Tháng trước, tôi có đi vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Chuyến đi ba ngày, thì hai ngày là ở lỳ trong homestay làm việc. Đó là một căn nhà sàn nhỏ, cứ một cơn gió thổi là lại rung lắc như đang trên một con thuyền. Tôi và bạn gái chỉ ở đó với hai cái laptop, đắp mền cho đỡ muỗi và đỡ lạnh, làm việc và ngắm mưa. Với tôi đó là một trải nghiệm hết sức thú vị.
Nhưng bạn bè lại cho rằng như vậy thật phí một chuyến đi, rằng tôi không biết cách chơi. Tôi hỏi lại điều mà họ mong đợi trong một chuyến đi chơi là gì. Họ nói đến việc đi với bạn bè, việc tham gia các hoạt động thú vị, việc nói chuyện với dân địa phương, nói chung là cần những "trải nghiệm", và việc tôi đến một nơi lạ mà chỉ để làm việc thì thà ở nhà mà làm còn hơn.
Tôi cảm thấy khó hiểu, đến một nơi mới để làm việc chẳng phải cũng là một trải nghiệm mới sao. Trải nghiệm lúc tôi ngồi gõ cạch cạch trên chiếc laptop của mình lúc đó cũng không kém thích thú và sung sướng. Không phải việc họ tham gia những hoạt động gì khác, cuối cùng cũng là để có những cảm giác đó hay sao. Và tất nhiên với cái tính khí của tôi, thì có một cuộc cãi lộn nhỏ diễn ra ngay sau đó, và kết thúc là ai giữ quan điểm của người nấy.
Có lẽ những hoạt động của bạn bè tôi đề xuất cũng không phải là tệ. Có thể sau này khi quay lại, tôi sẽ thử, có lẽ sẽ có rất vui và rất nhiều kỷ niệm. Nhưng không phải vì vậy, mà cái trải nghiệm gõ lách cách và đập muỗi suốt hai ngày của tôi cách đây không lâu bị giảm bớt bất kỳ giá trị hay tính kỷ niệm nào.
Việc này khiến tôi suy nghĩ về sự kỳ lạ của trải nghiệm và ý thức.

Ý thức và Trải nghiệm - Vạch nối giữa cá nhân và thế giới

Ý thức có quan trọng không? Tôi tin là con người có một mối quan hệ yêu-ghét với ý thức của chính mình. Đây là một bài tôi viết từ đầu năm, nhưng đến giờ vẫn chưa xong. Dù sao thì, chỉ thông qua ý thức, con người mới cảm nhận được sự tồn tại của chính mình. Một con giun, tuy đang sống, nhưng không hề biết rằng nó đang sống (có lẽ vậy).
Nếu một người yêu cuộc sống của mình, anh ta hẳn rất phải biết ơn thượng đế vì đã ban cho mình khả năng có ý thức, để hàng ngày được ngắm nhìn những người anh ta yêu thương. Nếu không may mắn mà ghét cái cuộc đời của mình, có lẽ anh ta đang chìm đắm trong cồn hay các chất hướng thần khác để dập tắt đi cái ý thức đó; hay đỡ tệ nạn hơn thì anh ta cũng chìm đắm trong những cơn mơ, hay các hoạt động nghiện ngập khác (game, công việc, thể thao, âm nhạc...) để thay đổi trạng thái ý thức của mình đi trong một khoảng thời gian ngắn.
Dù yêu hay ghét, thì ý thức cũng là khởi đầu của văn minh loài người. Nhưng mà không một ai biết chính xác "ý thức là gì?" - Một câu hỏi được hỏi từ lâu, nhưng vẫn chưa có câu trả lời.
Vấn đề ở chỗ ý thức không phải là thứ khách quan, nó hoàn toàn chủ quan. Khoa học thần kinh dù có phát triển với đủ mọi công nghệ scan và kích thích não - fMRI, ERP, thậm chí là TMS - cũng chẳng thể nào chứng minh được ý thức nằm vùng nào trên não, hay cơ chế tạo ra ý thức từ mớ chất hoá học và các dòng điện trong não là gì. Hoàn toàn không có bằng chứng chứng minh cho sự tồn tại của ý thức. Bằng cảm nhận, ta có thể nói rằng mình đang có ý thức; nhưng lại không thể thâm nhập đầu óc của người khác để xem xem ý thức của họ như thế nào.
Làm sao mà ta biết người khác có đang cảm nhận giống ta. Những thứ sống động trong đầu mình, cái màu sắc này, cái suy nghĩ này, cái cảm xúc này, cái ý thức rằng ta đang ý thức này, ngay tại thời điểm này. Liệu người khác có cảm thấy giống vậy không? Hay là họ chỉ giống như những chiếc máy tính ở nhà - hỏi gì cũng đáp được - nhưng lại không có cái thứ sống động như ta đang có hiện giờ. Có thể lắm chứ. Đâu có gì để chứng minh điều ngược lại.
Hay, ở chiều ngược lại, ta cũng có quyền nghi ngờ rằng, mọi thứ trên đời này đều có ý thức. Từ con chó đến con mèo, có lẽ chúng cũng có cái thứ sống động đang diễn ra trong đầu y hệt như chúng ta. Rồi con cá, con giun, con kiến thì sao? Thậm chí đến cái cây, dòng sông, cục đá, biết đâu được. Trong nấc thang của tiến hoá, thì đến loài gì, chi gì là có cái bừng sáng trong tâm trí giống như ta đang có, những con gì thì hoàn toàn là tăm tối - tất nhiên đang không nói đến thị giác. Gần đây, có những lập luận cho rằng internet cũng là một thực thể có ý thức, và thật sự không phải là không thuyết phục.
Cái thế giới sống động đang hiện hữu trước mắt ta này, ngoài bản thân ta ra, thì không có ai khác có thể hiểu được. Không ai có thể chạm được, và khả năng rất cao là chỉ có mỗi mình ta là trải nghiệm như vậy. Hoàn toàn cô độc trong sự tồn tại của mình.
Nhưng không sao, ít nhất cái ý thức đó mang lại cho ta cái cảm giác mình đang sống. Ý thức của mỗi người là độc nhất và mỗi người là Đấng sáng tạo cho cái thế giới riêng của mình này. Chịu trách nhiệm cho sự sáng tạo này là chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của chính mình - như các nhà hiện sinh hay thường nói.
Nhưng ta lại đặt câu hỏi: Bằng cách nào mà ta biết là mình đang có ý thức? Và bằng cách nào ta bước vào buồng lái, sáng tạo nên cái thế giới này? 
Có lẽ trải nghiệm là vật trung gian. Một đám mây trôi bồng bềnh, một ly cafe thơm ngon, hay mùi hoa sữa ngào ngạt, ta biết ý thức của mình đang nắm được chúng khi nó mang đến cho ta một trải nghiệm.
Một kỷ niệm, một ý tưởng, một cảm xúc, ta biết chúng đang tồn tại trong ý thức của mình cũng là nhờ chúng mang lại cho ta một trải nghiệm. Không có trải nghiệm, cá nhân không thể nói rằng mình có ý thức. Ở một góc nhìn nhất định, thì ý thức đồng nghĩa với trải nghiệm.
*Trải nghiệm được các nhà hiện tượng học gọi với cái tên "hiện tượng". Theo họ, cơ chế của trải nghiệm là: Khi thế giới chủ quan của con người va chạm với một đối tượng, nó sẽ tạo ra một hiện tượng, hay một trải nghiệm. Như vậy thành phần cấu tạo của trải nghiệm bao gồm: (1) những thứ mà cá nhân đó mang đến khi đối mặt với đối tượng, (2) đối tượng - không chỉ là những đối tượng khách quan như bàn ghế, cây cối, mà còn là những suy nghĩ, tưởng tượng, cảm xúc bên trong.
Và họ cũng cho rằng hai thành phần trên là không thể tách rời nhau. Nên các trải-nghiệm-ở-ngôi-thứ-nhất mới là tiên đề triết học nền tảng, và cũng là thứ cần quan tâm duy nhất.
Cách tiếp cận nghe có vẻ như là vẽ chuyện, nhưng điều quan trọng nhất nó làm được là: một thế lực thứ 3 bên ngoài Duy tâm và Duy vật (tôi không cần biết bản chất của mọi thứ là gì, tôi chỉ cần biết hiện tượng là thứ quan trọng duy nhất), và mang lại cho hiện tượng/trải nghiệm chủ quan một sự chú ý thích đáng (tôn trọng hoàn toàn, không bị chia nhỏ, bóp méo, hay gò theo một cái khung lý thuyết nào). Một thứ triết học dành cho con người.
Nói về thành phần thứ nhất của hiện tượng, Binswanger (1963, p. 114) khẳng định: “Những gì chúng ta tri giác được ‘trước tiên và quan trọng nhất’ không phải những ấn tượng về mùi vị, cao độ, hoặc xúc giác, thậm chí cũng không phải các thứ hay vật thể, mà là các ý nghĩa.” Hay, đơn giản là mỗi một trải nghiệm tồn tại đều có ý nghĩa của nó đối với người trải nghiệm.
Ở mức độ thấp nhất, tôi đang ngồi trong phòng của mình, những thứ quá quen thuộc như quần áo đang ma sát vào da, mũi đang hít thở, tiếng quạt đang quay đều không được đưa vào ý thức, bởi vì chúng hiện không có ý nghĩa với tôi. Hoặc ít nhất theo giả thuyết "tính kinh tế của nguồn lực nhận thức" thì là như vậy. Ý thức về một thứ đồng nghĩa với việc không ý thức về các thứ khác. Nếu cứ ý thức về những thứ không liên quan thì sẽ không có đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ khác. Vì vậy, con người chọn lọc việc ý thức cái gì thông qua ý nghĩa của cái đó đối với cá nhân họ.
Những thí nghiệm chứng minh cho hiện tượng này không thiếu, khoa học nhận thức gọi đây là hiện tượng "mù/điếc do không tập trung". Tham khảo: Simons & Chabris (1999) - người tham gia thí nghiệm mải đếm số đường chuyền bóng, mà không thấy con tinh tinh đi qua trước màn hình; và Levin & Simons (1997) - người tham gia thí nghiệm không để ý quần áo của người mình nói chuyện nãy giờ vừa đổi màu. Những người tham gia thí nghiệm không thấy những thứ ngay trước mắt, bởi vì họ đang có một nhiệm vụ để làm. Những kích thích kia không liên quan đến nhiệm vụ, nên chúng không được đưa vào ý thức.

Có thể có phản biện rằng những người tham gia thí nghiệm trên thực sự không thấy thiệt, chứ chả liên quan gì tới ý nghĩa hay không. Nhưng có lẽ thí nghiệm của MacKay (1973) đã chứng tỏ rõ một điều: mọi thông tin từ giác quan đều được đưa vào một bộ nhớ vô thức (trí nhớ giác quan), được xử lý ngữ nghĩa, có ảnh hưởng lên mọi quá trình nhận thức khác; tuy nhiên chỉ có một số ít trong đó là được đưa vào một bộ nhớ có ý thức (trí nhớ làm việc). Nghĩa là họ thấy hết, chỉ là não cho rằng chúng không có ý nghĩa nên không đưa vào ý thức, không tạo ra một trải nghiệm.
Không chỉ là thấy hay không thấy, với những cảm quan về ý nghĩa khác nhau, mỗi người sẽ trải nghiệm một tình huống hoàn toàn khác nhau. Và cách người đó trải nghiệm tình huống đó như thế nào thể hiện ít nhiều về con người anh ta. Ví dụ, một dân kiến trúc khi tham dự một hội thảo sẽ bị thu hút vào thiết kế của căn phòng; người hoạ sĩ ngồi gần đó thì chỉ chú ý vào các bức vẽ hai bên tường; còn một người làm tổ chức sự kiện sẽ đặc biệt chú ý vào việc tổ chức hậu cần; rất tiếc là chẳng ai chú ý tới diễn giả nói gì trừ tay nhà báo ngồi cuối căn phòng có nhiệm vụ đưa tin.
Thí nghiệm của Barlett (1932) thể hiện rõ điều này - những người tham gia đến từ những bối cảnh văn hoá khác nhau, sau khi đọc một mẩu chuyện (có ý nghĩa không rõ ràng) sẽ thuật lại theo cách hoàn toàn khác nhau. Một người gốc Phi, một người gốc Á, một người gốc Latin, và một người gốc Âu với những danh tính khác nhau trải nghiệm tình huống hoàn toàn khác nhau.
Trong tâm lý lâm sàng, có các bài test phóng chiếu (ví dụ: vết-mực-loang của Rorschach) thể hiện rõ điều này. Khi nhìn vào một bức hình mơ hồ, cá nhân buộc phải đưa ra các cách diễn giải cá nhân. Có người nghĩ tới con bướm, có người nghĩ tới lá phổi, người nghĩ tới buồng trứng, khuôn mặt, hay quỷ dữ, v.v.. dù nhìn ra cái gì, thì chắc hẳn thứ này cũng có một ý nghĩa nhất định đối với người đó, và thể hiện ít nhiều về anh ta.
Nói trải nghiệm có tính kiến tạo, bởi những thứ mà cá nhân mang đến khi đối mặt với đối tượng ảnh hưởng rất nhiều tới cách anh ta trải nghiệm nó.
Trải nghiệm là cầu nối giữa cá nhân và thế giới. Một mặt, trải nghiệm nhuốm màu thế giới bên trong của một người, phán xét trải nghiệm nghĩa là đang phán xét thế giới bên trong của người đó.
Không chỉ thế, mặt khác, thông qua trải nghiệm, cá nhân kiến tạo nên thế giới của chính mình, hay như các nhà hiện sinh thường nói "hiện hữu có trước bản chất".
Chỉ thông qua việc sống và trải nghiệm, bao gồm cả trải nghiệm tri giác và trải nghiệm nội tâm, thì còn người mới dần dần hình thành nên cái danh tính và ý nghĩa của riêng mình trong cuộc đời. Một lời giải cho nghịch lý rằng cuộc sống vốn vô nghĩa từ trong bản chất.
Và có lẽ lời giải đó chỉ hợp lý, hay cá nhân chỉ cảm thấy cuộc đời này đáng sống, khi họ được tự do và tự chịu trách nhiệm xây dựng cái thế giới của mình. Được tự do tri giác, tự do suy nghĩ, tự do cảm nhận, và tự do hành động theo những gì họ đang tri giác, suy nghĩ và cảm nhận; tất nhiên phải chịu trách nhiệm với chúng.
Như một lẽ tất nhiên, không ai muốn bị người khác điều khiển khi đang sáng tạo nên cuộc đời đáng sống của riêng mình. Phán xét trải nghiệm của người khác có thể xem là một nỗ lực điều khiển cuộc đời của người khác.
Tóm lại, trải nghiệm (1) thông qua nó cá nhân biết mình đang tồn tại, (2) được kiến tạo bởi thế giới bên trong của một người, (3) tiếp tục kiến tạo cái thế giới tiếp theo của họ.
Vì vậy, phán xét trải nghiệm của người khác là (1) ngăn cản một người cảm thấy họ đang sống, (2) phán xét thế giới bên trong của người đó, (3) thao túng cuộc đời của người khác.

Trải nghiệm vs. "Trải nghiệm"

Phần trên có lẽ đã chứng minh ít nhiều tính kiến tạo của trải nghiệm: những thứ mà cá nhân mang đến khi đối mặt với đối tượng có ảnh hưởng lên cách mà họ trải nghiệm đối tượng.
Nói một cách dân dã thì: Những niềm tin, kiến thức, và kỳ vọng của một người góp phần vào việc anh ta trải nghiệm cái gì trong hiện tại. Phần này tiếp tục khai thác một khía cạnh khác của mệnh đề này.
Một người không nghe rap, khi nghe rap battle có lẽ không có trải nghiệm gì ngoài sự tiêu cực và tục tĩu. Nhưng cũng chính người đó, khi tìm hiểu một chút về rap sẽ ồ lên vì những punchlines và cách gieo vần thú vị. Và khi họ trở nên thích cái văn hoá hiphop có lẽ sẽ cảm thấy những thứ tục tĩu này rất thoả mãn vì được chống lại cái văn minh/xã hội luôn đè nén và đàn áp bản thân mình.
Hay, khi chưa có kinh nghiệm gì về nhạc cổ điển, xem clip này, tất cả những gì tôi thấy chỉ là một ông trung niên có bộ ria mép kỳ lạ, đang mặc vét và chơi violin. Nghe cũng thú vị đấy, nhưng cũng chả có cảm xúc gì mấy.

Sau khi có kinh nghiệm 2 năm... xem twosetviolin. Trải nghiệm của tôi hoàn toàn khác khi biết ông này đang chơi một trong những bản violin khó nhất mọi thời đại, bằng một phong cách hết sức điềm nhiên và bình thản. Một cảm giác rất kinh ngạc và nể phục, không chỉ vì tài năng mà còn là sự đam mê và thời gian để luyện tập đến mức thượng thừa như vậy. Đấy là tôi không biết chơi violin, đối với những người dành nhiều năm cuộc đời để luyện violin có lẽ trải nghiệm khi xem còn dữ dội hơn nữa.
Vì thế, tôi không phủ nhận là có những trải nghiệm "dữ dội" hơn những trải nghiệm khác. Và có lẽ, những trải nghiệm dữ dội nhất được gọi với cái tên "trải nghiệm đỉnh", được viết tắt là "trải nghiệm" (trải nghiệm trong ngoặc kép) trong bài này. Đây là cụm từ được Maslow giới thiệu năm 1964.
Để hiểu được cụm từ này cần truy về cụm từ "cảm giác đại dương" mà Sigmund Freud lần đầu tiên sử dụng năm 1927. Đây là một cái chạm tới sự vĩnh cửu, cảm giác hoà làm một với thế giới bên ngoài, trở thành một thể thống nhất, thả lỏng chìm sâu trong lòng đại dương của sự sống. Đó là một vết tích khi cá nhân ở trong bụng mẹ, không có bất kỳ ranh giới nào, kết nối trọn vẹn, thời gian không tồn tại, bình an và bình yên.
Trải nghiệm đỉnh này là một trải nghiệm mà con người luôn tìm kiếm, nó đủ sức mạnh để thay đổi trạng thái ý thức của con người. Đó là trải nghiệm tôn giáo, đó là khi đắm chìm trong một bản nhạc hay, sáng tạo nghệ thuật, chiêm ngưỡng sự vĩ đại của thiên nhiên, trầm tư mặc tưởng, hay khi làm tình, v.v.. Những lúc thế này, cái tôi của con người biến mất, hoà làm một với hoạt động và với thế giới. Một cảm giác thăng hoa.
Những trạng thái này không phải tự nhiên mà có. Muốn có "trải nghiệm", phải có tiền "trải nghiệm". Như, phải có kinh nghiệm sống đủ nhiều mới thấy thứ nhạc như nhạc Trịnh hay, phải bất mãn và bất lực với cuộc đời đủ nhiều mới thấy sự an ủi trong tranh của Van Gogh, và phải có đức tin đủ lớn mới có được những trải nghiệm tâm linh.
Những tiền "trải nghiệm" bản thân nó là những trải nghiệm "thô sơ" ban đầu. Khi làm một việc gì đó, sau mỗi lần, ta lại cảm thấy kết nối với hành động đó hơn, và bắt đầu mở rộng trường ý thức của mình về mọi khía cạnh nhỏ nhất của hành động, cải thiện và sáng tạo với chúng. Trải nghiệm trở nên chất lượng hơn sau mỗi lần thực hiện. Tất nhiên, cái đích "trải nghiệm" ở sau cùng là đáng mơ ước.
Nhưng điều đáng bàn là: liệu sau khi đạt được đến "trải nghiệm" rồi, thì những trải nghiệm cũ, những trải nghiệm từng đóng vai trò như những viên dạch dẫn đến "trải nghiệm" có bị hạ thấp giá trị?
Trải nghiệm của con người có tính kiến tạo, nhắc lại lần nữa. Nhưng nó không chỉ chịu ảnh hưởng bởi những kiến thức, kỳ vọng, và niềm tin của cá nhân trước và trong khi trải nghiệm. Nó còn chịu ảnh hưởng bởi những kiến thức, kỳ vọng, và niềm tin của cá nhân sau khi trải nghiệm.
Lấy ví dụ một cô gái yêu một chàng trai say đắm, những kỷ niệm của cô với người đó thật đẹp đẽ. Nhưng đến một ngày cô phát hiện rằng hắn vốn lừa dối cô từ bấy lâu nay. Giờ đây, khi nhớ lại những kỹ niệm cũ, cô không còn thấy đẹp nữa mà chỉ thấy kinh tởm. Trải nghiệm của cô ta đã bị những sự kiện sau đó làm thay đổi hoàn toàn.
Không có gì lạ, khi một người đạt đến mức độ trải nghiệm cao hơn trong một hoạt động, khi nhớ lại những trải nghiệm trước đây của mình, anh ta cảm thấy chúng thật thô thiển.
Ta reo mừng vui sướng vì một con điểm 10đ - thứ mà bây giờ, khi đi làm, ta cho là vô nghĩa. Ta sướng rên khi đi ăn bò né ba ngon ngoài vỉa hẻ lần đầu tiên, giờ thì ta đi ăn beefsteak sốt tiêu đen, được chế biến và trình bày theo kiểu pháp, trong nhà hàng sang trọng (à cũng không sang trọng lắm, tiền méo đâu mà...). Ta từng hùng hổ, hồ hởi khi khoe với mọi người những dự án mà ta tự hào, giờ đây chúng chỉ là những thất bại lớn. Ta nhớ lại và nghĩ là mình từng thật "con nít".
Nhưng có lẽ anh ta đã quên, cái trải nghiệm thô thiển đó, vào thời điểm trước đây vốn là cái tốt nhất và tinh tế nhất của anh ta rồi. Chúng có đáng bị hạ giá trị không, dù cho có thô thiển, dù cho có không hoàn hảo?
Theo tôi có lẽ là không. Tại sao lại không? Tôi cũng không biết nữa, nhưng có lẽ là nên vậy nếu ta yêu mình và yêu những trải nghiệm của mình.

Tôn trọng một người bao gồm tôn trọng trải nghiệm của người đó

Hai cái phần dài ngoằng bên trên cốt chỉ để nói cái điều nghe có vẻ như hiển nhiên này, nhưng không phải ai cũng ý thức được.
Với những luận điểm ở phần một, tôi muốn khẳng định là nếu tôn trọng một người thì hãy tôn trọng trải nghiệm của người đó. Áp đặt bất cứ điều gì lên trải nghiệm của người khác là đang bào mòn sự tồn tại của người đó - không hề nói quá chút nào, hãy tưởng tượng một người luôn bị những người xung quanh từ chối/cười cợt/khinh thường/sửa lưng những trải nghiệm chân thật nhất của bản thân, người đó chịu được bao lâu trước khi tự hỏi rằng 'mình có đang sống'?
Cũng trong phần một, tôi trình bày sự cần thiết của việc tự nắm trong tay quyền kiến tạo những trải nghiệm của bản thân, thay vì người khác.
Với luận điểm ở phần hai, tôi cho rằng việc đánh giá, can thiệp hay định hướng vào trải nghiệm của người khác còn có thể xem là một biểu hiện của sự coi thường. Rằng người này đã đạt được đến bậc chất hơn của trải nghiệm trong hoạt động, và người kia cần "được góp ý" để đạt cùng đẳng cấp.
Cũng trong phần hai, tôi trình bày rằng mỗi trải nghiệm, ở mỗi thời điểm, đều có giá trị tối đa ở thời điểm đó. Dù cho bất kỳ điều gì xảy ra, có lẽ cũng không nên hạ giá trị những trải nghiệm xưa cũ của mình.
Đó là khi tôn trọng một người, nếu không tôn trọng thì lại là trường hợp khác...
The Night Café, Vincent van Gogh (hình để hiện thumbnail)
----Surphi10, 01/11/2020
*Husserl có một thuật ngữ "ý thức", nhưng nó khác với chữ ý thức tôi sử dụng trong bài. Chữ ý thức được sử dụng trong bài giống với chữ ý thức của Freud (cũng là chữ ý thức được sử dụng ngày nay), có ý nghĩa tương đương với chữ "hiện tượng" của Husserl, là những gì con người trải nghiệm và nói về nó được.
P/s: Tiên đề của bài viết này là "bản chất con người vốn là tích cực và có tính xây dựng" - nêu rõ để tránh những cáo buộc về mặt đạo đức.
Các trích dẫn trong bài:
Bartlett, F. C. (1932). Remembering: A study in experimental and social psychology. Cambridge University Press.
Levin, D. T., & Simons, D. J. (1997). Failure to detect changes to attended objects in motion pictures. Psychonomic Bulletin & Review, 4(4), 501–506.
Mackay, D. G. (1973). Aspects of the theory of comprehension, memory and attention. The Quarterly Journal of Experimental Psychology, 25(1), 22–40.
Simons, D. & Chabris, C. (1999). Gorillas in Our Midst: Sustained Inattentional Blindness for Dynamic Events. Perception. 28. 1059-74. 10.1068/p2952.