Những điều mà khi trải qua thời học sinh mình mới biết
Lớp chọn, môn phụ, crush, bắt nạt,...?
MỞ
Bài viết này mình sẽ chia sẻ lại những trải nghiệm của bản thân sau khi đã trải qua thời học sinh nha. Mong rằng bạn có thể thấy điều gì đó bổ ích từ bài viết này để có thể có thay đổi phù hợp cho các em của mình hoặc con cháu mình sau này. Hoặc đơn giản là cùng mình hồi tưởng lại quãng thời gian với những kỉ niệm buồn vui khi ngồi trên ghế nhà trường ^^
Trường chuyên, lớp chọn
Hmmmmmm, trước kia mình nghĩ chỉ có các bạn ở trường chuyên, lớp chọn mới là giỏi, còn trường thường như mình thì học cũng "thường" thôi. Điều này không chính xác nha các bạn :)) Khi lên đại học mình mới hiểu ra và biết được một vài điều. Thật ra các bạn ở trường chuyên phần lớn đều có ước muốn thi được giải quốc gia để được tuyển thẳng vào trường đại học mà các bạn yêu thích. Một phần mình nhận thấy và thậm chí các bạn học chuyên mà mình quen cũng nhất trí, đó là "học lệch" (như kiểu đào tạo ra "gà chọi" để đi thi đội tuyển quốc gia ấy, nên là môn chuyên của các bạn ấy được học rất nhiều và sâu hơn so với kiến thức cần có để thi đại học, trong khi các môn còn lại gần như "không chú tâm" lắm). Vì vậy, các bạn đã xác định học để thi lấy giải thực sự rất vất vả, mình nghe nói có bạn còn ở lại cả nhà thầy cô để tiện cho việc ôn thi luôn. Nỗ lực thôi chưa đủ, cần có thêm chút sự may mắn nữa. Nếu các bạn ấy có giải quốc gia thì vui rồi, thế là chỉ cần qua điểm sàn tốt nghiệp nữa là có thể vào được trường đại học như mong muốn. Ngược lại, những bạn không có giải, thì ngoài việc phần lớn các bạn "mất gốc" các môn còn lại, vì đầu tư quá nhiều thời gian, công sức cho môn thi kia, thì bây giờ các bạn phải gánh thêm 2 môn nữa để thi đại học (xét tuyển theo khối gồm 3 môn). Lúc này mình mới thấy được trường "thường" cũng có cái hay của trường thường nhé. Mình toàn học trường không chuyên thôi, vì mục tiêu của mình là học 3 môn chính để thi đại học (mình theo khối B nên ôn tập trung Toán, Hóa, Sinh từ sớm).
Đương nhiên là mỗi bạn sẽ có một mục tiêu riêng. Mình không nói trường chuyên, lớp chọn là không hay. Chỉ mong mỗi người trong chúng mình có thể tìm được một môi trường phù hợp với mục tiêu của bản thân.
Bạn đại học của mình cũng có rất nhiều bạn học trường "thường" như mình. Nhưng mình thấy các bạn học tốt đấy chứ, thậm chí có nhiều bạn ở trường làng nhưng tỉ lệ đỗ đại học (toàn trường top như Y, Bách Khoa, An Ninh, Ngoại Thương,...) của lớp các bạn ý cũng rất cao. Mình thật sự rất ngưỡng mộ các bạn đó. Điều kiện học của các bạn bị hạn chế nhưng tinh thần học tập của các bạn thì tuyệt vời!
Mình cũng có vài người bạn thân học trường chuyên nhưng không phải vì mục đích thi có giải quốc gia để tuyển thẳng vào đại học. Những người bạn đó của mình thích đi du học nên đã chọn môi trường phù hợp từ cấp 3. Trường chuyên có rất nhiều hoạt động ngoại khóa và các câu lạc bộ hay mà các bạn có ý định đi du học nên tham gia. Chính ra các bạn ý "trưởng thành" sớm hơn mình vì hồi cấp 3, kỹ năng mềm của mình gần như con số 0 luôn. Hồi đấy chỉ biết tập trung học để thi đại học thôi nên mình ra đường như kiểu "gà công nghiệp" ấy (mẹ mình hay bảo thế :v)
Tóm lại là hãy chọn một môi trường phù hợp với mục tiêu của bạn nhé. Trường chuyên hay trường thường thì đều có điểm hay và không hay riêng. Thêm một điểm này nữa, nếu được chọn lớp thì hãy chọn môi trường mà tập thể các bạn có lực học tương tự mình nhé. Mình thấy việc chọn các bạn học cùng lớp còn quan trọng hơn là việc chọn theo thầy cô chủ nhiệm ấy. Vì nếu thầy cô giỏi nhưng được phân lớp toàn bạn lười học, mải chơi, mà bạn lại vào lớp đấy thì sớm muộn cũng sẽ bị "ảnh hưởng" ít nhiều từ những người bạn kia thôi.
Môn phụ
Hồi đi học mình sợ nhất là thể dục. Chả hiểu sao hồi đó suốt ngày sợ không qua môn, rồi thì là được học sinh tiên tiến vì thể dục,... Rồi ai trong số chúng mình chắc cũng từng nghe qua câu cửa miệng của thầy cô thể dục :"Đừng tưởng môn của tôi là môn phụ mà các anh chị thích thì học, không thích thì thôi. Không qua môn của tôi thì đừng nghĩ đến việc được học sinh giỏi!" Nghe thế là mình sợ. Không phải chỉ thể dục mà các môn như sử, địa, GDCD, công nghệ mình cũng thường nghe thấy thế. Thế là mình toàn học để qua môn, kiểu học đối phó, học chỉ để thi ấy. Lại là một quan điểm sai lầm...
Sau này bắt đầu ra đời rồi mới thấy, không có kiến thức xã hội, địa lý cơ bản thì khó nói chuyện, giao tiếp được với các đối tượng khác nhau. Chỉ mỗi kiến thức chuyên ngành mình đang học thôi là không đủ đâu các bạn ạ. Nên là giờ mình mới thấy tầm quan trọng của các môn vốn bị cho là "phụ" kia. Thật ra chẳng có môn nào là môn phụ cả, tất cả đều có lý do khi đưa các môn ấy vào trường học. Vì vậy nếu được quay lại thời học sinh, mình sẽ cố gắng học đều các môn (nhưng không phải học để thi, mà là học để hiểu, học để áp dụng những thứ được học vào cuộc sống). Đừng bao giờ coi thường "môn phụ" nhé! À thêm nữa là hồi Y1 mình không quan tâm lắm mấy môn y cơ sở nhưng càng lên Y lớn thì càng hiểu tầm quan trọng của nó.
Chuyện học thêm
Vấn đề này chắc sẽ có nhiều ý kiến khác nhau và khá nhạy cảm nhưng mình sẽ nêu lên quan điểm của bản thân mình thôi nhé.
Mình không học thêm thầy cô trên trường mà chọn học thêm ở bên ngoài vì mình cảm giác học thực chất hơn. Một vài thầy cô (mình không nói tất cả nha) di dạy thêm xong toàn ra bài giống đề thi, đến hôm thi trên lớp thì chỉ thay số, có khi không thay luôn. Nên là các bạn có đi học thêm trên lớp thì sẽ có điểm cao hơn rồi :)) Mình không thích thế. Chấp nhận là trên lớp điểm không cao, thậm chí là hơi thấp, nhưng mục tiêu của mình là thi đỗ cấp 3 và thi đỗ đại học cơ mà. Chưa kể thời đi học, mình còn bị một vài giáo viên "ghim" vì không đi học thêm cơ. Nhiều chuyện vui lắm :)) À có cả chuyện cô giáo thay đổi thái độ với mình lúc mình đi học thêm và sau đó mình bỏ vì thấy không phù hợp. Haizzz, thời học sinh của mình khá nhiều màu sắc, cũng thú vị, sau có nhiều chuyện để kể cho con cháu ^^
Nói chung về việc học thêm, cũng tùy từng bạn, mục tiêu học và có phù hợp với giáo viên không (là mình thì không phù hợp thì mình bỏ luôn, không để mất thời gian, với lại mình cũng không ngại chuyện bị "ghim" vì mình quen rồi) mà chọn được thầy cô và lớp học phù hợp. Theo mình không cứ nhất thiết phải học GS, TS hay thầy cô hot đâu, phù hợp với mình là được. Hãy theo một lớp mà mình có thể hỏi lại khi không hiểu bài và được giảng giải đến khi hiểu bài thì thôi. Bây giờ thì cũng khá phổ biến việc học online, trong đó thì đều có các video học thử, bạn có thể xem rồi quyết định có đăng kí hay không nhé. Hồi trước thì mình có ôn thi đại học trên hocmai.vn và mình thấy khá ổn.
Điểm số
"Điểm số với mình không quan trọng! - đấy là bây giờ mình mới nghĩ được như thế chứ thời học sinh mình áp lực chuyện điểm số lắm. Hồi đấy kiểu định kì sẽ có bảng điểm trung bình các môn của cả lớp đi kèm số thứ tự xếp theo điểm từ trên cao xuống ấy. Mình toàn nằm ở top giữa của lớp. Giai đoạn đó người lớn gặp mình toàn hỏi về điểm thôi, môn này môn kia rồi đánh giá, so sánh với con cái của họ...:) Ơ kìa mỗi người là một cá thể khác nhau chứ, sao lại đem đi so sánh như thế, xuất phát điểm, rồi khả năng học, gen di truyền khác nhau như thế. Mình từng xem được một video trên youtube khá hay, nói về vấn đề giáo dục hiện nay nói chung trên toàn cầu, trong đó mình kết nhất câu cuối clip
"Đừng đánh giá con cá bằng khả năng leo cây".
Mình nghĩ mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Vì vậy đừng so sánh người này với người kia. Và một điều nữa mình rút ra là không nên để ý quá nhiều đến điều mọi người nghĩ gì hay nói gì về mình, mình hãy cứ là chính mình thôi. Nếu mọi người nói hợp lý thì mình có thể tham khảo, còn nếu không thì mình cứ bỏ qua thôi.
Chuyện yêu đương
Nghĩ lại chuyện này thì thấy tiếc ghê ý, vì mình chả có mối tình nào thời còn ngồi trên ghế nhà trường cả :p Hihi vì vậy phần này mình không có gì để review cho các bạn. Nhưng nếu được quay lại thời học sinh, có lẽ mình sẽ thử :))
À tiện thể thì mong rằng các bậc phụ huynh sẽ có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề này nha. Thật ra thì chuyện có người yêu cũng không hẳn là không tốt đâu nhé. Mình có quen một đôi này. Hai bạn ý yêu nhau suốt các năm cấp 3, đến khi ra trường rồi vẫn yêu nhau, hai bạn luôn là động lực học tập và phát triển giúp nửa kia hoàn thiện bản thân hơn. Nếu gặp được người như thế thì cũng đáng để thử hẹn hò nhỉ? Theo mình yêu nhau lúc đi học, chỉ cần không để ảnh hưởng đến việc học là được, cùng nhau tiến bộ cũng thích mà ^^
Crush
Uiiiiiiii ai mà chả từng có crush nhỉ :)) Crush cấp 3 của mình là một người siêu đẹp trai luôn. Bạn ý cũng giỏi cầu lông nữa, hình như có cả giải thi đấu gì đó thì phải. Mình học A1 còn bạn ý học A2. Lần đầu bọn mình gặp nhau là ở lớp học thêm hóa. Ui mình bị ấn tượng bởi nụ cười tỏa nắng của bạn ý ^^ Hihi xong hồi đấy cũng nghĩ đủ mọi cách để gây ấn tượng với crush. Chủ nhiệm lớp crush dạy môn sinh và crush cũng thi khối B nên mình định sẽ cố gắng về mảng học tập. Cuối năm lớp 10, mình có tham gia kì thi Olympic môn sinh của trường và may mắn đạt giải nhì. Nhưng mà hình như crush cũng không quan tâm lắm :)
Hì, skip qua đoạn này đến vấn đề chính luôn nhé! Mình đã tỏ tình với crush vào đúng hôm trường tổ chức lễ trưởng thành cho học sinh khối 12. Hôm đó mình còn xin chụp cùng crush một kiểu ảnh nữa ^^ À kết quả thì đương nhiên ai cũng đoán được rồi, nếu crush đồng ý thì crush đã không là crush nữa :))
Sau đó, dần dần bọn mình cũng có nói chuyện với nhau nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn. Càng tìm hiểu thì mình càng thấy crush vốn không tuyệt vời như mình nghĩ. Vì trước đây mình thích crush quá với lại không tiếp xúc nhiều nên mình tự xây dựng hình tượng hoàn hảo cho crush thôi. Đương nhiên là không có ai hoàn hảo cả, ngay cả mình cũng vậy. Nhưng ý mình là bọn mình nói chuyện không hợp gu lắm, quan điểm sống cũng khác nhau, suy nghĩ khác nhau,.. nên là may là crush từ chối và giữ lại tình bạn với mình. Chứ nếu có yêu nhau thì chắc cũng chia tay sớm thôi vì không hợp gu mình :)) (dù bạn ý rất tốt, lại hiền, hay giúp đỡ mọi người)
Hôm trước mình có thử lên tìm facebook của crush xem giờ thế nào rồi. Bạn ý hiện đang làm ở Vinmec, vẫn đẹp trai như vậy nhưng "manly" và trông mạnh mẽ hơn trước (trước mình thích gu trai Hàn nha). Nếu sau này có cơ hội gặp lại thì mình sẽ nói lời cảm ơn với bạn ý. Vì bạn ý là động lực đầu tiên giúp mình cố gắng, phấn đấu trong học tập.
Tóm lại, có crush cũng tốt mà. Nhờ crush mà mình cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, không ngừng phấn đấu để trở thành người "phù hợp" với crush. Cảm ơn crush của mình nha!
Nếu được quay lại thời học sinh, mình vẫn sẽ chọn tỏ tình với crush. Chuyện đó có hơi ngại nhưng mình muốn để bản thân sau này không phải hối hận. "Chúng ta chỉ hối hận vì việc chúng ta chưa làm, chứ không hối hận vì việc chúng ta đã làm".
Gửi các bạn câu này nữa (cũng là tên một bộ phim Trung Quốc chủ đề thanh xuân vườn trường luôn)
"Sống không dũng cảm, uổng phí thanh xuân."
Vậy nên thích ai thì hãy tỏ tình đi nha! Mạnh mẽ lên! Dù bạn là trai hay gái đều được. Sau này sẽ có những kỉ niệm đẹp và chúng mình sẽ phải bật cười khi nhớ về nó đấy :))
Chuyện bắt nạt
Chuyện này không phải không phổ biến nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết đâu. Hồi cấp 2 lớp mình có "cô lập" một bạn nữ trong lớp. Bạn ý rất hay bị trêu. Mình cũng không biết từ bao giờ và tại sao nữa. Chỉ biết là hồi đó phải theo đám đông, có lẽ mình cũng sợ cũng sẽ trở thành "bạn đó" nếu như không theo các bạn còn lại trong lớp.
Lúc ấy mình cũng thấy bình thường thôi, nhưng lớn hơn thì mình thấy bọn mình thật xấu tính. Bạn ý không nói chuyện được với ai trong lớp cả, không có lấy một người bạn. Mình cảm thấy có lỗi và xấu hổ vì trước đây không làm gì, chỉ hùa theo số đông thôi. Mà lúc đấy cũng suy nghĩ mọi thứ thật đơn giản, hay là vô tâm nhỉ? Mình không biết nữa.
Mình cũng mong phụ huynh sẽ chịu khó làm bạn với con, nói chuyện tâm sự nhiều với chúng từ bé để có thể phát hiện sớm những điều bất thường (như việc con bị bắt nạt, tẩy chay, cô lập trên lớp chẳng hạn) và cùng tìm cách giải quyết tốt nhất. Mong rằng sẽ không còn tình trạng bắt nạt học đường trong tương lai nữa, và sẽ không có những vụ bạn bị bắt nạt (cả trên mạng và trên trường) dẫn đến những chuyện buồn không đáng có (tự tử, bị trầm cảm,..). Bên cạnh đó, mình nghĩ cũng nên phát triển các phòng tham vấn học đường hơn trong trưởng học ở cả 3 cấp.
Tổng kết
Nói chung đây là những cảm nhận và trải nghiệm mang tính chủ quan của mình. Mình chia sẻ những câu chuyện trên, mong rằng bạn có thể thấy có ích ở điểm nào đó. Mình sẽ rất vui nếu nhận được phản hồi của các bạn ở dưới về những chủ đề mình đề cập đến ở trên đây. Chúc mọi người luôn vui vẻ và tràn ngập năng lượng tích cực nhé!
Cảm ơn các bạn đã đọc hết bài viết của mình. <3
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất