Bài viết này nhằm phê phán vào một hiện tượng rất thường xảy ra ở xã hội ta, khi mà những kẻ ngu dốt, cùng với những "đức tính" của họ, đang truyền bá cái sự ngu dốt ấy đi khắp nơi, mang lại nhiều thiệt hại về người và tài sản cho kẻ khác cũng như làm hỏng cả một thế hệ trẻ.
Và dĩ nhiên cái sự ngu dốt ở đây, hoàn toàn không phải là cái định nghĩa thường thức mà các bạn đọc đầy rẫy trên mạng, mà là một cái khác, tôi xin tạm gọi là định nghĩa của bản thân.

 

Ngu dốt ở đây là gì?


    Trong cuộc đời mình, chưa một lần nào tôi cho rằng những người không được tiếp cận với môi trường giáo dục tử tế, không có bằng này cấp nọ là những người ngu dốt. Điều đó quá sức ngu xuẩn, ngu xuẩn ở chỗ:
_Ông bán hủ tíu đầu ngõ chưa học hết cấp 3 ấy là một cao thủ dùng dao, khi mỗi miếng thịt ông xắt ra mỏng ngang miếng giấy, rớt xuống đất chó liếm không lên. 
_Bà bán đồng nát chưa một lần biết đến mặt chữ là một cao thủ tính nhẩm, nhẩm nhanh đến nỗi tính thiếu gần nửa cân nhôm nhựa cho mình mà vẫn phải gật gù khen lấy khen để là tính hay. 
_Ông sửa xe chưa từng có cơ hội học trường nghề, mà chỉ tốn có 10' để tháo bộ máy ra lau chùi, và 10' nữa để lắp lại toàn bộ. 
Ai mà bảo họ ngu, nên ngồi ngay ngắn vào bàn, nhìn vào gương mà tự hỏi phải chăng mình còn có chút nếp nhăn nào trên não hay không. Ấy thế mà năm ngoái, gặp cái anh A, làm ở công ty B, ngồi nhậu ở cái quán C vỗ ngực tự khen, rồi gật gù khuyên nhủ thằng con mà tôi phải thốt lên: Ôi đây mới đúng là cái thằng ngu dốt. 
Học nhiều vào để làm gì, thạc sĩ tiến sĩ cũng thất nghiệp đầy đường ra đấy. Con học vừa phải thôi, rồi sau này ba lo cho công việc, muốn làm chỗ nào lo cho chỗ đấy. Nhìn ba đây có cần học hành gì đâu, mà cũng nhà cao cửa rộng, nuôi gia đình, xe hơi đầy đủ.
                                                                        -Ông thất phu ngu chánh hiệu con đà điểu-
    Nghe xong câu này, tôi chỉ còn nước lắc đầu, thiếu điều muốn quỳ xuống lạy ông thần Ngu. Cái ngu này nó không chỉ hại chính bản thân ông, mà nó còn hại cả một thế hệ sau này, liên lụy đến một xã hội, đến tương lai của cả một đất nước. Cái ngu này là từ tư tưởng, từ suy nghĩ, từ cái tự ái, và là cái biện hộ cho sự thiếu thốn học thức của bản thân mình. 

Đọc thêm:

Ngu có hại gì?


    Hại chứ, hại nhiều lắm. Về những hình ảnh, những dẫn chứng, thì các bạn cứ search trên mạng. Mà cái nguy hiểm nhất là chả bao giờ những kẻ ngu này chịu nhận ra điều đó ở bản thân, mà giãy nảy lên mỗi khi bị đụng chạm. Một điều tôi luôn nhận thấy ở tuýp người này, là họ luôn luôn ca ngợi vào sự khéo léo, sự vĩ đại của bản thân và luôn cho rằng tiền có thể giải quyết được mọi việc, và trong lĩnh vực "lo lót" này thì họ rất thần thông quảng đại. Và cái sự truyền bá ấy nó dẫn đến một thế hệ mà:
_Thợ xây đi làm không biết cầm cây thước đo cắt gạch. Cắt ở đầu hè cho đã xong lại vào ướm ướm, lại gật gật gù gù cho qua mong đến giờ đi uống bia. Ấy thế chủ mà dám động vào, là đảm bảo xi măng "để quên" ngoài mưa hỏng cả chục bao, đồ đạc thất thoát vô số kể. Rồi chủ có dám nói câu nào không? Hay vuốt vuốt cho xuôi vì sợ việc lỡ dở, mà đội thợ nào cũng sàn sàn như nhau.
_Bảo vật tranh sơn mài đẳng cấp quốc gia, được chính thợ phục chế tranh sơn mài "bảo trì" hẳn -30%. 
_Thợ cắt kính đo đo đạc đạc cho đã đến lúc chở đến ráp vào chả miếng nào khớp, lại lầm bầm chửi thợ nhôm, chửi trời nóng kính nở ra không vừa, lại chở kính về lúi húi 1 ngày công cán.
_Là thợ cơ khí làm gãy con dao tiện, bị nhắc nhở thì đùng đùng lên bỏ việc sang chỗ khác làm. Vì thầy thì lắm mà thợ thì được có bao nhiêu?
_Chuyên gia phục chế công trình cổ dùng phương pháp Power Washing để diệt nấm mốc trên công trình cổ ở Huế bị đám ất ơ nào đó bảo cổ kính là phải rêu phong. À ừ thì cổ kính, thì rêu phong để xem được bao nhiêu lâu nữa thì hỏng hết cả.
_Học sinh đi học không vỗ ngực tự tin vào tri thức của bản thân, mà tự tin vào chức quyền của bố mẹ mình, tự tin vào quan này hệ nọ.
Tức là cái chuẩn mực về kiến thức, chuẩn mực về chất lượng làm việc, năng suất... nó bị chèn tới mức thấp nhất, thậm chí chả cần phải học hành nhiều chi cho cam mà đi theo thầy theo thợ làm 1-2 ngày là đủ. Bởi vậy nên các vị Shark đang bảo phải tăng giờ làm lên, bởi vì năng suất làm việc càng ngày càng đi xuống theo diện rộng. Nguyên một cái standard nó như thế thì thật sự cũng đến chịu mà thôi, bởi vì ai cũng cốt học cho “ra” để mà đi làm kiếm tiền bù lỗ, chứ chẳng ai còn hứng với thú để mà trau dồi kiến thức cho tử tế. Và cũng vì cái standard này mà chúng ta cứ cãi cọ nhau mãi, trong khi đó ở EU thợ xây phải đi học trường nghề hẳn 2-3 năm, có kiểm tra thi sát hạch thực tế đầy đủ, không vững kiến thức thì học lại kẻo lại mang hoạ vào thân và hoạ cho kẻ khác.
    Xin hỏi tại sao bao nhiêu sinh viên ra trường được đào tạo bài bản vẫn thất nghiệp? Không bàn đến vấn đề chất lượng giáo dục và định hướng ngành nghề, mà còn phải bàn đến cái đội ngũ "Ngu thế hệ mới" chễm chệ ngồi vào ghế này, ghế nọ rồi lại vỗ ngực tự khen thành quả, nên bao nhiêu người mới phải ngậm ngùi chuyển hướng. Tôi hoàn toàn không đề cập đến việc học ngành nghề nào, ĐH Cao Đẳng hay Trường nghề, học thầy hay tự học, mà chỉ cốt yếu họ dụng tâm học hỏi, không vì cái thiếu kiến thức của mình mà từ bỏ lối thoát khỏi ngu dốt. Ác một cái là trong cái xã hội quay quần bên đống polymer sặc mùi này, thì tay nào có tiền, tự khắc ngôn tựa ngàn vàng. Và một khi cái tự ái của họ lên đến đỉnh điểm, thì họ phải tự cao tự đại vào những cái họ có để mà bù qua đắp lại. Người chỉ vào chiếc xa mà hót véo von, kẻ khoanh tay câng mặt đứng cạnh ngôi nhà dát vàng thiết kế thô thiển. Tôi chỉ ngồi với tay A đã kể phía trên tầm 10-15' là cảm thấy cuộc đời như bị lãng phí đi mất 5-10 năm. Nào là sống phải biết đặt quan hệ, phải tinh ý, phải biết cách mà dùng tiền. À vâng, mời anh dùng tiền chữa ngu cho cả bố con nhà anh, em xin kiếu. 

    Tạm biệt ông thần Ngu xong, đi ra đầu ngõ gặp ông hủ tíu nghe kể chuyện đời, tự nhiên thấy nó thấm thía hơn nhiều.
Nhà tui ngày xưa nghèo lắm cậu, không có điều kiện đi học đi hành gì hết đâu, cha mẹ thì bệnh tật nên tui phải đi làm từ sớm. Mà cái nghề hủ tíu này mình đi làm cho quán người ta rồi học làm luôn, chớ làm gì có trường có lớp. Mình ít kiến thức, ít chữ ít nghĩa thì phải cố gắng nhiều để học hỏi. Học được bao nhiêu là ráng học bấy nhiêu. Bây giờ có con rồi là cố gắng cho con nó đi học đầy đủ, để có kiến thức trong đầu bớt khổ cậu ơi.
                                                                                                -ông chú Hủ tíu sáng suốt-

Đọc thêm:

Mấy ai hay được rằng ông chú hủ tíu phải thức khuya dậy sớm phụ chủ làm làm nồi nước lèo để mà học hỏi, cắt thịt chai cả bàn tay mới được mỏng như tờ giấy. Hiếm ai ngờ rằng bà cô đồng nát phải kéo tụi học sinh lại mà hỏi cách cộng trừ nhân chia đếm nhẩm, để mà còn đi làm mưu sinh nuôi con cái ăn học. Tôi trân trọng những con người này là vì họ cầu kiến thức ghê gớm, họ quý cái sự học đến vô vàn, phần vì đó là cái họ thiếu thốn, phần vì để cho thế hệ mai sau được sáng sủa hơn. Trong khi đó kẻ ăn không hết, người lần mò mãi không ra. Nhiều vị bảo rằng có kiến thức trong đầu mà bần cùng, khố rách áo ôm thì cũng vô dụng, ấy thế mà trong điển tích có Tất Đạt Đa từ bỏ ngôi vị, đi tha phương cầu thực cốt để đào sâu tư duy, để tìm ra con đường cho chúng sanh tự cứu bản thân khỏi khổ khỏi nạn. Không có tay Einstein ngoài ăn cơm vợ nấu, ở nhà vợ dọn, ngày chả làm gì ngoài đi bộ 3-4 km rồi về nhà châm cây tẩu lên ngồi tư duy thì thời nay khoa học kỹ thuật làm gì đi được đến như thế? Hay phải chăng cha nội Newton mà đừng lười biếng ngồi dưới gốc táo thì bây giờ ở sổ sách địa phương hẳn phải ghi danh anh hùng nhặt táo, thay vì nhà khoa học bậc nhất thời đại không? Cứ tưởng tượng đến những thứ đó mà thấy rùng mình nổi da gà tởm lợm. Các vị cứ việc ăn xổi ở thì, cứ việc “khôn theo cách của bạn”, tôi thì tôi chọn làm kẻ khố rách áo ôm, cốt để thông tuệ tư duy, để có cái gì đó truyền lại cho các thế hệ sau, chứ không phải một mớ tiền và chức vị sặc mùi Polymer thấm máu dân lành.
Nói đến đoạn này, nhiều đồng chí lại bảo rằng tôi ghen tị với các vị "đại gia" kia, dĩ nhiên người ta phải giỏi giang lắm mới làm ăn được tới nhiêu đó. Tôi không phản bác khả năng của họ, mà chỉ đơn giản là chỉ trích cái Ngu từ trong tâm tưởng, cái giấu dốt của họ. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Còn một khi đã tiếp xúc được với các gia tộc giàu thật sự, và đi lên bằng học vấn đích thực mới thấy họ đầu tư vào giáo dục cho thế hệ con cháu đến mức nào. Đừng nghĩ rằng là tiểu thư, công tử con nhà quyền quý mà nhẹ nhàng. Họ phải dùng năng lực của mình để cạnh tranh rất khốc liệt, còn các tay ăn chơi trác táng thì nó nổi lều phều lên là quá hợp lý trong cái thời đại này rồi. Những hậu duệ còn lại ấy, các bạn phải gặp họ trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, để ý đến cái tên dài loằng ngoằng của họ thì mới biết rằng đấy là hậu duệ nhà trâm anh thế phiệt hạng nặng. Họ khiêm tốn và rất giỏi. 
Nghĩ mà thở dài cho những tay thất phu ngu dốt ăn sâu vào máu. 

Ngu không phải cái tội nặng nề cho lắm, mà tội ở chỗ tự ái và tự cao. Hai cái cộng lại với nhau là xứng yêu nghiệt.