Creature of Habit – Joseph United Methodist Church

Con người là tạo vật của thói quen. Chúng ta không thích thay đổi vì những sự khó khăn mà nó mang lại. Trong thực tế, chúng ta thường quá lười để thay đổi. Và điều này cũng áp dụng với khoa học. Không thiếu những chuyện hoang đường về giáo dục vẫn được chấp nhận rộng rãi và có mặt ở trong các công trình khoa học. Trong bài viết này, tớ sẽ nêu ra một ví dụ kinh điển về một thứ mà chúng ta đã hiểu nhầm và coi đó như điều hiển nhiên không biết bao nhiêu năm nay.
Cách đây 4 năm trước, trong một buổi hội thảo về “Quản lý cấp trung” (Middle Management) được thực hiện bởi Tổng Giám Đốc của công ty tớ, tớ đã mắt chữ a, mồm chữ o khi thấy chị ấy nêu ra mối quan hệ biện chứng trong vấn đề suy nghĩ và tư duy của nhân viên cấp dưới, quản lý tầm trung và ban lãnh đạo then chốt công ty trong sự tương quan với tháp Maslow. Và tất nhiên, sau đó tớ cảm thấy trách nhiệm của một người trainer như mình là phải “rao giảng tin mừng” này với nhiều người khác trong công ty mà tớ đào tạo. Mỗi lần tớ nói về tháp Maslow, trong mắt tớ lại sáng rực lên sự viên mãn của tri thức được đặt trong một chỉnh thể “không chê vào đâu được”. Nhưng mọi thứ thay đổi khi tớ tìm thấy được những dẫn chứng và biện cớ cụ thể không-mấy-tươi-sáng về cái tháp này. Và như đã nói ở trên “con người là tạo vật của thói quen”, tớ đã mất khá nhiều thời gian để tinh chỉnh lại nhận thức của mình. Đó là lý do tại sao, hôm nay tớ thực sự muốn chia sẻ với các cậu bài viết này.
Tháp Maslow, một trong những tháp nổi tiếng trong khoa học được trình làng lần đầu tiên vào năm 1943 bởi Abraham Maslow. Chúng ta chắc không xa lạ gì mấy với mô hình kim tự tháp này khi nhìn vào hình bên dưới.
Nguồn: http://commons.wikimedia.org/wiki/File%3AMaslow’s_hierarchy_of_needs.svg

Giờ chúng ta thử làm một cuộc thí nghiệm nhỏ để thấy một sự bất hợp lý ở đây nhé. Các bạn hãy chạy xuống thư viện, ra hiệu sách hoặc lên mạng để đọc và tìm các tác phẩm và bài báo gốc được viết bởi Maslow. Và thứ bạn sẽ không tìm thấy chính là cái kim tự tháp này. Maslow dành nhiều thời gian nghiên cứu để mô tả thứ tự cấp bậc của nhu cầu con người nhưng ông ấy chưa bao giờ đặt trong chỉnh thể cái kim tự tháp “đại chúng” mà chúng ta hay nhìn thấy ở trên. Nhưng chúng ta thì không ngừng nói về mô hình 5 cấp bậc của tháp Maslow không biết từ bao giờ, dù cho vào năm 1970 Maslow đã có mở rộng thêm 2 yếu tố trong sự phân cấp tôn ti nhu cầu của con người với “biết và hiểu biết” (knowing and understanding) và “mỹ học” (aesthetic).
Vậy thì cái tam giác kia có thực sự đúng không? Xin thưa rằng, chính “chủ nhân” của cái tháp kia, vào năm 1962 đã phải thốt lên trong ngạc nhiên rằng tại sao người ta lại có thể chấp nhận lý thuyết của mình dễ dàng đến thế. Nguyên văn trong bài báo trong năm 1962, Maslow đã lên tiếng rằng:
“Họ dành quá nhiều thời gian vào những chuyện tào lao. Tại sao không dồn tâm sức để động não cho những thứ quan trọng hơn cơ chứ. Thực sự tôi thấy không thể hiểu nổi. Lý thuyết về động lực thúc đẩy của tôi được xuất bản cách đây 20 năm trước và trong suốt quãng thời gian đó, không hề có lấy một ai lặp lại nó, kiểm chứng nó, hay thực sự phân tích hoặc phê bình nó. Họ chỉ đem ra xài, tin ngay lập tức và hầu như không cải biên gì cả”.
They spend so much time on so much crap. Why not spend some time on something critically important? I just don’t understand it. My motivation theory was published 20 years ago, & in all that time nobody repeated it, or tested it, or really analyzed it or criticized it. They just used it, swallowed it whole with only the most minor modifications.
Abraham Maslow, 1962 Journal Entry
Thực sự thì mọi chuyện cũng không mấy thay đổi trong hơn 50 năm qua. Chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp cái tháp kia, nhất là trong ngành giáo dục, dù cho nó có liên quan hay không. Nhưng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong những thập kỷ qua, chúng ta đã khôn ngoan hơn để đủ nhận thức được rằng lý thuyết của Maslow còn rất nhiều điểm chưa kiện toàn. Một câu hỏi đơn giản đặt ra là: “Nếu một người bị bệnh nhưng cùng lúc ấy cũng cảm thây có nhu cầu cho cái đẹp và trí tuệ thì sao?”
Thế tại sao chúng ta lại cứ tiếp tục sử dụng cái kim tự tháp này? Theo như Daniel Kahneman tác giả của cuốn Thinking, fast and slow đã chỉ ra rằng não bộ của con người bản chất đều không thích các loại số liệu rải rác quá nhiều. Vậy nên chúng ta gặp khó khăn trong việc hiểu các số liệu ấy và từ đó phạm phải những sai lầm đáng ra có thể tránh được. Câu chuyện với tháp Maslow cũng vậy. Mô hình kim tự tháp cho người đọc một cảm giác gọn gàng khi đã gom các thông kê và số liệu trong một chỉnh thể thứ tự tôn ti để hiểu ngay một cách dễ dàng khi nhìn vào đó. Nhưng nếu chấp nhận mô hình này, ta cũng đồng thời chấp nhận rằng đáy của kim tự tháp là những nhu cầu căn bản quan trọng nhất và chỉ rất ít người đạt được tới đỉnh tháp.
Sự đại diện tách nhóm theo thứ tự tôn ti trong kim tự tháp từ đó chỉ là một lý thuyết với giả thuyết và tự giả định từ chính nó mà thôi. Maslow nghĩ rằng những người khác sẽ sử dụng phát kiến của mình để thực hiện thử nghiệm của riêng họ, nhưng điều này thì không hề xảy ra trước khi Maslow chết vào năm 1970. Tại sao? Bởi vì nhiều khi chúng ta quá lười để kiểm chứng xem thứ gì đó có thực sự là đúng hay không. Sự lười biếng này quả thật rất nguy hiểm.
Sau khi Maslow chết vào năm 1970, các nhà nghiên cứu có thực hiện một cuộc điều tra chi tiết hơn dựa trên học thuyết của ông, với các cuộc khảo sát và nghiên cứu trên diện rộng về các cấp bậc của nhu cầu con người, và họ đã tìm thấy gì? Gerard Hodgkinson tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC như sau: “Các cấu trúc thực tế về động lực thúc đẩy không hề hợp lý với học thuyết này. Và điều này dẫn tới rất nhiều cuộc thảo luận và tranh biện, để từ đó các học thuyết mới được phái sinh…”
Nhưng sau tất cả, cái tháp không có thật và không được kiểm chứng này vẫn được xuất hiện trôi nổi nhan nhản trên mạng, trong các sách báo, và đặc biệt là những buổi hội thảo dành cho “đa cấp”.
Nguồn tham khảo:
Clark, D. (2012, April 27). Maslow. Retrieved June 30, 2014, from http://donaldclarkplanb.blogspot.be/2012/04/maslow-1908-1970-hierarchy-of-needs-5.html
Kremer, W., & Hammond, C. (2013, August 31). 
The pretty pyramid that beguiled business. Retrieved June 8, 2014, from http://www.bbc.com/news/magazine-23902918
Maslow, A. H. (1943). A theory of human motivation. Psychological Review, 50, 370396.
Maslow, A. H. (1954). Motivation and personality. New York: Harper & Brothers.
Maslow, A. (1971). The farther reaches of human nature. New York: Viking Press.
Maslow, A. H., Lowry, R., & Maslow, B. G. (1979). The journals of A. H. Maslow. Monterey, CA: Brooks/Cole.