơn gồm giải phẫu, giải phẫu bệnh, sinh lý, sinh lý bệnh, nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh. Kiến thức tổng hợp trong một module là rất nhiều, đòi hỏi sinh viên cần biết cách hệ thống và liên kết các môn với nhau để có thể nắm được bài. Trước đây, khi hình thức module này chưa có thì theo chương trình, bọn mình sẽ học riêng và kết thúc từng môn (VD: giải phẫu thì học hết cả quyển luôn chứ không học theo từng hệ cơ quan). Cá nhân mình thấy cách học module khá hay và hiệu quả vì nó giúp mình liên kết kiến thức giúp mình có cái nhìn tổng quát hơn về một hệ cơ quan. Khoảng 5-6 năm gần đây thì hầu hết các trường Y đều đã chuyển sang hình thức học module (học kiểu "bổ dọc") thay cho cách học truyền thống ("bổ ngang" theo từng môn). Và trong 2 năm này, bọn mình được học tiếng anh chuyên ngành y khoa.
Bọn mình được đi thực tập lâm sàng tại các bệnh viện bắt đầu từ cuối Y3 (sau khi học xong hết tất cả các module: hô hấp, tim mạch, miễn dịch huyết học, cơ xương khớp, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục, nội tiết, tâm thần - thần kinh). Bọn mình sẽ học triệu chứng bệnh là chủ yếu, hay còn gọi là vòng cơ sở, vòng 1, vòng triệu chứng. Năm 3 thì đi nội cơ sở và ngoại cơ sở. Đây cũng là khoảng thời gian bọn mình lần đầu đi trực. Các bạn có thể đọc thêm các bài khác viết chi tiết hơn về chủ đề đi trực, đi phụ mổ,.. trong series này của mình nhé!
Sang đến Y4, bọn mình được đi thực tập 4 chuyên khoa chính là nội, ngoại, sản, nhi. Năm 4 thì bọn mình học về bệnh học, hay còn gọi là thực tập vòng 2, vòng bệnh học.
Y5 thì bọn mình học các chuyên khoa lẻ: răng hàm mặt, tai mũi họng, da liễu, hồi sức cấp cứu, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, miễn dịch dị ứng, thần kinh, tâm thần, mắt, truyền nhiễm, pháp y, ung thư, lao, lão, dinh dưỡng. Mỗi khoa bọn mình đi khoảng 2-3 tuần. Thầy cô đều bảo như "cưỡi ngựa xem hoa" thôi nhưng mình thấy đi càng nhiều khoa, bọn mình càng có cái nhìn tổng thể hơn về các mặt bệnh. Vì không phải một bệnh nhân vào viện là chỉ mắc một bệnh thuộc một chuyên khoa đơn lẻ nào đó, các chuyên khoa đều có ít nhiều liên quan đến nhau. Việc học và được thực tập hết các khoa sẽ giúp bọn mình biết được sau này khi trở thành bác sĩ, ca nào cần phải được hội chẩn. Và mình còn có thể định hướng người xung quanh (gia đình, bạn bè) đến khám tại chuyên khoa khi mình đang nghĩ, hướng tới bệnh của chuyên khoa đó.
Hiện tại thì mình sắp thành Y6. Năm 6 bọn mình sẽ được học vòng điều trị của 4 chuyên khoa chính: nội, ngoại, sản, nhi. Sau đó bọn mình sẽ tốt nghiệp và ra trường. Bọn mình cần có 18 tháng thực tập tại bệnh viện (có điều trị bệnh nhân nội trú) để lấy chứng chỉ hành nghề. Tiếp đến là học theo một chuyên ngành nào đó mà bản thân thích (trong số các khoa mình đã liệt kê ở trên, gồm 4 chuyên khoa chính và các chuyên khoa lẻ được học ở Y5). Mình thì định sẽ theo chuyên khoa lẻ vì mình nghĩ nó phù hợp với bản thân và mình cũng thích nó. Mọi người có thể chọn học theo hướng thiên hơn về lâm sàng (Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ chuyên khoa II) hoặc thiên về nghiên cứu, giảng dạy - ý mình là nếu bạn thích trở thành giảng viên trong các trường Y (Thạc sĩ, Tiến Sĩ). Mình thì chắc sẽ học theo hướng thiên về nghiên cứu, giảng dạy hơn vì hồi bé, mình cũng từng có ước mơ được đứng trên bục giảng ^^ À có một cách để rút ngắn thời gian học cao học và lấy chứng chỉ hành nghề, đó là trở thành Bác sĩ nội trú. Đây là ước muốn của đa số sinh viên Y. Và bọn mình chỉ được thi nội trú duy nhất một lần trong đời vào đúng năm tốt nghiệp (không như thi THPT Quốc gia - trước là thi đại học, có thể thi đi thi lại được). Đội ngũ các bác sĩ nội trú đều là những người học xuất sắc, và trong quá trình 3 năm học nội trú, hầu hết thời gian của họ là thực tập tại các bệnh viện. Giờ thì các bạn hiểu tại sao lại gọi là "nội trú" rồi chứ. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú, họ sẽ được cấp cả chứng chỉ hành nghề và bằng thạc sĩ luôn. Nói chung học nội trú rất vất vả (mình đi viện thấy các anh chị phải trực nhiều lắm luôn), nhưng thời gian thực tập và học trên bệnh nhân rất nhiều, nhờ đó mà kiến thức chuyên môn của họ rất chắc.
2, Điều mình đúc rút được sau 5 năm học Y
2.1. Về việc học chuyên môn
Theo mình thì phần lớn các môn trong trường Y nên học để hiểu và lặp đi lặp lại cho đến khi nó trở thành kiến thức của mình. Không nên học theo kiểu học để thi, học vẹt - học thế này có thể giúp các bạn đạt điểm cao nhưng đó chỉ là trí nhớ ngắn hạn, còn khi bạn học hiểu và thực hành thường xuyên thì sẽ trở thành trí nhớ dài hạn.
Khi đang học năm nhất, năm hai, nên tìm được phương pháp học phù hợp với bản thân. Muốn biết có phù hợp hay không thì phải thử. Các bạn có thể tham khảo từ bạn bè xung quanh hoặc các anh chị đi trước. Một phương pháp có thể phù hợp người này, không phù hợp với người kia. Các bạn có thể kết hợp các phương pháp với nhau, hoặc chắt lọc phần mình có thể học được mà phù hợp với bản thân. Mình thì thích vẽ và tiếp nhận kiến thức rất tốt qua thị giác (trí nhớ về hình ảnh của mình khá tốt), nên mình thường chọn cách vẽ sơ đồ tư duy hoặc lập bảng so sánh, chú thích bằng bút đánh dấu nhiều màu sắc, dán giấy ghi nhớ vào sách, vở,...
Việc học theo nhóm có thể giúp bạn bớt thời gian hơn để tra cứu từng phần, thay vào đó có thể chia nhau ra đọc các phần rồi cùng nhau thảo luận. Học nhóm cũng là lúc các bạn có thể chia sẻ tài liệu với nhau, giúp nhau phấn đấu trong học tập. Tuy nhiên, học một mình cũng có những ưu điểm nhất định. Bạn nên cân bằng 2 cách học để có được năng suất cao và hiệu quả nhất.
Về môn tiếng anh chuyên ngành. Môn này khá khó lúc mới học nhưng nếu bạn có phương pháp học thì thấy môn này cũng hay đấy chứ. Đặc biệt là sau này, mình có thể đọc thêm các tài liệu tham khảo hoặc các nghiên cứu, bài báo khoa học bằng tiếng anh (vì y học cập nhật thường xuyên mà). Nếu không chịu khó học và đợi đến khi bài đó được dịch sang tiếng Việt rồi thì thường kiến thức đó sắp trở nên "lỗi thời" rồi - thầy cô mình hay nói điều đó vì muốn bọn mình có thể chủ động hơn trong việc tìm và đọc các luận văn, đề tài nước ngoài này. Bạn có thể học môn này trên trường và xem thêm trên youtube. Mình cũng có thấy các khóa học Tiếng anh chuyên ngành trên mạng, bạn có thể tìm hiểu và chọn một lớp phù hợp nhé. Còn nếu bạn cần trao đổi gì thêm về môn này thì có thể bình luận dưới bài viết này hoặc nhắn tin riêng cho mình nha!
2.2. Về kỹ năng mềm
Kỹ năng mềm là rất cần thiết với tất cả mọi người rồi. Mình có bài viết về việc đi thực tập tại các bệnh viện đã giúp mình cải thiện kỹ năng mềm thế nào:
Ngoài ra thì bạn có thể cải thiện kỹ năng mềm bằng cách tham gia các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài trường. Trước mình cũng có tham gia câu lạc bộ trong trường, một vài dự án, chương trình tình nguyện của các Tổ chức phi Chính phủ. Mình thấy bản thân học được khá nhiều điều qua mỗi trải nghiệm và quen thêm được nhiều người bạn mới.
Học ngoại ngữ rất quan trọng. Bạn có thể không cần đạt đến mức giao tiếp lưu loát hay đọc tài liệu chuyên ngành nước ngoài quá xuất sắc. Theo mình chỉ cần có đủ vốn để giao tiếp, giúp người nghe hiểu đúng ý mình và đọc tài liệu anh văn mà hiểu được ý chính, hiểu đúng là tốt rồi. Mình có thể cải thiện dần dần, chỉ cần mình quyết tâm.
