Ai rồi cũng khác là có thật các bác ạ. Thậm chí, một ngày nào đó mình còn có thể trở thành người mà mình từng ghét cơ. Không phải là con người dễ dãi hay thay đổi mà lúc này học được cách buông những phán xét làm đau khổ chính mình - thứ làm mình nhìn đời bằng con mắt tối thui. Có những người trong đầu chẳng có gì ngoài công danh tiền bạc, người ta khổ lắm. Nhìn thấy cảnh đẹp cũng không rung động được, gặp ai thành công cũng khó mừng cho người ta. Những người trong đầu chỉ đau đáu chuyện tình cảm, gia đình đang bất ổn cũng vậy. Lúc được tặng quà, lúc được quan tâm, yêu thương, lúc thăng tiến hay thất bại, họ không buồn cũng chẳng vui, muốn khóc cũng chẳng khóc được, muốn cười mà chỉ có thể dửng dưng.
Trước nghĩ rằng yêu nhau thì phải cố gắng để được lâu bền, đi càng xa càng tốt. Giờ lại thấy mưa đến đâu mát mặt đến đó. Không còn sợ đau khổ mà chỉ dám yêu 7 phần, giấu 3 phần nữa. Bởi nếu như vậy, dù yêu lâu dài cũng không thấy trọn vẹn. Mình cũng hiểu ra yêu nhiều không có nghĩa là hi sinh nhiều hay cho đi nhiều hơn mà là biết tận hưởng trong tình yêu. Bám chấp vào việc: bằng mọi giá phải bên nhau, dù đau khổ, dù khác đường,... thì không thể nào tận hưởng nổi. Có nhau nhưng còn đau hơn cả lúc không có nhau thì khi đó, tình yêu chẳng còn ý nghĩa gì.
Trước vì tai nạn nên sợ nước, học bơi đến chục lớp mà có mỗi việc thả lỏng cũng không làm được. Sau hậu covid, sức khỏe đi xuống, tinh thần thể thao đi lên mới cố vượt nỗi sợ, luyện môn bơi. Vừa lì, vừa háo hức, vừa từ tốn cho phép mình từng bước làm quen với nước. Thế mà biết bơi thật. Hóa ra đi học bơi không học được là vì không thấy an toàn. Khi có bạn, có người thân dạy bơi cho, ngày ngày động viên, không thúc ép 10 buổi hay 20 buổi bơi được, tự nhiên lại biết. Hóa ra với chiếc kính bơi, phao nổi, chiếc hồ đủ chạm chân và những người thân yêu đứng cạnh, mình có thể học bơi trong sự an toàn.
Trước ai gọi "bé ơi" mình đều giãy nảy lên vì sến quá. Giờ thì từ bạn thân, chị thân, đối tác, khách quen, người yêu đều gọi là "bé". Đi ngoài đường cũng vui vẻ hào hứng khi người ta gọi "bé ơi". Trước cứ thấy thế là điệu chảy nước, giờ lại thấy dễ thương. Đơn giản là mình đã biết cách nâng niu mình, biết cách chấp nhận phần tính nữ mong manh và cả sự yếu đuối bên trong. Yếu đuối cũng không sao cả, điệu cũng không sao cả, sến cũng chẳng sao cả. Đôi lúc, điệu một chút, sến một chút, yếu đuối một chút lại là lúc mình cảm nhận tình yêu của mọi người rõ ràng hơn.
Trước cứ thấy ai ích kỷ chỉ nghĩ cho mình là đáng ghét, thấy ai làm việc không có kế hoạch là khó chịu, thấy ai sồn sồn là bực tức. Giờ gặp những người như vậy lại không tăng xông như trước nữa. Không phải là đồng cảm mà là mình thấu cảm với họ, nhìn thấy được lý do tại sao họ như vậy và nhìn thấy được lý do tại sao mình bực bội đến thế. Trước là do mình không biết cách nghĩ cho bản thân nên ghét những người ích kỷ, do không biết thả lỏng & xuôi dòng nên ghét người sống không kế hoạch, do sợ làm phiền người khác nên mới bực người sồn sồn.
Trước cứ nghĩ bản thân không thể kinh doanh, thậm chí có phần khinh bỉ con buôn bất chấp hay những người livestream bán hàng. Giờ thì đỡ hơn nhiều. Không phải vì mình cũng bán hàng mà vì mình hiểu ra, trước đây mình có niềm tin giới hạn rằng: người giàu là người xấu, con buôn thì gian manh. Đó có thể là niềm tin từ những câu chuyện cổ mình đọc, từ gia đình răn dạy. Thế nên, bây giờ dù vẫn gặp những người bán hàng gian manh, chơi xấu, mình cũng không xem đó là tất cả. Giữ tâm thế trung lập, mình vẫn gặp những đối tác tốt, những người mua hàng vui vẻ, tử tế.
Cô giáo mình từng nói: Chúng ta có thể đánh giá hành vi nhưng đừng nên đánh giá con người. Và khi đánh giá hành vi cũng hãy đánh giá động cơ đằng sau nó. Bạn mình sau cú sốc tình cảm hút thuốc nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người chớp nhoáng hơn. Bạn bảo: Tao dần trở thành người mình từng ghét rồi. Nhưng mình vẫn thấy nó như vậy, vẫn tò mò, háo hức với cuộc sống, vẫn thẳng thắn và tử tế. Yêu nói yêu, ghét nói ghét. Hút thuốc hay gặp gỡ nhiều người chẳng nói lên con người nó. Và đôi khi, chính nó cũng tâm sự rằng: những cuộc gặp đó khiến tao mở rộng góc nhìn và thấy cuộc sống thú vị, nhiều lựa chọn hơn. Thế nên, cú sốc tình cảm của nó, mình xem như bước ngoặt để nó sống là chính mình hơn, tự do hơn, buông bỏ những chấp niệm dễ hơn. Mình cá là giờ nó bớt hằn học, ghét bỏ những người hút thuốc và nhiều MQH xã giao hơn trước rồi.
Nói chuyện với những người khác nhau, mình mới thấy sướng khổ phần lớn là lựa chọn. Có những người vất vả ngược xuôi, trụ cột chính trong gia đình nhưng lúc gặp họ vẫn tươi vui. Bởi, "nếu không học cách tận hưởng niềm vui nhỏ, tao sẽ gục mất". Có những người đủ đầy nhưng chính sự đủ đầy đó triệt tiêu sự phiêu lưu mà bản ngã cần, họ vô thức nhìn vào mặt tiêu cực của vấn đề, quên mất cách tận hưởng niềm vui nhỏ. Những lúc đó, họ chọn đau khổ để có cảm xúc mạnh trong cuộc sống nhàm chán. Não chúng mình ưa thích những cảm xúc mạnh hơn mà.
Mình nghĩ đây sẽ là bài về cách hạnh phúc lâu dài, tiếp nối chuỗi bài "Cách hạnh phúc ngay tức thì" trước đó. Mình nhận ra: càng đi nhiều, đọc nhiều, càng gặp nhiều người, trải qua nhiều chuyện, góc nhìn lại càng rộng mở. Góc nhìn càng rộng mở, mình càng dễ hạnh phúc. Tự nhiên hiểu "unlearn to learn" là gì, hiểu "buông bỏ chấp niệm" có thể mang lại an lạc ra sao. Nhiều chuyện trước đây mình xem là "không thể", "chỉ có thể là như kia", "phải như kia mới đúng",... thì bây giờ thấy hiểu rằng: "không đen không có nghĩa là trắng", "không là A thì còn có thể là B".
Đó chắc là một phần trạng thái của những người sống lâu và sống sâu, của những bà, những ông, những cô, những chú mình có cơ hội được tiếp chuyện. Vì nhiều góc nhìn nên họ nhìn đời nhẹ nhàng lắm, những lời khuyên cũng chân thành và không hề giáo điều chút nào.
---Monet's Talk & Touch