Đã bao giờ bạn đứng lên chống lại một điều được xã hội hiển nhiên chấp nhận, nói ra tâm sự giấu kín của nhiều người, bộc bạch chống lại một thế lực to lớn nào đó, để rồi thấy sau lưng lạnh ngắt không một bóng người?
Đã bao giờ bạn tự hỏi trong một xã hội với giá trị đảo lộn như thế này, liệu điều gì là đúng, điều gì mới là sai? Điều gì là chân lý, điều gì băng hoại đạo đức? 
Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng liệu mình có phải là kẻ nói dối, khi bạn là kẻ duy nhất nói thật? Nghịch lý nghe nực cười quá phải không?



Kẻ có uy tín trước đám đông luôn là kẻ đúng?

    Tôi luôn luôn tâm niệm một điều rằng, kẻ nào nói đúng, thì điều người đấy nói ra là đúng, kẻ nào nói sai, thì chính điều đấy là điều sai. Và việc nói đúng hay nói sai sự thật tùy thuộc vào logic của vấn đề được nói ra, chứ không xuất phát từ bản thân người nói có vị trí xã hội ra sao. 
    Tuy nhiên đối với xã hội chúng ta tại Việt Nam với 97.649.135 dân thì việc lọc lựa, phân biệt đúng sai của từng lời nói một là quá xa xỉ với quỹ thời gian của mỗi cá thể. Chúng ta không thể nào liên tục ngày nào cũng ba chân bốn cẳng xách theo giáo mác, cuốc thuổng chạy lên đồi để kiểm chứng tiếng kêu gọi "SÓI ĐẾN!" của cậu bé chăn cừu nghịch ngợm. Thế nên chúng ta tạm chấp nhận những điều xuất phát ra từ những cá nhân nổi bật, những cá nhân có uy tín và được nhiều người yêu mến là đúng. Và điều đấy dẫn đến những trường hợp không thể ngờ, dẫn đến những cá thể đã phải hứng chịu búa rìu của dư luận khi lên tiếng chỉ trích những người có uy tín, lên tiếng nói rằng họ đã từng bị xâm hại, đã từng bị đối xử tệ bạc, rằng con người thật của nhiều "cá nhân có uy tín" hoàn toàn rất kinh khủng, và chỉ lộ ra khi họ gặp những đối tượng mà họ chắc chắn rằng có tiếng nói quá nhỏ bé để ảnh hưởng đến bề dày uy tín của họ. 
Timeline: Suburban serial killer John Wayne Gacy and the efforts to  recover, name his 33 victims - Chicago Tribune
John Wayne Gacy
John Wayne Gacy là một người được hàng xóm, bạn bè và xã hội xung quanh yêu mến. Gã là một nhân vật của công chúng khi khoác lên mình bộ trang phục "Chú hề Pogo" và tham gia vào các buổi biểu diễn ảo thuật với trẻ em. Gã điều hành một chuỗi nhà hàng KFC và thậm chí đủ nổi tiếng để cân nhắc đến việc ứng cử vào ghế thị trưởng tại quê nhà của hắn. 
Bỗng một thời gian sau, bộ mặt thật sự của Gacy lộ ra một cách chấn động khi hắn đứng vào hàng ngũ 10 tay sát nhân hàng loạt nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Để truy cầu dục vọng bệnh hoạn của mình, gã đã bắt cóc, tra tấn hơn 30 người đàn ông và các bé trai và rồi giết họ sau khi quan hệ tình dục. Trong rất nhiều năm, hắn chôn thi thể của các nạn nhân ngay dưới chân nhà và xung quanh nhà mình mà không bị nghi ngờ nào cả, cho đến khi các công tố viên lần theo dấu vết và đưa hung thủ ra ánh sáng.  Gacy bị phán quyết tử hình vì tội danh sát nhân vì dục vọng điên cuồng.
Ví dụ này chưa đủ đối với bạn? Vậy hãy theo dõi vụ án tiếp theo được công bố kết quả điều tra gần đây tại Mỹ.
Daniel Holtzclaw: Why His Conviction is a Major Victory | Time
Daniel Holtzclaw, hình ảnh từ phiên tòa phán quyết vừa qua
Daniel Holtzclaw là cảnh sát tại thành phố Oklahoma. Hắn sinh ra lớn lên trong một gia đình có cha cũng là cảnh sát, được mọi người trọng vọng vì vị trí của mình là cảnh sát viên, là người gìn giữ luật pháp, bảo vệ an toàn cho xã hội nước Mỹ. Tất cả những cáo buộc cưỡng hiếp và xâm phạm tình dục dành cho hắn đều rơi vào quên lãng trong suốt một thời gian vì:
_Nạn nhân là những người phụ nữ Mỹ gốc Phi. 
_Nạn nhân là những người phụ nữ có tiền án.
_Nạn nhân có tiền sử sử dụng chất kích thích hoặc rượu. 
Họ, từ thiếu niên 17 đến phụ nữ trung niên tuổi 57, lựa chọn không tố cáo, hoặc căn bản là những lời tố cáo của họ bị xem là cáo buộc vô căn cứ nhằm bôi nhọ danh dự cảnh sát khi mà họ không có đủ "uy tín" trong cuộc sống. Vụ việc chỉ được đưa ra ánh sáng mãi đến khi người phụ nữ 57 tuổi ấy quyết định tố cáo sau khi được gia đình động viên. Sau đó lần lượt những nạn nhân khác lên tiếng và đưa vụ việc ra ánh sáng. 
Hầu hết những nạn nhân đều thú thực rằng họ định giữ im lặng đến khi người nạn nhân 57 tuổi kia dũng cảm đứng ra tố cáo. Họ nghĩ rằng vì Daniel là cảnh sát, và họ chỉ là những người "với một nửa quyền dân sự", ai sẽ tin họ? Nhất là cảnh sát.
Daniel gào khóc lên khi hắn bị phán quyết 263 năm tù giam, và hắn chỉ khóc vì hắn đã làm điều đó, và bị phát hiện!

Liệu có đúng khi gọi họ là kẻ hèn?

    Do ảnh hưởng từ cách sống trung thực, thà chết chứ không chịu luồn cúi của bố tôi, mà trong cuộc đời này của mình, không biết bao nhiêu lần tôi đứng lên bảo vệ kẻ khác, bảo vệ cho lợi ích của một nhóm thiểu số, bảo vệ cho cả chính mình. 
    Ở công ty cũ, tôi tố cáo một vài cá nhân lười biếng ích kỷ, chuyên dối trá trong công việc để rồi nhận được vài chiếc kim tiêm đính trên yên xe. 
    Ở trường Đại Học, tôi đứng lên nói thẳng rằng rất nhiều cá nhân trong nhóm sao lãng công việc, và thậm chí là không làm gì, trong đấy có cả tôi. Tôi không chấp nhận nổi số điểm đấy khi bản thân mình trong những ngày tháng rong chơi đã đời ấy đã chẳng làm gì. Và thế là tôi nhận được ánh mắt hình viên đạn từ những cá nhân thiếu trung thực, và cả ánh mắt của người duy nhất làm việc nhóm. Cậu trách tôi rằng tại sao lại làm điều đó, để quan hệ của cậu với cả nhóm đổ bể, giờ thì cậu phải làm thế nào trong những năm học ĐH còn lại? 
    Ở Áo, tôi từng đứng lên tố cáo, cảnh báo trên hội Du học sinh về hiện tượng nhiều nhà hàng Việt không có kinh nghiệm làm giấy tờ, biến du học sinh chân ướt chân ráo qua thành những kẻ lao động không phép, đẩy họ vào con đường có thể bị tước mất Visa. Cũng chính tôi là kẻ đã vác đơn lên tận Sở Lao Động tại Áo để đòi cho được số tiền lương thuộc về tôi, sau khi tay chủ lao động (cũng là người Việt), đòi trừ hết 2/3 số lương trên giấy tờ của tôi đi vì "Học việc không được nhận lương". Tôi cảnh báo cho tất cả mọi người cùng làm, cảnh báo cho cả cộng đồng chỉ để đổi lại sự im lặng đến lạnh người từ chính những người mà tôi bảo vệ. 
    Ừ, họ cũng cần phải im lặng, cần phải chịu nhục, cần phải nhẫn nhịn, để họ có thể tiếp tục tồn tại được ở một đất nước xa xôi, chịu sự hành hạ tinh thần nhẫn tâm của chính người đồng hương của mình. Cho nên bao nhiêu lần tôi muốn mở miệng ra hét thẳng vào mặt, hét thẳng vào tâm hồn của họ, rằng họ là


    Hèn vì họ đã bị bóc lột nhưng vẫn để kẻ khác bị bóc lột. Hèn vì họ đã bị xâm hại nhưng vẫn để kẻ khác bị xâm hại. Hèn vì họ im lặng khi có kẻ đứng lên đưa lưng ra chống đỡ cho họ, để rồi bị bỏ mặc trong cô đơn, để rồi bị nhào lấp trong 1001 lời khen có cánh, rằng:
Người ấy đối xử với tôi tốt lắm, bạn nghĩ làm sao ấy chứ?
Xưa giờ chưa bao giờ nghe tiếng người này làm như vậy bao giờ.
Chắc là hiểu lầm gì đó thôi ấy chứ?
Anh ấy là người ăn chay tích đức làm việc thiện, làm sao có việc này?
    Liệu việc bạn đi làm việc thiện, xây 100 cái chùa có khiến cho sự thật những gì ghê tởm bạn từng làm được thanh tẩy lại không? Không! Đó là lý do chúng ta có luật pháp! Hãy cứ bỏ mặc những người dám đứng lên, hãy cứ để những điều tốt trong xã hội chết dần chết mòn đi, để rồi cái chúng ta còn lại là mớ rác rưởi giả tạo trịch thượng khi con người giết lẫn nhau, chà đạp lên lẫn nhau giành giật những giá trị ảo, thứ mà đáng ra đã có thể được chia đều cho tất cả. 
Quote of Edmund Burke | QuoteSaga

Điều kiện cần duy nhất để những thứ ma quỷ chiến thắng chính là việc những con người tốt đẹp ngồi im chẳng làm gì cả.
-Edmund Burke-
    Trong lòng gào thét muốn chửi mắng, muốn nhìn thẳng vào đôi mắt đang lảng tránh của những người này, nhìn thẳng vào tâm hồn của họ, thẳng vào tâm can của họ. Nhưng cuối cùng rồi lại thôi. Chính lương tâm họ sẽ làm điều đó thay tôi, nếu họ còn lương tâm ở đâu đó. Họ sẽ phải trả giá khi chính bản thân lại đi vào lối mòn đấy, khi người thân, gia đình mình rơi vào cái bẫy này và không-một-ai-đứng-lên-vì-họ-cả!
Nhiều lúc tôi cảm thấy thương cảm cho họ, khi họ bị xã hội này nhào nặn tới nỗi phải từ bỏ cả sự thật, từ bỏ cả lương tâm, từ bỏ cả phần người đi để có thể tồn tại, để có thể sống sót tiếp, để có thể cưu mang tiếp gia đình mình. Có thể nói mối quan hệ của tôi, với "lũ hèn hạ" nó là mối quan hệ đắng cay, đổi thay xoành xoạch giữa "thương tiếc" và "hận". Nhiều lúc tôi không biết rằng mình có nên trách họ, có nên buông những lời kể trên với họ không nữa. Với một kẻ cực đoan như tôi, mà phải đắn đo tới mức này thì mọi người cũng đủ hiểu được sức mạnh đè nén của cả một xã hội nó kinh khủng tới nhường nào.
Ảnh trích trong một phân đoạn rất hay từ Saving Private Ryan (1998)
Trong một bộ phim rất ưa thích của mình là Saving Private Ryan, nhân vật Upham, vì sự hèn nhát của mình, mặc dù có súng trên tay, đã bỏ mặc lưỡi dao của tay lính Đức đâm sâu từng cm một vào trái tim người đồng đội Mellish của mình. Sau khi linh hồn của Mellish đáng thương rời khỏi thân xác, tay sĩ quan Đức đứng lên, nhìn vào kẻ hèn nhát Upham và cứ thế bước qua, để nguyên tấm lưng không hề phòng vệ của mình cho Upham ngoái theo. Hắn không hề tha thứ cho Upham, hắn quá khinh bỉ để giết Upham và Upham sẽ phải sống suốt cuộc đời còn lại trong sự nhục nhã đê hèn đó., vì đã bỏ mặc người đồng đội từng cứu mạng mình.

Lời kết

Tôi để lại đây một câu hỏi. Tôi để các bạn tự trả lời. Tôi cũng để bản thân tôi mỗi khi đọc lại bài viết này, mỗi khi đứng lên nói một sự thật nào đó, bảo vệ những cá nhân nào đó sẽ tự trả lời lại. Tôi để xã hội tự trả lời.

Hay kẻ duy nhất nói thật, lại chính là nói dối?


Vienna, 22.11.2020, kẻ điên Nguyễn Bảo Trung

Bài viết cùng tác giả: