Đầu tiên có lẽ cần giải thích nhan đề, tôi dùng từ “tử tế” ở đây theo cả hai nghĩa chỉn chu và lương thiện. Sở dĩ làm vậy để phân biệt bài so sánh này với hàng chục bài khác đang có trên mạng, chúng hoặc là thiếu chỉn chu vì chỉ là vài bình luận ngắn ở các diễn đàn cờ, hoặc là thiếu lương thiện vì được viết cho đủ KPI dưới tay mấy thằng diễn giả self-help, bọn nó so sánh kiểu Tượng cờ tướng không qua sông là do trung thành đến ngu muội, còn Tượng cờ vua chia nhau đứng hai ô khác màu là do tính kỉ luật cao và rõ ràng.
Tiếp theo nói đến bản chất bài viết này, ở đây tôi chủ ý so sánh theo kinh nghiệm của một người chơi cờ nghiệp dư, thay vì so sánh bằng toán học như khi chơi bằng máy hoặc như kì thủ chuyên nghiệp. Việt Nam thuộc số hiếm các quốc gia mà cả cờ vua lẫn cờ tướng được chơi rộng rãi, vậy mà không ai viết bài so sánh nhằm giúp người mới chơi có cái nhìn bao quát thì thật thiếu sót. Do đó bài viết này sẽ như một chỉ dẫn cho người mới học để họ bớt bỡ ngỡ cũng như nhanh lên tay hơn khi học một trong hai môn này.
Vì viết theo kinh nghiệm nên tôi nghĩ người viết phải có kinh nghiệm chơi cờ và nếu chơi khá thì càng tốt.

Trên đây là chỉ số cờ vua của tôi, điểm xếp hạng lấy từ ChessCom, trang chơi cờ vua chuyên nghiệp và phổ biến nhất thế giới hiện nay. ChessCom và LichessOrg là hai trang phổ biến nhất nhưng tôi chỉ chơi ở một nơi, giang hồ đồn đại rating ở ChessCom tương đương rating LichessOrg +200. 
Tức rating 1600-1700 của tôi ở ChessCom có thể tương đương với 1800-1900 ở LichessOrg. (Lưu ý, rating rất khác với Elo, các group cờ vua bây giờ hay gọi rating là Elo, sai hoàn toàn.)
Nhân nói về cờ vua, trước đây tôi đã có một bài viết chỉ trích bọn diễn giả self-help mang cờ vua ra thuyết giảng với ý đồ xấu, mang tên Cờ vua và những triết lí được nhìn từ lỗ đồng xu [1].

Còn đây là chỉ số cờ tướng của tôi, điểm xếp hạng lấy từ app Chinese Chess của RickyBaron Studio, một app cờ tướng của Tàu, số lượng người chơi cũng khá, lúc nào cũng có 10-15k người online. Tôi đang ở đẳng cấp T6 Player của app này.
Thật ra chỗ chơi cờ tướng phổ biến nhất là app Thiên Thiên Tượng Kì, nhưng bọn này bế quan toả cảng. App ấy chỉ có mỗi tiếng Tàu, để chơi được buộc phải có acc QQ hoặc Wechat – hai mạng xã hội không cho người ngoài Trung Quốc đăng kí. Người Việt Nam chơi ở đó thường mua acc ngoài chợ đen, không biết tiếng Tàu thì phải sờ từng nút để đoán công dụng. Tất nhiên tôi không làm điều đó. Tính tôi không thích bon chen khi người khác đã đóng cửa, cố chen vào nó cứ hèn hèn.
Ngoài các app Tàu thì chỉ còn app Việt, người Tây gần như không chơi cờ này, họ có web XiangqiCom nhưng lượng người chơi cực kì ít.

Bài này tôi chia làm ba phần: phần một so sánh những thứ thuộc phần bề mặt của hai loại cờ để người ngoại đạo cũng đọc được, phần hai so sánh những thứ sâu hơn mà phải chơi mới biết, phần ba chia sẻ kinh nghiệm học cờ tướng của tôi dưới tư cách một người đã thành thạo cờ vua.
Thỉnh thoảng trong bài sẽ dùng các thuật ngữ cờ và cách đọc biên bản cờ, tôi sẽ không giải thích chúng ở đây vì rất dài.


I. NHỮNG KHÁC BIỆT TRÊN BỀ MẶT



Phần này viết về những khác biệt thiên về kiến thức thường thức và văn hoá hơn là chuyên môn cờ, tôi tách ra để người ngoại đạo không có ý định chơi cờ cũng có thể đọc được.

1. Nguồn gốc

Điều duy nhất tôi thấy bài so sánh của bọn diễn giả self-help nói đúng, ấy là cờ vua mang văn hoá phương Tây và cờ tướng mang văn hoá phương Đông. Những người phản bác thường nói rằng cả hai đều chỉ mang văn hoá Ấn Độ, vì cho rằng tổ tiên chung của chúng là cờ chaturanga Ấn Độ, thế là sai hoàn toàn. Cứ coi như thuyết chaturanga là đúng đi, nhưng cờ vua và cờ tướng ngày nay khác cờ chaturanga rất nhiều, những khác biệt này xảy ra khi chúng được du nhập đến những nơi khác nhau. Phủ nhận điều này cũng ngớ ngẩn như cho rằng tất cả người trên thế giới này là người châu Phi chỉ vì loài homo sapiens xuất hiện lần đầu tiên ở châu Phi và phớt lờ tất cả sự tiến hoá của loài người khi ở mỗi châu lục riêng.
Tôi nói “coi như thuyết chaturanga là đúng” bởi vì giới học thuật hiện vẫn tranh cãi về nguồn gốc các loại cờ, có thuyết cho rằng cờ lục bác mới là tổ tiên cờ tướng chứ không phải cờ chaturanga. Tôi không có vấn đề gì với các thuyết khác nhau, chỉ là đã theo thuyết nào thì phải đi đúng logic của nó, không nửa nạc nửa mỡ.

Nếu cờ là văn hoá phẩm thì sản phẩm này phản ánh văn hoá từng vùng là đúng rồi, nhưng phản ánh thứ văn hoá như thế nào thì chủ đề và độ dài bài viết này không cho phép. Có thể nói trước rằng tôi kịch liệt phản đối những người mang tư duy cuộc cờ là cuộc đời, và chống lại mọi thể loại suy diễn từ cờ ra đời. Cờ là trò chơi, đúng là lấy cảm hứng từ đời để thành hình, nhưng không vì thế mà có thể suy ngược từ cờ ra đời.
Ví dụ luật “lộ mặt Tướng” (tiếng Tàu gọi là “phi Tướng”) sinh ra chỉ để phục vụ trò chơi, giúp nó giảm tỉ lệ hoà và do đó hay hơn, chứ không phục vụ cuộc đời, không phải để suy diễn vì hai thằng Tướng ghét nhau không nhìn nhau, và thật lố bịch khi tiếp tục suy diễn đấy là tư duy nhỏ nhen của phương Đông khi để hận thù phá hỏng cơ hội gặp mặt đàm phán. 
Cũng lố bịch không kém nếu cho rằng Tốt phong thành Hậu là phi logic vì Hậu là nữ, chả có gì phi logic ở đây, ngay từ cái suy nghĩ Tốt là người lính nam trong đời thực đã cho thấy ngu xuẩn rồi. Luật cờ được thay đổi thường xuyên (bắt tốt qua đường và nhập thành mới có vài trăm năm gần đây) và sự thay đổi này phục vụ niềm vui đối với trò chơi chứ không cần phải đếm xỉa đến tính thực tế đối với cuộc đời.

2. Luật cờ

Với cờ vua, điều hài hước là không nhiều người nghiệp dư đủ hiểu biết để xếp quân cho đúng. 
Muốn xếp đúng bắt buộc phải như sau: bàn cờ phải xoay cho ô góc dưới trái có màu đen mới là đúng chiều; khi xếp quân hãy nhìn theo góc nhìn của quân trắng, với nửa bên trái là cánh Hậu và nửa bên phải là cánh Vua, quân Hậu và Vua nằm đúng theo cột thuộc nửa bàn mang tên nó; quân đen xếp phản chiếu theo quân trắng. Nguyên tắc xếp trắng trước, đen phản chiếu theo rất hữu dụng vì nó có thể áp dụng cho biến thể cờ ngẫu nhiên Fischer (chess960) cùng nhiều biến thể khác. Nếu bàn cờ có toạ độ thì quân trắng phải được xếp từ hàng 1 và 2, kéo theo đó cột Vua là e và Hậu là d, ô đen dưới trái tên là a1. Nhờ có toạ độ mà ta chỉ cần nhìn bàn cờ là biết chiều đi của Tốt như thế nào, tránh hiểu nhầm cho Tốt đi lùi.

Với cờ tướng thì xếp quân đơn giản hơn nhiều, thực tế chỉ cần biết xếp một phần tư bàn cờ là đủ, rồi cho phản chiếu hai lần là thành một bàn hoàn chỉnh. Người xếp chỉ cần nhớ mặt quân và vị trí của quân ở một phần tư bàn là được rồi. Toạ độ của bàn cờ tướng cũng đơn giản, không đánh dấu hàng ngang mà chỉ đánh số cột dọc, từ 1 đến 9, theo chiều phải sang trái và mỗi bên đánh số theo hướng của mình (thành ra hai bên ngược nhau); bên đỏ đánh dấu bằng chữ, bên đen bằng số. Cái khó duy nhất là phải nhớ mặt quân bằng chữ Tàu mà thôi.
Về cách đi quân, cờ tướng cũng đơn giản hơn khi không có những cách đi ít dùng đến. Ở cờ vua có luật “bắt Tốt qua đường” tôi thường xuyên thấy dân nghiệp dư trong các group đăng lên thắc mắc, có người còn tưởng đối thủ hack. Nói chung nếu chỉ học lỏm thì cờ vua khó học hơn cờ tướng. 
Mục này chỉ nói qua vài khác biệt lớn về luật vậy thôi, những khác biệt nhỏ như cách đi của Tốt, Tượng, v.v. hẳn mọi người đã biết rồi.

3. Biến thể

Biến thể cờ là loại trò chơi được cho là có liên quan, bắt nguồn hoặc lấy cảm hứng từ một loại cờ nào đó. Theo The Encyclopedia of Chess Variants thì cờ vua có đến hai nghìn biến thể, trong khi đó cờ tướng do không có sách nào liệt kê, tôi tra cứu trên mạng chỉ thấy tầm chục biến thể là cùng. Điều này không đáng ngạc nhiên vì số lượng quốc gia chơi cờ vua nhiều gấp nhiều lần cờ tướng.
Cờ Goth (trái) và cờ úp
Ở Việt Nam, theo tôi quan sát thấy cờ vua cũng được chơi nhiều biến thể hơn, điển hình là cờ ngẫu nhiên (chess960), cờ Goth (gothic chess), cờ vua bốn người (four-player chess) đều được chơi, đa phần mọi người chơi trên mạng; còn biến thể cờ tướng được chơi ở Việt Nam tôi thấy có duy nhất cờ úp mà thôi.

4. Trong văn hoá dân gian

Ở những nơi sinh hoạt văn hoá như lễ hội, quán cà phê cờ, thú chơi vỉa hè, v.v. thì cờ tướng vẫn đang mạnh mẽ hơn cờ vua. Cũng dễ hiểu vì trò chơi này du nhập vào nước ta từ rất lâu rồi, do thiếu thốn tài liệu nên tôi chưa biết chính xác thời gian, nhưng đủ lâu để nó đi cả vào kho thành ngữ, tục ngữ của dân tộc (tránh ông pháo, gặp ông mã; ruộng bờ, cờ xe, v.v.) cũng như trở thành một phần trong các lễ hội (chơi cờ người, giải cờ thế đầu năm); còn cờ vua thì mới chỉ du nhập vào nước ta chưa đến một trăm năm.
Tuy nhiên cờ vua đang có sức bật rất lớn, với giới nghiệp dư bây giờ đã có nhiều quán cà phê cờ, nơi các hội nhóm hẹn nhau đều đặn đến chơi cờ mỗi tuần, mở các giải đấu online và offline; với giới chuyên nghiệp thì các lớp dạy cờ vua cho trẻ em nhiều hơn cờ tướng, kì thủ cờ vua chuyên nghiệp cũng sống ổn với nghề hơn. Nghịch lí đáng buồn cho cờ tướng là dù phổ biến như vậy nhưng giới chuyên nghiệp rất khó sống bằng nghề, tầm chục năm trước làng cờ tướng đã có câu đùa chua chát “Cờ càng cao, nhà càng thấp”.
Sinh hoạt trong cả hai group cờ, tôi thấy độ tuổi người chơi cờ vua ở Việt Nam thường trẻ hơn cờ tướng.


II. NHỮNG KHÁC BIỆT SÂU HƠN



Phần này viết về những khác biệt mà phải từng chơi một trong hai loại cờ mới biết, hoặc nếu chưa chơi thì ít nhất cũng phải có ham muốn chơi và học, người ngoại đạo không có ý định chơi cờ thì không nên đọc phần này.
Lưu ý đối tượng so sánh ở đây chỉ là cờ vua và cờ tướng cổ điển, không tính các biến thể.

1. Quân đi chéo

Khác biệt nghiêm trọng nhất giữa cờ vua và cờ tướng là cờ tướng không hề có quân tấn công bằng đường chéo. Tuy cờ tướng có Sĩ và Tượng đi chéo nhưng chúng là quân phòng thủ, không qua sông được, do đó không thể trực tiếp tấn công Tướng của đối phương, quân Mã không phải quân đi chéo. Điều này dẫn đến hệ quả là người chơi cờ tướng chỉ có thể tư duy theo đường thẳng trong các cuộc tấn công bên kia sông, đồng thời nó khiến các đòn phối hợp trở nên kém đa dạng khi chỉ bó hẹp trong việc kiểm soát các đường thẳng dọc (lộ 4, 5, 6) và ngang (hàng 8, 9, 10).
Trái: đòn Cối xay gió, trắng đi Xb7+ là tất cả quân thuộc hàng 7 và cột b  cùng với Hậu h2 sẽ dần bị bắt hết. Phải: đòn chiếu mở Xe-Pháo, đỏ đi  X8.1 là có thể dần bắt hết quân lộ 2 của đen
Để minh hoạ cho sự kém đa dạng này có thể kể đến đòn phối hợp Cối xay gió, vốn được tạo ra bằng một Xe và một Tượng (cùng vài điều kiện về thế cờ), đòn này uy lực đến mức có thể bắt toàn bộ quân trên một hoặc hai đường thẳng của bàn cờ, và nếu việc bắt quân chưa đủ lợi thế thì bên chạy cối xay gió có thể chuyển ngay sang chiếu cò cưa (perpetual check) để đưa cờ về hoà.
Cờ tướng có đòn chiếu mở Xe-Pháo (cùng với thế cờ phù hợp) cũng có khả năng ăn hết quân trên một đường thẳng, tuy nhiên chỉ là hiện tượng giống nhau chứ bản chất khác hoàn toàn. Đòn Cối xay gió ở cờ vua chỉ yêu cầu quân chiếu mở (Tượng) được đứng ở vị trí an toàn, còn ở cờ tướng thì cả quân chiếu mở (Pháo) và quân mở (Xe) đều phải được an toàn, giả sử hình trên thay Pháo lộ 2 của đen bằng Xe là đòn chiếu mở bị dừng lại ngay sau một nước.

2. Khu vực quan trọng trên bàn cờ

Ở cờ vua, khu vực cần tập trung kiểm soát nhất là bốn ô giữa bàn, d4 d5 e4 e5, còn gọi là trung tâm bàn cờ. Nguyên do vì quân đứng giữa bàn thì kiểm soát nhiều ô hơn, tốn ít nước đi để tấn công hoặc phòng thủ hơn. Ở cờ tướng, trung tâm bàn cờ kém quan trọng đến mức không được xác định, khu vực quan trọng ở đây là lộ 4, 5, 6 và hàng ngang đầu tiên của bên đối thủ. Vì quan trọng nên nó có tên gọi riêng, Pháo lộ 5 được gọi là “Pháo đầu” và Pháo hàng đáy được gọi là “Pháo giác”. Nói cách khác, những hàng cột quan trọng ở cờ tướng thực chất là những hàng cột hướng vào Tướng của đối phương.
Trùng hợp thay, lí thuyết tập trung vào Tướng đối phương cũng tồn tại ở cờ vua, nhưng chỉ tồn tại từ thế kỉ XVIII trở về trước, đến khi Philidor xuất hiện và đề ra lí thuyết về cấu trúc Tốt thì lí thuyết kia dần rệu rã vì không hiệu quả bằng, đến bây giờ nó đã chính thức bị loại bỏ. Rất ít người, kể cả dân nghiệp dư, chơi theo lí thuyết ấy. 
Nguyên nhân có lẽ bắt nguồn từ sự cơ động của Vua và các quân ở cờ vua: Vua không có cung, nước đi cơ động, có thể nhập thành, quân che chắn liên kết tốt nên rất khó phong toả; ở cờ tướng, Tướng bị hạn chế trong cung, chỉ được đi thẳng, liên kết quân kém nên bị phong toả là hết nước đi ngay, sau đó chỉ cần thêm một lực lượng vào chiếu là sát cục.

3. Các quân đặc trưng

Đặc trưng ở cờ vua là Hậu, người chơi cờ tướng hẳn sẽ sốc vì mức độ cơ động của nó, nó chỉ tốn rất ít nước đi để đến được ô mong muốn, khả năng bảo vệ (căn) cho các quân khác cũng mạnh mẽ không kém khả năng tấn công. Ngoài Hậu ra thì Tượng cũng là quân người chơi cờ tướng nên quan tâm vì như đã nói, chúng là quân tấn công đi chéo, thứ quân mà cờ tướng hoàn toàn không có. Nhờ chúng mà các đòn phối hợp đa dạng hơn, như đòn Cối xay gió (nhờ Tượng), đòn siết cổ (nhờ Hậu, và nhờ sự không bị cản của Mã).
Tiện nói về Mã, khi so sánh hai loại Mã, người ta thường cho rằng Mã cờ vua mạnh hơn nhiều, hay thậm chí cho rằng nó “đi loạn” vì không bị cản. Nhưng sức mạnh của một quân phải xét trên hệ quy chiếu của nó, Mã cờ vua 3 điểm so với quân mạnh nhất, Hậu, 9 điểm; Mã cờ tướng 4 điểm so với quân mạnh nhất, Xe, 10 điểm; tính ra Mã cờ vua yếu hơn vì chỉ chiếm 33% điểm so với quân mạnh nhất, trong khi Mã cờ tướng chiếm 40% điểm. Ngoài ra, Mã cờ vua không có gì là “đi loạn”, vì tất cả quân trong cờ vua đều cơ động, sự cơ động của Mã trong hệ quy chiếu đó trở nên rất nhỏ nhoi.
Đòn Chiếu siết cổ, đến trắng đi, đen sẽ thua. 1. Mc7+ Vb8 | 2. Ma6++ Va8 (nếu Vc8 Hc7#) | 3. Hb8+ Xxb8 | 4. Mc7#
Đặc trưng ở cờ tướng là Pháo. Không như Mã hay Tượng dù khác nhau nhưng vẫn có tương đồng giữa hai loại cờ, Pháo là quân mới mẻ một cách tuyệt đối với người chơi cờ vua.
Đầu tiên nó thay đổi trực giác về sự nguy hiểm khi nhìn hình cờ. Có nguyên tắc chung ở cờ vua là khi hai quân được cách nhau bằng một quân ở giữa thì chúng an toàn, điều này tạo thành phản xạ khi thấy quân không đối mặt nhau thì không phải lo. Nhưng quân Pháo ăn cách khiến người chơi cờ vua phải thay đổi hoàn toàn tư duy và trực giác. Người mới tập chơi rất dễ để pháo đối phương ăn nguội quân của mình.
Thứ hai, khi Pháo chiếu, nó ảnh hưởng cả đến nguyên tắc giải chiếu, ở cờ vua khi bị chiếu chỉ có ba phương án: bắt quân chiếu, chạy Vua, cản giữa Vua và quân chiếu (trừ Mã hoặc bị chiếu áp sát); nhưng Pháo chiếu thì nảy sinh thêm phương án thứ tư: chạy quân ở giữa Pháo và Tướng, gọi là “ngòi”. Với quân bình thường khi pháo đối mặt, Pháo không ngòi, còn gọi là “Pháo trống”, thì không quá đáng sợ, nhưng Tướng bị đóng Pháo trống, đặc biệt Pháo đầu, thì là tình thế rất xấu, ảnh hưởng lớn đến thắng bại của ván cờ.
Một Pháo ghim hai quân trên một hướng của đường thẳng
Thứ ba, nói về ngòi của Pháo, khi có hai quân chắn giữa Pháo và Tướng, nếu đều là quân mình thì hai quân đó đã bị vô hiệu hoá, tức bị ghim một lúc hai quân trên một hướng của đường thẳng, điều ở cờ vua tuyệt không có. Nếu một trong hai quân đó là địch, thì có khả năng quân ấy sẽ di chuyển để Pháo địch dùng quân mình làm ngòi chiếu, đồng thời quân vừa di chuyển có thể tận dụng để bắt đôi. Nhìn chung đây là tình thế rất khó chịu.
Vậy nên người chơi cờ vua chuyển qua học cờ tướng rất cần kĩ năng kiểm soát Pháo, cần cả cách loại bỏ định kiến do cờ vua hình thành để nhanh tiếp thu lối tư duy mới mẻ này.

4. Mức độ liên kết của quân

Mức độ liên kết của quân ở cờ vua cao hơn cờ tướng rất nhiều, ở khai cuộc mà có ô nào đó không được bất cứ phe nào kiểm soát và không có quân khác căn là việc không tưởng. Trong khi đó ở cờ tướng thường xuyên có những vị trí không bên nào kiểm soát và căn, mà muốn kiểm soát và căn hết tất cả vị trí cũng không được. 
Để dễ hình dung hãy nhìn ảnh dưới, đây là hai khai cuộc phổ biến mà tôi hay dùng trong thực chiến. Những vị trí được tô xanh là vị trí mà không có bất kì quân của phe nào kiểm soát hoặc căn, có thể thấy bàn cờ vua không có ô xanh nào cả, còn bàn cờ tướng có rất nhiều, bao gồm cả vị trí đang có quân đứng. (Tất nhiên một số khai cuộc cờ vua vẫn để xảy ra ô xanh, nhưng chúng đều ít hơn cờ tướng nhiều.)
Trái: Gambit Hậu khước từ. Phải: Pháo đầu tam Binh đối Bình phong Mã
Liên kết quân kém dẫn đến vài hệ quả. Thứ nhất, khả năng phòng thủ không chặt chẽ bằng cờ vua, nó khiến cho quân ngay cả khi vẫn còn nhiều nhưng hoạt động không hiệu quả. Điển hình là việc chiếm lộ và chiếm các vị trí đẹp, ở cờ tướng một khi đối phương đã chiếm được là ta phải chấp nhận và thường xử lí bằng cách chiếm vị trí đẹp khác còn sót lại. Đưa quân ra đuổi họ khỏi vị trí, hoặc thí quân để thu hút họ ra chỗ khác, hoặc tạo căn để ra tranh giành cũng có, nhưng chúng khó xảy ra hơn so với việc đi chiếm vị trí khác.
Thứ hai, đây là ưu thế cho bên đang thiệt quân, đó là vì liên kết kém nên không cần quá nhiều quân để tấn công và chiếu bí đối phương. Ở cờ vua mỗi lần khơi mào một cuộc tấn công tôi thường phải đếm số quân của mình và địch đang kiểm soát vị trí quan trọng, vì những vị trí ấy thường được 4-6 quân bảo vệ, thay vì tưởng tượng 4-6 nước tiếp theo thì việc đếm quân để so sánh lực lượng là nhanh và hiệu quả hơn. Khi chơi cờ tướng tôi chưa bao giờ phải làm thế, vì thường một vị trí có 3 quân bảo vệ là nhiều nhất rồi. Một cuộc tấn công ở cờ tướng chỉ cần đưa được 3 quân vào là khá chắc sẽ khiến đối thủ run cầm cập, đặc biệt khi đứng cùng cánh, có câu “Tam tử đồng biên” để miêu tả những tình thế nguy hiểm ở trò chơi này.
Đến đỏ đi, đen sẽ thua. Trái: X8.2. Phải X4.5.
Hình trên đây là hai ván thực chiến của tôi, minh hoạ cho điểm thứ nhất và thứ hai tôi vừa kể. Cả hai đều đến đỏ đi, và đều khiến đen bị chiếu bí sau đó. Hình trái cho thấy sự thiếu liên kết khiến cho còn nguyên Sĩ Tượng, đôi Xe, đôi Pháo nhưng đen không dùng chúng để phòng thủ được và thua. Hình phải cho thấy bên đỏ đang thiệt hẳn một Xe, nhưng một cuộc tấn công chỉ cần Xe Pháo Mã cũng đủ chiếu bí khiến đen không chống đỡ được, dù còn nhiều quân.
Cờ vua liên kết tốt nên gần như không bao giờ xảy ra trường hợp này, trước mỗi đợt tấn công nguy hiểm, người chơi cờ vua vẫn thường có cách cứu Vua, dù để cứu được có thể trả giá đắt, nhưng ít nhất không đến nỗi phải để các quân khác ngồi nhìn Vua bị chiếu bí mà không giúp được gì.
Thứ ba, vì liên kết kém nên chơi cờ tướng rất sợ đòn ghim và xiên. Mặc dù hai đòn này vốn là tình thế khó chịu cho cả cờ vua, nhưng ở cờ vua do quân thường được căn nên bị ghim xiên thì thoát quân mạnh ra để chấp nhận đổi quân yếu là cùng, còn cờ tướng một khi bị ghim ở cờ tàn là nhiều khả năng cứ bị ghim mãi đến khi kết thúc ván cờ, nếu còn nhiều quân thì thường thoát ghim bằng cách một trong hai quân bị ghim vừa thoát ra vừa đuổi quân khác để mời đổi quân, hoặc may mắn thì thoát ra doạ chiếu bí khiến cho đối phương không dám bắt quân còn lại. Ngoài ra, vì ít khi được căn nên mất quân ở cờ tướng là mất trắng chứ không phải đổi quân mạnh lấy quân yếu hơn như ở cờ vua.
Cuối cùng, thứ tư là vì liên kết kém nên cờ tướng sinh ra khái niệm “tiên” và “cướp tiên”. Tiên có thể hiểu là thế chủ động, ví dụ chủ động đuổi quân. Bởi vì ít được căn nên bên bị đuổi quân thường phải tốn nước cờ để chạy hoặc chống nước đuổi đó, còn bên đuổi thì có thể dùng ưu thế này để buộc đối thủ đi những nước bảo vệ hoặc chạy quân khỏi vị trí đẹp, từ đó tạo ra ưu thế. Thực tế, tiên quan trọng đến mức có câu “Phế quân tranh tiên”. Ở cờ vua, đuổi quân không quá ưu thế đến mức có thuật ngữ riêng, nó chỉ hữu dụng khi đuổi bằng quân giá trị thấp như Tốt hoặc lúc cờ tàn còn ít quân.

5. Mức độ cơ động của quân

Quân cờ vua cơ động hơn, chính vì vậy mà khai cuộc cờ vua là công cuộc đưa quân lên tạo nhiều áp lực hơn đối thủ ở vị trí quan trọng, chứ không phải đứng độc quyền ở vị trí quan trọng như cờ tướng. Ở cờ tướng, ngoài việc nhanh tay chiếm độc quyền vị trí đẹp, nó còn một chiến thuật khác là khoá không cho quân đối phương di chuyển, nhiều khi quân khoá và bị khoá vốn dĩ không ăn được nhau, chúng chỉ đứng đó “nhìn” nhau thôi. Các vị trí khoá thường gặp nhất là Xe, Pháo đứng ở chân Tốt lộ 3 và 7 để khoá Mã, Pháo lộ 2 và 8 được Xe căn, tấn lên hàng sông hoặc hàng Tốt để hạn chế đường đi của Xe đối phương. Đòn khoá này người mới chơi thoạt nhìn tưởng vô dụng, nhưng thật sự khá khó chịu, nó không bắt quân của ta, nhưng nó vô hiệu hoá khiến quân có cũng gần như không.
Quân cờ tướng rất dễ bị cản, bộ ba tấn công Xe Pháo Mã thì Pháo, Mã có thể bị cản, bộ đôi phòng thủ là Sĩ Tượng thì Tượng thường xuyên bị cản. Quân dễ bị cản nên không linh động giữa tấn công và phòng thủ, một quân Pháo đã được phái đi ăn quân thì nước sau nó không thể về lại chỗ cũ để phòng thủ, tương tự Mã một khi đi lên thì rất ít cơ hội về lại chỗ cũ ở nước sau do bị cản. Điều này không có ở cờ vua, một quân Tượng đang che chắn Vua được phái đi bắt quân, ngay nước sau nó có thể về lại chỗ cũ để che chắn, trong trường hợp bị quân địch cản đường, nó có thể ăn ngay quân cản, chứ không bị động đứng “nhìn” nhau như cờ tướng.
Trường hợp tam chiếu và tứ chiếu ở cờ tướng mà cờ vua không làm được (Trái: M5.4, Phải: X4-5)
Quân bị cản nên bàn cờ rộng không có nghĩa là có nhiều chỗ đi. Tuy bàn cờ tướng nhiều điểm đặt quân hơn cờ vua đến 26 điểm (9×10 so với 8×8) nhưng đa số các điểm đặt quân ấy được kiểm soát (để không cho đối phương đi vào) nhiều hơn là được đặt quân lên. Chính vì hay bị cản nên chơi cờ tướng có cảm giác ngột ngạt hơn cờ vua, những quân bị cản thường xác định phải đứng yên cho mãi đến cuối trung cuộc, đầu tàn cuộc mới hoạt động được.
Nhưng đến tàn cuộc thì các vị trí cần khai thác luôn thu hẹp vào các vị trí gần Tướng, thế nên các điểm đặt quân khác có thể nói là thừa. Có câu “Cờ tàn Pháo hoàn” thể hiện rõ nhất sự thừa điểm đặt quân này, bởi Pháo chỉ có uy lực khi có ngòi, mà cờ tàn hết quân làm ngòi cho Pháo, nó phải hoàn về sân nhà, và cụ thể là hoàn về cung để dùng Sĩ làm ngòi. Thành thử ra Pháo khi ấy chỉ hoạt động ở ba lộ 4, 5, 6, các lộ khác là thừa. Ngay cả khi cần bình, tấn, bình (ba nước) để vòng từ bên này sang bên kia thì gần như có thể nói là bình sang lộ 1, 2, 3, 7, 8, hay 9 đều như nhau.

6. Luật xoay quanh việc đuổi và chiếu cò cưa

Đuổi cò cưa (perpetual chase) và chiếu cò cưa (perpetual check) là khi một bên thực hiện nước đuổi hoặc chiếu lặp lại vĩnh viễn. Với cờ vua, luật này khá gọn gàng: hoà, vì nó sẽ rơi vào trường hợp lặp lại hình cờ 3 lần hoặc sau 50 nước không thực hiện bắt quân hay đi Tốt, cả hai đều dẫn đến phán quyết hoà. Với cờ tướng, luật này dẫn đến phán quyết thua cho bên thực hiện đuổi/chiếu. Nhưng việc không hề đơn giản vì có rất nhiều ngoại lệ ở đây: Một bên đuổi/chiếu cò cưa thì bị xử thua, nhưng hai bên cùng chiếu cò cưa luân phiên thì xử hoà; Xe đuổi cò cưa Pháo bị xử thua, nhưng Xe đuổi cò cưa Pháo có căn thì xử hoà; Pháo đuổi cò cưa một Xe bị xử thua, nhưng đuổi cò cưa lần lượt hai Xe thì xử hoà; hai nước đuổi liên tiếp và bị đuổi lại một nước, bên hai nước bị xử thua.
Hình dưới, bên trái, minh hoạ cho trường hợp hai bên cùng chiếu cò cưa luân phiên và xử hoà, đây cũng là trường hợp chỉ xảy ra ở cờ tướng, vì cần có Pháo mới thực hiện được. Hình bên phải minh hoạ trường hợp hai nước Mã đuổi liên tiếp và bị Xe đuổi lại một nước, bên Mã bị xử thua. Trường hợp này khá bất công cho bên Mã vì họ buộc phải đi như vậy để cứu Mã, và Mã đấu Xe là thiệt cho Mã, thế nhưng luật ở đây có lợi cho bên Xe.
Trái: đỏ đi P6-5, đen đi X5-4, lặp lại như vậy sẽ hoà. Phải: đỏ đi X7.1, đen đi M1.2, rồi X7/1 M2/1, lặp lại như vậy đen thua
Nguyên do cho việc cờ tướng không xử hoà cho đuổi/chiếu cò cưa vì nếu thế ván cờ sẽ rất dễ hoà, đặc biệt khi kì thủ yếu muốn chủ động cầm hoà với kì thủ mạnh thì họ dễ sa đà vào lối chơi chỉ nhăm nhăm tìm cách cò cưa. Một mặt luật cấm cò cưa, mặt khác lại không thể áp dụng luật cấm này vào mọi trường hợp vì như vậy có thể dẫn đến bất công, thế nên cuối cùng đẻ ra rất nhiều ngoại lệ như tôi đã kể trên. Để xem đầy đủ luật cờ tướng, có thể vào link luật bằng tiếng Anh ở cuối bài này [2].
Ngoài ra, tình thế hết nước đi (stalemate) ở cờ tướng sẽ bị xử thua cho bên hết nước đi, còn ở cờ vua là xử hoà. Nguyên do cũng vì cờ tướng quá dễ hoà nếu hết nước đi được xử hoà, rất nhiều tàn cuộc chắc chắn thắng ở cờ tướng sẽ bị hoà nếu luật khác đi, ví dụ Tướng-Tốt đấu Tướng, Tướng-Mã đấu Tướng v.v. Cũng vì đặc điểm này mà cờ tướng hay sử dụng nước đợi (waiting move) và nước thiệt (zugzwang) hơn cờ vua ở tàn cuộc, đó là khi thế cờ nếu không đi quân thì không sao, nhưng cứ đi quân là thiệt, mà luật thì bắt phải đi.
Trái: Ván bức hoà rất hay của cờ vua (đen đi Hg2+). Phải: Ván thắng rất đẹp nhờ nước thiệt của cờ tướng (P5-7… T6-5… P7-3)
Ở cờ vua, việc đuổi/chiếu cò cưa dễ chống hơn, do quân được liên kết tốt và Vua cơ động hơn, nên áp dụng phổ quát phán quyết hoà cho nó là không bất công. Còn hết nước đi được xử hoà thì vừa do cờ vua không quá dễ hoà nên không cần thắng theo cách đó, vừa do đây là một chiến lược hay khiến trò chơi thú vị hơn. Nó như một hi vọng mong manh để bên yếu có thể tiếp tục chơi mong kiếm nửa điểm, thay vì phải tuyệt vọng đầu hàng luôn. Có nhiều ván bức hoà mà trông đẹp hơn cả chiến thắng.

7. Tàn cuộc

Cả hai loại cờ đều có điểm chung là khai cuộc và tàn cuộc cần học thuộc lòng nhiều công thức đánh, tuy nhiên tàn cuộc cờ tướng đòi hỏi học thuộc nhiều hơn.
Nguyên do thứ nhất, vì cờ tướng có quá nhiều quân phòng thủ (2 Sĩ, 2 Tượng), trong khi về tàn thì mỗi bên lại có quá ít quân tấn công; cờ vua thì không có quân nào gọi là quân phòng thủ cả, chỉ là theo giai đoạn chúng được giao nhiệm vụ phòng thủ mà thôi, ví dụ ba Tốt đứng trước Vua ở khai, trung dùng để thủ, nhưng về tàn chúng có thể được đẩy lên để tấn công, Sĩ Tượng cờ tướng thì không bao giờ tấn công Tướng đối thủ được.
Hãy tưởng tượng ở khai, trung bạn nỗ lực để lợi thế hơn đối thủ hẳn một quân Xe, thế nhưng cuối cùng bị đẩy về tàn Xe đấu Sĩ Tượng bền thì thường sẽ hoà (có rất ít hình cờ thắng), bốn quân Sĩ Tượng bền bạn giữ được trở nên vô dụng vì không giúp gì cho Xe tấn công cả, vô cùng đáng tiếc. Ở cờ vua thì không bao giờ hơn hẳn một Xe mà không chắc chắn thắng cả (trừ thế cờ quá xấu hoặc đi sai), vì người chơi có thể cho đổi tất cả số quân còn lại để đưa về tàn Xe-Vua đấu Vua, vậy là thắng.
Đặc biệt thế cờ hoà đơn Xe đấu Sĩ Tượng bền không phải thế cờ hiếm gặp. Để dễ so sánh, hãy biết cờ vua cũng có thế hoà đáng tiếc 2 Mã đấu Vua, nhưng số ván chơi cờ vua lên đến hàng vạn của tôi chưa bao giờ gặp thế này, cả thế 2 Tượng đấu Vua lẫn Mã Tượng đấu Vua (thắng nếu thuộc công thức) tôi cũng chưa bao giờ gặp, vì đặc điểm cờ vua có Tốt phong cấp, cờ tàn người ta thường dùng Mã Tượng hi sinh thay cho Tốt nếu cần, nên thường Tốt sẽ sống đến cuối ván thay vì Mã Tượng. 
Còn với cờ tướng, chỉ tính trong 150 ván đăng ở ảnh đầu bài, tôi đã gặp tới 2 ván hoà vì đơn Xe đấu Sĩ Tượng bền rồi. Tàn Xe-Mã đấu Xe-Sĩ Tượng bền, bên Xe-Sĩ Tượng bền muốn hoà một cách đơn giản thì chỉ cần đổi Xe lấy Mã là được, rất dễ hoà và rất thường gặp.
Trái: Thế cờ này hoà do Tốt 3 vội xuống quá sâu. Phải: Thế cờ này hoà dù đỏ hơn một Xe, Sĩ Tượng của đỏ có cũng như không
Tất nhiên cờ vua vẫn có tàn cần học thuộc lòng, như Xe-Tốt đấu Xe, Xe-Tượng đấu Xe, nhưng chúng ít hơn nhiều so với cờ tướng. Nguyên do thứ hai, bởi vì Tốt ở cờ vua có thể phong cấp, giả sử về tàn Tượng-2 Tốt đấu Vua, không ai cần nghiên cứu cách chiếu bí bằng Tượng-2 Tốt cả, mà họ sẽ cho Tốt phong Hậu để đưa về tàn không thể đơn giản hơn: Vua-Hậu đấu Vua (1 Tượng, 1 Tốt còn lại thừa, có thể thí đi cũng được), và việc dùng Vua-Tượng-2 Tốt để bảo vệ cho Tốt phong cấp cũng đơn giản đến mức không cần nghiên cứu. Nó rất trực quan, cứ cho Vua của ta vào áp sát bảo vệ Tốt là được.
Ở cờ tướng, Tốt không những không phong cấp được, mà việc tấn Tốt lên cũng cần nhiều thận trọng, bởi Tốt tấn quá sâu, gọi là “Tốt lụt”, thì nó lại không hiệu quả bằng, và tấn Tốt là việc không thể đảo ngược do Tốt không đi lùi được. Chẳng hạn 2 Tốt đấu 2 Sĩ có thể chắc chắn thắng với điều kiện không tấn Tốt quá sớm, 2 Tốt đấu Sĩ Tốt có thể thắng nếu thuộc công thức. Rồi thì đến tàn Pháo, Mã không có Tốt, Mã đấu đơn Sĩ, Pháo đấu đôi Sĩ đều cần thuộc công thức mới biết cách thắng. Và ở cờ vua, do có đến 8 Tốt nên việc diệt tất cả chúng hiếm xảy ra hơn so với cờ tướng chỉ có 5 Tốt và thường không được bảo vệ chặt, trừ Tốt đầu.
Cuối cùng, quan trọng nhất là người chơi cờ tướng buộc phải học thuộc rất nhiều cờ tàn để biết cách dứt điểm ván đấu. Chẳng hạn khi đã lợi thế 2 Tốt và bắt được đôi Tượng của đối thủ, cần phải học tàn để ngay lập tức đơn giản ván cờ bằng cách đổi hết quân để vần tàn 2 Tốt đấu 2 Sĩ (và phải nhớ không tấn Tốt quá vội), nếu không biết điều đó thì người chơi sẽ “tiếc rẻ” vì nghĩ ưu thế này chưa đủ để thắng, họ tiếp tục duy trì ván cờ phức tạp để mong kiếm nhiều ưu thế hơn. Nhưng trong cờ không nói trước được gì, biết đâu bên ưu vì tâm lí yếu mà đi sai để rồi bị thua ngược.


III. QUÁ TRÌNH HỌC CỜ TƯỚNG CỦA NGƯỜI VIẾT 



Phần này thuần tuý là chia sẻ trải nghiệm cá nhân của tôi trong quá trình học cờ tướng từ một người không biết gì cho đến khi đạt được thành quả như hình chụp đầu bài; và bởi vì tôi không thích dạy ai nên phần này viết để đọc chơi thôi, không khuyên nhủ gì cả.
Trong khi cờ vua là môn tôi đã chơi hơn 15 năm nay thì cờ tướng tôi chỉ mới chơi được vài tháng. Cái ảnh chơi 150 ván với tỉ lệ thắng 74% ở đầu bài là sản phẩm khi tôi thật sự học và luyện chơi một cách chú tâm trong hơn một tháng mà thôi. 
Nếu so với cờ vua thì việc học cờ tướng của tôi khác rất nhiều, cờ vua là môn tôi học chơi từ 7-8 tuổi, chỉ là chơi cho vui, theo cảm tính và học lỏm cho đến khi đạt giới hạn của bản thân, chứ không học chơi theo sách gì cả. Mãi đến khi hơi lớn một chút, có internet để mò thì mới biết đến lí thuyết cờ, nhưng khi ấy thì điểm rating của tôi ở ChessCom đã lên 1600 rồi (hồi đó tôi từng chơi thử với mấy người bạn dạy cờ vua, ai cũng ngạc nhiên khi thấy tôi không học lí thuyết gì mà có thể đánh như vậy). Khi ấy tôi không có nhu cầu học thêm và cũng tự thấy giới hạn của mình ở đấy, muốn cao hơn thì phải bỏ thời gian, công sức và đôi khi là niềm vui. Bởi tôi đã biết cảm giác áp lực khi chơi cờ vua tầm (hơi) cao và cảm giác dằn vặt bản thân khi đi sai như thế nào, lúc ấy khó có thể nói chơi để giải trí được.
Còn với cờ tướng thì khác hoàn toàn, tôi không học cờ như đứa trẻ 7-8 tuổi ngày xưa nữa, mà như một người trưởng thành với cả đống sách vở và máy móc hỗ trợ. Quả đúng là có học có hơn. Trong một tháng sức cờ của tôi được đẩy rất nhanh, từ chỗ vẫn còn bị Pháo đối phương ăn nguội (như đã trình bày ở II/3, người chơi cờ vua thường rất lúng túng với Pháo) cho đến khi hiểu được loại cờ này và thực chiến thắng giòn giã. Cách học của tôi là lí thuyết song song với thực chiến; lí thuyết học từ sách, Youtube (Tây không chuộng môn này nên chỉ có tài liệu tiếng Việt và Trung thôi), sau đó thực chiến, sau khi thực chiến thì dùng đến máy móc, đó là nhờ máy phân tích giúp nước tốt, nước xấu, và trước một thế cờ nhất định thì nên đi nước nào. Cứ xoay vòng ba khâu như vậy. Ngoài ra còn giải cờ thế để nhanh thuộc các đòn phối hợp.

Nói về vài vấn đề thực dụng thì phải kể đến chuyện nhớ mặt quân, với người không biết tiếng Tàu thì có lẽ cần chú tâm đến chuyện nhận mặt quân đúng và nhanh, để sao cho liếc qua bàn cờ là đủ biết quân nào đứng ở đâu rồi chứ không phải mất vài giây để nhận dạng. Thực tế việc này phiền toái cho Tây đến mức web chơi cờ tướng cho Tây (Xiangqi.com) họ phải thiết kế thêm kiểu thể hiện quân bằng biểu tượng như hình trên, đồng thời sử dụng kiểu toạ độ khác.
Nền tảng chơi và người chơi cũng là vấn đề, như đã nói cờ này Tây không chuộng (số người online ở XiangqiCom luôn không đến một bàn tay) nên muốn chơi chỉ có chơi với người Việt và Tàu. Mà ai cũng biết là mức độ văn minh của người Việt trên mạng rất thấp (nhiều game online chặn IP từ Việt Nam là hiểu rồi đấy), trước khi chuyển hẳn sang app Tàu như hình đầu bài, tôi có chơi vài app Việt, như app Ziga và app Cờ tướng của bọn Hihuc (nghe tên studio đã thấy trẻ trâu rồi) và thường xuyên gặp trẻ trâu, nhẹ thì giục đối thủ nghĩ nhanh, nặng thì chửi nhau. Từ khi chuyển qua app của Tàu thì mới thoát được vấn đề trẻ trâu, không biết chỗ khác thế nào, nhưng nếu chỉ so sánh hai app cờ tướng này thì người Tàu văn minh hơn chút.
Kết bài, thú thực là bài này tôi nung nấu viết cả năm nay rồi, chỉ hiềm nỗi lười không chịu học cờ tướng, may thay tháng vừa rồi tôi nổi hứng thích và chăm học cờ tướng nên viết được ngay sau một tháng luyện. Dù cảm thấy trình độ cờ tướng của mình hiện vẫn chưa đạt giới hạn khi viết bài này, nhưng với thành tích T6 và 74% thắng thì cũng tạm hài lòng, khi nào giỏi hơn nữa và có gì đó để viết tiếp thì tính sau.





Đọc thêm phần 2 của bài viết:

TORNAD
11/5/2021