Trong căn phòng tối om cùng sự trầm lặng, mình vô tình lướt lại cái page vu vơ 2 năm trước. Thứ với ý định ban đầu là: tạo-page-viral nhưng nó lại thành: nơi-trút-niềm-tâm-sự của bản thân. Nó sống được gần 2 tháng trước khi vĩnh viễn dừng lại.
Để miêu tả ngắn gọn về nó, mình sẽ dùng 3 từ:
Trẻ trâu - Loser - Tiêu cực
Và cũng như cảm xúc chung khi chúng ta nhìn lại những bài “On this day” trên facebook nhiều năm trước…
Má, ngày xưa mình làm cái qq gì vậy???
Skip tới hiện tại, mình cũng tự miêu tả bản thân nhưng sẽ là:
Thanh thản - Nhẹ nhàng - Đáng sống
Vậy 2 năm qua mình đã “cách mạng” như thế nào?

1. Thanh lọc thế giới ảo

Thế giới ảo là cụm từ quá rộng để phân tích nên mình sẽ gói gọn trong quy mô MXH. Mà MXH vẫn còn lớn, nên mình sẽ tập trung vào thứ lâu đời nhất - Facebook 
Là đứa tiếp cận với facebook từ những năm đầu nó gia nhập Việt Nam lúc 2013, 2014. Điều chắc chắn là thời gian trôi qua, chúng ta lớn lên và có thêm nhiều góc nhìn về cuộc sống. Tư duy, quan điểm thay đổi là không thể tránh khỏi. Nhưng để miêu tả tình cảnh chung của facebook bây giờ: Mình sẽ dùng từ: Độc hại
- Thôi mackeno đi, ai cũng biết rồi, thế thanh lọc sao?

- Không xài, rời bỏ

Mình đưa ý này lên đầu vì thật sự respect những người DÁM như thế. Nói chung nó hơi khó áp dụng với chính mình lẫn đa số nên chúng ta tới với thứ dễ hơn.

- Tối ưu hóa nội dung tiếp cận

Nghe có vẻ to tát nhưng hiểu đơn giản là tận dụng tối đa 3 nút: Follow, Unfollow & Block
+ Block. Tính năng quyền lực nhất facebook: Trước đây mình thường bỏ like hay unfollow. nhưng khi quen thao tác “Block”, mình thấy mọi thứ đơn giản hẳn ra..
Vì thuật toán Facebook đã ưu tiên hiển thị nội dung của những “Content creator” lên hàng đầu nên nội dung của bạn bè ít xuất hiện hơn (1 phần người ta cũng chuyển hướng sang nền tảng khác rồi) Và các page mọc lên như nấm cùng sự chiếm đóng ồ ạt ở newfeed. Content nhảm nhí, vô tri vẫn chiếm lượng lớn hơn.
Unfollow cũng ổn nhưng có bạn bè share thì nó vẫn xuất hiện trên newfeed.  Nhưng block thì mình đã hóa phép nó “biến mất" khỏi thế gian.
Tiêu chí Unfollow/block:
+ Giật tít: Ai chưa biết cô gái này, Nhiều người vẫn chưa biết tác dụng thực sự của thứ A -> Xem nó dưới cmt -> Link shopee. 
+ Câu like:  Đừng lướt qua nếu bạn chưa like cho người X vĩ đại này/ Ronaldo & Messi: Ai xuất sắc hơn: Ronaldo = Like, Messi = Tym
+ Tiêu cực: Sự việc thương tâm XYZ nào đó/Buồn sầu, hận đời/Bán page: Nhận diện như trang triệu like mà bài đăng có 30,40 like và nội dung chả liên quan).
- Nhưng xem chúng cũng có ích mà?
Đúng là mỗi thứ có giá trị riêng và MXH như thế giới thứ hai của mỗi người. Vậy có câu hỏi tại đây.
Câu hỏi YES/NO question. Nếu chọn "No", chúng ta dừng tại đây. Nếu chọn "Yes", chúng ta sẽ đi tiếp
- Rồi oke, yes đó, rồi sao nữa ?
+ Follow
Tận dụng nút Follow. Đơn giản nếu chúng ta quan tâm chủ đề gì thì cứ follow những chuyên gia/influencer trong lĩnh vực đó. Nó chính là yếu tố “Môi trường” mà chúng ta thường nhắc tới khi học tiếng anh. Hay là "Ở chọn nơi, chơi chọn bạn" như cha ông ta từng nói.
Trở lại với MXH, chọn môi trường là điều dễ dàng. Mọi lĩnh vực đều có chuyên gia, ít hay nhiều thì vẫn có người hoạt động trên MXH với tần suất khác nhau. 
Cách mình hay làm: Tìm những group về thứ mình quan tâm và muốn tìm hiểu -> Xem những bài viết nổi bật (Thường sẽ của người pro) -> Follow người A đó. Từ bài đăng của người A -> Dưới cmt sẽ có nhiều chuyên gia B khác -> Follow người B...
Cứ lặp lại như thế thì bảng tin của mình đã tràn ngập nội dung về thứ cần quan tâm. Một môi trường đủ tốt và có ích hơn đống tin nhảm nhí ngập tràn...
- Nhưng mà vậy phải follow hết à ?
- Không, follow có chọn lọc. 
Tiêu chí follow: Những ai sharing công việc (nên nhiều hơn đời sống riêng tư) + cách chia sẻ mình "cảm" được. Chung quy lại thì nó khiến mình thoải mái khi xuất hiện trên bảng tin.
Thực ra mới follow thì chúng ta chưa đảm bảo về sự thoải mái này, nhưng qua vài lần cảm nhận thì mỗi người sẽ nhanh chóng có sự đánh giá riêng của bản thân.
VD mình follow nhiều bác vì họ chia sẻ rất hay nhưng bên cạnh đó, họ thường xuyên đăng nhiều status ngoài lề thì mình cũng say bye. Cách kết nối bền vững với độc giả vẫn là chia sẻ nội dung có giá trị.
- Còn bạn bè thì sao? 
Ngẫm lại có thể là may mắn cũng như tính cách, mình chỉ kết bạn với người quen nên đỡ phiền.
Nếu chúng ta thực sự có mối quan hệ với 2000 - 3000 bạn thì cứ tiếp tục duy trì. Nếu những mối quan hệ đó có giá trị thực sự (ngoài mấy cái like, tym…). Còn không thì có thể thanh lọc hàng loạt. Hành động hơi kỳ nhưng càng ngày mình càng nhận ra:
Chúng ta chả cần nhiều bạn BÈ như thế đâu
Tiêu chí Unfollow/ Hủy kết bạn: Không quen/ Không thích/ Không thoải mái
Vậy chỉ với 3 nút follow, unfollow, block, chúng ta đã tạo ra một thế giới phù hợp và bổ ích cho bản thân. Tất cả những điều trên có thể áp dụng ở nền tảng khác như Instagram, Tiktok, Youtube...
Cứ thẳng tay! Vì đó là thế giới ảo, của chính mình, mà chả lẽ chúng ta lại không có quyền tự quyết hay sao?

2. Thanh lọc thế giới thật

- Vứt bỏ đồ đạc

Mình không theo chủ nghĩa tối giản, nhưng nhờ tình cờ đọc “Lối sống tối giản của người Nhật”. nên mình có mindset vứt bỏ đồ đạc khá ổn. Chi tiết thì mọi người có thể ghé qua đây (từ trang 56) để tự cảm nhận.
Trong số mấy chục quy tắc thì mình ấn tượng nhất quy tắc 22:
Vứt những món đồ lãng quên
Nôm na là những thứ chúng ta không nhớ tới sự tồn tại của nó. Như cái hộp be bé phủ bụi trong góc tủ, mấy thứ linh tinh thấy thú vị nên mua về, sau khi chán rồi để nó 1 góc…Chúng ta cứ vứt đi! Vì nếu chúng ta đã quên thì thực sự không phải là thứ quan trọng với bản thân. Bằng chứng là suốt thời gian không có nó, chúng ta vẫn sống ổn đấy thôi.
Và có một quan điểm về vật chất mình thấy khá hay:
Càng nhiều đồ đạc, càng bị trói buộc
Bởi khi trong tay có quá nhiều thứ hơn mức cần thiết, chúng ta phải tốn công sức để tâm chúng, tốn thời gian lựa chọn và tốn cả không gian “sống” tai nơi ở của mình. 
Tại đợt thực tập, mình có đi company trip 3 ngày 2 đêm với phòng ban gồm mình là gen Z và 7 anh chị gen Y. Lúc chất đồ đạc hành trang lên xe, mình chợt nhận ra: Chỉ có cái vali duy nhất - là của mình, còn mọi người đều gói gọn đồ vào ba lô. Mình kiểu: Ơ :))))) 
Nhìn chung, cái gì quá cũng không tốt. Quá ít, quá nhiều cũng có vấn đề của nó nên hướng tới sự cân bằng vẫn là hợp lý nhất. 

- Thanh lọc mối quan hệ

Mối quan hệ là thứ rắc rối và bị ràng buộc bởi rất nhiều thứ khác nhau. Thật mạo hiểm nếu chúng ta hành động sơ suất với nó. Vì vậy mình hướng tới giải pháp có phần an toàn.
Nếu lỡ không thích ai đó thì mình sẽ hạn chế tương tác (Cả ngoài đời lẫn ở MXH). Vì nhiều trường hợp vẫn phải gặp nhau hằng ngày như trường học, công ty,...nên sẽ khó mà “block” thẳng mặt như trên facebook. Trong những trường hợp thế, nếu gặp thì mình chỉ thực hiện công việc cần làm và chào hỏi xã giao chứ không muốn dính dáng quá nhiều.
Mình tin chúng ta cũng đủ cảm nhận nếu ai đó có ý lảng tránh mình. Nếu chúng ta biểu hiện xa lánh, người kia sẽ tự hiểu phần nào. (À trong mối quan hệ tình cảm thì không chắc vì lý trí bị che mờ rồi :>), nhưng đa số mối quan hệ bình thường thì cách đó vẫn hiệu quả.
Cuối cùng, thứ cần được nâng niu nhất

3. Thanh lọc thế giới chính

Thế giới chính. Chính mình.
Một ngày với vô vàn thông tin và vạn thứ phải lo nghĩ. Nhưng làm sao tránh được, chúng ta đâu là cục đá, chúng ta cũng đâu vô tri...
Vậy tìm cách tối ưu suy nghĩ...
- Thứ cần bận tâm: Như công việc, gia đình…Những thứ liên quan trực tiếp tới chính mình, hoặc ảnh hưởng đáng kể tới những gì bên mình.
- Thứ nên bận tâm: Như xu hướng hiện tại đang là gì, có app nào hay ho mình xài được không?  Đó là những thứ có thể tác động một phần nào đó.
- Thứ khỏi bận tâm: Như đứa mình ghét nó đang sống sao, diễn viên abc đang có drama thế nào. Có nó hay không thì cuộc đời mình chả sao cả.
Đúng là mỗi thứ có giá trị riêng của nó nhưng theo nguyên tắc 80/20 thì 80% kết quả được tạo thành từ 20% hoạt động mấu chốt nhất. Và thay vì bị chi phối bởi mấy điều lặt vặt, chúng ta nên tập trung năng lượng vào những điều cốt lõi hơn
*Xíu góc nhìn ở chỗ này
*Đương nhiên sẽ không có ai rạch ròi phân chia như thế. Nhưng đại ý mình phân như vậy để chúng ta có đánh giá các mức độ thông tin một cách rõ ràng hơn. Với chính mình, bộ não đã lặp đi lặp lại hàng ngàn lần quá trình:
Tiếp nhận 1 thông tin mới -> Nó có đáng để mình bận tâm không?
Quá trình đó tự diễn ra và hoàn thiện nên chúng đã thành phản xạ. Mình tin bộ não con người như nhà máy, nếu nó lọc và phân loại được những thứ nạp vào, thì tâm trí chúng ta đỡ bị rác và sạch sẽ hơn.
*Không có chuyện tuyệt đối không care. Khi bắt gặp những thứ nhảm nhí, mình vẫn dừng chút xem thử nhưng nó chỉ thoáng qua vì bộ não xử lý kiểu: Oke, vậy đủ rồi, skip nó đi.
*Mức độ: Cần bận tâm, nên bận tâm và khỏi bận tâm có sự giao thoa và không có mốc tuyệt đối của mỗi bậc. Ví dụ: Mới xuất hiện tin về chat GPT (Khỏi bận tâm) -> Nó ứng dụng nhiều trong công việc (Nên bận tâm) -> Nó có thể thay thế chính vị trí của mình (Cần bận tâm). Vậy nên chúng ta không thể biết liệu 1 tin tức có thể chuyển biến theo hướng như nào. Nhưng tin rác, giật tít, câu like thì vẫn cần loại bỏ.
Trừ khi chúng ta bỏ hẳn công nghệ. Chứ mình tin dù có lọc cỡ nào thì vẫn có thứ nhảm nhí, tin rác nhởn nhơ trước mặt. Chúng ta cứ tối ưu được chừng nào thì tốt chừng đó !
Quá trình thanh lọc "Thế giới chính" - Chính mình còn dính dáng tới rất nhiều quan điểm, tư tưởng sống. Tối ưu suy nghĩ chỉ là 1 phần trong số đó. Muốn đề cập sâu hơn, mình sẽ dành riêng 1 topic về chúng (nếu có dịp) - Những mindset thay đổi cuộc đời mình. 
Kết lại, mọi cuộc cách mạng đều khởi nguồn từ những đấu tranh nhỏ nhất. Trước khi lật độ ách thống trị của giai cấp “nhảm nhí”, chúng ta phải có những thay đổi đầu tiên. Ngay bây giờ, ngay lúc này với vài click chuột đơn giản: Tắt bớt đống tab trên trình duyệt, xóa vài web mốc meo đã lâu không truy cập trên mục Favorites hay dọn dẹp màn hình desktop gọn hơn,...Mọi thứ đều trong tầm tay cả.
Từ từ, thong thả, tĩnh tâm.
Vì chúng ta xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn
*: Phần 2 đây ạ :>
_________________________________________________________________________
Tất cả đều là góc nhìn của mình và mang tính chất tham khảo. Việc chọn lọc, tiếp thu là quyết định của mỗi người. Nếu nó giúp được ai đó thì mình đều rất vui, và mình sẵn sàng đón nhận những góp ý, quan điểm khác nếu mọi người có điều gì muốn nói.
À mọi người có thể ghé qua Instagram của mình để biết thêm nhiều thứ hay ho nữa nha. Mình hoàn toàn welcome tất cả :>>