Gần đây tôi phát hiện ra một điều lý thú sau khi nghiên cứu sách A brief history of Sapiens của ông Harari. Đó là người ta không thể dạy nhau cách tư duy, và sự sáng tạo.
Thật vậy, ông Socrates, triết gia vĩ đại nhất châu Âu, cách đây 4000 năm đã phát biểu: Tôi không thể dạy ai bất cứ điều gì. Tôi chỉ có thể khiến người ta phải suy nghĩ mà thôi.
Chúng ta chỉ có thể TẠO ĐIỀU KIỆN, cung cấp dữ liệu, môi trường để cho quá trình tư duy của người học được diễn ra mà thôi. Ta không thể bắt hoặc dạy bất cứ ai cách tư duy và năng lực sáng tạo.
Ảnh minh họa
Giống như ăn cơm, dạ dày và gan, ruột tự sẽ tiêu hóa. Ta không thể ra lệnh:
- Gan ơi, tiêu hóa hộ tao đi.
- Mật ơi, tiết dịch đi. Tao vừa ăn mít đó.
- Ruột non ơi, hút dinh dưỡng đi.
Cũng như thế đó, ta không thể bảo con ta:
- Phản biện lên con ơi.
- Sáng tạo đi con.
- Sâu sắc lên con.
- Tư duy đa chiều lên đi con ơi.
Quá trình một người thẩm thấu kiến thức, phát huy sức liên tưởng và sáng tạo hoàn toàn diễn ra tự nhiên trong một MÔI TRƯỜNG có đủ điều kiện về dữ liệu phong phú và sự tự do suy tưởng.
Các mẹ, theo đó, không cần bận tâm dạy con phản biện phản biếc gì cả. Các mẹ chỉ cần cung cấp thật nhiều sách và cho con tiếp cận với thực tiễn công việc và cuộc sống thật. Nhớ là để cho con được tư do suy tưởng và tự do bộc lộ ý tưởng. Quá trình phản biện và sáng tạo tự khắc sẽ diễn ra như dạ dày tiêu hóa thức ăn vậy.
Có nghịch cảnh, có vấn đề sẽ nảy ra sáng tạo. Có tĩnh lặng và có độc cư sẽ nảy sinh trí tuệ sâu sắc. Đương nhiên, cần phải có tương đối phong phú data nữa.
Chỉ có thế thôi mà mấy năm trời bị mù mờ. Làm gì có cái gọi là dạy nhau sáng tạo và dạy nhau phản biện!
GIÁO DỤC LÀ TẠO RA CÁC ĐIỀU KIỆN
Giáo dục, suy cho cùng chỉ là tạo ra các điều kiện để trẻ em moi ra cái thông minh và sáng suốt vốn có của chúng. Vì cái thông minh, cái mầm an lạc, sự thánh thiện đã nằm trong chúng từ lâu rồi. Chính thầy Thích Ca Mâu Ni cũng đã khẳng định như vậy. Người làm giáo dục chỉ cần bày ra các trò, đặt chúng vào hoàn cảnh, các tình huống để chúng phải suy nghĩ. Từ đó, tài năng, hạt mầm từ bi và trí tuệ trong bọn trẻ tự nhiên trỗi dậy.
Có lẽ theo nguyên lý này mà bà Montessori đã sáng tạo ra các lớp học độc đáo mà một thời bị nghi ngờ. Bây giờ thì người ta buôn bán nó, kinh doanh Montessori chạy như tôm tươi. Montessori được xem như một loại hàng thời trang vậy.
Nhưng đích thực thì phương pháp Montessori không phải là thời trang. Đó là một hệ tư tưởng mà gia đình, xã hội, giáo viên đều phải thấu hiểu. Cho con bạn chơi với mấy trò Montessori vài buổi vài ngày như hiện nay đâu phải là giáo dục khai phóng.
Cha mẹ đúng là cần phải đọc và học nhiều mới có thể đồng hành cùng con. Làm cha mẹ quả nhiên là một nghề không hề đơn giản.
Càng ngày tôi càng tin tưởng, người ta không nên dạy nhau và càng không nên dạy trẻ em. Chỉ là nên đưa nhau vào tình huống, dắt nhau vào cùng khám phá, cung cấp một thư viện đủ lớn và xây dựng một môi trường tự do đích thực.
NHÀ TRƯỜNG GIẾT CHẾT TÀI NĂNG TRẺ EM
Sir Ken Robinson là chuyên gia giáo dục nổi tiếng thế giới, cựu chủ tịch ủy ban cố vấn về giáo dục văn hóa và sáng tạo của chính phủ Anh. Ông chiến đấu không mệt mỏi cho việc sáng tạo và việc tự học.
____
Trong TED, Sir Ken kể về một câu chuyện li kỳ.
Có cô bé còn đi học, luôn bị xem là có vấn đề tâm lý. Cô bé ấy tên là Gillian. Nhà trường đã gửi thư cho mẹ Grillian rằng: "Chúng tôi nghĩ Gillian bị rối loạn học tập. Bé không thể tập trung, cô bé luôn bồn chồn."
