Bài này mình dịch lại từ bài viết "I’ll Tell you Where all the Good Men have Gone." của Arun Eden-Lewis trên Elephant Journal. Các bạn có thể xem bài viết gốc tại đây >>> https://goo.gl/5FO4Fs

Hãy thử gõ từ khoá "Những gã trai tốt đi đâu hết cả rồi?" và hằng hà sa những mẩu truyện hài hước, bài báo, blog và sách sẽ đập vào mặt bạn. Buồn cười thay, trong hầu hết các trường hợp, những câu hỏi này được đăng bởi các chị em, thảo luận bởi các chị em, và trả lời cũng bởi các chị em. Đây chính là lí do lớn nhất cho thứ chủ nghĩa "vô phủ" (không đàn ông) - đàn ông đơn giản không được phép đóng góp ý kiến hay quan điểm cá nhân, vì nhiều lí do.

Tôi không muốn đổ lỗi cho phía nào, mà chỉ muốn khơi lên câu hỏi này từ một nhóm người hiếm khi được lên tiếng và cũng là chủ đề chính của câu hỏi trên: Những gã trai tốt.

100 năm tràn ngập các hội phụ nữ, chủ nghĩa nữ quyền, và sức ép chính trị đã và đang thách thức vị thế ngàn năm của chế độ phụ hệ. Vai trò của cả "phái mạnh" và "phái yếu" cũng theo đó bị biến đổi hoặc tái định nghĩa. Thế nhưng, trong khi chúng ta còn đang chật vật làm quen với cái thực trạng vẫn không ngừng thay đổi này, thương vong từ cuộc chiến giữa hai phái đã lên đến hàng triệu triệu. Trong xã hội Tây phương, tỉ lệ tan vỡ của hôn nhân lần đầu trải từ 42% ở UK, rồi 53% ở Mỹ, cho đến con số rùng mình 71% ở Bỉ. Con số của những lần hôn nhân sau đó còn tồi tệ hơn.         

Nỗi ám ảnh của đổ vỡ là một trong những lí do khác dẫn đến chủ nghĩa "vô phủ" và có chiều hướng gia tăng rõ rệt. Nhiều chàng trai, nhìn thấy cha mình suy sụp vì cuộc hôn nhân đổ vỡ, trở nên lo sợ rồi tất cả tài sản, nhà cửa, con cái của mình cũng sẽ mất đi. Để rồi họ quyết tâm lựa chọn không đánh cược vào ván bài hôn nhân.

Những phiên toà gia đình luôn trao quyền nuôi con cho người mẹ, trong khi người bố bị giới hạn thành những buổi thăm con cuối tuần, những buổi thăm bị giám sát, hoặc bị dồn vào con đường leo trộm Điện Buckingham trong bộ đồ siêu anh hùng để bảo vệ quyền lợi cho các ông bố trên thế giới này*. Đàn ông - khi nào thì họ mới trưởng thành chứ hả?

Việc chế giễu và hạ thấp danh dự của "bọn mày râu" trên các phương tiện truyền thông và văn hoá thường nhật ngày càng phổ biến. Thử xem một đoạn phim quảng cáo, phim sitcom hay phim rạp, bạn sẽ thấy cái đinh gây cười là một thằng đàn ông tính tình như trẻ con, một ông bố khờ khạo ngốc nghếch - ôi những thằng hề xui xẻo. May mắn thay, những tên ngốc ngếch này luôn được cứu vớt bởi những người phụ nữ thông minh, sắc sảo hay một đứa bé nghiêm nghị, gương mặt tỏ rõ vẻ chán ngấy.

Hành động nhu nhược hoá đàn ông bỗng nhiên được bình thường hoá.

Theo lẽ tự nhiên thôi, thay vì chịu để bị "thiến" (thỉnh thoảng có đấy, và cũng thường "chọt lét" ngon lành luôn), lũ đàn ông lếch thếch chạy đi lánh nạn, trốn chui trốn nhủi trong "đàn" của họ, và cứ thế để mặc cho phụ nữ mãi thắc mắc "Những gã trai tốt đi đâu hết cả rồi?" 

Khi tôi còn học cấp 2, có lẽ là khoảng 14 tuổi, có một con nhỏ cứ đi lòng vòng trong trường, dẫn theo hội chị em gái của nó để nhắm đá vào "bi" của mấy thằng con trai. Rõ ràng là ai đó đã nói với nó rằng đấy là cách nhanh nhất, dễ nhất và lý thú nhất để cho mấy thằng con trai khờ khạo "đo đất". Hôm đó, đến lượt tôi lên dĩa. Bị bất ngờ, tôi sụm xuống đất sau một cước vào trym, đau thấu bi, đau đến khóc không nổi. Bọn con gái thi nhau bò ra cười. Hồi đó tôi vốn đã ghét mấy đứa hay bắt nạt rồi. Ngày hôm sau, tôi đi tìm con nhỏ kia, và trái ngược với những điều được dạy, tôi đi thẳng đến chỗ con nhỏ và sút thật mạnh vào giữa háng nó. Mọi người sững sờ nhìn nó té xuống đất, đau quá khóc không nổi. Đám con trai hò reo bu lại vỗ vai tôi - kẻ đã báo thù cho tụi nó. Đám con gái tròn mắt nhìn tôi thất thần. Một thằng con trai mà dám phản kháng lại sao? Chưa ai nói rằng chuyện đó được phép cả, nên rõ ràng như vậy là trái luật đúng không? Bình đẳng vốn không chừa bên nào hết. 

Tôi chẳng cảm thấy vinh dự hay thoả mãn gì trong việc đánh một kẻ yếu, nhưng thỉnh thoảng trong những trường hợp bị bắt nạt, thoả mãn cá nhân hay danh dự không phải vấn đề, mà là chống lại sự hung hãn của chúng. Trong quá trình lớn lên và trưởng thành, tôi dần học được cách kiềm chế trước sự khiêu khích, như hầu hết những người đàn ông tuyệt vời khác.

“Trai là lũ ngu, vô tư ném đá!” có ai nhớ dòng chữ trên cái áo thun ra mắt hồi năm 2003  không? Kèm theo đó là vô số ly cà phê, posters, rồi có cả một cuốn sách được xuất bản nữa. "Bọn trai nói láo, tháo mắt chúng ra" một câu khác cũng hot không kém thời đó. Phải đến lúc một nhà bảo vệ nhân quyền cho những người cha đứng lên ra tay thì mấy thứ này mới bị quét sạch khỏi các cửa hàng. Quả nhiên, người đàn ông ấy ngay lập tức bị chế giễu bởi số đông thiển cận.  
 
Hiện nay, ở một số vùng tại UK, 80% trường tiểu học có từ ba giáo viên nam trở xuống, một phần tư tổng số trường tiểu học hoàn toàn không có giáo viên nam, và một số thị trấn thì có đến 65% gia đình là mẹ đơn thân. 

Đúng là "vô phủ" còn gì.

Một thằng bé đến trường và chẳng tìm được hình mẫu đàn ông lý tưởng nào, để rồi trở về nhà và ở đó cũng chẳng có hình mẫu đàn ông lý tưởng nào cho nó luôn. Các cô gái trẻ đang sở hữu kết quả học tập cao hơn hẳn các chàng trai cùng lứa. Làn sóng "nữ quyền học đường" này tràn vào các trường đại học, vào nơi làm việc, và rốt cục cũng vươn vòi đến các gia đình, hoàn tất cái vòng xoáy biến tất cả con trai và đàn ông thành những kẻ nhạt nhẽo, tầm thường. 

Tôi sinh năm 1968. Tôi lớn lên với một người mẹ giàu nghị lực, giữa bốn chị em còn mạnh mẽ hơn, và không có bố. Tôi đã được dạy, không chỉ bởi gia đình tôi mà còn cả xã hội rộng lớn, rằng tôi phải đối xử bình đẳng với phụ nữ, và tôi luôn làm như vậy. Tuy nhiên, tôi không hề biết rằng có một thế hệ phụ nữ đang bị "tẩy não" và huấn luyện bằng một thứ vũ khí nguy hiểm, chăm chăm nhắm đến việc hạ nhục đàn ông.

Đàn ông đã kìm kẹp phụ nữ hàng thế kỉ nay, và bây giờ họ đang phải trả giá. Như thế xem ra cũng công bằng.  Con cáo đã vùng lên chống trả chó săn, và nó giấu sẵn nắm đấm trong tay, hoặc chuẩn bị một cú sút thẳng vào "bi". Nhưng bản năng của đàn ông khi bị đánh chính là đánh trả, dù cho đó là tinh thần hay thể xác. Rõ ràng sẽ chẳng có ai là kẻ chiến thẳng cả.

Những trận cãi vã không dứt để quyết định xem ai được mặc quần chỉ khiến đàn ông "cụt hứng". Nhiều người quyết định rút lui khỏi những trận đấu trí diễn ra như cơm bữa trong các mối quan hệ, từ chối đớp "thính" từ trò chơi "hại não" ấy, thứ thường diễn ra theo ba cách.

Thứ nhất là thói quen hạ nhục hoặc sỉ vả đàn ông, ở chỗ riêng tư hay nơi công cộng, trước mặt bạn bè, gia đình và đồng nhiệp, xem đó như một trò đùa hài hước. Thứ hai là chỉ trỏ cho anh ta thấy, như chuyện đương nhiên, là có những thằng đàn ông khác quyến rũ hơn, đẹp trai hơn, giàu hơn, tài năng hơn hoặc nổi tiếng hơn anh ta. Thứ ba, và có lẽ là có sức công phá mạnh mẽ nhất, lại còn được nhai đi nhai lại suốt, đó là "Chế không cần bọn đàn ông. Bọn đó vô dụng vãi ra."

Tôi chả nhớ mình đã được nghe câu này bao nhiêu lần từ hồi niên thiếu.

Nếu bạn nói một thằng đàn ông chỉ là đồ dư thừa đủ lâu, dần dần hắn sẽ chẳng buồn tìm cách chứng minh với bạn và cả bản thân hắn điều ngược lại. Đàn ông đang nhanh chóng thức tỉnh trước làn sóng xúc phạm "bọn mày râu" này, đến mức một tầng lớp xã hội "bừng tỉnh cơn mê" đã được sinh ra từ đó và đúc kết thành mấy chữ viết tắt NCTMĐ, Những Con Trym Mở Đường (MGTOW - Men Going Their Own Way).

Được hậu thuẫn bởi các website và diễn đàn online, đàn ông đang tìm đến nhau với một lý tưởng chung, tình cảm anh em đồng chí để tìm lại tiếng nói cho chính mình. Các nguyên tắc thiết yếu của NCTMĐ là tự chủ tài chính, dẹp bỏ tính gallant, một định kiến xã hội về chuẩn mực đàn ông, và văn hoá tiêu dùng, thứ luôn luôn áp đặt phái mạnh vào những thứ như nhà cửa, xe cộ, quần áo, đồng hồ và nước hoa. Đó là tuyên ngôn không cam chịu bị bôi nhọ thành những kẻ phục tùng định kiến bằng những câu như "đàn ông lên chút coi".   

Nhiều thành viên NCTMĐ quá khích từ chối hẹn hò hay cưới phụ nữ Tây phương. Một số thành viên hăng hái hơn thì chủ động chọn những mối quan hệ không ràng buộc, gái nhảy, khiêu dâm hoặc...ở giá. Và trên hết là tuân thủ triết lí của NCTMĐ, khẳng định chủ quyền của bản thân.

Tôi đã hẹn hò trong hơn 35 năm.  Cái hồi thập niên 1980, người đàn ông có nghĩa vụ phải trả tiền xem phim, ăn tối, hoa hoà, socola, nhẫn kim cương, nhà cửa. Trong những thập niên tiếp theo, các định kiến này dần biến mất, nhưng ít nhiều gì vẫn còn đó. Những bất công xã hội, như khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ, sẽ còn cần nhiều thời gian để khắc phục.

Điều quan trọng là chúng ta cần nhận ra, bình đẳng là con đường hai chiều. Rõ ràng có biết bao chàng trai và cô gái đi sát rạt bên nhau trên đường ấy một cách gượng gạo, chứ đừng nói là nắm tay. Sao lại thế? Bởi vì một thế kỷ nay chúng ta cứ đào con đường đó lên rồi lại lấp xuống. Bây giờ thì nó đầy vết nứt, đấu đá quyền lực, đi qua đi lại khó khăn. Dù vậy, chúng ta vẫn phải đi. Thông điệp nguyên bản của bình đẳng giới có vẻ đã bị bóp méo. Phụ nữ hay đem ra nhai lại mấy câu tuyên truyền nhảm nhí nói rằng họ y chang đàn ông. Bình đẳng không phải lúc nào cũng là y chang nhau, và y chang nhau không có nghĩa là bình đẳng. Ví dụ, phụ nữ có đầy đủ quyền nhập ngũ, đi tham chiến và chiến đấu bên cạnh đàn ông, nhưng cấu tạo sinh học cho phép họ làm điều đó thì chẳng giống nhau. Và nó cũng thể hiện trong rất nhiều ngành nghề khác, như lính cứu hoả hoặc vũ công ballet.

Bình đẳng không có nghĩa là giống nhau. Khác biệt tạo nên sự phong phú. Đó mới là thứ đáng được tôn vinh chứ không phải là triệt hạ lẫn nhau. 

Đàn ông thường bị nói (chứ không phải hỏi à nha) là họ sợ những người phụ nữ độc lập. Nhiều thằng đàn ông, chán ngấy những cuộc tranh luận vô nghĩa và không muốn bị "dán nhãn" là kẻ-thù-của-phái-đẹp nếu họ lên tiếng phản đối, tự khép cửa trái tim và tránh xa khỏi phụ nữ, đăng ký hộ khẩu thường trú luôn trong "ổ" của mình. 

Sự thật là đàn ông rất thích phụ nữ mạnh mẽ và độc lập, nó khiến họ thấy kích thích ấy chứ.  Thứ mà đàn ông không thích là những cá tính quá "men lì" thường đi cùng với nó. Cạnh tranh dai dẳng (cần cho công việc, hầu như chả cần khi yêu nhau), những trận đấu khẩu, thao túng cảm xúc và tâm trí là những yếu tố gây "cụt hứng" nhất. Ngày càng nhiều đàn ông không hứng thú ganh đua ở công sở để rồi về nhà lại phải ganh đua với bà xã. Trong quan hệ nam-nữ, hầu hết phụ nữ đều không thích đàn ông ẻo lả, cũng đúng thôi. Theo hệ quy chiếu đó, hầu hết đàn ông cũng không thích phụ nữ tay nổi cơ bắp, miệng hét ra lửa. 

Vậy là có nhiều lí do chung và riêng dẫn đến chủ nghĩa "vô phủ" từ góc nhìn của "trai tốt". Nhưng giải pháp ở đây là gì? Hãy khởi đầu bằng cách tỉnh cơn mê khỏi những định kiến xã hội. Nhiều phụ nữ đang bắt đầu chối bỏ những triết lí nữ quyền hiện đại, hay gọi là làn sóng thứ ba, một thứ nghiêm trọng như chủ nghĩa căm ghét đàn ông đến lu mờ lí trí. Tương tự như vậy, nhiều đàn ông trong 2-3 thế hệ gần đây phản đối quan niệm rằng phụ nữ chỉ là một loại công dân hạng hai. Cả hai phía đều còn nhiều thứ phải cải thiện lắm. Buông bỏ những suy nghĩ, giao tiếp, hành vi có hại cho cả hai bên là bước quan trọng để có một mối quan hệ bền vững và hạnh phúc.

Dù vậy, phủ nhận những vấn đề tồn đọng này sẽ không giúp cho đại cục khá hơn, và phụ nữ sẽ tiếp tục đặt câu hỏi "Những gã trai tốt đi đâu hết cả rồi?" trong khi cứ mãi lang thang trong sa mạc "vô phủ".

Thế thì, những gã trai tốt đi đâu hết cả rồi?

Hiện tại thì cô đi đường cô, tôi đi đường tôi hết rồi. Nhưng bọn họ vẫn ở ngoài đó thôi. Vẫn ở cái sa mạc ấy, phơi "bi" trong ốc đảo của riêng mình, chắc chắn là đang nằm đợi làn sóng thứ tư quét qua để họ có thể thực sự trân trọng bình đẳng giới, điều mà làn sóng thứ nhất từng hứa hẹn thuở nào.
 
*Chi tiết câu chuyện >>> https://goo.gl/mWmXYw

Đọc thêm: