Từ xưa đến giờ không hiểu sao tôi vẫn rất luôn thích cuộc sống về đêm. Cũng có thể từ bé tôi sống ở khu phố tây và đã quá quen với việc bố mẹ mình cố gắng mở cửa tiệm tạp hóa khuya một chút để những vị khách ở quán bar đối diện có thể ghé qua mua vài lon bia, nốc cạn trong một hơi rồi lại quay trở lại với quán bar đắt đỏ kia.
Sau này khi lớn lên và vào Sài Gòn để theo học ĐH Kiến Trúc, tôi xem việc thức khuya là điều đương nhiên để hoàn thành đồ án, việc mà bất cứ sinh viên Kiến Trúc nào cũng phải làm. Những tưởng sau khi đã tốt nghiệp rồi tôi sẽ không phải thức khuya như vậy nữa vì bây giờ cũng làm gì còn lý do gì để thức khuya, thế nhưng cái thói quen ấy nó vẫn theo tôi từ lúc ở Việt Nam đến tận lúc sang nước ngoài. Và đến một lúc khi mình không có một lý do cụ thể gì đó để thức khuya thì đó mới là lúc ta có thời gian để tìm hiểu rằng tại sao mình lại thích việc đó.
Thời còn ở Sài Gòn, tôi thường nghe những người bạn kể rằng nơi thú vị và đầy triết lý nhân sinh nhất không phải là các vũ trường mở thâu đêm, mà là ở những quán hủ tiếu vỉa hè. Sau khi sang nước ngoài, tôi lại nghe mọi người nói rằng họ thường nghe thấy những triết lý sâu sắc nhất cuộc đời ở tiệm Kebab vào lúc 2 giờ sáng. Tại sao lại như vậy?
Tôi cho rằng những người chỉ xuất hiện ở tiệm Kebab vào lúc 2 giờ sáng thì hoặc là những người lao động chân tay vừa tan sở hoặc những người vừa có một cuộc vui tại một quán bar nào đó tấp vào để ăn, trở về nhà ngủ nghỉ và ngày mai lại bắt đầu một ngày mới. Và những người này thường nói lên những điều rất thú vị, không hề hoa mỹ, không hề cao sang, nhưng lại rất triết lý và sâu xa. Đó là khi người ta đã quá mỏi mệt sau một ngày làm việc, sau khi phải đeo nhiều chiếc mặt nạ trong suốt 8-9 tiếng lao động, đó là khi người ta đã vượt qua cơn say và trở về với thực tại, trở về với chính bản tâm chân thật của mình.
Tôi nghe lỏm được cuộc hội thoại của hai người phụ nữ trung niên ăn mặc rất đẹp để đi chơi:
_2 Kebab gà nhiều ớt nhé ông chủ. Cho tôi quẹt thẻ nha.
_Xin lỗi nhưng ở đây tôi chỉ nhận tiền mặt.
_Thôi chết, ôi bà ơi tôi chỉ còn có 10 Euro thôi, thôi tôi mua cho bà ăn thôi nhé.
_Không không bà ăn đi tôi không ăn đâu.
Anh công nhân xây dựng người lấm lem đất cát vươn tay từ phía sau ra nói với ông chủ:
_Phần còn lại đây nhé.
Hai người phụ nữ kia ngay lập tức:
_Ôi không không đừng làm như thế, không sau đâu, bọn tôi sẽ xoay sở được.
Anh công nhân:
_Không có gì đâu nhé, thôi chúc mọi người buổi tối vui vẻ, tôi đi đây.
Rồi anh ấy nhận gói Kebab từ ông chủ quán rồi bước đi nhanh như thể sợ rằng hai người phụ nữ kia sẽ chạy theo để trả lại cho anh ấy 2 Euro cho bằng được.
Lúc ấy tôi nói với hai người phụ nữ ấy:
_Tay của tôi nãy giờ vẫn đang mân mê đồng 2 Euro trong túi, và nếu như anh ấy không nhanh tay hơn tôi thì chắc giờ này người “bỏ chạy” là tôi chứ không phải anh ấy. Đấy là cuộc sống, cho đi và nhận lại. Lần sau nếu hai chị gặp được một người trong tình cảnh tương tự, hãy làm điều tương tự.
Họ quay về phía tôi và bảo rằng:
_Cuộc sống thật lạ kỳ. Nhiều lúc nó cực kỳ kinh khủng và vô lý, nhưng nhiều lúc lại cực kỳ hợp lý và ấm áp như thế này.
_Tại sao cuộc sống này lại vô lý? Tôi chỉ đang hơi thắc mắc tại sao chị lại nghĩ như vậy.
_Nếu cậu ngẫm lại toàn bộ cuộc đời này có thấy nó hợp lý một chút nào không, khi chúng ta thức dậy mỗi buổi sáng, làm cái công việc mà ngày nào chúng ta cũng phải làm như một vòng lặp vô hạn cho đến lúc chết. Con người đến trong cuộc đời của chúng ta một cách rất hợp lý nhưng lại rời đi một cách rất vô lý. Tôi nhận ra cuộc sống này rất vô lý từ lúc tôi bị bệnh nặng và tưởng chừng như không qua khỏi, kể từ lúc đó trở đi tôi thấy mọi thứ trong cuộc sống này đều rất vô lý đến nực cười. Từ công việc đến hôn nhân, đến cả mối tình tôi đang có với một anh chàng từ miền nam Italy. Chúng tôi yêu nhau và ở với nhau đến tận 10 năm nay mà tuyệt chưa từng ai nhắc đến vấn đề kết hôn.
_Tôi nghĩ chúng ta cùng hội cùng thuyền, và có vẻ như mọi thứ đang diễn ra với chị nó vẫn còn rất tuyệt vời ấy chứ. Tôi cũng đã trải qua những sự thật đau lòng kinh khủng nhất trên cuộc đời này, đã trải qua ranh giới giữa sự sống và cái chết, đã từng bị nhốt vào nhà thương điên cùng với những người bị tâm thần phân liệt và hoang tưởng. Tôi nghĩ cuộc đời này đúng thật là vô lý đến nực cười, vì người mà tôi yêu thương, trân trọng và tin tưởng nhất có thể chính là người cho tôi những nhát dao sâu hoắm nhất, mà trong khi đó người cứu tôi lại là những con người xa lạ, là những người đi đường thấy tôi trong trạng thái hoang mang tột độ và hỏi rằng mọi việc có ổn không, là những y bác sĩ chưa bao giờ tôi từng gặp mặt trong cuộc đời này, là những người không cùng màu da, không cùng ngôn ngữ, không cùng tư tưởng, không cùng bất cứ thứ gì trên cuộc đời này cả. Khi mà tất cả những thứ quan trọng nhất với mình đều muốn đẩy mình ra xa nhất có thể thì lại chính là những con người xa lạ này là người duy nhất nói với tôi:”Please stay with us! Promise you will stay with us, okay?”.
Và thế là tôi bỗng nhiên kể cho hai người phụ nữ xa lạ ấy toàn bộ cuộc đời của mình, toàn bộ mọi thứ đang xảy ra với mình, toàn bộ những đau khổ khủng khiếp mà mình phải trải qua với một giọng nói bình thản đến lạ thường như thể tôi đang kể câu chuyện của một người khác vậy. Trong 20 phút ấy, họ đã yên tĩnh lắng nghe từ đầu đến cuối, họ im lặng tận 5 phút sau khi tôi ngừng, và rồi trao cho tôi những cái ôm chặt nhất mà tôi từng nhận được trên cuộc đời này.
_Tôi biết mọi thứ nó rất là vô lý, tôi sẽ không đưa cho cậu bất kỳ một lời khuyên nào cả, bởi vì chính tôi cũng là một kẻ lạc trôi giữa dòng đời nực cười này, chính tôi cũng là một người đang đi tìm cho mình một câu trả lời. Nhưng tôi hứa rằng nếu cậu chỉ cần cố gắng từng ngày một, hãy bắt đầu bằng việc thức dậy mỗi ngày mà vẫn còn đang thở, bắt đầu mọi thứ từ việc nhỏ nhất, từ việc lựa chọn cho mình một thứ gì đó để ăn sáng, lựa chọn uống Espresso hay Capuccino, lựa chọn sẽ đi thẳng, rẽ trái hay rẽ phải. Đến một lúc nào đó cậu sẽ thấy mọi thứ bỗng nhiên đều hợp lý đến lạ thường. Tôi rồi cũng sẽ có một ngày như thế, với điều kiện cả tôi và cậu cùng cố gắng được cho đến ngày đó.
Và chúng tôi đã nói rất nhiều, nói rất lâu, đến mức độ ông chủ tiệm Kebab xưa nay vốn nhanh tay nhanh chân bỗng nhiên lại chậm chạp một cách lạ kỳ. Tôi biết người đàn ông trung niên ấy muốn chúng tôi nói chuyện càng nhiều càng tốt vì chính ông cũng đang nghe không sót một chữ nào. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau, đã rưng rưng nước mắt cùng nhau, đã ôm nhau thật chặt để rồi lúc cuối cùng khi chào tạm biệt nhau, chúng tôi vẫn chưa biết được tên người kia là gì.
Bởi vậy nó mới là cuộc sống. Vừa vô lý đến nực cười, vừa hợp lý đến đau lòng khôn nguôi. Cho đến tận thời điểm này tôi vẫn luôn cảm thấy mọi thứ diễn ra có một quy luật rất cụ thể mà chỉ có những kẻ không chịu thức tỉnh mới không nhìn ra sự thật rõ ràng và hiển nhiên ấy. Và tôi cũng không ngạc nhiên khi vào thời điểm ấy toàn bộ những rào cản trong văn hóa hay ngôn ngữ đều biến mất tăm mất tích vì chúng tôi đều đang cùng nói về một thứ mà ở Việt Nam gọi là “vô thường”.
Cuộc đời giống như là một hàng dài những băng ghế cách khoảng. Ngẫu nhiên trong một thời điểm nào đó sẽ có hai người cùng ngồi vào một băng ghế và dựa vào nhau, đấy là tình yêu hoặc là tình bạn. Đến một thời điểm khác, một trong hai người đứng bật dậy, người còn lại sẽ
ngã vì mất đi điểm tựa, đấy là chia ly. Thế nhưng nếu người đứng dậy ấy chìa tay ra và bảo “Cùng nhau đi nhé”, đấy là hôn nhân và gia đình.
Trong cuộc đời này ta có thể ngồi chung một băng ghế với một người khác, có thể là người kia đứng dậy, hoặc cũng có thể là chính ta đứng dậy, mọi thứ sẽ tuần hoàn liên tục như một quy luật bất biến. Cũng giống như hoa hướng dương cả một cuộc đời hướng về những điều tốt đẹp nhất, nhưng hoa phải tàn thì hạt mới có thể rời nhụy. Có thể sự cho đi tất cả của mình sẽ khiến cho bản thân bị móc rỗng, sẽ tan thành tro bụi, nhưng rồi cũng sẽ đến lúc ta nhận lại tất cả mọi thứ từ một người khác.
Tôi nghĩ món quà mà bà ngoại tôi để lại cho tôi trước khi người rời đi, đó là vào buổi sáng lúc mà tôi đứng nhướn người ra lan can và quyết định nhảy, thì ngay vào lúc đó mây mù âm u bỗng nhiên tách ra một kẽ hở nhỏ nhắn, đủ để tia sáng chiếu vào mắt tôi chói lóa. Tôi nghĩ đấy là lúc bà muốn giữ tôi lại bằng mọi cách. Và thế là tôi leo xuống, khoác áo và đi thẳng vào bệnh viện. Sau đấy bà tôi mới yên tâm trút hơi thở cuối cùng.
Vô thường.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất