Nỗi buồn đẹp cỡ nào?
------------------------------------------------------------------------------------------------ Lời nói đầu: Nếu các bạn đang...
------------------------------------------------------------------------------------------------
Lời nói đầu: Nếu các bạn đang muốn tìm cách tự lừa dối bản thân, chối bỏ nỗi buồn của mình đi bằng hằng hà sa số cách mà rất nhiều cuốn sách Self-help vẫn đang rao giảng, tôi khuyên bạn không nên đọc bài viết này, bởi lẽ tôi sẽ chỉ viết cho những ai chịu hiểu nỗi buồn chính xác là gì, và những ai dám chấp nhận nó.
Tác giả không hô hào lên rằng mình là người introvert các kiểu và tự tôn mình lên thành một "chủng tộc thượng đẳng" theo cách mà nhiều kẻ giả mạo nào đó hay làm. Tác giả có tính cách introvert nhưng chẳng hề post 1001 cái status một ngày kể về nỗi cô đơn. Trái lại, tôi sống rất hạnh phúc.
Tác giả không khuyến khích Negative và lối sống Negative (Đọc thêm trong bài để hiểu rõ).
------------------------------------------------------------------------------------------------
Tôi lấy tư cách gì để viết nên những dòng này?
Các bạn đừng hy vọng rằng tôi là một nhà chuyên gia, một học giả, một cái gì gì đó quá vĩ đại. Tôi chỉ đơn giản là kẻ đã quá quen với nỗi buồn. Tôi ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, và làm bạn với nỗi buồn lâu đến nỗi tôi biết nó là ai, nó đến từ đâu, và tôi phải làm gì với người bạn ấy. Đương nhiên không phải ngay từ lần đầu tiếp xúc tôi đã có thể nhận thức được nỗi buồn là gì, và chúng ta phải đối phó như thế nào. Đó là cả một quá trình:
Vậy chính xác nỗi buồn là gì?
Nỗi buồn là một nỗi đau về mặt cảm xúc được thể hiện qua trạng thái cảm xúc như:... ôi thôi dẹp đi!-Một định nghĩa về nỗi buồn nào đó trên mạng-
-Nếu bạn hỏi tôi, nỗi buồn có màu gì, hãy nhìn vào cái màu xám nóng trên bức ảnh trích từ bộ phim "500 days of Summer" mà tôi có đính kèm ở trên.
-Nếu bạn đưa tôi một bản nhạc tone trưởng vui tươi, tôi sẽ xoay sở và chuyển toàn bộ hợp âm trưởng về Major 7, chuyển toàn bộ hợp âm thứ về Minor 7, và thêm hợp âm Dominant vào cho có chút kịch tính.
-Nếu bạn bắt tôi solo trên tone trưởng, tôi sẽ chỉ dùng scale thứ tương ứng.
-Nếu bạn bắt tôi vẽ một bức tranh, tôi sẽ vẽ một bức tranh không người với tone màu buồn.
Đối với tôi, nỗi buồn ấy, nó thật đẹp đẽ, và nó là một phần tất yếu của cuộc sống mà chúng ta đang sống. Nỗi buồn lắng đọng, và cuộn tròn đâu đó trong bầu không khí chúng ta thở, trong một món ăn nào đó chúng ta nhấm nháp, trong ly chocolate nóng giữa mùa đông lạnh lẽo và trong bản nhạc chúng ta vẫn thường hay nghe. Dù trong những lúc vui vẻ và hạnh phúc nhất, ta vẫn có thể cảm nhận được nỗi buồn, dẫu chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Bạn không tin ư? Thế khi bạn ôm chặt người bạn yêu thương vào lòng, có khi nào bạn chợt nghĩ đến rằng lỡ đâu một ngày chia xa không? Đấy, nỗi buồn ngay vào lúc hạnh phúc đấy!
(Xin hãy bật bài hát này lên trong lúc đọc phần còn lại)
Thật ra mà nói, nỗi buồn không phải từ trên trời rơi xuống, càng không phải từ trên cây mọc ra để ta hái. Nỗi buồn sinh ra từ chính trong tâm chúng ta. Bởi lẽ chúng ta cảm thấy bức bối, cảm thấy thất vọng về một điều gì đó khi nó trái ngược với mong muốn, với nguyện vọng của chúng ta. Ví dụ: ta muốn ăn kem, tiệm kem nghỉ, ta buồn bực; ta viết bài, bài bị downvote, ta buồn bực; ta tranh luận gặp ý kiến trái chiều, ta buồn bực; ...
Hãy tưởng tượng những thứ thỏa mãn cho cái tôi, thỏa mãn cho ham muốn của bản thân mình là những proton có điện tích Positive ( + ), thì những thứ trái ngược với mong muốn của bản thân mình là những electron mang điện tích Negative ( - ). Điều kiện cần và đủ để một nguyên tử cân bằng chính là số Proton luôn bằng số Electron; tức là điện tích ( + ) = ( - ) . Phải có nỗi buồn, ta mới biết đến niềm vui!
Chối bỏ nỗi buồn, thực chất là sự chối bỏ bản thân.
Những điều bạn mong muốn, nó phản ánh con người của bạn, phản ánh toàn bộ quá trình nhận thức, tư duy và học tập. Thế thì những điều bạn không hề mong muốn, nó mang đến cho bạn những thứ bạn chưa hề trải nghiệm, những thứ không nằm trong nhận thức của bạn, và những thứ bạn không ngờ tới, hoặc những thứ bạn chưa từng chấp nhận, phải không nào? Vậy ít nhiều từ những điều đó, chúng ta có thể học tập để rút ra điều gì đó cho bản thân, nếu bạn đủ can đảm, đủ tỉnh táo để tiếp nhận nó. Ví dụ:
-Một đứa trẻ bị bố mẹ cấm ăn kem vào buổi tối, ban đầu nó la hét gào khóc dằn vặt và bỏ cơm. Nó không đủ chín chắn, mà tránh né và xua đuổi những nỗi buồn đó để rồi nó nhận ra, vào một ngày nào đó, rằng việc nó bỏ cơm rất vô ích, và không ăn kem vào buổi tối khiến nó không bị viêm họng và buộc phải chịu bao đau đớn khi cắt bỏ đi amidan (tonsil).
-Bạn đã học rất nhiều, đã tốn rất nhiều thời gian và tâm huyết cho một thứ gì đó, để rồi cuối cùng bạn nhận được C- cho đồ án cuối kỳ. Bạn tự cho rằng thời gian bỏ ra học tương đương với điểm số, bạn tự cho rằng số sách đã đọc tỉ lệ thuận với kết quả cuối kỳ. Bạn chối bỏ nỗi buồn đó, không chịu nhìn nhận kết quả rồi thù trường, hận thầy, ghét cả thế gian. Bạn không chịu nhìn vào bài kiểm tra đó, để nhận ra rằng bạn đã đọc rất nhiều sách, học về một mớ các trường phái thiết kế chỉ để xào nấu tất cả lại thành một thiết kế hầm bà lằng, quên đi một câu rất quan trọng được viết trong quyển sách giáo khoa cơ bản:
Less is more-Một câu trong bài thơ "The Faultless Painter" của Robert Browning năm 1855 được Kiến trúc sư huyền thoại Ludwig Mies van der Rohe áp dụng vào năm 1947 để khai sinh ra trường phái kiến trúc Minimalistic (Tối giản)-
-Cô người yêu rời bỏ bạn sau một khoảng thời gian yêu đương mặn nồng. Ban đầu bạn buồn đến phát rồ lên, nhưng bạn tìm đủ mọi cách để tránh né nỗi buồn đó. Bạn lao đầu vào công việc, lao đầu vào những cuộc vui không bờ bến để rồi khi thức dậy, giữa cơn say, bạn nhận ra mình lạc lõng giữa 4 bức tường vô hồn, giữa căn phòng chật chội đến nghẹt thở. Lúc ấy, bạn nghĩ rằng chẳng qua là do mình cô đơn, nên bạn cuống cuồng tìm ngay cho mình một mối tình, và lại lặp đúng những lỗi mà bạn đã làm với cô người yêu cũ. Ngay khi mối tình thứ 2 tan vỡ, bạn mới thấy hối tiếc rằng lúc ấy bạn không chịu suy nghĩ về cái nỗi buồn của mình, bạn hối tiếc vì bạn không gạt bỏ cái tôi của mình đi để mà biết được bản thân đã trẻ con, bồng bột, ích kỷ và thiếu quan tâm đến cô gái ấy đến nhường nào. Đã quá muộn để bạn nghe "When I was your man" của Bruno Mars rồi.
Có thể nói rằng, nỗi buồn giúp chúng ta hiểu được những thiếu sót của bản thân, giúp chúng ta trưởng thành hơn nhờ vào việc tiếp xúc với những thứ tiêu cực. Một con người được cấu tạo nên bởi hai phần là Positive và Negative; vậy nỗi buồn giúp chúng ta nhìn vào mặt Negative của bản thân. Khi bạn đối diện với nỗi buồn, bạn nhìn thấy được các góc khuất trần trụi, xấu xí nhưng thực chất nhất của bản thân mình. Xấu hay đẹp, đó cũng là chính bản thân ta mà thôi, và nhìn vào nỗi buồn giúp ta trả lời được cho một phần của câu hỏi:
Ta - là - ai?
Vậy nên nếu buồn, hãy buồn đi. Muốn khóc, cứ khóc. Đừng cố nhăn răng ra và bảo rằng :"Tôi ổn".
Ai cũng cần người Positive, vậy không lẽ người Negative đi tự sát hết?
Tôi tình cờ thấy một bức ảnh này trên Reddit Việt Nam, và đã vào đặt câu hỏi:"Ai cũng cần người Positive, vậy không lẽ người Negative đi tự sát hết sao?". Có nhiều người cũng có cùng một câu hỏi như tôi, bởi vì họ luôn tự vấn, và đôi khi tự ti vào bản thân Negative của mình. Trước khi đi vào trả lời câu hỏi, xin hãy để tôi kể cho các bạn nghe về hành trình tôi đi tìm những người bạn Negative (Kể từ giờ phút này, tác giả tạm gọi những người hay u buồn, lo sợ là những người Negative).
Thời tôi còn trẻ, sau khi tự tìm hiểu về nỗi buồn của mình, tôi đi đến quyết định đi tìm những kẻ cũng có nỗi buồn để xem thử họ đối xử với nỗi buồn đó như thế nào, tôi cần nhiều thông tin hơn, hoặc có thể nói rằng vào thời điểm ấy tôi chưa đủ tự tin với nhận thức của mình về nỗi buồn nên cần những kiểm chứng. Tôi tâm niệm rằng kẻ nào dũng cảm đối mặt với nỗi buồn, trò chuyện cùng nó mới chính là những kẻ mạnh mẽ nhất trên thế gian này. Và các bạn biết rồi đấy, đàn ông luôn giấu đi nỗi buồn của họ vì sợ bị chê là yếu đuối, thế nên tôi chuyển hướng sang phụ nữ.
-Một số phụ nữ cho rằng tôi đang tán tỉnh họ và cười cợt vì điều đó. Okay, fine, thanks!
-Một số phụ nữ té vào tình yêu với tôi vì tôi kiên nhẫn lắng nghe nỗi buồn sâu kín của họ, và hóa giải rất nhiều thứ mà họ trăn trở suốt cuộc đời bấy lâu. (Rất xin lỗi...).
-Một người nhận lời khuyên của tôi, nghe những lý giải của tôi về nỗi buồn nhưng cô vẫn chưa đủ can đảm đối mặt với nó vào thời điểm ấy (2010). 5 năm sau đó tôi nhận được tin nhắn của cô bảo rằng cô rất biết ơn về những lời nói của tôi lúc ấy, và tôi thật sự đã cứu cô khỏi tự tử. Cô vẫn nhắn tin chúc mừng sinh nhật tôi hàng năm, dù hiện giờ cô đang ở tận Mỹ.
-Một người lắng nghe lời khuyên của tôi, nghe về các lý giải, nhưng vẫn đâm đầu vào self-harm và những cuộc tình chóng vánh. Cô tràn ngập trong metal như một thứ thuốc, dằn vặt trong thất bại và hủy hoại bản thân bằng rất nhiều cách khác nhau. Trong một cuộc cãi vã, tôi đã quyết định cắt toàn bộ liên lạc với cô ấy với hy vọng rằng việc mất đi người bạn thân (tôi) khiến cho cô ấy tỉnh táo hơn.
-Một người cuối cùng, tôi chăm chú nhìn vào cách cô ấy, hơi loạng choạng vì say, xách theo cây guitar điện. Cô vừa trải qua một buổi diễn hết mình với nụ cười luôn gắn trên môi, nhưng khi mọi thứ kết thúc, cô đứng một mình, yên lặng và nhìn lên bầu trời với ánh mắt xa xăm. Cách cô ấy đối xử với nỗi buồn của mình, nó mới thật đẹp tuyệt vời nhường nào. Nỗi buồn đượm trong sương đêm, lượn lờ trên mi, chảy vào mắt và chạm xuống tận đáy lòng. Thế là tôi xin phép được đưa cô ấy về tận nhà, giúp cô ấy khước từ lời mời của những kẻ hám gái khác. Tôi lý giải cho cô nghe về nỗi buồn của cô, về cách cô nên đối xử với nó. Chập chững dần dần, cô quen với việc đó, và cô trở thành một con người chấp nhận đủ 2 phần Negative, Positive của bản thân mình. Và cũng chính từ đó, cô biết chấp nhận, dung hòa mọi thứ xung quanh, biết lắng nghe và thấu hiểu thật sự, biết đối mặt và biết khoan dung tất cả. Và bây giờ cô ấy thành vợ tôi rồi. Tôi quá hời!
Kể lể thế, tôi nghĩ các bạn chắc cũng hiểu được, rằng mặc dù những người Negative họ thường hay tỏ ra u buồn (hoặc cũng có thể có những biểu hiện cực đoan khác như gào khóc vật vã,...), nhưng họ đối mặt với nỗi buồn đó, chứ không khỏa lấp bằng những thứ khác. Có thể nói rằng họ dũng cảm đối mặt với mặt tối của cuộc sống hàng ngày like a hero ấy. Tin tôi đi, bạn sẽ cần những người bạn Negative bởi vì:
-Khi những người bạn Positive luôn luôn "say yes, just do it" và khuyến khích bạn làm những điều ngu xuẩn và xem nó như là "trải nghiệm" thì những người bạn Negative sẽ là người giữ bạn lại với tính cách u buồn hay lo âu của họ.
-Khi bạn thật sự buồn phiền, nếu như câu quote ở hình trên thì chắc những kẻ Positive cũng sẽ né bạn hết trơn, bởi vì bạn mang sự Negative đến cho họ. Cuối cùng bạn phải giấu tiệt luôn cái nỗi buồn đó, và rồi lãng quên luôn một nửa bản thân mình.
-Khi bạn buồn, người Positive sẽ rủ bạn đi uống để quên đi, họ sẽ chỉ nghe sơ sơ và bảo bạn "Thôi đừng buồn, vui lên đi". Ơ bạn đang buồn, thế thì làm thế quái nào để hết buồn bây giờ? Nhưng người Negative sẽ kéo 1 chiếc ghế lại, đưa bạn ly trà nóng và bảo bạn hãy kể cho họ những gì bạn muốn kể. Họ sẽ lắng nghe tất cả, cho bạn lời khuyên, kể cho bạn trải nghiệm của họ. Và biết đâu đấy, bạn tìm được câu trả lời cho vấn đề của mình ngay tại lúc ấy, once for ever.
Họ có thể trông rất "rắc rối" đấy, nhưng thật sự họ giúp bạn hiểu được những thái cực của cuộc sống này, giúp bạn thấu hiểu hơn chính bản thân mình, và giúp bạn học được rất nhiều điều. Dù thế nào, cũng đừng ruồng bỏ những người Negative, bởi vì Negative's lives matter...
Kết luận
Bản tính của con người là luôn sợ hãi và trốn tránh những thứ ta không thật sự hiểu. Và nỗi buồn cũng chính là một trong những thứ đó. Sẽ nguy hại biết bao nhiêu khi các cuốn sách Self-help chỉ mãi rao giảng rằng chúng ta nên "quẳng gánh lo" này quên "gánh lo nọ" đi mà sống, trong khi họ chả giải thích được tường tận bản chất của nỗi buồn là gì. Đơn giản nỗi buồn là phần góc tối mang điện tích Negative của bản thân chúng ta, là một phần của chúng ta, là nhân cách, là con người, là suy nghĩ, là tâm hồn của chính chúng ta. Bạn chả quên, chả quẳng cái gì đi được hết đâu! Bạn có thể giả dối với bất cứ ai, nhưng xin đừng giả dối với chính bản thân mình bằng những cách trốn chạy khỏi nỗi buồn.
Khi bạn gặp phải nỗi buồn, xin hãy khoan tìm đến những cách để khoả lấp, mà ngồi xuống, tĩnh tâm, pha một ly trà nóng, kiếm một chỗ yên tĩnh mà suy nghĩ: Liệu bản thân ta đã làm điều gì sai hay không, liệu những điều trái ngược đó có nói lên rằng suy nghĩ của ta dị hợm quái gở, liệu rằng có cách nào đó để ta không gặp phải nỗi buồn này, hoặc làm nhẹ đi nỗi buồn này vào lần sau hay không. Dù có buồn đến độ phải đi uống trước, okay, tỉnh rượu rồi đảm bảo nỗi buồn x2, lúc đó nhớ tĩnh tâm suy nghĩ chút là được. Lúc ban đầu có thể chúng ta sẽ cảm thấy rất khó để có thể bình tĩnh, nhưng tất cả luôn bắt đầu từ con số 0 mà. Khi nhìn vào những thứ hiện thực quá sức phũ phàng, nhìn vào bản thân xấu xí, ai trong chúng ta cũng sẽ cảm thấy rất ngại ngùng, sợ hãi, bối rối cả thôi. Cứ nhìn đi, rồi một ngày nào đó bạn sẽ nhìn thấy rằng cái thực chất ấy nó đẹp và hiếm hoi trong thế giới đầy rẫy những vẻ đẹp giả tạo như hiện nay đến nhường nào. Kể cả bạn có đang nghĩ nửa chừng mà phải bỏ đi uống rượu thì cũng đừng nản.
Chính những lần suy nghĩ này sẽ giúp bản thân bạn trở nên trưởng thành hơn, chín chắn hơn, và cứng cáp hơn trong mọi tình huống của cuộc sống, và cũng chính nhờ đó mà bạn bao dung hơn đối với tất cả những thứ trái chiều.
Vậy sau khi suy nghĩ xong, phải làm gì tiếp theo? Bạn chỉ đơn giản là để bản thân mình một khoảng lặng, một nốt trầm, một màu xám u uất, để nỗi buồn tĩnh mịch ôm lấy bạn một cách chậm rãi, trong một phút giây nào đó, giữa dòng đời bon chen, xô bồ và nhanh đến chóng mặt này.
Còn người Positive và người Negative ư? Đơn giản tôi chỉ nghĩ rằng người Positive họ nhìn thấy phần Positive nhiều hơn, và người Negative họ nhìn thấy phần Negative của họ nhiều hơn, thế thôi. Dù là ai đi chăng nữa, cá nhân nào cũng đáng được học hỏi và trân trọng. Thừa điện tích ( + ) thì lấy thêm điện tích ( - ) để cân bằng, và ngược lại, người Negative học cách sống Positive hơn để nhận ra rằng có rất nhiều lý do để họ không kết liễu cuộc sống của mình. Mọi thứ tồn tại đều có lý do của nó cả.
Kết luận cuối cùng của tôi chỉ có một, đó chính là:
Bạn không thể chống lại điều luôn hiện diện trong chính bản thân bạn. Vậy nên hãy mở rộng vòng tay để thấu hiểu và chấp nhận nỗi buồn.
Mọi việc cũng sẽ qua đi, quan trọng là điều gì còn đọng lại!
Bài viết cùng tác giả:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất