Người trẻ kết hôn nhưng ngại đẻ con?
Hôm vừa rồi trong nhóm bạn chúng tôi nổ ra một cuộc tranh luận: người thì cho rằng không muốn có con, thậm chí muốn sống độc thân không...
Tại sao người trẻ ngại đẻ con?
Hôm vừa rồi trong nhóm bạn chúng tôi nổ ra một cuộc tranh luận: người thì cho rằng không muốn có con, thậm chí muốn sống độc thân không cần kết hôn luôn; người thì cho rằng kết hôn và có con là một điều tốt đẹp, hợp lẽ tự nhiên. Mặc dù chúng tôi đều là những người còn trẻ tuổi nhưng hai quan điểm này đã xuất hiện rất rõ. Là người thuộc phe ủng hộ kết hôn, sinh con, tôi rất tò mò muốn tìm hiểu quan điểm của những người không muốn có con là như thế nào. Tôi có ghi lại một vài quan điểm đó để có dịp suy ngẫm về nó.
Thực tế là có một số ít người trẻ không có hứng thú với chuyện yêu đương, sinh con. Họ thích một mình, nuôi thú cưng hơn là ở cùng người khác.Những người này rất đặc biệt: Họ có kinh tế khá, có vị trí công việc tốt, không quá mệt mỏi với áp lực công việc, cũng không hề FOMO với người khác (là hầu hết các lý do mà tôi sẽ phân tích ở dưới). Họ chỉ đơn giản là thích một mình, không có nhu cầu hay ham muốn có con, có bạn đời. Tôi tôn trọng ý kiến này nên bài viết này sẽ không hướng tới đối tượng đó. Tôi sẽ xét trên một nhóm đối tượng khác: những người “ngại” chuyện kết hôn, sinh con. Họ chỉ ngại, lo sợ, chưa muốn chứ không phải là “không muốn”. Nhưng nếu như việc “ngại” này diễn ra trong thời gian quá lâu, khi họ qua độ tuổi tốt nhất trong việc sinh con thì sẽ dẫn tới việc họ không còn muốn có con nữa. Điều này cũng giống với chuyện yêu đương: Những người ngại yêu đương, lâu dần họ không còn muốn có người yêu nữa, họ chấp nhận ở một mình tới hết đời. Điều này đang được coi là một vấn nạn của xã hội, cần được quan tâm và nhìn nhận sâu hơn. Một số lý do chính được nhắc tới khi trả lời câu hỏi “tại sao họ lại ngại đẻ con” là:
Lý do thứ 1: lo sợ hôn nhân không bền vững ảnh hưởng đến con cái
Chuyện tình cảm của hai người không phải lúc nào cũng êm đẹp. Thường thì khi mới yêu, mọi thứ đều tốt đẹp, màu hồng. Sau một thời gian thì có nhiều vấn đề xảy ra hơn và chúng ta bắt đầu nhìn thấy nhiều màu sắc của một mối quan hệ tình cảm hơn. Có khi suốt thời gian yêu đương của hai người không có chuyện gì nghiêm trọng, nhưng đến khi kết hôn rồi lại khác. Lúc đó không còn là chuyện riêng hai người nữa mà trở thành chuyện của hai gia đình. Vai trò, trách nhiệm đã khác. Rồi khi có con, vai trò trách nhiệm của hai người lại khác nhiều hơn nữa. Điều đó dẫn tới rất nhiều áp lực như:
Các yếu tố bên ngoài:
Áp lực tài chính và thời gian: áp lực phải kiếm nhiều tiền hơn để chu cấp cho gia đình, con cái. Khi đặt mục tiêu kiếm nhiều tiền hơn thì đồng nghĩa với việc chúng ta phải dành nhiều thời gian cho công việc hơn (làm thêm giờ, làm ngoài giờ), hay làm những công việc khó hơn, trách nhiệm trong công việc cao hơn. Chúng ta phải dành thời gian cho các mối quan hệ khác có liên quan tới công việc như khách hàng, bạn bè, đối tác… nên phải giảm bớt thời gian cho bản thân, cho vợ/chồng, gia đình, con cái. Chính áp lực này tạo ra một sự căng thẳng luôn đè lên vai chúng ta, khiến chúng ta không còn tâm trí cho việc yêu đương, tình cảm, khiến chất lượng mối quan hệ vợ chồng dễ bị giảm sút.
Tâm lý so sánh: dưới tác động của internet và mạng xã hội, chúng ta dễ dàng tiếp cận thông tin hơn. Đặc biệt là các thông tin từ các nguồn này lại mang tính khoe khoang và thiếu sự kiểm chứng. Chúng dẫn tới tâm lý so sánh, đố kỵ và khiến chúng ta thường cảm thấy không được hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống hiện tại. Thêm vào đó các thông tin về cuộc sống tự do, cổ vũ ly hôn nếu hôn nhân không hạnh phúc cũng nhiều hơn so với trước. Điều này thực ra không phải là xấu, bởi vì đúng là nếu bạn có một cuộc sống hôn nhân tồi tệ thì nên rời bỏ. Tuy nhiên càng tiếp cận nhiều thông tin mà không biết sàng lọc, không biết phân biệt và thiếu kỹ năng giải quyết xung đột thì lại khiến chúng ta dễ hành xử sai.
Các yếu tố bên trong tác động tới đời sống tình cảm như:
- Ở bên nhau lâu ngày khiến chúng ta trở nên quen thuộc hơn, không có cảm giác nhớ nhung, xa cách khiến cảm xúc cũng bị nhạt dần. Hàng ngày thấy rõ những thói hư tật xấu của nhau cũng dễ khiến người ta chán nhau hơn.
- Bản thân chúng ta cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng với những áp lực từ đủ phía. Điều đó cũng khiến giảm bớt cảm xúc trong tình yêu.
- Tuổi tác tăng lên dẫn tới những thay đổi về tâm sinh lý khiến chúng ta có những cảm nhận khác về tình yêu, cảm xúc. Có thể ta sẽ thấy bớt vồ vập, bớt ham muốn, mọi thứ chậm lại và giảm sức hút.
- Không có mục tiêu gắn bó trong tình yêu: dễ yêu dễ bỏ, đề cao vật chất và vẻ bề ngoài hơn. Đó là những thứ dễ thay đổi nên nếu dùng nó làm mục tiêu thì chúng ta cũng dễ thay đổi hơn, dễ chán và bỏ hơn.
Đó là chưa kể việc có con càng khiến cuộc sống bị đảo lộn, mất cân bằng, làm tăng thêm các áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong: Áp lực tài chính lớn hơn, thời gian phải phân bổ cho cả con cái nên bị giảm sút (thường là giảm thời gian chăm sóc bản thân chứ không phải giảm thời gian làm việc), tâm lý luôn ở trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, dễ cáu gắt nên tăng mâu thuẫn.
Tóm lại, đây là một nỗi lo chính đáng vì trong cuộc sống hiện đại càng ngày càng có nhiều áp lực. Chúng ta khó có thể đứng ngoài guồng quay này được, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Khi chúng ta chưa làm tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề này như quản lý thời gian, giải quyết mâu thuẫn, khi chúng ta chưa có nền tảng tài chính tốt thì chưa nên có con cũng là một quyết định hợp lý. Câu hỏi đặt ra là làm sao để chúng ta học được những kỹ năng trên từ sớm, trước khi phải lo nghĩ về chuyện kết hôn, có con? làm sao để xác định được thời điểm khi nào có con thì tốt? liệu nỗi lo sợ một thứ luôn luôn tồn tại nhưng không biết khi nào nó tới - thứ ngoài tầm kiểm soát của mỗi người có phải là một điều đáng quan tâm?
Lý do thứ 2: lo sợ vấn đề kinh tế không nuôi được con như kỳ vọng, sợ con khổ
Lý do này thuần về kinh tế bởi áp lực tài chính trong việc nuôi và dạy con không hề nhỏ, đặc biệt ở trong các thành phố lớn, trong nhóm người có học thức cao và khả năng tài chính tốt. Chúng ta có thể dễ dàng thu thập được thông tin về:
- Chi phí khám thai tại các bệnh viện.
- Chi phí sinh con.
- Biểu phí các dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc bà bầu, bà mẹ sau sinh.
- Chi phí tiền thuốc, khám chữa bệnh, tiêm phòng… của trẻ nhỏ tại các phòng khám nhi, các cơ sở tiêm phòng vacxin.
- Chi phí học & học thêm ở các cấp: mầm non, tiểu học, trung học…
- Chi phí bỉm, sữa, đồ cho trẻ sơ sinh, trẻ em tại các cửa hàng, tạp hóa, siêu thị chuyên bán đồ cho trẻ em.
Tổng hợp tất cả các khoản chi phí này chúng ta sẽ có một bức tranh khá rõ ràng về số tiền để thai nghén & nuôi dạy cho một đứa trẻ kể từ khi nó còn trong trứng nước cho tới khi 18 tuổi (nhớ nhân thêm với tỷ lệ lạm phát hàng năm nhé). Với mức chi tiêu ở các thành phố lớn, chúng ta sẽ không khỏi giật mình về số tiền này. Nhìn rộng hơn một chút, ta lại thấy xung quanh ai ai cũng chi tiêu ở mức này, thậm chí nhiều hơn. Họ khám thai hiện đại hơn (gấp 2-3 lần chi phí khám thai bình thường), họ chọn gói dịch vụ sinh đẻ chất lượng cao (gấp vài chục cho tới vài trăm lần chi phí sinh đẻ bình thường), họ cho con cái học thêm nhiều thứ hơn (ngoại ngữ, các kỹ năng sống, các môn thể thao hay nghệ thuật…), họ chạy đua chọn trường, chọn giáo viên cho con… Rất, rất nhiều thứ liên quan tới tiền và thật nhiều tiền. So với mức thu nhập của một nhân viên văn phòng bình thường (chỉ trông chờ vào tiền lương mà không có thêm thu nhập nào khác) thì nó khiến họ bị ngộp thở: có người chi tới 60-70% thu nhập cho việc nuôi và đi học của con cái. Điều đó dẫn tới họ chẳng còn khoản tiền nào để cho các nhu cầu bản thân, các khoản chi tiêu thỉnh thoảng phát sinh trong gia đình, hay trong các mối quan hệ xã hội. Họ thường xuyên rơi vào cảnh “bí tiền”, phải vay mượn để chi tiêu, giật gấu vá vai nên luôn bị mắc kẹt trong vòng lặp này.
Một điều nữa là suy nghĩ “luôn dành thứ tốt nhất cho con”. Điều này khiến chúng ta sẵn sàng chi mạnh tay hơn, nhiều tiền hơn trong các quyết định liên quan tới con cái: dịch vụ y tế đắt hơn, món ăn ngon hơn, quần áo tốt hơn, đồ chơi xịn hơn, học phí nhiều hơn… nên khiến những người trẻ tuổi, công việc và thu nhập chưa tốt cảm thấy đó là một áp lực lớn. Họ lo sợ không đáp ứng được điều “tốt nhất” cho con cái nên chưa dám có con.
Lý do thứ 3: lo sợ không có thời gian cho con cái
Điều này thường gặp với những người còn đang bận rộn với công việc và chăm lo cho sự nghiệp. Thời gian chính họ dành cho công việc và rất khó để thay đổi quỹ thời gian này. Việc họ đặt mục tiêu cao trong công việc thường gắn với mục tiêu tài chính ổn định hơn trong tương lai, trong đó cũng là để có tài chính cho con cái. Tuy nhiên vấn đề xảy ra là càng bận rộn với công việc, người ta càng khó thoát ra khỏi trạng thái này kể cả khi có nền tảng tài chính tốt.
Quỹ thời gian dành cho con cái cũng tùy theo khả năng đáp ứng và mong muốn của mỗi người nên không có quy ước chung. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu khi đứa bé mới ra đời thì cần dành nhiều thời gian hơn. Ví dụ như phụ nữ phải nghỉ thai sản từ 4-6 tháng kể từ khi sinh nở, vừa để hồi phục sức khỏe, vừa để có thời gian chăm sóc con khi nhỏ. Không riêng người vợ, người chồng (chưa kể cả 2 bên gia đình) cũng phải giúp sức. Do đó nếu điều kiện gia đình hạn chế về nhân lực và vật chất thì áp lực thời gian cho con cái thường rất nặng nề.
Thực tế rất nhiều người trẻ lo sợ việc nghỉ thai sản sẽ đồng nghĩa với mất việc làm do thời gian nghỉ quá lâu, công việc có người khác thay thế. Bởi hiện nay lao động trong các công ty tư nhân là chủ yếu, môi trường làm việc cạnh tranh cao, đòi hỏi phải sát sao với công việc liên tục nên rất khó để có quỹ thời gian nghỉ dài lên tới vài tháng. Do đó lý do “lo sợ không có thời gian cho con cái” còn ẩn chứa lo sợ bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập.
Lý do thứ 4: lo sợ mất tự do, không có không gian và thời gian cho bản thân
Việc nuôi dưỡng con nhỏ đòi hỏi sự chăm sóc liên tục, hàng ngày. Nếu có ông bà chăm sóc cũng chỉ có thể trong một thời gian ngắn, mang tính hỗ trợ chứ khó để thay thế được vai trò của cha mẹ. Điều này đặt ra một nỗi lo là không còn sự tự do vì lúc nào cũng phải quanh quẩn với con cái trong các hoạt động ăn ngủ, vui chơi, học hành… Việc đó chiếm gần hết thời gian và tâm trí còn lại ngoài giờ làm việc của họ, dẫn tới việc họ không có thời gian cho bản thân nữa. Các hoạt động cá nhân trước đây rất bình thường như uống cà phê, đi xem phim thì sau khi có con trở nên rất khó khăn. Giai đoạn khó khăn này thường kéo dài từ 3-5 năm tùy theo từng điều kiện gia đình.
Trong khi đó, nhu cầu hưởng thụ, tự do phát triển bản thân của người trẻ tuổi là rất cao. Điều này không chỉ xuất phát từ bản thân họ mà còn do bạn bè, do hình ảnh, tin tức trên internet tác động, lôi kéo, kích thích. Chính vì vậy quyết định “muốn có con” đòi hỏi họ phải đánh đổi rất nhiều thứ, chấp nhận thay đổi trong một thời gian tương đối dài, từ 3-5 năm với trường hợp có 1 con, và từ 5-8 năm với trường hợp có 2 con (trung bình mỗi con cách nhau 2 tuổi). Việc này khiến rất nhiều bạn trẻ không chấp nhận được, dẫn tới tâm lý ngại đẻ con.
Một vài góc nhìn cá nhân
Ý nghĩa của việc có con cái
Sau khi xem xét 4 lý do trên, tôi tự đặt ra cho mình một câu hỏi: “Ý nghĩa của việc có con cái là gì? Điều đó có thật sự quan trọng, bắt buộc phải làm không?”. Có nhiều góc nhìn khác nhau về điều này, có thể kể đến như:
- Con cái là kết quả của tình yêu, là sợi dây kết nối tình cảm vợ chồng. Khi tình cảm lứa đôi chín muồi thì họ kết hôn. Khi tình cảm vợ chồng chín muồi thì họ sinh con. Đây là điều hợp lẽ tự nhiên (và rất tự nhiên, không cần gượng ép). Họ muốn có con đơn giản chỉ vì tình cảm đã đủ độ chín. Giống với quy luật triết học “tích lũy đủ về lượng thì sẽ thay đổi về chất”.
- Con cái là bảo hiểm khi về già của cha mẹ (phụng dưỡng báo hiếu cha mẹ). Quan niệm này vẫn còn rất phổ biến trong xã hội. Nguyên nhân theo tôi có lẽ là do trước đây xã hội chưa có các chính sách “an sinh xã hội”, “bảo hiểm xã hội” nên bản thân mỗi người, mỗi gia đình phải tự lo. Cách tốt nhất để có người chăm sóc khi già yếu chính là “sinh ra và nuôi dưỡng” một người để họ làm điều đó cho mình.
- Con cái là người nối dõi tông đường, thừa kế tài sản, thờ cúng tổ tiên. Đây là nét đặc trưng trong văn hóa, phong tục tập quán nên nó có một vai trò hết sức quan trọng trong tâm lý mỗi người. Áp lực “phải có con” thường bị tác động bởi nguyên nhân này, đặc biệt là “phải có con trai”. Sự công nhận về quyền thừa kế không chỉ có trong bản thân gia đình, mà còn đến từ trách nhiệm của 1 cá nhân đối với dòng họ. Người ta có thể nhận con nuôi để rồi cho người con thừa kế tài sản, nhưng việc thờ cúng tổ tiên lại phải chuyển sang cho người khác vì dòng họ không công nhận người con nuôi này. Điều đó đủ cho thấy sức ép rất lớn trong việc “phải có con” đến từ phong tục tập quán của làng xã, họ tộc.
- Con cái giúp cha mẹ phát triển tình yêu thương, trách nhiệm hơn. Việc sinh ra một con người, nuôi dưỡng và dạy dỗ một con người là điều hết sức thiêng liêng. Rất nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng làm mọi thứ vì con cái, dành hết những thứ tốt nhất cho con chỉ với suy nghĩ “không để con phải khổ”. Tất nhiên không phải bậc cha mẹ nào cũng làm tốt vai trò của mình, cũng phát triển tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm. Nhưng đó chỉ là thiểu số, bởi “tình mẫu tử, phụ tử” vốn là thứ tự nhiên, hết sức bản năng mà không cần phải được dạy bảo.
Theo tôi, điều quan trọng nhất chính là việc có con giúp chúng ta phát triển tình yêu thương và trở thành người có trách nhiệm hơn. Có câu “Có con mới hiểu lòng cha mẹ”. Khi có con, chúng ta thấy được sự vất vả trong việc nuôi dạy đứa con của mình thì đồng thời cũng hiểu được những vất vả của cha mẹ đã nuôi dạy ta như thế nào. Điều đó tạo ra một thứ “thấu hiểu” mà không cần phải nói ra. Sự thấu hiểu này sẽ giúp các thế hệ gần nhau hơn, hòa thuận hơn và làm thúc đẩy lòng “hiếu thảo” một cách tự nguyện. Đó là 2 yếu tố quan trọng để cấu thành nên hạnh phúc:
- Sự cho đi một cách tự nguyện: tiền bạc, thời gian, sự quan tâm, yêu thương, lo lắng… đối với đứa con của mình mà không đòi hỏi gì. Khi làm được điều này thì chúng ta sẽ dễ cảm nhận được hạnh phúc trong tình yêu.
- Sự đền đáp một cách tự nguyện: hiếu thảo hơn với cha mẹ, phụng dưỡng họ khi về già như vừa là sự đền đáp, vừa là sự cho đi của tình yêu.
Tuy nhiên do mỗi người có một góc nhìn khác nhau, một mục tiêu khác nhau nên khó giữ được sự thuần túy trong 2 yếu tố trên. Sự cho đi thường đòi hỏi đền đáp: con phải ngoan, con phải đạt điểm cao, con phải làm cha mẹ nở mày nở mặt, con phải báo hiếu cha mẹ khi cha mẹ già yếu. Chính vì sự đòi hỏi đền đáp này mà chúng ta cảm thấy việc nuôi con trở thành một khoản đầu tư, một khoản bảo hiểm hơn là một thiên chức: được làm cha mẹ. Do vậy, để phá bỏ tâm lý “ngại sinh con”, chúng ta cần những giải pháp mang tính tổng thể. Những điều này cần được tìm hiểu, học tập, rèn luyện từ sớm chứ không phải trong thời gian ngắn có thể làm được. Bản thân tôi xin được đưa ra một số giải pháp như sau:
Giải quyết lý do thứ 1
Trong lý do này, chìa khóa chính là kỹ năng giao tiếp, giải quyết xung đột: hai người biết cách nói chuyện cởi mở với nhau: được nói, được đối phương lắng nghe, cùng nhau tìm giải pháp. Nói về kỹ năng này thì tác giả Limitless có rất nhiều bài viết hay, có chiều sâu để bạn tìm đọc như:
Giao tiếp tốt giữa vợ - chồng giúp hai người hòa thuận hơn. Trong đời sống vợ chồng thì gần như luôn luôn có xung đột. Người ta hơn nhau chỉ ở chỗ giao tiếp được với nhau, biết cách bày tỏ cho đối phương biết vấn đề đang gặp phải là gì, và họ cùng nhau giải quyết được xung đột ấy. Chẳng có gia đình nào mà vợ chồng không có xung đột. Một số lời dạy của các cụ vẫn lưu truyền lại như:
"Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê" "Xấu chàng hổ ai"
Mục đích của những lời dạy này không nên nghĩ theo hướng “trọng nam khinh nữ”, mà ở đây hai chữ “vợ-chồng”, “chàng-nàng” có thể đổi chỗ cho nhau tùy hoàn cảnh gia đình. Một người giận thì người kia bớt lời, dịu lại. Người đầu gối tay ấp với mình mà bị nói xấu thì chính mình cũng gián tiếp xấu theo. Vậy nên cách thức giao tiếp là cần tôn trọng nhau, nhường nhịn nhau, đặt mình vào vị trí đối phương để hiểu cho nhau. Nhường nhịn lúc đang nóng giận, còn sau đó khi bình tâm lại vẫn cần tìm cách nói chuyện để giải quyết vấn đề. Quan trọng là vấn đề được giải quyết chứ không phải phân định đúng-sai trong chuyện tình cảm. Có như thế quan hệ giữa hai người mới bền vững.
Yếu tố quan trọng tiếp theo là Phân công công việc rõ ràng: đó là sự thỏa thuận giữa hai người về các công việc chung trong gia đình, họ hàng. Chính vì sự mập mờ trong việc này gây nên những mâu thuẫn không đáng có. Sự đùn đẩy trách nhiệm, không làm tròn trách nhiệm, ỷ lại dễ dẫn tới tâm lý chán nản ở một phía. Việc phân chia công việc cũng giúp cân bằng quỹ thời gian của hai người hơn, giúp có thời gian và không gian riêng cho mỗi người.
Tiếp theo là Phân chia tài chính rõ ràng: có phương pháp quản lý tài chính để minh bạch, đầy đủ về các vấn đề thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm trong gia đình, tiền chung-tiền riêng. Điều này giúp cả hai nhìn nhận đúng vấn đề tài chính, đánh giá đúng các áp lực tài chính hơn. Khi đó việc tìm giải pháp cho vấn đề này sẽ dễ hơn (không ỷ lại vào việc giao hết tiền cho 1 người chi tiêu. Không theo dõi, quan tâm chi tiêu hàng ngày sẽ không rõ tại sao hết tiền nhanh. Lúc đó lại cho rằng người kia không biết quản lý, chi tiêu hoang phí sẽ làm gia tăng mâu thuẫn vợ chồng).
Cuối cùng là kêu gọi sự hỗ trợ từ gia đình: cha mẹ 2 bên nội ngoại. Việc này giúp giảm đáng kể áp lực tiền bạc (sinh hoạt chung, thuê người giúp việc, trông con…), cân bằng quỹ thời gian và tạo sự an tâm khi giao con cho người khác chăm sóc. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện này, hoặc bù lại họ phải giải quyết được mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng của 2 vợ chồng cũng như kỹ năng giao tiếp của con cái với cha mẹ: cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau và chấp nhận bỏ qua một số vấn đề (mà không thương lượng được) để có thể gần gũi nhau hơn. Càng xa lánh bố mẹ vợ/chồng, áp lực càng đè lên vai hai vợ chồng mà thôi.
Giải quyết lý do thứ 2
Có 2 ý quan trọng ở đây là:
- Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, tài chính trong gia đình.
- Chi tiêu hợp lý cho con cái.
Việc quản lý tài chính mỗi người sẽ giúp bản thân họ có mục tiêu rõ ràng trong việc kiếm tiền, chi tiêu và tiết kiệm. Ý này tôi đã nhắc tới nhiều ở bên trên rồi nên cũng không muốn phân tích nhiều thêm nữa. Mấu chốt là hai vợ chồng đều phải làm điều này, có chung một mindset về quản lý tiền bạc, về tiền chung-tiền riêng để tránh những mâu thuẫn về tiền bạc.
Việc chi tiêu hợp lý cho con cái rất quan trọng: Cần xác định tỷ lệ tiền chi cho con cái chiếm bao nhiêu % trong tổng chi tiêu trong gia đình. Xác định được những khoản chi nào là thiết yếu hay lãng phí cho con cái. Thường xuyên tham khảo ý kiến những người đã có con cái và chịu khó lắng nghe họ. Bởi vì tâm lý “lần đầu làm cha mẹ” thường bỡ ngỡ và chưa có kinh nghiệm, dễ bị cảm xúc chi phối mà có những khoản chi tiêu lãng phí hơn. Bản thân đứa trẻ sẽ không phân biệt được đồ tốt-kém, cũng ít đòi hỏi các đồ xa sỉ đắt tiền bởi chúng chưa ý thức được giá trị của những thứ đó. Hãy chịu khó chơi cùng con và tham khảo phương pháp dạy trẻ của các giáo viên mầm non. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc nắm bắt tâm lý, nhu cầu của trẻ hơn chúng ta rất nhiều.
Giải quyết lý do thứ 3
Điểm mấu chốt trong lý do này là vấn đề “việc làm”. Bởi vì chúng ta bị phụ thuộc vào một công việc, một nguồn thu nhập nên bị nó hút hết thời gian, tâm trí và cả sự tự do. Do đó việc nhận thức được tầm quan trọng của việc “đa dạng nguồn thu nhập” sẽ giúp chúng ta giảm áp lực này (đây cũng là một trong những nội dung của quản lý tài chính cá nhân).
Thứ hai là chúng ta cần có sự chuẩn bị sớm về kiến thức và tiền dự phòng. Kiến thức, kỹ năng làm việc càng nhiều, càng giỏi sẽ giúp chúng ta có chỗ đứng trong công việc, khó bị thay thế hơn, hoặc dễ dàng thay đổi công việc hơn. Tiền dự phòng cũng là thứ giúp chúng ta yên tâm hơn, giảm bớt áp lực tài chính, áp lực không có việc làm trong giai đoạn vất vả nhất của việc sinh con.
Tuy nhiên để có đủ kiến thức, kỹ năng, tạo ra nguồn thu nhập phụ, thu nhập thụ động đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị và tích lũy trong một thời gian dài. Trong khi đó lúc còn đang là sinh viên hoặc mới đi làm chúng ta rất khó có được điều này. Do đó càng chuẩn bị sớm bao nhiêu, chúng ta càng sớm có được bấy nhiêu. Bạn có thể quản lý thời gian tốt hơn: phân bổ thời gian cho việc học thêm kiến thức mới, thời gian làm thêm để tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc, tạo dựng các mối quan hệ khi còn trẻ… Bởi vì thời gian mỗi người là có hạn, nếu chúng ta không dùng tốt thời gian ở hiện tại thì sẽ phải trả giá bằng thời gian trong tương lai, chính là thời gian ở bên con cái của chúng ta.
Giải quyết lý do thứ 4
Tôi cho rằng ai cũng có thể có thời gian cho bản thân trong bất kỳ lúc nào, miễn là họ có kỹ năng quản lý thời gian tốt. Do đó khi giải quyết lý do thứ 3 thì bạn cũng sẽ có câu trả lời cho lý do thứ 4. Bao nhiêu thời gian cho công việc là đủ? bạn có thể rút ngắn thời gian cho công việc dựa vào phát triển các kỹ năng làm việc, mua & học cách sử dụng thêm các công cụ để làm nhanh và hiệu quả hơn. Bao nhiêu thời gian cho bản thân là đủ? hãy theo dõi thời gian bạn sử dụng hàng ngày vào những việc gì, trong đó bao nhiêu thời gian thực sự cho bản thân? Những khoảng thời gian nào là lãng phí? Tôi tin là nếu chịu khó theo dõi bằng cách ghi chép lại, bạn sẽ nhận ra quỹ thời gian của mình đang sử dụng sai mục đích rất nhiều. Hãy tìm ra những điểm đó để sửa đổi, làm những thứ có ích hơn, để từ đó bạn sẽ có được các khoảng thời gian riêng tư của mình.
Một điều quan trọng nữa là khi có con, bạn sẽ trưởng thành hơn. Cái giá của trưởng thành là bạn không còn là trẻ con nữa. Bạn sẽ không có thời gian làm những thứ mà trẻ con thường làm, ngược lại bạn sẽ được làm những thứ mà trẻ con không thể (không được) làm. Bạn sống với tư cách một người có trái tim rộng mở hơn, bạn có tinh thần trách nhiệm cao hơn, bạn đã là “bố/mẹ trẻ con” rồi, bạn được hưởng niềm vui của việc làm cha mẹ mà người khác không có được. Đó là sự trưởng thành mà thôi. Quan trọng là khi nào bạn mới chịu trưởng thành hơn? Câu trả lời là của chính bản thân mỗi người mà thôi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất