Giới trẻ Việt Nam đang vật lộn với sự "Bếu" như thế nào?
Như nào mới là "bếu"? Như thế nào thì hết "bếu"?
Nếu bạn là một người có thân hình hơi mũm mĩm một chút thì chắc hẳn bạn đã nghe những câu kiểu như “ơ đợt này béo lên đấy à, sao không giảm cân đi, …” Tôi luôn gặp phải những tình huống như thế, bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, tôi đã quyết định đi tìm hiểu về vấn đề này.
Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì cũng giống như cân nặng của tôi vậy, cứ lên mà chả thấy xuống. Viện dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở thanh thiếu niên tại TP. HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.
Mọi người thường chủ quan cho rằng thừa cân và béo phì là chỉ nhìn hơi mũm mĩm tí thôi, ngoài ra không có ảnh hưởng đáng kể. Nhưng tin tôi đi, câu chuyện chẳng bao giờ đơn giản như thế đâu.
Vậy cụ thể, mỡ thừa đang làm cái trò gì ở trong cơ thể chúng ta? Và tại sao giới trẻ hiện đại cứ phải khổ sở đánh vật với mỡ thừa như thế?
Như nào mới là "bếu"?
Trong quá trình tìm hiểu, tôi học được rằng thừa cân & béo phì là 2 mức độ hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:
− Thừa cân hay tiền béo phì là tình trạng cân nặng vượt quá so với cân nặng chuẩn hoặc so với chiều cao.
− Béo phì là tình trạng cơ thể tích lũy thái quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dù không phải tình trạng cấp tính, nhưng nếu không được quan tâm đúng mức có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển chiều cao, sức khoẻ, và thậm chí là cả… trí não của người bệnh.
Có nhiều nguyên nhân kết hợp gây ra thừa cân béo phì, nhưng chủ yếu là do thói quen tiêu thụ quá nhiều thức ăn, gây dư thừa năng lượng, kèm theo đó là không có hoạt động tiêu hủy được phần năng lượng dư thừa nên dẫn đến thừa cân. Nguyên nhân của béo phì ở người trẻ có nhiều yếu tố liên quan đến cả di truyền, môi trường sống và thói quen sinh hoạt. Các bạn đã sẵn sàng để nghe tiếp chưa?
Đầu tiên, môi trường sống đóng vai trò quan trọng trong việc gây béo phì ở người trẻ. Các khu vực đô thị và khu vực phát triển có xu hướng có mức độ béo phì cao hơn so với những khu vực nông thôn. Điều này có thể do sự khác biệt về cơ sở hạ tầng, môi trường và các lựa chọn thực phẩm. Do quá trình đô thị hóa không đủ chuẩn về công viên, sân vận động vui chơi làm thu hẹp không gian vận động và nếp sống, học tập thay đổi làm thiếu thời gian vận động, cũng như không có thời gian để chế biến thức ăn, phải tiêu thụ thức ăn không có độ dinh dưỡng cân bằng.
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh cũng là nguyên nhân không nhỏ, mà cụ thể là sự thiếu hoạt động thể chất và thói quen ngồi quá nhiều. Nói đến đây trúng ai thì người đó tự biết nha. Ngoài ra, không biết các bạn thế nào chứ quãng thời gian giãn cách do COVID-19 đã khiến tôi trở nên lười vận động hơn, đã thế lại còn được ở gần với đồ ăn và thậm chí là còn hình thành thói quen ăn vặt. Đặc biệt, xu hướng làm việc từ xa, từ nhà lại ngày càng khiến nhiều người ngồi nhiều một chỗ, ít vận động và ngủ không đủ giấc, khiến càng dễ tăng cân.
Một ngày “điển hình” của người trẻ hiện đại đang đi làm có thể bắt đầu từ việc dậy sớm và ăn sáng, rồi lết lên cơ quan. Ngồi dài trong văn phòng trước màn hình máy tính. Bắt đầu giờ nghỉ trưa với một ăn một bữa ăn đơn điệu và kết thúc nó với một giấc ngủ ngắn. Sau đó, họ lại trở lại với công việc của mình tới khi tan ca. Tối đến, họ thường cảm thấy mệt mỏi và không có nhiều năng lượng để làm gì khác ngoài việc nghỉ ngơi. Tôi gọi cách sống này là sống kiểu zombie. Và tôi cũng đã từng đứng trong hàng ngũ này.
Ngoài ra còn có khoảng 10% người béo phì có nguyên nhân do bệnh lý nội tiết, chuyển hóa, di truyền và bệnh thần kinh gây ra, hoặc do tác dụng phụ gây tăng cân của một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc động kinh; thuốc hạ đường huyết, … Đôi khi còn là do di truyền.
Hệ quả
Như đã nói ở trên, béo phì và dư thừa năng lượng không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình, chúng còn gây ra những tác hại nghiêm trọng hơn. Nó đã và đang là một trong những vấn đề sức khỏe lớn cho con người trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển như Mỹ. Và rất có thể là cả Việt Nam trong tương lai.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà bệnh béo phì gây ra là hội chứng ngưng thở khi ngủ (sleep apnea). Theo tìm hiểu của tôi, với những người mắc hội chứng này, lượng mỡ cao sẽ đè nén lên phổi, có thể gây tắt thở và tử vong trong giấc ngủ. Ngoài ra, béo phì ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây ra rối loạn dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng trong sinh hoạt hàng ngày. Nó cũng có thể gây ra rối loạn tâm lý và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người bị béo phì có nguy cơ trầm cảm và lo âu cao hơn người bình thường.
Thứ hai, béo phì cũng ảnh hưởng đến tài chính cá nhân, khi người mắc bệnh này phải tốn nhiều tiền cho thực phẩm và đồ uống, đặc biệt là thực phẩm không tốt cho sức khỏe như đồ ăn nhanh và đồ uống có đường.
Cuối cùng, béo phì được liên kết với nhiều loại ung thư khác nhau. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 20% số ca ung thư trên thế giới được cho là do béo phì. Các loại ung thư mà béo phì được liên kết với bao gồm ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư buồng trứng, ung thư gan, ung thư tụy và nhiều loại ung thư khác. Vì vậy, giảm cân và duy trì cân nặng lành mạnh là cách hiệu quả để giảm nguy cơ mắc ung thư và cải thiện sức khỏe tổng thể của cơ thể.
Giới trẻ và những trắc trở với "bếu"
Dĩ nhiên, việc nghiên cứu về nguyên nhân và hậu quả của béo phì không quá khó. Thử thách duy nhất là chiến thắng nó - đây cũng là điều mà tôi đã làm trong vài năm qua. Để giảm cân, bảo vệ sức khoẻ thì kiểu gì cũng có công thức this và công thức that. Tôi đã từng thử nhiều cách, từng sai, từng phải đập kế hoạch của mình đi để xây lại.
Đầu tiên là cách giảm cân truyền thống - luyện tập thể dục thể thao. Điều đáng ngạc nhiên là một bộ phận lớn các bạn trẻ không có hứng thú với việc này, và cả với anh bạn thân của nó là việc ăn kiêng. Theo khảo sát cá nhân, 7/10 bạn trẻ độ tuổi từ 20-27 tuổi (trong đó từng có tôi) đã chi một khoảng lớn cho các phòng Gym theo quý hoặc theo tháng, nhưng chỉ đi được vài buổi. Lý do thì muôn hình muôn vẻ: thiếu động lực, thiếu thời gian, thiếu sự hỗ trợ động viên, môi trường tập luyện không như ý muốn, hoặc ngớ ngẩn hơn là vì… thời tiết và giao thông không ủng hộ.
Chính bởi vậy mà tôi thấy nhiều người tìm đến những phương án nhanh gọn hơn, dễ tiếp cận hơn, và quan trọng nhất là không tốn công tốn sức. Theo Hướng dẫn theo dõi và điều trị béo phì của Bộ Y Tế (Quyết định 2892/QĐ-BYT), có các phương án tăng dần theo mức độ can thiệp như sau: - Thay đổi lối sống toàn diện thông qua tập luyện và dinh dưỡng - Can thiệp lối sống tăng cường và dùng thuốc - Phẫu thuật
Phẫu thuật là một trong những biện pháp như vậy. Đây là biện pháp tiểu phẫu để loại bỏ các phần mỡ thừa trên cơ thể, hoặc cao hơn là giảm thể tích dạ dày như thắt ống dạ dày, khâu gấp nếp dạ dày, tạo hình dạ dày ống đứng. Ưu điểm của biện pháp này là tiết kiệm thời gian và có hiệu quả tức thì. Tuy nhiên biện pháp này lại không hề phổ biến bởi chi phí cao, sử dụng dao kéo can thiệp có thể làm giảm khả năng đàn hồi của da, gây ra sự thay đổi về hình dạng cơ thể hoặc một số vết sẹo tùy thuộc vào phương pháp được sử dụng. Chưa kể rủi ro về phẫu thuật cũng không hề nhỏ, như cơ sở y tế không đảm bảo, sức khỏe bệnh nhân không chịu được cuộc phẫu thuật, dị ứng thuốc, sốc phản vệ… Và quan trọng nhất, liệu pháp này chữa được cơ thể, nhưng không chữa được ý thức của bệnh nhân. Sau khi phẫu thuật xong mà không cải thiện sinh hoạt và thói quen ăn uống, mỡ thừa sẽ như người yêu cũ, luôn quay lại để làm phiền bạn.
Cuối cùng biện pháp mà các bạn trẻ sử dụng phổ biến nhất là sử dụng các sản phẩm hỗ trợ thay thế vì chúng dễ tiếp cận hơn, bao gồm thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân hoặc thuốc giảm cân. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy đây là 2 thuật ngữ mà mọi người rất hay nhầm lẫn, mặc dù thực chất chúng là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau.
“Thuốc giảm cân” là một hình thức khá nặng đô, cần được kê đơn và sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ gây nguy hiểm cho người sử dụng. Việc sử dụng thuốc giảm cân một cách không đúng cách có thể gây ra những tác hại đến sức khỏe. Thường những loại thuốc này sẽ gây ra rất nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp, mất ngủ, suy giảm chức năng gan và thận, loãng xương, và các vấn đề về tim mạch, ảnh hưởng đến chức năng nội tiết. Các bạn trẻ dùng thuốc giảm cân như một cách để giảm cân nhanh chóng mà không cần tập thể dục hay ăn uống đúng cách.
Thông thường, các sản phẩm gọi là thuốc giảm cân có tác dụng giảm cân rất nhanh bằng việc rút nước ra khỏi cơ thể, khi người sử dụng ngưng thuốc thì ngay lập tức cân nặng sẽ quay về bình thường làm cho người tiêu dùng cần uống thuốc liên tục gây ra vấn đề phụ thuộc. Hiện tại ở Việt Nam chỉ có 2 loại thuốc giảm cân được phê duyệt bởi bộ Y Tế là Orlistat và Liraglutide. Mà để có thể sử dụng thì người dùng phải được kê đơn bởi bác sĩ. Chính bởi vậy mà họ sẽ tìm tới một biện pháp khác nhẹ nhàng, thân thiện hơn là thực phẩm chức năng.
Hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm chức năng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Những sản phẩm này đánh mạnh vào tâm lý khách hàng như muốn giảm cân nhanh, không cần luyện tập. Những sản phẩm này có bản chất là thuốc giảm cân, vì muốn tạo hiệu quả giảm cân rõ rệt trong thời gian ngắn thì các sản phẩm này thường phải chứa các thành phần ẩn là các dược chất. Các NSX thường gắn mác TPCN cho các loại “thuốc giảm cân” này để lách luật vì bán Thuốc thì cần giấy phép còn TPCN thì đơn giản hơn.
Đặc thù của việc giảm cân khác với một số loại bệnh khác, yếu tố dinh dưỡng và tập luyện luôn là cần thiết kể cả với Thuốc hay TPCN. Tuy nhiên, về phần TPCN, đây là sản phẩm hỗ trợ, nhẹ nhàng và đơn giản hơn, có thể sử dụng kết hợp dinh dưỡng và tập luyện, thậm chí còn phù hợp với chủ trương “thay đổi lối sống toàn diện” được bộ Y Tế khuyến cáo.
Khi sử dụng thực phẩm chức năng, điều đầu tiên bạn cần là tìm hiểu kĩ về sản phẩm xem nó có an toàn hay không, có được cấp phép hoạt động không? Tiếp theo là việc đọc hướng dẫn của sản phẩm để biết cách sản phẩm hoạt động ra sao. Bạn cần tuân thủ các chú ý sản phẩm đưa ra như liều lượng, thời gian, các bệnh dị ứng. Tốt nhất là nên tìm đến những nhà cung cấp có tầm và có tâm, với đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, để họ theo sát quá trình sử dụng sản phẩm.