Cạnh đó, việc đi làm thêm cũng giúp mình trưởng thành lên nhiều. Mình từng làm gia sư, làm thêm ở phòng khám, làm trợ giảng ở trung tâm tiếng anh. Tuy lương không được nhiều nhưng mình lại thu được về khá nhiều thứ. Từ các ứng xử, giao tiếp, khả năng xử lý tình huống, kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian,.. đều được cải thiện qua các trải nghiệm này.
Với mình thì không phải sinh viên Y là lúc nào cũng phải học. Bạn vẫn nên dành thời gian để tận hưởng cuộc sống xung quanh, tự mình có các trải nghiệm. Mình vẫn luôn sắp xếp thời gian cho gia đình (ưu tiên số 1), sau đó là đi chơi với bạn bè (bạn đại học thì bọn mình dễ xếp thời gian hơn nhưng thỉnh thoảng mình vẫn gặp lại các bạn cấp 2, cấp 3 để cập nhật tình hình mọi người).
Mình vẫn sắp xếp để có thời gian cho sở thích của bản thân. Đó có thể là đạp xe, vẽ tranh, tô màu, nấu ăn, xem phim, học đàn,.. Những điều này giúp mình thay đổi tâm trạng khi mình gặp stress học tập, thi cử và giúp mình cân bằng cuộc sống. À mình cũng thích viết nữa. Ngoài viết thì mình cũng hay đọc bài của các bạn trên Spiderum, nó giúp mình có thêm cái nhìn về các chủ đề mà trước đây mình chưa hiểu rõ. Spiderum cũng giúp mình có thêm những người bạn mới rất dễ thương :))
2.3. Đôi lời gửi tới các em Y bé và các em học sinh có ý định thi vào các trường Y
Với các em Y bé (Y1, Y2, Y3), các em nên tìm ra cách học tốt và hiệu quả nhất cho mình. Nếu có thể thì nên học thêm tiếng anh càng sớm càng tốt (tự học hoặc đi học ở trung tâm, học online đều được). Khi đi lâm sàng thì nên chịu khó đến sớm và đi buồng với các bác sĩ. Các em sẽ học được rất nhiều trên bệnh nhân. Y3 mới đi viện thì nên đi theo các anh chị điều dưỡng để được nhìn và thực tập các thủ thuật như lấy vein, đặt sonde tiểu, sonde dạ dày, rút truyền,... Những điều này đều có ích và sẽ giúp các em tự tin hơn khi đi lâm sàng mà anh chị có nhờ làm. Đừng nghĩ đây chỉ là công việc của điều dưỡng, các em nên khiêm tốn và học hỏi từ những điều nhỏ bé này nhé. Y bé thì còn nhiều thời gian nhưng cũng đừng ham chơi quá, nhớ là mấy môn chính (liên quan đến chuyên môn) thì học tử tế vào, còn các môn cơ sở thì qua môn là được (đương nhiên nếu có thể học được điểm cao thì tốt). Và nếu có lỡ trượt môn thì cũng đừng buồn, chán nản hay thất vọng gì nhé. Các em cố gắng thi trả nợ môn càng sớm càng tốt, chứ đừng để đến mấy năm cuối là bận lắm, thời gian đi thực tập gần như là cả năm rồi, không có thời gian thi lại nữa đâu. Việc học một chương trình nặng như này thì các em cũng nên chú ý đến sức khỏe bản thân nhé (cả sức khỏe về thể chất và sức khỏe tâm thần nữa). Mình còn không biết cách tự chăm sóc cho bản thân thì sao có thể chăm sóc cho người khác được, đúng không?
Với các em học sinh thích Y, chị nghĩ là các em nên tìm hiểu kỹ về ngành mình sẽ theo học nhé. Không phải chị khuyên các em không nên thi Y mà chị chỉ muốn các em có lựa chọn tốt nhất sau khi đã suy nghĩ và chuẩn bị kỹ thôi. Học Y rất vất vả, áp lực, thời gian học thì lâu. Nếu các em chọn thi Y chỉ vì bố mẹ bắt hoặc bất kể lý do nào khác trừ việc chính bản thân em thích, thì đừng học Y. Chị đã gặp vài bạn bỏ học giữa chừng vì họ không thích Y và không thể tiếp tục theo học ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Còn nếu em thực sự đam mê và ước mơ trở thành bác sĩ thì chị chúc em sẽ luôn cố gắng để theo đuổi nó nhé!
KẾT
Tầm này năm sau thì mình ra trường rồi :)) Đợi đến lúc đấy chắc mình sẽ viết bài tổng quan về quá trình học 6 năm.
À để trả lời cho câu tiêu đề cho bài viết của mình: Cần học rất nhiều để trở thành bác sĩ, không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn kỹ năng mềm và khi đã học Y thì xác định là học cả đời <3
Cảm ơn mọi người đã đọc hết bài viết của mình ạ <3
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất