Cre: Pinterest
Cre: Pinterest

MỞ

Các bạn có thể đọc full series của mình tại đây.
Bài viết này mình sẽ chia sẻ những điều mà mình học được trong quá trình đi thực tập ở bệnh viện nhé. Sinh viên Y bọn mình thì bắt đầu đi viện vào năm thứ 3 (hay gọi là Y3). Y3 bọn mình sẽ đi vòng triệu chứng (nội và ngoại cơ sở), Y4 thì đi vòng ngoại bệnh lý (nội, ngoại, sản, nhi), Y5 đi chuyên khoa lẻ (da liễu, thần kinh, dinh dưỡng, hồi sức cấp cứu, răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt,..) và Y6 đi vòng điều trị (nội, ngoại, sản, nhi). Trong quá trình đi thực tập ở bệnh viện, khoa phòng, bọn mình sẽ trực tại khoa đang đi hoặc khoa cấp cứu của bệnh viện đó (tùy mỗi nơi lại quy định khác nhau).
Vậy đi thực tập giúp mình học được những gì?

1. Các kiến thức lâm sàng

Đương nhiên đây là điều đầu tiên khi mình được đi học tại bệnh viện. Bọn mình sẽ được trực tiếp hỏi bệnh cũng như thăm khám bệnh nhân. Như mình đã từng nhắc đến ở các bài viết trước, việc học trên bệnh nhân hay hơn nhiều so với việc bạn chỉ dành thời gian cho đọc lý thuyết suông trong quyển giáo trình dày cộp.
Nhất là khi gặp được bệnh nhân có triệu chứng điển hình như sách, bạn sẽ nhớ case bệnh đó rất lâu. Ví dụ như mình đến giờ vẫn nhớ như in một bệnh nhân Y3 mình từng khám, bệnh nhân này có đầy đủ các triệu chứng của xơ gan luôn. Hay như đợt Y4 mình có gặp bệnh nhân được chẩn đoán viêm cột sống dính khớp. Thế là tự dưng thuộc bài :))
À đi viện thì bọn mình cũng được các anh chị bác sĩ và điều dưỡng hướng dẫn làm các thủ thuật nữa (sonde tiểu, sonde dạ dày, lấy vein, lấy khí máu,...) Đợt đi ngoại thì được phụ mổ, mình cũng học được cách mặc áo - đi găng, khâu ngoài da,...Nói chung là mình rất thích được đi thực tập ở viện vì mình sẽ được học và biết những thứ trong sách không có hết.

2. Cải thiện các kỹ năng mềm

Đầu tiên phải kể đến là kỹ năng giao tiếp. Mình được phân công là nhóm trưởng cho một nhóm khoảng chục bạn (lớp mình khá đông, hơn 100 sinh viên nên sẽ chia thành nhiều nhóm nhỏ đi luân khoa khác nhau, có thể là cùng một bệnh viện hoặc bệnh viện khác). Mình có nhiệm vụ liên hệ xin giảng với các bác sĩ (thường là trưởng khoa, phó khoa hoặc bác sĩ khác có trong danh sách giảng bài cho bọn mình). Chuyện này thì bây giờ mình thấy bình thường nhưng hồi Y3 mới đi viện thì mình thấy hơi ngại. Các bác sĩ nhiều khi bận nên đòi hỏi người nhóm trưởng nên có chút khéo léo nhắc lịch cho các bác sĩ vì có thể nhiều việc, họ quên mất. Nhưng cũng cần chú ý là không nên gọi điện hay nhắn tin làm phiền họ quá nhiều, điều đó sẽ để lại ấn tượng không tốt. Còn bao nhiêu lần là đủ thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, cũng không có công thức chung nào cho việc này cả. Nên là mình thấy mình học được cách nói chuyện rõ ràng và ngắn gọn (để tránh mất thời gian của các bác sĩ).
Không chỉ với bác sĩ mà mình còn thường xuyên rèn luyện, trau dồi kỹ năng giao tiếp với mọi người xung quanh (từ bác bảo vệ, cô lao công, chị điều dưỡng và bệnh nhân).
Sau một thời gian đi viện thì mình thấy để giao tiếp tốt với bệnh nhân cần chú ý đến các điểm sau:
- Phải ngoan, lễ phép, thái độ cầu thị, phải tinh tế khi hỏi bệnh (tránh hỏi bệnh khi bệnh nhân đang ăn, đang mệt, đang ngủ; đối với những bệnh nhân ung thư thì cần hết sức lưu ý đến câu từ vì có thể bệnh nhân chưa biết mình đang bị bệnh và gia đình muốn giấu).
- Khi hỏi các vấn đề tế nhị (ví dụ như tiền sử quan hệ tình dục, tiền sử lao) cần phải nói nhỏ giọng, đủ để bệnh nhân nghe, hỏi bệnh với thái độ nghiêm túc, không cười cợt.
- Thể hiện sự quan tâm đến bệnh nhân. Ví dụ như "Đêm qua bác ngủ có ngon không?" hay " Bác có thấy khó chịu ở đâu không?", "Bác ăn có thấy ngon miệng không ạ?". Mình còn hay quan tâm về vấn đề dạo này bệnh nhân có áp lực hay có chuyện gì phải lo lắng, suy nghĩ nhiều không. Vì đôi khi các triệu chứng của bệnh nhân là do những chuyện phiền lòng đó gây nên.
Mình thì từ lúc bắt đầu đi viện đến giờ đều gặp những bệnh nhân hợp tác rất tốt, họ cho phép mình hỏi bệnh và thăm khám, thực hiện các nghiệm pháp. Mình nghĩ phần giao tiếp của mình được cải thiện nhiều chính là nhờ những lần đi thực tập như này. Có vài bệnh nhân được mình khám bệnh xong thì còn hỏi là mình có người yêu chưa, định giới thiệu với con, cháu của họ rồi nhận làm con dâu, cháu dâu nữa :)) Một số bệnh nhân trả lời rất nhiệt tình khi được hỏi và khám bệnh, vì họ bảo con cháu họ cũng là sinh viên Y hoặc từng là sinh viên Y giống bọn mình, họ cũng mong bọn mình có cơ hội được thực tập nhiều hơn để sau này có thể trở thành những bác sĩ tốt, những bác sĩ giỏi.
À đúng rồi, từ lúc đi viện thì mình cũng nắm rõ quy trình khám hơn. Nhờ đó, việc mình đưa người nhà của mình đi khám thuận tiện hơn rất nhiều. Tiện thể thì mình cũng tranh thủ học được từ người nhà mình luôn (kết hợp lâm sàng, kết quả cận lâm sàng tại viện, chẩn đoán của bác sĩ và việc điều trị).
Kỹ năng thuyết trình cũng được cải thiện khi bọn mình trình bệnh án giao ban. Và đặc biệt là lúc thi vấn đáp cuối kì lâm sàng nữa. Bọn mình sẽ phải đưa ra các biện luận chẩn đoán, giải thích tại sao phải làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán, hướng điều trị, tiên lượng cho bệnh nhân.
Kỹ năng làm việc nhóm cũng được cải thiện khi bọn mình cần phải phối hợp với các nhân viên y tế khác trong quá trình cấp cứu cho bệnh nhân. Ở trong bệnh viện mình thấy các bác sĩ hay có các cuộc hội chẩn chuyên khoa khi gặp một case bệnh khó, liên quan đến nhiều chuyên ngành. Thật ra thì những kiến thức đó quá chuyên sâu, nhưng bọn mình vẫn nghe dù chỉ hiểu được một ít ^^

3. Mở rộng các mối quan hệ, có thêm những người bạn mới

Mình là một người dễ gần và hòa đồng, mọi người xung quanh đều nhận xét mình như vậy. Khi đi luân khoa và đi trực tại viện, mình được gặp gỡ các anh chị bác sĩ, điều dưỡng và các bạn (có cả anh chị và các em) học y ở trường khác, các em điều dưỡng đang đi thực tập.
Mình khá thích việc kết nối với mọi người. Việc mở rộng mối quan hệ giúp mình hiểu và biết thêm những kiến thức mới (cả về chuyên môn lẫn cuộc sống).
Mình vẫn giữ liên lạc với những người bạn này. Thi thoảng bọn mình vẫn nhắn tin, hỏi thăm nhau, nếu rảnh thì còn đi uống nước hoặc đi ăn cùng nhau nữa.
Vì phần lớn thời gian học Y, bọn mình đi thực tập ở bệnh viện nên việc kết nối như này giúp bọn mình có thể hỗ trợ lẫn nhau khi đi luân khoa, hoặc sau này có thể giúp nhau ở chuyên ngành của mỗi người.

KẾT

Trên đây là một vài điều bản thân mình đã học được trong quá trình đi viện. Mình thấy đi viện giúp mình được trải nghiệm và tiếp thu rất nhiều kiến thức, cả về chuyên môn lẫn cách đối nhân xử thế và hoàn thiện các kỹ năng mềm khác.
Mình rất biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân đã tạo điều kiện tốt nhất cho bọn mình được học tập. Cảm ơn mọi người rất nhiều ạ!
P/s: Bài viết này mình viết vào đúng ngày 27/02. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, mình xin chúc tất cả các nhân viên y tế luôn dồi dào sức khỏe, học tập, công tác tốt và tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cứu người ạ. Đặc biệt mình xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những bác sĩ, điều dưỡng mà mình đã có cơ hội gặp gỡ trong quá trình đi thực tập ở các bệnh viện, những người thầy mà mình vô cùng yêu quý và kính trọng. Cảm ơn các thầy cô và anh chị đã luôn hướng dẫn, giảng dạy, chỉ bảo tận tình và hỗ trợ bọn mình trong suốt thời gian học tập ở viện!
Cảm ơn mọi người đã đọc hết bài viết của mình ạ <3