Thái độ không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ phán xét này sang phán xét khác, và truyền từ người này sang người khác.
- không phải vật lý học
Daily Humor của The New Yorker; tác giả như trên chữ ký - đọc được chết liền
Trần đời này tôi sợ nhất là các bài viết hay các buổi nói chuyện, mà người viết/người nói hư hư thực thực, nói ít hiểu nhiều, ra vẻ thánh nhân đắc đạo. Sao sợ á? Phải chịu cảnh làm con cái hay cấp dưới của họ mới thấu cái cảnh khổ sở, dằn vặt suốt ngày vì phải ngồi dò đoán ý.
Vậy mà không hiểu sao những bài viết như vậy lại nhận được nhiều lượt xem, lượt yêu thích, lượt bình luận, và chia sẻ nhất. Dường như chỉ cần một vài câu phán như “Diễn giả là tệ nạn”, “Bạn không là người quan trọng!”, hay “Không cần dạy nhau tư duy!” là chạm được tới cảm xúc của người đọc rồi hay sao. Nhưng liệu có ai quan tâm đằng sau những câu phán thế này, có ngầm ẩn hệ thống quan điểm gì? Có ai quan tâm tại sao tác giả lại tỏ thái độ gay gắt như vậy, phán xét đạo đức đằng sau của họ là gì? Chúng có hợp lý không? Và quan trọng hơn là chúng có phù hợp với tôi hay không?
Khi đọc hay khi nghe một nội dung, con người có xu hướng hoà làm một vào người viết; bởi vậy, cũng hấp thụ thái độ của người viết như cách bọt biển hút nước, tức một cách tự động, nhanh chóng, và vô thức.
Tôi thấy đây là vấn đề, bởi nếu quá dễ dãi trong việc đọc và nghe, thái độ của ta có thể bị dẫn dắt đi xa rất xa, đặc biệt đối với những câu phán nghe rất bắt tai. Mà kết quả là những quan điểm bám rễ, ta một mực tin vào nhưng chẳng biết tại sao lại tin, chẳng biết chúng từ đâu đến, và thậm chí còn chẳng biết là trong mình đang mang những quan điểm đó. Rồi ta lại tiếp tục đi phán xét và áp đặt lên những con người vô tội khác.
Dù cho quan điểm của một người có như thế nào - thích cái gì hay ghét ai đó, có tích cực hay tiêu cực - tôi nghĩ rằng ý thức được và tự quyết được nó cho chính mình là hạnh phúc (nếu thắc mắc phán xét đạo đức đằng sau thái độ này là gì, có thể đọc bài này).

I - Tam đoạn luận từ Sự thật (fact) đến Thái độ (attitude)

Logic học là môn bắt buộc của mọi chuyên ngành (nhưng không ai học). Trong môn này, khái niệm quan trọng nhất phải kể đến “tam đoạn luận” do Aristotle phát minh. Tam đoạn luận là nền tảng cho mọi kết luận hợp lý. Nói một cách đơn giản thì đây là phương pháp tổ hợp ra các kết luận hợp lý từ hai mệnh đề ban đầu; và nếu hai mệnh đề ban đầu là đúng đắn thì các kết luận tạo ra cũng chắc chắn đúng đắn. Nghe hơi lòng vòng, nhưng thật ra là “phép bắc cầu” của ông bà ta được nghiêm ngặt hoá lên thôi.
Tôi không chắc rằng sử dụng tam đoạn luận có giúp mình đạt tới những chân lý khách quan và vĩnh hằng hay không, nhưng ít nhất nó giúp tôi phân tích được tính hợp lý trong quan điểm của mình và người khác, cũng như những phán xét đạo đức ngầm ẩn sâu trong đó.
Mọi bài viết, kể cả những bài viết mà mục tiêu của nó là trần thuật khách quan một sự kiện/sự kiện (fact), cũng đều có dính ít nhiều thái độ (attitude) của người viết. Phần dưới tôi sẽ phân tích xem liệu người đọc có nhận ra được những thái độ này của người viết hay không, và liệu nó có quan trọng đến vậy để cần được phân tích hay không. Còn phần này, tôi muốn bàn đến cách đi từ sự thật đến thái độ.
Triết gia người Scotland David Hume đặt tên cho vấn đề này là “vấn đề là-nên” (is–ought problem) - khi một người có xu hướng vội vàng kết luận “hành động nên làm” từ một “sự thật vốn là”. Ví dụ như:
Sự thật: Công ty A đối xử với khách hàng như những con cừu để vặt lông.
-> Thái độ: Công ty A thật xấu xa! (hành động: không nên như công ty A)
Nghe khá xuôi tai. Tuy nhiên, như thế này là không đủ cho một tam đoạn luận, vì vậy không thể xem đây là một kết luận hợp lý được. Nếu ta thêm một phán xét đạo đức ở giữa, một tam đoạn luận hoàn chỉnh sẽ xuất hiện.
Trường hợp 1:
Sự thật: Công ty A đối xử với khách hàng như những con cừu để vặt lông.
Phán xét đạo đức: Lợi dụng và khinh thường người khác là xấu xa.
-> Thái độ: Công ty A thật xấu xa!
Đây mới là một kết luận hợp lý. Tuy nhiên, nhờ ý thức được phán xét đạo đức ở giữa, ta có thể thử những góc nhìn khác:
Trường hợp 2:
Sự thật: Công ty A đối xử với khách hàng như những con cừu để vặt lông.
Phán xét đạo đức: Theo kinh tế học cổ điển (bàn tay vô hình), đạo đức duy nhất của công ty là tạo ra lợi nhuận, mọi nỗ lực trách nhiệm với cộng đồng đều làm bóp méo thị trường và gây lãng phí nguồn lực - là vô đạo đức (Friedman).
-> Thái độ: Công ty A mới là người có đạo đức!
Tôi không chắc nhận định của Friedman là đúng hay sai, nhưng chắc chắn cho ta một góc nhìn khác. Và dù trường hợp 1 hay 2, thì nhờ tam đoạn luận mà ta có một suy nghĩ có chiều sâu hơn hẳn là cái suy nghĩ tự động ban đầu. Nhảy từ sự thật đến thái độ (hành động) làm hạn chế tư duy rất nhiều, khiến con người không khác gì cái máy phát thanh vang vọng lại cho những gì cha mẹ, thầy cô, và xã hội tuyên truyền - không có tư duy riêng, và rất nhiều khi, dẫn đến đau khổ cho cá nhân.
Không chỉ vậy, vấn đề là-nên còn dẫn tới một thứ mà triết gia người Anh G. E. Moore gọi là “lỗi nguỵ biện tự nhiên” - lấy những thứ được coi là “tự nhiên” (thuận theo sinh học và tiến hoá) để biện minh cho những hành động thật sự vô đạo đức. Ví dụ:
Sự thật: Con đực đầu đàn có tập quán ngủ với tất cả con cái nó chinh phục được, hành động này thuận theo chọn lọc tự nhiên, khiến những gen tốt được bảo tồn; những con đực không chinh phục được con cái không đáng được bảo tồn gen.
-> Thái độ: Ngủ rồi đá càng nhiều phụ nữ càng tốt!
Một người với một lương tâm khoẻ mạnh khi nghe điều này có thể thấy ngay đây là một kết luận hết mực vô đạo đức và khốn nạn. Tuy nhiên, sự thật là có không ít tổ chức đang vin vào những nguỵ biện tự nhiên kiểu này để tuyên truyền và bán khoá học.
Ở ví dụ này thì có thể thấy (tuy người viết không nói) rằng phán xét đạo đức của họ coi phụ nữ (và cả đàn ông) không phải là những con người với tự do ý chí và mưu cầu hạnh phúc riêng, mà đơn thuần chỉ là công cụ cho bản năng. “Cái là không nhất thiết phải trở thành cái nên” - Hume.
Tương tự lỗi nguỵ biện tự nhiên, một hiện tượng tôi quan sát được khác, chắc gọi là “lỗi nguỵ biện kinh tế”, rất hay thường thấy ở những trang kinh tế/kinh doanh. Cả đời chỉ có mỗi một hệ hình ra quyết định “chi phí - lợi ích” thô thiển mà suốt ngày đi bàn các vấn đề xã hội. Nào thì khuyên người ta từ bỏ những mối quan hệ “vô dụng”, hướng tới những mối quan hệ mang lại lợi ích. Nào thì phán xét giá trị của con người thông qua tiền bạc. Nào thì coi tình yêu như một trò chơi thiệt hơn của lý trí và dùng đủ mọi mưu mẹo để đạt được mục đích. Nào thì 20 tuổi phải làm cái này cái kia, 30 tuổi phải có cái này cái kia, v.v.. Mấy cái này không sai, nhưng làm ơn viết rõ ràng cái phán xét đạo đức của mình ra và đừng có nâng cao quan điểm của mình lên tầm trung tâm vũ trụ được không?
Trong đời sống thì lại có một thứ khác, chắc gọi là “lỗi nguỵ biện luân lý” - bạn nên, bạn phải, bạn cần; bạn không nên, bạn không được, bạn không cần v.v.. với đủ mọi phán xét người khác, mà hệ quả là những cá nhân ngày càng xa lạ với chính bản thân mình, và đau khổ (bài liên quan).
Có thể thấy các lỗi nguỵ biện này nhan nhản trong các bài viết. Có thể do vô thức lặp lại những gì xã hội đã tuyên truyền - cái này không trách được, bởi chúng rất nhiều, và ai cũng có, tôi cũng có, và rất rất nhiều; chúng hoạt động như những “lối tắt tâm trí” (mental shortcuts) giúp con người ra quyết định nhanh chóng và vận hành trơn tru trong cuộc sống. Nhưng rất nhiều khi chúng là cố tình - người viết cố tình che dấu cái phán xét đạo đức của họ đi, bởi họ biết khi viết rõ ràng ra, những sơ hở lập luận sẽ xuất hiện, người đọc sẽ không bị dắt mũi nữa.
Cái khó nhất trong một bài viết không phải là ý tưởng. Mà là những bước lập luận và dẫn dắt trung gian để đi tới ý tưởng. Những bài viết được đánh giá cao, và nên được đánh giá cao, là những bài viết đầu tư chứng minh cho những lập luận trung gian này, chứ không phải những bài viết lợi dụng lối tắt tâm trí của người khác để chuộc lợi - dù cho lời phán của họ có đúng hay sai thì cũng chẳng hay ho gì.
Và với cá nhân, chỉ cần ngồi lại một chút phân tích cái phán xét đạo đức ở giữa sự thật và thái độ trong mỗi bài viết, mỗi bài nói, và cả trong suy nghĩ của mình - không nhất thiết là phải phản đối, mà chỉ cần hiểu được cái quan điểm đằng sau - tôi tin là sẽ có tác động rất tích cực lên sức khoẻ tâm trí. Một hệ quả phụ kèm theo là phát triển năng lực tư duy logic - thật đấy, hứa.

II - Đồng nhất hoá và Quá trình nội hoá thái độ

Con người, dù muốn hay không, đều có xu hướng đồng cảm với người đối diện, kể cả đó là bạn hay là thù. Các nhà thần kinh học nói đến “neuron gương” như cơ chế của đồng cảm. Đồng cảm là chỉ việc một người sống trong câu chuyện của người khác, và cảm thấy những gì người kia cảm thấy. Còn neuron gương là những neuron mà được kích hoạt cả khi cá nhân thực hiện một hành động, lẫn khi quan sát người khác thực hiện hành động đó.
Neuron gương được tìm thấy trong các loài có hành vi xã hội phức tạp (Iacoboni, 2009), như ở chim giúp chúng hát hoà nhịp với nhau (Miller, 2008), ở khỉ (Pelligrino và cs., 1992) và tất nhiên ở con người với "hệ thống neuron gương" phức tạp được phân bổ khắp bộ não (Casper và cs., 2010; Cattaneo & Rizzolatti, 2009; Molenbergs và cs., 2012).
Trong một thí nghiệm, Iacoboni và cộng sự (2005) sử dụng máy fMRI và cho các nghiệm thể quan sát (1) hành động cầm nắm, di chuyển của bàn tay mà không có bối cảnh xung quanh, (2) bối cảnh xung quanh - ly cà phê hoặc miếng bọt biển - mà không có hành động, (3) kết hợp cả hành động lẫn bối cảnh - cầm ly cà phê lên uống hoặc rửa chén với miếng bọt biển. Kết quả cho thấy trong trường hợp thứ 3, khi người quan sát hiểu được ý định của người thực hiện hành động, hệ thống neuron gương được kích hoạt mạnh mẽ nhất.
Từ đây, Iacoboni cho rằng mục đích căn bản của neuron gương là hiểu được mục đích và ý định của người đối diện; và cách tốt nhất để hiểu được mục đích và ý định của người đối diện là nhập vai vào người đó - kích hoạt khi quan sát người khác tương tự khi chính mình tự thực hiện. Neuron gương hình thành một "đường mòn" thứ 3 khi tri giác sự việc - why pathway, bên cạnh 2 đường mòn đã được chấp nhận rộng rãi - where pathway và what pathway.
Việc hiểu mục đích và ý định của đối phương là nền tảng cho mọi sự hợp tác; ngay từ một việc đơn giản như khi hai người cùng nhau khiêng một cái bàn, cả hai phải dự đoán được ý định của người kia là sẽ nghiêng sang bên phải hay bên trái, sẽ tiến hay lùi, để hợp lực nhau một cách hài hoà, đưa cái bàn tới vị trí cần đến.
Cơ chế của việc này cũng tạo ra sự đồng cảm và thấu cảm, kết quả là sự vị tha - hy sinh lợi ích của mình cho người khác. Trong thí nghiệm của Carrillo và cộng sự (2019), phần não ACC của những con chuột được kích hoạt giống nhau, trong trường hợp chúng phải chịu đau đớn và trong trường hợp chúng quan sát những con chuột khác chịu đau đớn. Một thí nghiệm khác được làm với con người, khi chứng kiến người mình yêu thương chịu đau đớn (bị shock điện), người quan sát cũng có cảm giác đau đớn tương tự - thể hiện rõ ràng ở kích thích trên não (Singer và cs, 2004). Và đừng nói với tôi bạn chưa từng trải nghiệm cảm giác này - khi thấy người khác đau đớn - đá chân vào cạnh bàn chẳng hạn - ta lại chẳng nổi tóc gáy như thể chính mình là người đá vào bàn; có khi chỉ cần đọc những dòng này, bạn đã tưởng tượng ra cảnh bong móng chân, và nổi da gà khắp cả người rồi.
Con người được tích hợp sẵn trong mình một cơ chế thấu hiểu và thấu cảm; việc này lý giải tại sao chúng ta rất thích nghe những câu chuyện kể, thích đọc tiểu thuyết, và thích xem phim như vậy (và thật ra đọc fiction tốt hơn đọc non-fiction nhiều: Đọc bài viết của Harvard Business Review).
Nhưng nhập vai xong thì làm gì? Thì sẽ là học tập và bắt chước.
Lý thuyết nổi tiếng liên quan tới hiện tượng này là “Thuyết học tập xã hội” của Bandura. Bandura (1961) cho tiến hành thí nghiệm nổi tiếng với tên "búp bê Bobo"; ông cho một nhóm trẻ quan sát người lớn đánh đập một con búp bê, một nhóm quan sát người lớn đối xử bình thường với con búp bê, và một nhóm không quan sát gì; sau đó cho chúng chơi với búp bê, thì nhóm quan sát hành vi bạo lực học tập được cách đánh đập con búp bê một cách bạo lực tương tự, cũng đá, cũng đấm tới tấp vào con búp bê.
Ngay cả trong trường hợp thái độ của người viết là ngầm ẩn, không rõ ràng, người đọc dù không phát hiện được trên mặt ý thức, nhưng trong mặt vô thức vẫn nhận thức được và bị ảnh hưởng. Giới khoa học gọi chúng là hiện tượng “mồi nhận thức” - Ba thí nghiệm nổi tiếng của Bargh, Chen, và Burrows (1996): khi nghiệm thể tiếp xúc với các nghiệm viên khó chịu, dù không ý thức được việc này, thì họ cũng trở nên nóng nảy hơn hẳn nhóm tiếp xúc với các nghiệm viên dễ chịu; khi nghiệm thể nhìn một màn hình máy tính, những ai mà được chiếu những chữ liên quan tới người già (tốc độ vài mili giây không nhìn thấy được), sau thí nghiệm, di chuyển chậm chạp hơn người khác; những người Mỹ gốc Phi, khi được mồi bằng những khuôn mẫu phân biệt chủng tộc, dù không rõ ràng, cũng trở nên thù địch hơn với các yêu cầu của nghiệm viên.
Toàn bộ những kiến thức khoa học phía trên có thể được diễn tả bằng khái niệm "đồng nhất hoá" mà Freud đã đề xuất gần một thế kỷ trước đây. "Dẫn từ sự đồng nhất hoá, theo con đường của sự bắt chước, là đến sự thấu cảm; tức là, đến sự hiểu biết về cơ chế mà qua đó, chúng ta được kích hoạt để hình thành nên mọi thái độ đối với một đời sống tinh thần khác" - Freud (1921, p. 110).
Tôi cũng không hiểu câu trên ý ông là gì. Nhưng nói chung là: đồng nhất hoá là cơ chế mà một người nhập vai vào người khác, để nội hoá cái thế giới nội tâm của người kia thành của mình. Cơ chế đồng nhất hoá diễn ra sớm nhất ở thời kỳ ấu thơ (3 đến 5 tuổi), khi đứa con nhập vai hoàn toàn vào người cha mẹ cùng giới, từ đó học hỏi mọi thái độ lẫn giá trị đạo đức của họ; theo Freud, đây là giai đoạn quan trọng nhất hình thành nên nhân cách của một cá nhân. Đồng nhất hoá, tất nhiên, không phải là bắt chước có ý thức, đồng nhất hoá là một cơ chế vô thức mà cá nhân không kiểm soát được, và ảnh hưởng của nó cũng sâu rộng và tự động hơn nhiều - đó cũng là lý do mà khi đọc một fiction hay một bộ phim, mà cá nhân có thể đồng nhất hoá mình với nhân vật chính và trải qua những đau khổ lẫn vui sướng của nhân vật chính; Theo đúng nghĩa đen, cá nhân đó đã vừa sống xong một cuộc đời khác; Thái độ về cuộc sống có thể thay đổi rõ rệt ngay sau đó, một vài vết thương có thể được chữa lành, một vài vết thương khác có thể được khơi ra - đây là hiện tượng "thanh tẩy" (catharsis) của nghệ thuật (hình như còn có một thuật ngữ gì nghe rất hay, mà tôi không tài nào nhớ nổi).
Trong cuốn "Group Psychology and the Analysis of the Ego", Freud (1921) bàn đến những ý tưởng làm tiền đề cho nhiều lý thuyết sau này, như: "độ tương đồng giữa cá nhân với người khác càng cao sẽ dẫn tới quá trình đồng nhất hoá càng mạnh mẽ" - tương đương với lý thuyết học tập xã hội của Bandura; "sự ngưỡng mộ và lý tưởng hoá kẻ thủ lĩnh dẫn tới quá trình đồng nhất hoá mạnh mẽ với hắn" - ảnh hưởng mạnh mẽ của thần tượng/hình mẫu sống/nhà lãnh đạo lên cá nhân; "quá trình đồng nhất hoá với kẻ bạo hành có thể xảy ra, như một cơ chế dồn nén" - tương đương với hội chứng Stockholm, khi người bị lạm dụng trở nên yêu mến, đồng cảm với kẻ lạm dụng.
Dù sao thì, tóm lại, khi đọc một bài viết, cá nhân luôn có xu hướng dò xét ý định của tác giác, bằng cách đồng nhất hoá với tác giả, và cũng thông qua việc này, cá nhân nội hoá thái độ của tác giả thành của mình; tất cả điều diễn ra trong vô thức và tự động - nó diễn ra mạnh mẽ cho dù cá nhân có ý thức được hay không.
Hãy lấy thử ví dụ. Hai đoạn sau diễn tả cùng một ý:
Liệu pháp CBT mà người khởi xướng là Beck cho rằng trầm cảm có xuát phát từ những “niềm tin méo mó tiêu cực.” Với tiền đề này, CBT tập trung vào việc điều chỉnh những suy nghĩ và hành vi, nhằm giúp thân chủ có cái nhìn và các đáp ứng tích cực hơn với cuộc sống.
Liệu pháp CBT mà người khởi xướng là Beck cho rằng trầm cảm có xuất phát từ những “niềm tin méo mó tiêu cực.” Với tiền đề này, CBT tập trung vào việc cắt tỉa những suy nghĩ và hành vi, nhằm giúp thân chủ có cái nhìn và các đáp ứng “tích cực” hơn với cuộc sống.
Không biết độc giả khi đọc xong có nhận thấy sự khác biệt không. Nhưng ở đoạn thứ hai chữ “điều chỉnh” được thay bằng chữ “cắt tỉa”, và chữ tích cực được đưa vào trong ngoặc kép. Chỉ với hai thay đổi rất nhỏ này thôi có thể thấy thái độ của đoạn 2 với CBT là mỉa mai thế nào. Và tôi tự hỏi, nếu một người chưa biết gì về CBT mà đọc được đoạn 2, không biết sau này thái độ của họ đối với CBT sẽ như thế nào, có bị ảnh hưởng hay không. Có thể là không và có thể tôi đang làm quá vấn đề, nhưng khá đáng để suy nghĩ đúng không?
(Thật ra đoạn 2 là thái độ của tôi - nhưng tôi biết thái độ này không đúng; bởi ở đây phán xét đạo đức của tôi hướng tới một con người authentic, không biết dịch là gì - xác tín chăng; điều này thì có lẽ không khả thi, và con người có vẻ cần phải chấp nhận lừa dối bản thân mình một tý để sống vui vẻ và khoẻ mạnh.)
Hay ví dụ trong bài viết này (dù lấy ra làm ví dụ, nhưng vì bài rất hay nên tôi mới dẫn link):
Lúc đầu đọc thì tôi bị dội ngay bởi những chữ như "nghĩa sinh thành" hay "đấng sinh thành", bởi nó kích hoạt lại tôi một vài định kiến cũ và cứng nhắc về đạo hiếu; mặc dù bài viết trình bày tổng quan và đa chiều các khía cạnh trong mối quan hệ cha mẹ - con cái (rất nên đọc), nhưng chỉ vì một cụm từ như vậy mà làm tôi hơi thiên về phía cha mẹ hơn con cái. Tôi không chắc thái độ của tác giả và dịch giả, và sự giao thoa giữa họ là như nào, nhưng cái biểu tượng của họ trong bài viết này tôi cảm nhận được là như vậy. Và đọc xong thì tôi có phần trách móc con cái và đồng cảm với cha mẹ hơn thật.
***
Dù sao thì, một thứ chìm trong vô thức luôn luôn tác động mạnh mẽ tới cá nhân, mà cá nhân không thể nào kiểm soát được; để lấy lại quyền tự quyết cho mình, cá nhân có thể ý thức hoá nó, tức lôi nó từ vô thức lên ý thức. Tuỳ mục đích của độc giả, mà có thể lựa chọn rằng có bỏ công sức ra phân tích thái độ của người viết để tách bạch ra giữa quan điểm của mình và quan điểm của tác giả hay không, hay chỉ đơn giản là thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật và chấp nhận để nó ảnh hưởng lên mình và dẫn mình đi tự do trên con đường "thanh tẩy" cá nhân.
Lưu ý: Bài viết này không khuyến khích việc đi đọc não các tác giả khác, mà chỉ khuyến khích đi phân tích tác động của bài viết lên chính bản thân mình. Và nếu có đang trong một ngày buồn bực, muốn lên mạng kiếm kèo chửi lộn để xả chơi, thì hãy phân tích thái độ của người viết bằng tam đoạn luận, chứ không phải ngồi suy bụng ta ra bụng người, rồi gán ghép linh tinh.
----Surphi10, 11/1/2020
P/s: Giả bộ đổi sang giọng văn thảo mai xem có nhiều upvote hơn không *chớp chớp mắt*
_____________________________
Ngoài những nghiên cứu đã được trích dẫn bằng endnote, thì còn tham khảo:
1, Gilbert, D. T., Kenan, W. R., Wegner, D. M. (2012). Introducing Psychology. 2rd Edition.
2, Goldstein, E. B. (2019). Cognitive Psychology: Connecting Mind, Research, and Everyday Experience. 5th Edition.
3, MacGillivray, L. (2009). I Feel Your Pain: Mirror Neurons and Empathy.
4, Wilson, D. S., Dietrich, E., Clark, A. B. (2004). On the inappropriate use of the naturalistic fallacy in evolutionary psychology.
P/s: Làm sao để làm cái link biến thành cái hộp hình chữ nhật nhỉ? Lúc được lúc không.