Cre: Pinterest
Cre: Pinterest
Các bạn có thể đọc full series của mình tại đây

MỞ

Hì các bạn tò mò lắm đúng không? Vậy hãy đọc bài viết của mình để biết góc nhìn từ một đứa sinh viên lúc còn là Y3, Y4 như nào nhé. Hồi còn là học sinh, mình cũng xem kha khá phim về ngành y. Hmmm, khi được trực tiếp trải nghiệm vào phòng mổ cũng thích lắm các bạn ạ ^^ Mình sẽ kể cho các bạn nghe về những lần được đi phụ mổ của mình nhé!
"Bác sĩ ngoài đời có ngầu như phim không?" - Mình xin trả lời là "Có" nhé. Uiii siêu ngầu luôn ý, thậm chí ngoài đời mình thấy các bác sĩ còn ngầu hơn trong phim cơ :)))

1. Lần đầu tiên đi phụ mổ

Hihi liệu có phải vì là lần đầu tiên nên mình thấy trời hôm đó thật đẹp đúng không nhỉ? Vui quá nên nhìn cái gì cũng thấy yêu đời ấy <3 Đó là lúc mình học Y3, khi đang thực tập ngoại cơ sở. (Nói thêm chút để các bạn ngoài ngành có thể hiểu được: Y3 sẽ đi vòng triệu chứng, Y4 đi vòng bệnh học, Y5 đi các chuyên khoa lẻ và Y6 đi vòng điều trị).
Ca mổ đầu tiên mình được phụ đó là mổ cắt ruột thừa nội soi. Trước đấy thì mình có được vào trong phòng mổ và xem rồi nhưng chưa được phụ. Lần này, anh bác sĩ mổ chính còn hướng dẫn mình tỉ mỉ từ những bước đầu tiên luôn. Anh bảo vì cũng từng là sinh viên nên anh hiểu bọn mình cần gì. Anh cũng ước trước đây có người chỉ bảo cho anh như thế. Vậy là anh hướng dẫn mình từ việc rửa tay và cách mặc áo choàng mổ sao cho đúng (đương nhiên những kiến thức này mình đã được thầy cô dạy cho trên trường rồi nhưng đó chỉ là trên lý thuyết thôi, nếu được hướng dẫn trên trải nghiệm thực tế thì còn gì tuyệt vời bằng nhỉ :))) Anh cũng chỉ cho mình đâu là phẫu trường (nơi diễn ra các thủ thuật và can thiệp) - cũng là nơi phải giữ được môi trường vô khuẩn ở đấy. Ngoài ra cũng phải hết sức chú ý đến bàn để các dụng cụ phẫu thuật (KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC QUAY LƯNG VÀO ĐÂY) của chị "tít"- thấy các bác sĩ hay gọi các chị điều dưỡng đưa dụng cụ là thế. Giống như trong phim " Người thầy y đức", người mà đưa dụng cụ (dao, kéo, kẹp, kim,..v..v...) cho bác sĩ Kim thì ở Việt Nam mình gọi là chị "tít" các bạn ạ. Cái này thì mình cũng không biết tại sao lại gọi như thế, nhưng mà nghe có vẻ đáng yêu :))
Sau màn khởi động (rửa tay, mặc áo, đi găng) thì anh hướng dẫn tiếp việc mình cần làm. Mình có nhiệm vụ cầm đèn nội soi có gắn camera để cho anh nhìn thấy ổ bụng rõ hơn và thực hiện các thao tác mà không làm tổn hại đến các bộ phận xung quanh đó. Bổ sung thêm chút thông tin cho các bạn đang đọc mà không học y nè: mổ ruột thừa nội soi sẽ có 3 lỗ trocar: 1 lỗ có gắn cam (sau đó hình ảnh sẽ được chiếu lên trên 1 màn hình trong phòng phẫu thuật) là cái mình cầm, 2 cái còn lại BS mổ chính sẽ cầm nha. Giờ mổ ruột thừa nội soi cũng khá đơn giản và nhanh, chứ trước toàn "mổ phanh" - cái này là từ mọi người hay dùng để mô tả việc rạch đường dài trên bụng ấy. Hic nhưng mà đi viện các BS không thích dùng từ "mổ phanh" và bảo bọn mình phải sửa lại, gọi là " mổ mở".
Sau khi cắt ruột thừa, BS sẽ cho một cái túi bé vào trong ổ bụng qua lỗ trocar và để ruột thừa vào đó và đóng túi lại (nó có dây rút á). Sau cùng là bước khâu 3 lỗ trocar lại, mình được anh hướng dẫn khâu. Hihi khâu ngoài da thì cũng không khó, nhất là được làm trực tiếp có người chỉnh luôn cho như thế này. Vì vậy học Y đúng là phải lao vào lâm sàng các bạn ạ, thế mới học được nhiều. Mình được gặp, được làm, được trải nghiệm thì sẽ không bao giờ quên. Chứ cứ ngồi hành lang cầm giáo trình toàn lý thuyết thôi thì khó vào lắm. Thực sự rất cảm ơn anh đã giúp mình nhiều như thế! Đó không chỉ là một người anh mà còn là một người thầy, một BS rất có tâm và nhiệt huyết với nghề, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ đàn em khóa dưới.
Kì thực tập ngoại Y3 của mình kết thúc trong sự tiếc nuối (vì mình vẫn muốn đi thêm ở đây). Nơi mình gặp được những BS, người thầy, người anh rất nhiệt tình và luôn giảng dạy cẩn thận cho bọn mình. Mình mong sau có cơ hội có thể quay lại đây để được tiếp tục thực tập và gặp lại những con người đáng kính ấy.