Sau đó, Grillian đi theo mẹ tới gặp một bác sĩ chuyên khoa. Tại phòng của bác sỹ, Grillian được dẫn tới ngồi trên ghế cuối phòng. Grillian nhấp nhổm suốt 20 phút trong khi vị bác sĩ nói chuyện với mẹ về vấn đề mà Gillian gặp phải ở trường.
Cuối cùng, vị bác sĩ tới ngồi cạnh Gillian và nói: "Gillian, bác đã nghe mọi chuyện mà mẹ cháu đã kể cho bác. Giờ thì bác cần nói chuyện riêng với bà ấy."
Ông ấy nói: "Chờ ở đây, chúng ta sẽ quay lại, không lâu đâu."
Trước khi họ bước ra khỏi phòng, ông bác sĩ cố ý bật nhạc nhẹ với cái đài nhỏ đặt trên bàn.
Ông bác sỹ và mẹ Gillian rời khỏi phòng, để cô bé lại.
Ngồi bên ngoài, ông ấy nói với bà mẹ: "Hãy đứng và xem con bé."
Trong phòng một mình, bé Gillian đứng dậy, bắt đầu di chuyển theo nhạc.
Mẹ cô và ông bác sỹ đứng nhìn vài phút. Rồi ông bác sỹ quay sang nói với người mẹ: "Bà Lynne, Gillian không bị bệnh, cô bé là một nghệ sĩ múa. Hãy để nó theo học trường múa."
Sau đó mẹ Gillian đã làm như vậy. Khi Grillian bước vào căn phòng có toàn những người như mình. Những người không thể ngồi yên. Những người phải di chuyển để suy nghĩ. Họ đã học Ba-lê, clacket, jazz, họ học nhảy hiện đại, học nhảy đương đại. Gillian đã dự tuyển vào trường Ba-lê hoàng gia, trở thành vũ công, và có thành tích tuyệt vời. Sau đó Gillian tốt nghiệp và thành lập công ty riêng của mình. Cô bé ấy đã sản xuất những vở nhạc kịch thành công nhất trong lịch sử.
Gillian đã đem lại niềm vui cho hàng triệu người.
TƯ DUY PHẢN BIỆN
Nhiều bạn hỏi mình làm sao để có tư duy phản biện. Thực sự tư duy phản biện chính là chất vấn, nhìn sự vật đa chiều, tổng hợp, logic và toàn diện.  Đây là một câu hỏi khó trả lời và nó là một thành tựu rèn luyện phức tạp, lâu dài. Cơ bản thì nó nằm trong khuôn khổ triết lý VĂN - TƯ - TU của Phật giáo. Văn là kinh nghiệm, cái thấy, cái biết, cái trải qua, cái đọc được, nhìn được, nghe được. TƯ là suy nghĩ, so sánh, phân nhóm, định danh, quy nạp, suy diễn. TU là tổng kết, ứng dụng vào hành động.
Muốn quen với tư duy phản biện, ta cần phải:
1. Từ bỏ thói a dua, quay về bên trong, tìm lại chính mình.
2. Nâng cấp data bằng nghe, đọc, đi, quan sát nhiều hơn, phong phú hơn. Có data mới có đa chiều để đối chiếu, so sánh, phân nhóm, quy nạp.
3. Không tin vào ai cả. Kể cả Phật, Khổng, hay Jesus. Nghe chỉ để nghe mà thôi. Biết chỉ để biết mà thôi. Chỉ tin vào logic tự nhiên và khoa học mà bạn tự cảm nhận và suy luận được.
Còn bạn muốn trở thành người có thông minh cảm xúc ư?
1. Sống chánh niệm, sống chậm lại. Trân quý từng giây phút, từng bông hoa, từng ngọn cỏ.
2. Tập đàn, tập vẽ.
3. Đọc nhiều tác phẩm văn học, xem nhiều phim, nghe nhiều nhạc kinh điển.
Một số sách của các tác giả hiện nay chỉ dùng cho sinh viên là tuyệt đẹp. Khi trưởng thành, người ta sẽ không đọc những sách này nữa. Bởi thế, đừng nên dính mắc. Ngay cả Phật cũng đừng dính mắc.
Ông thiền sư Lâm Tế có câu: Gặp thần giết thần. Gặp quỷ giết quỷ. Gặp Phật giết Phật. Các bạn có hiểu ông ta nói ý gì không?
---000---
LỜI KHUYÊN VỀ ĐỌC SÁCH
Napoleon Bonaparte nói: “Loại hình tích tụ mọi tinh hoa của tất cả mọi ngành nghệ thuật và khoa học chính là văn học”. Đương nhiên, ý ông nói đến những tác phẩm vĩ đại.
Nay mình có vài lời chia sẻ với các bạn thế này.
MỘT
Bạn có tai có mắt, bạn hãy tự trông, tự nghe.
Bạn có đầu, có óc, bạn tự suy, tự nghĩ.
Hãy xem Như Lai là thầy, là bạn, là đối thủ.
Đừng bao giờ làm nô lệ của Như Lai.
HAI
Kẻ đọc sách khôn ngoan là đi vào sách rồi lại đi ra khỏi sách.
BA
Nghe lời nghịch ý nghĩ của mình thì mới khôn lên được. Chỉ nghe lời thuận ý mình là trí tuệ đang suy thoái.
BỐN
Trước lời lạ lẫm, đừng náo loạn tâm can. Trước lời thuận tai, hãy cảnh giác lòng tự mãn.
NĂM
Mềm thì lọt. Cứng thì gãy. Đá rắn bao nhiêu cũng có thể vỡ. Nhưng nước thì không biết sợ. Cây đỉnh đồi cao thì gió thốc thổi mạnh. Cỏ dưới chân đồi thì an toàn. Kẻ trí nhân để trí tuệ bay trên đỉnh trời nhưng để bản ngã nằm dưới đất.
SÁU
Trong an luôn có nguy, trong nguy luôn có an.
BẢY
Cố tình để thiên hạ biết mình khiêm tốn nghĩa là không khiêm tốn rồi. Ra vẻ giản dị là không giản dị rồi. Một điệp viên nổi tiếng nghĩa là điệp viên đó đã nghỉ hưu.
TÁM
Biết cái gì dài nhất nghĩa là nó không phải dài nhất. Biết cái gì to nhất nghĩa là nó không phải to nhất. Nó nhất là chỉ nhất trong số những thứ ta biết mà thôi.
HÃY LÀM NGƯỢC ĐÁM ĐÔNG
Người xuất sắc và để lại thành tựu lớn luôn làm ngược đám đông. Đương nhiên, không phải làm ngược đám đông lúc nào cũng tốt. Ví dụ, người ta ăn quýt bỏ vỏ và hạt thì mình không thể nuốt cả. Người ta pha mì gói với nước sôi, mình không thể pha với nước lạnh. Người ta mặc quần thì mình đừng cởi truồng. Nghĩa là, cái gì bất biến, quy luật thì không nên cưỡng lại để cố tỏ vẻ khác người.
Tuy nhiên, bạn trẻ hãy làm ngược đám đông những điều sau đây
1. Người ta nô nức xin ấn đền Trần, chen nhau ở Bái Đính, Chùa Hương, Yên Tử, Tây Thiên sau mỗi dịp lễ, tết. Ta hãy thong dong đi vào lúc không ai đi.
2. Người ta kì kèo mặc cả bắp ngô, cân táo. Ta mua không cần hỏi giá.
3. Người ta tranh nhau xin xỏ cửa đền chùa, ta không xin gì cả.
4. Người ta đua nhau tắm biển mùa hè. Ta chỉ đi vào mùa đông.
5. Người ta đến chỗ nhà hàng nổi tiếng. Ta đến chỗ thực chất ngon bổ rẻ.
6. Người ta tìm bãi biển đông đúc. Ta tìm bãi vắng vẻ.
7. Người ta chạy ra đường thì ta ở nhà. Người ta ở nhà thì ta nên ra đường.
8. Người ta ham hố kiếm tiền thì ta chăm chỉ học hành.
9. Người ta đến trường học thì ta tự học.
10. Người ta xem TV thì ta đọc sách.
11. Người ta coi sếp là kẻ thù, ta coi sếp là thầy là bạn.
12. Người ta tụ tập bàn tán, ta ngồi tách riêng chỗ khác.
13. Người ta bàn tán về vú Bà Tưng, mông Ngọc Trinh, ta bàn về lời hay ý đẹp của danh nhân.
14.  Người ta mặc đồ hiệu nổi tiếng, ta mặc đồ không nổi tiếng nhưng bền và đẹp.
15. Người ta coi đi làm là đi làm. Ta coi đi làm là đi học.
16. Người ta đi bão ăn mừng U23, ta ở nhà xem TV.
17. Người ta giấu giếm vấn đề rắc rối, ta nói toạc từ đầu.
18. Người ta hành vi vụng trộm, ta đoan chính, hiên ngang.
19. Lương thấp hơn cống hiến, người ta lầu bầu sau lưng sếp, ta đòi hỏi dứt khoát, mạch lạc.
20. Người ta hái lộc đầu năm, ta đi trồng cây khai xuân.
21. Người ta hăm hở phấn đấu có giấy khen, bằng khen. Ta phấn đấu thành người trao bằng khen.
NÊN NHỚ
Cái gì dễ và đám đông thường làm thì kết quả sẽ không có gì đặc biệt. Chỉ làm khác đám đông, bạn mới mong có thành quả khác biệt.
Và đọc xong bài này cũng đừng dính mắc. Biết là để biết vậy mà thôi.
.................................................................
MỜI BẠN GHÉ THĂM FACEBOOK ĐỖ CAO SANG ĐỂ ĐỌC THÊM NHIỀU BÀI VIẾT HẤP DẪN! XIN CẢM ƠN!
Link FB: https://www.facebook.com/docaosangpta