Đối với thuốc và thực phẩm chức năng, đừng quá phụ thuộc vào các kênh truyền thông không chính thống hoặc các KOL, KOC. Hãy là một người tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm với bản thân, và hãy tìm đến những sản phẩm được cấp phép đầy đủ bởi bộ Y Tế và sử dụng đúng theo hướng dẫn của chuyên gia.
Như nào thì hết "bếu"?
Tình trạng béo phì gia tăng với nguyên nhân chính là do lối sống thiếu vận động và chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Không quá khó để khắc phục vấn đề, nhưng để làm được thì lại đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực từ chính chúng ta.
Để giảm cân và giữ gìn vóc dáng, một trong những cách quan trọng nhất là tập luyện thường xuyên. Bạn có thể chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, tập yoga, aerobic hoặc bơi lội để giúp cơ thể đốt cháy năng lượng và giảm cân. Ngoài ra, việc tập thể dục còn giúp cải thiện sức khỏe tâm lý, giảm stress và cải thiện tâm trạng.
Đồng thời chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm cân và duy trì vóc dáng. Bạn nên tránh ăn quá nhiều thực phẩm giàu đường và chất béo như đồ ngọt, bánh kẹo, nước ngọt và thức ăn nhanh. Thay vào đó, hãy tập trung vào ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau củ quả, đậu, hạt, thịt gà, cá, trứng và sữa chua. Và hãy cố gắng tự nấu ăn, thay vì đi ăn ngoài hay đặt đồ ăn online liên tục. Kèm theo sử dụng thực phẩm chức năng một cách hợp lý sẽ tối ưu hiệu quả.
Bên cạnh đó, nên điều chỉnh lối sống của mình bằng cách ngủ đủ giấc và tránh stress. Ngủ đủ giấc giúp cơ thể nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và cân bằng hormone trong cơ thể. Giảm thiểu áp lực tâm lý và giảm căng thẳng cũng rất quan trọng trong việc giảm cân và phòng ngừa béo phì.
Cuối cùng, việc tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình và chuyên gia y tế cũng rất quan trọng trong việc giảm cân và phòng ngừa béo phì. Họ có thể cung cấp cho các bạn sự động viên, thông tin và các kế hoạch hỗ trợ để giúp cho việc giảm cân tốt hơn.
Còn nếu mắc phải béo phì ở mức nghiêm trọng, các bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ chuyên khoa nội tiết để điều trị.
Quá trình giảm cân là một cuộc chiến đầy khó khăn với bản thân. Tôi đã phải vật lộn với cảm giác đói, bị cấm đồ ăn yêu thích và phải tập luyện mỗi ngày. Cảm giác đói và cảm giác thèm ăn như một vòng xoáy khó cưỡng lại. Những lúc như vậy tôi nghĩ các bạn nên tìm động lực rõ ràng cho bản thân.
Thỉnh thoảng, lòng tôi như mở cờ khi thấy cân nặng trên bàn cân giảm được một chút. Nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy mệt mỏi, thất vọng vì cảm thấy như đã làm đủ nhưng vẫn không thấy kết quả như mình muốn.
Hành trình giảm cân không hề dễ. Nhưng một khi thành công, bạn sẽ cảm thấy tự tin vào bản thân mình hơn bao giờ hết. vì vậy, tôi mong những bạn đang trong hoặc đang có một kế hoạch giảm cân cải thiện sức khỏe sẽ kiên trì với kế hoạch của mình. Hy vọng bài viết này ít nhiều giúp được bạn.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Leo Chiến Hoàng
Trong khi mọi người đang vật lộn để giảm cân và cân bằng sức khỏe thì bản thân mình lại phải tìm cách luyện tập và ăn uống để tăng cân, thật trớ trêu làm sao!Cơ mà đôi khi thông qua những bài chia sẻ hay ho như này giúp mình nhận ra việc cân bằng sức khỏe quan trọng đến nhường nào, và kỉ luật là điều không thể thiếu để thực hiện nó.
- Báo cáo

KeimaGod
kkk. Giống mình đấy, đang phấn đấu tăng thêm khoảng 7 cân nữa là đẹp 

- Báo cáo
Felice
đồng cảnh ngộ, nhưng mà nó tốt cho bản thân mình thì cố gắng lên bạn
- Báo cáo

flaneur
Đây nữa🥲 hard gainer người chắc không nổi 15% body fat
- Báo cáo

LCDeB4$tard
Mình từng là người tạng skinny fat (cũng gọi là béo nhưng béo bụng) và mình đã thành công trong việc giảm mỡ nên mình có đôi chút chia sẻ như sau.
Đầu tiên là về chế độ ăn, mình ăn sáng nhiều hơn, ăn trưa vừa phải và ăn tối ít hơn. Mình dừng hoàn toàn việc ăn khuya và không ăn tối muộn (mình thường cố gắng ăn tối trước 20h)
Tiếp theo là về dinh dưỡng, mình bắt đầu theo dõi lượng calo nạp vài cơ thể để có thể điều chỉnh lượng calo phù hợp, hạn chế việc tiêu thụ đồ ngọt, đồ uống có cồn, đồ ăn nhanh và đồ ăn nhiều dầu mỡ. Mình ăn ít tinh bột hơn và ăn nhiều đạm với chất xơ hơn cùng với việc bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày.
Sau đó là giấc ngủ, mình không còn thức khuya và đi ngủ lúc 10h (muộn nhất là 11h) và thời gian ngủ mỗi ngày từ 6-8h
Cuối cùng là tập luyện và vận động, mình đi bộ khoảng 2-4km mỗi ngày (theo kinh nghiệm của bản thân, mình thấy việc đi bộ vừa dễ vừa hiệu quả hơn trong việc giảm mỡ so với các bài tập cardio như đạp xe, chạy bộ) và tập luyện nhẹ mỗi khi thức dậy như hít đất, lên xà,...
Trên đây là chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân mình trong việc giảm mỡ, cảm ơn các bạn đã đọc ^^
- Báo cáo

Dương Cuội
Mình cũng đang quan tâm đến vấn đề này
cho mình xin menu hàng ngày của bạn với

- Báo cáo

LCDeB4$tard
@Dương Cuội nếu bạn xin menu về các bữa ăn thì mình xin phép gửi nha:
- Bữa sáng: Sau khi thức dậy mình sẽ uống 1 cốc nước (tầm 350ml) sau đó ăn nhẹ trước khi đi tập thể dục và bữa ăn nhẹ trước tập của mình gồm tinh bột (bánh mì, yến mạch hoặc ngũ cốc) và thêm 1 ít sữa loại không đường. Sau khi tập thể dục về mình sẽ có 1 bữa sáng chính gồm trứng, ức gà (mình hay xào với súp lơ hoặc cải thìa ăn cho đỡ ngán và đỡ phải nấu riêng 1 món rau) hoặc cá và trái cây cùng với 1 bát cơm nhỏ hoặc 1 bát cháo.
- Bữa trưa: các món chính bao gồm thịt, cá, 1 món rau và 1 bát cơm bé.
- Bữa tối: rau luộc hoặc xào với ít dầu mỡ và ăn kèm với 1 chút thịt.
Đây là menu về của các bữa ăn chính của mình nha!
- Báo cáo

Dương Cuội
Cảm ơn bạn nhé
- Báo cáo

Linh Vetter
Bài viết hay đấy bạn ơi
- Báo cáo

Muwarr
Mình thực sự là một người bị ám ảnh cân nặng nên mình không dám lên cân. Chỉ cần nhìn thấy đầu 5 trên số cân nặng của mình là mình sẽ không còn tâm trạng để ăn uống bất cứ cái gì nữa. Nhưng mỗi lần về nhà thì mọi người lại bảo mình quá gầy. Vì vậy mình luôn cố gắng duy trì cân nặng ở mức 47-49.
Mình cũng từng có thời gian gần chạm đầu 6 trong mức cân nặng và quá trình giảm cân thực sự rất gian nan vì xung quanh nhiều đồ ăn ngon quá. Sau vài năm duy trì cân nặng không đổi giờ mình đã có thể thoát khỏi cám dỗ của ăn uống vô tội vạ rồi. Ban đầu còn phải tính toán khẩu phần ăn, giờ thì mặc kệ.
Sau khi hoạt động cả một ngày thì buổi tối là lúc mình ăn bù những gì đã tiêu hao ban ngày. Nó kiểu "à hôm nay mình đã làm việc rất nhiều mình tự thưởng một bữa thịnh soạn" hoặc "mình đã ngủ cả ngày chắc không cần ăn tối đâu, ngủ tiếp 😌". Cảm thấy tuyệt vời khi cái thói ăn uống tùy hứng của mình vẫn giúp mình duy trì cân nặng, có thể sẽ có ảnh hưởng sức khoẻ nếu kéo dài nên có lẽ thời gian tới mình sẽ cân nhắc để ý hơn về khẩu phần ăn.
- Báo cáo

Surphi10

Mình có tìm hiểu về vấn đề này, thì khuyên thật lòng là bạn đừng để ý tới khẩu phần. Thay vào đó hãy để ý tới chỉ số đường huyết của cơ thể. Bởi vì khi đường huyết cao thì quá trình tích mỡ mới khởi động. Vì vậy:
(1) Ăn có lịch trình, có thể 2 - 3 bữa cố định hằng ngày, trong đó không ăn sát giờ đi ngủ (ít nhất 3 tiếng) và không ăn khi vừa mới thức giấc (ít nhất 1 tiếng), không ăn vặt. Điều này giúp đường huyết chỉ tăng vào khung giờ cố định mỗi ngày.
(2) Hạn chế các món ăn có chỉ số GI (chỉ số đường huyết/glycemic index) cao, trong đó tuyệt đối tránh xa đường.
(3) Ăn nhiều rau củ để tạo cảm giác no (trái cây nên ăn cầm chừng vì có nhiều đường fructose/chỉ số GI cao).
Vậy là đủ. Còn lại bạn có thể ăn thỏa thích (các món lành mạnh) trong eating window của mình mà không sợ bị mập.
- Báo cáo

Muwarr
@Surphi10 tui nghĩ lại rồi, tui không phải là một người có tính kỷ luật cao nên tui sẽ tiếp tục muốn ăn sao thì ăn 🤔
- Báo cáo

Surphi10


- Báo cáo

Dương Cuội
Không chỉ VN đâu, mình có ông bạn đang ở Mỹ theo như ông ý bảo thống kê nhanh 1 siêu thị ở Mỹ thì người béo hơn 100 kg ở Mỹ cực nhiều, đi siêu thị ở Mỹ kiểu gì cũng gặp 1 người. Ở VN thì là béo bụng ahihi
- Báo cáo