2. Các lần phụ mổ khi trực ở cấp cứu ngoại

Ở khoa cấp cứu ngoại mình đi, người ta chia ra khu tiếp đón (nơi tiếp nhận các bệnh nhân mới đưa đến và các bệnh nhân đang đợi để khám), phòng lưu (nơi các bệnh nhân có tình trạng không nguy hiểm lắm và chưa cần mổ ngay, họ sẽ nằm ở đây để chờ theo dõi thêm, có thể sẽ xếp mổ phiên sau hoặc được ra viện), phòng hồi sức (nơi này có những bệnh nhân nặng nhất và chuẩn bị được đẩy lên phòng mổ, hoặc có những người tiên lượng nặng quá thì đưa về nhà) và phòng tiểu phẫu (nơi diễn ra các thủ thuật đơn giản, chỉ dùng thuốc tê chứ không dùng thuốc mê trong phòng mổ). Sinh viên bọn mình khi đi trực sẽ được chia đều ra các phòng ấy. Mình thường chủ yếu ở phòng hồi sức vì đợt Y4 mình có đam mê với ngoại thần kinh nên ở đây, mình gặp được nhiều ca chấn thương sọ não nhất.
Hầu hết trong 3 tháng đi vòng ngoại bệnh, mình đều xin được đi phụ các ca mổ sọ não. Mình khám bệnh nhân từ lúc vào, hỏi bệnh (nếu bệnh nhân tỉnh hoặc không thì sẽ hỏi người nhà hoặc người đưa vào), đọc các kết quả cận lâm sàng (thứ mình quan tâm nhất là phim cắt lớp vi tính sọ não). Sau đó khi bệnh nhân được chỉ định mổ, mình sẽ cùng vào phòng mổ và phụ ca đó luôn. Mình thấy đây là một cách học lâm sàng hay, vì mình nắm được hầu như toàn bộ quá trình của bệnh nhân. Sau đó nếu may mắn, mình có thể theo dõi tiếp bệnh nhân trên khoa nữa, theo dõi các biến chứng sau mổ và cách chăm sóc (trong y khoa người ta gọi là "hậu phẫu", trước mổ là "tiền phẫu"). Các em y bé nếu đọc được bài viết này thì hãy thử cách học như mình nhé, mình thấy khá hiệu quả đó.
Vì được các BS hồi Y3 hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết việc rửa tay, mặc áo, đi găng nên khi lên Y4 đến một bệnh viện lớn để thực tập, mình đã được khen vì thực hành rất tốt các kĩ năng này. Mình thầm cảm ơn các BS mà mình đã được gặp từ Y3, những người đã giúp mình trở nên hoàn thiện hơn.
Việc được phụ mổ khá hay, với mình là như vậy. Mình học được nhiều thứ từ các ca lâm sàng. À xem trên phim thì người ta sẽ làm mờ những cảnh "máu me" nhưng ngoài đời thì sẽ được xem "full HD" luôn các bạn ạ. Trải nghiệm thực tế bao giờ cũng tốt nhất đúng không? Mình còn hỏi BS về các cấu trúc giải phẫu trong quá trình mổ nữa (vì ngoài đời không giống hình trong giáo trình, atlas hay trên mạng mà các bộ phận cơ thể có màu xanh, vàng, đỏ,.. đâu các bạn ạ). Gần như cái gì cũng màu hồng hồng ấy, trong sách vẽ nhiều màu để sinh viên dễ tưởng tượng hơn thôi. Mình cũng rất may mắn là toàn gặp được các BS nhiệt tình. Anh ý chỉ cho mình các bộ phận luôn, thi thoảng còn hỏi mình biết đây là động mạch gì không, đây là phần nào của tá tràng,.. Có câu mình trả lời được, có câu không. Sau khi ca mổ kết thúc anh còn giảng thêm cho mình nữa và chia sẻ với mình một số tài liệu nên đọc. Mình cũng tự nhận là một đứa ham học và hay đưa ra thắc mắc trong quá trình học, nên mình nghĩ là có thể các BS nhìn mình nhớ lại hình ảnh hồi xưa của họ nên mới giúp đỡ mình nhiệt tình như thế. Thật ra thì khi bạn cố gắng, cả vũ trụ sẽ hợp lực cùng giúp đỡ bạn (câu này mình đọc được ở đâu đó rồi, mình không nhớ chính xác câu chữ nhưng đại ý nó là vậy, bạn nào biết câu chính xác thì có thể bình luận ở dưới nhé)
Thi thoảng mình cũng vào phụ tiểu phẫu. Bệnh nhân thường là có vết thương bẩn nên cần được làm sạch và khâu một vài vết rách nhỏ trước khi đưa vào phòng mổ. Việc của mình là phụ BS cắt chỉ sau mỗi mũi khâu, giúp bệnh nhân băng vết thương lại bằng gạc. Có một ca mình gặp ở phòng tiểu phẫu và để lại ấn tượng sâu sắc cho mình. Hôm đó là ngày mình trực và mình đang được phân ở phòng tiểu phẫu. Có một bệnh nhân nữ tầm 20-30 tuổi được đẩy vào, mặt thì chảy đầy máu và có nhiều vết thương khiến khuôn mặt thực sự rất khó để nhìn rõ. Mình đoán tuổi là dựa vào quần áo chị mặc và nhìn vào vùng cổ thôi. Sau đó có một chị bác sĩ đi vào và làm tiểu phẫu cho ca này, còn mình thì phụ chị BS. Mình nghe loáng thoáng thì hôm nay không phải ca trực của chị nhưng chị đang có việc nên vẫn ở trong bệnh viện. Chính là anh người yêu của bệnh nhân nữ kia đã xin số và liên lạc với chị BS và nhờ chị BS xuống xem tình hình cho bạn gái anh. Nói thêm là chị BS ở khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ các bạn ạ, kiểu cũng có kinh nghiệm vài năm trong nghề rồi. Nhìn cách chị xử lý vết thương cho bệnh nhân kia đã giúp mình hiểu được tâm ý của anh người yêu chị bệnh nhân. Anh nghĩ cho chị nên muốn BS tốt nhất khâu cho chị. Đúng thế thật các bạn ạ, chị BS khâu xong mình không hề nhìn thấy đường chỉ luôn <3 Thực sự rất ngưỡng mộ tay nghề của chị. Và anh người yêu nữa, nhìn cách anh ý quan tâm người yêu là mình hiểu tình cảm của hai người sâu đậm như nào rồi. Trong hoàn cảnh cấp cứu ấy mà anh vẫn muốn những điều tốt nhất cho chị. Có thể một vài bạn đọc chỗ này không hiểu ý mình, để mình giải thích thêm nhé. Nếu như là đúng lịch trực thì bình thường trong phòng tiểu phẫu sẽ chỉ có các bác sĩ nội trú thôi. Mình không nói là các anh chị nội trú khâu không đẹp, nhưng mà các anh chị mới ra trường nên chỉ khâu cầm máu được thôi, làm sao có thể bằng chị BS chuyên khoa PTTH với kinh nghiệm vài năm như kia được. Thế mới thấy anh người yêu tâm lý thật đấy. Mình cảm thấy xúc động trước một tình yêu đẹp như thế.

KẾT

Cảm ơn những BS, thầy cô và các anh chị đã giúp mình có được những trải nghiệm và bài học tuyệt vời, những thứ mà mình không thể có được qua sách vở hay xem phim được.
BS ngoại luôn ngầu trong mắt mình, nhưng trải nghiệm trực tiếp cùng họ giúp mình hiểu thêm được phần nào nỗi vất cả và áp lực mà các BS phải trải qua. Đương nhiên nghề nào cũng vất vả rồi. Nhưng nghề BS mình thấy họ còn luôn phải chịu áp lực vì công việc liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của con người nữa.
Mình cũng cảm ơn bản thân đã luôn cố gắng và có những trải nghiệm đáng quí mà không gì có thể quy đổi được. Đợt Y3, Y4 mình còn hay đi trực thêm khoa ngoại để có thể học hỏi được nhiều hơn. Có những hôm chỉ có mỗi mình là sinh viên đi trực (đợt đó nghỉ hè rồi) nên mình được chỉ bảo nhiều hơn. Cũng không cần "tranh nhau" lên phụ mổ với các bạn cùng tua nữa. Vì có một mình nên mình có nhiều thời gian hỏi bài các BS hơn, đi theo quan sát cách họ hỏi bệnh, khám bệnh, học từ tác phong và phong cách làm việc của họ. Cảm ơn họ vì tất cả!
Cảm ơn các bạn đã đọc hết bài viết của mình <3