Ba ngày trước, tôi nộp đơn xin nghỉ việc tại trường đại học nơi tôi đã công tác 5 năm kể từ ngày tốt nghiệp Đại học.
Tính ra tôi đã ở đó tất cả 9 năm: 4 năm đi học và 5 năm đi dạy. Đó là một khoảng thời gian không ngắn mà cũng chẳng dài. Nhưng với tôi, thế là đủ.
Lần đầu tiên có trải nghiệm xin nghỉ việc, tôi nhận ra việc đó dễ dàng đến mức nào. Đương nhiên đó không phải là một quyết định dễ dàng đối với tôi, nhưng quá trình xin nghỉ thực sự dễ dàng. Tôi chỉ cần gọi một cú điện cho sếp, sáng hôm sau mang đơn lên cho sếp ký và nộp lên văn phòng đợi được giải quyết.
Cái thực sự khó là đi đến được quyết định này. Đặc biệt với một người vốn quen với sự an toàn của môi trường sư phạm từ nhỏ đến lớn như tôi, bước ra khỏi đó là cả một quyết định thay đổi cuộc đời.
Bố mẹ tôi đều là giáo viên. Tôi lớn lên trong khu tập thể của một trường học, sau 12 năm phổ thông, tôi đi học sư phạm rồi ở lại trường làm giáo viên. Suốt 27 năm cuộc đời của mình, tôi đã hít thở bầu không khí của môi trường mô phạm như thế.
Trong tưởng tượng của tôi, tôi thấy mình như một chú chim cánh cụt. Đó là một chú chim cánh cụt ốm yếu, sinh ra và lớn lên trong một vùng đất nhỏ hẹp nhưng đầy đủ thức ăn và an toàn trên một vách núi cao. Xung quanh vách núi đó là sương mù dày đặc và không ai biết ở ngoài là cái gì.
Chú cánh cụt luôn được khuyên rằng hãy biết hài lòng với việc ở trong vùng đất này cả đời và đừng bao giờ nghĩ đến chuyện ra ngoài kẻo sẽ rơi xuống vách núi tan xác. Những lời khuyên đó khiến chú vừa sợ hãi thế giới bên ngoài vừa tò mò không biết ngoài đó có cái gì.
Và cuối cùng thì cũng đến thời điểm chú chim cánh cụt cảm thấy quá bí bách trong một vùng đất nhỏ bé mà chú đã nắm như lòng bàn tay từ trong ra ngoài này và muốn mon men ra đến mép vực để nhảy xuống.
Chú nhớ đến bài học về việc nếu nhảy ra ngoài kia có thể sẽ ngay lập tức tan xác hoặc bị thú dữ ăn thịt. Nhưng chú nghĩ đã đến lúc chấp nhận cái rủi ro ấy. Ít nhất phải thử để mở rộng tầm nhìn về thế giới của mình.
Với chú, có lẽ điều đáng sợ nhất không phải là chết tan xác mà là chết đi khi chẳng biết đến cái gì khác ngoài vùng đất bé nhỏ này và chú chim cánh cụt đầy sợ hãi khác xung quanh mình.
Và thế là chú nhảy.
img_0
Quyết định này của chú chim cánh cụt tôi sẽ được nhìn nhận theo nhiều cách. Có người sẽ nói đó là một quyết định ngu ngốc, ai lại bỏ một công việc ổn định, một vị trí xã hội và thu nhập tốt chỉ để đổi lấy cái bất định ở ngoài kia chứ?
Hoặc có người sẽ nói đó là một quyết định anh hùng và đáng ngưỡng mộ. Đâu phải ai cũng dám rời bỏ vùng an toàn duy nhất mình biết và chấp nhận rủi ro như thế ở độ tuổi gần 30 này?
Đó có thể là ý kiến của những người khác, nhưng lúc này, tôi không muốn phải giải thích hay thuyết phục người khác về quyết định của tôi cho cuộc đời của chính tôi nữa. Người duy nhất tôi phải thuyết phục là chính mình. Bởi vì tôi đã đưa ra quyết định và sẽ chịu trách nhiệm trước quyết định đó.
Tôi đã suy nghĩ về quyết định này trong suốt một thời gian dài, nhấc lên đặt xuống, cân nhắc các khía cạnh và lợi ích tác hại. Có những lúc công việc nhàm chán đến mức tôi muốn vứt hết sách vở và xin nghỉ ngay lập tức. Có những lúc tôi lại sợ hãi và nghĩ rằng tốt nhất cứ làm những gì mình đã quen làm rồi, đừng thay đổi gì hết.
Nhưng nhiều cú hích liên tục đến và chúng đẩy tôi gần hơn đến quyết định cuối cùng. Tháng trước, tôi đi nghe một toạ đàm về cách tạo không khí tích cực trong lớp học, cô giáo nói một câu "Mỗi ngày chúng ta không có điều gì mới là một ngày chúng ta đã chết."
Tôi đã bật khóc trước khi kịp nhận ra. Câu nói của cô khiến tôi cảm nhận sâu sắc rằng mình đã chết như thế mỗi ngày trong suốt một thời gian gần đây. Dù đã cố vùng vẫy và tìm cách yêu cái mình đang làm, tôi vẫn thấy trống rỗng và những điều mình làm chẳng có mấy ý nghĩa.
Ở tuổi 27, tôi cảm thấy như mình đã 72 tuổi, năng lượng luôn thấp và loay hoay với một cuộc đời nhàm chán, không mục tiêu và đa phần là vô nghĩa. Khi tôi nhận ra mình đã khóc vì thương tiếc cho cái "chết" của bản thân ở tuổi 27 này, tôi biết mình không thể trì hoãn nữa.
Và ngay sau đó, khi có thêm quyết tâm để nghỉ việc, tôi lại tình cờ nghe được một bài giảng của giáo sư Trương Nguyện Thành về những ngã rẽ cuộc đời. Thầy nói chuyến đi phượt xuyên Việt bằng xe đạp dạy thầy rằng trong đời có nhiều khi mình sẽ rẽ vào đường cụt, hoặc rẽ vào một con đường cực kỳ đẹp trải nhiều hoa. Nhưng dù chuyện gì xảy ra, nếu ta dám đi và dám rẽ, chúng ta tích luỹ thêm được cho mình vốn sống và bản lĩnh vững vàng.
Chia sẻ của thầy cũng cho tôi thêm một chút vững tâm vào quyết định của mình. Đó là nhảy. Tôi cũng không biết tương lai phía trước mình là cái gì. Nhưng tôi sẽ học cách đón nhận nó và cho mình thử những điều mới ngoài tầm hiểu biết của bản thân hiện tại.
Dù có ngu ngốc thật đi chăng nữa, tôi nghĩ làm một chú chim cánh cụt ngu ngốc và dũng cảm vẫn hơn là một chú chim cánh cụt nhát gan và sống cả đời trong ám ảnh và nỗi sợ về thế giới rộng hơn ngoài kia.
P/s: Có thể với nhiều bạn có kinh nghiệm nhảy việc nhiều lần, việc tôi lo lắng như vậy trước khi nghỉ việc thật là kỳ cục. Nhưng tôi mong các bạn sẽ thông cảm với một người chưa từng biết đến một môi trường nào khác ngoài trường học và còn mắc bệnh rối loạn lo âu như tôi. Với tôi đây là một câu chuyện không hề dễ dàng, và tôi viết ra để động viên bản thân cũng như chính những bạn trẻ tuổi khác gặp vấn đề tương tự mà thôi.