Dịch từ bài gốc của Michael Stanleyis trên Aeon
Ảnh minh họa trong bài đều là tác phẩm của Louise Weinberg
---
“Một cảnh tượng kỳ lạ hết sức,” Louise ra nhận xét khi nhìn vào bức ảnh, trong một phiên trị liệu gần đây giữa chúng tôi.
“Bác nhìn ra cái gì đang xảy ra không?” Tôi hỏi.
Bà ấy nheo mắt và dò tìm trên bức hình. “Bên trái có một người đàn ông nhỏ con. Ông ấy nhìn vào một cánh cửa sổ ngay giữa phòng.”
“Bác có để ý thấy gì khác lạ không?”
“Tôi không biết nữa, bác sĩ Stanley ạ. Hẳn là có gì đó, nếu không bác sĩ đã không hỏi như vậy.”
“David, bác nhìn thấy gì?” Tôi hỏi chồng Louise.
“Một chiếc Volkswagen Beetle treo trên trần nhà, và một cậu bé từ trong nhìn ra kính trước. Một căn phòng đảo ngược.”
“Em cũng đoán vậy,” Louise nói. Giọng bà ngang và mặt bà đơ cứng vì thất vọng.
Connect/Disconnect #4 (2012)
Connect/Disconnect #4 (2012)
Sau khi về hưu không còn làm công tác xã hội, suốt hai thập kỷ qua, Louise đã theo đuổi nghề nghiệp thứ hai trong vai trò một nghệ sĩ kiêm giảng viên nghệ thuật. Trong quãng thời gian này, bà cũng trải qua một dạng khác thường của hội chứng Parkinson, hội chứng thuộc hệ thần kinh trung ương gây ra sự cứng cơ, chuyển động cơ thể chậm chạp và đi lại khó khăn. Tôi được giới thiệu gặp Louise hồi 2020. Tôi đang được đào tạo trở thành một nhà thần kinh học, và chuyên gia về rối loạn chuyển động giới thiệu bà ấy tới chỗ tôi, vì biết tôi thích nghệ thuật và bộ não. Với hy vọng là tôi có ưu thế hơn trong việc tìm ra cách bệnh của Louise tác động tới mỹ cảm của bà.
Hội chứng Parkinson không chỉ ảnh hưởng việc di chuyển của Louise mà thôi. Mấy năm qua, bà còn bị mất trí, một tình trạng suy giảm nhận thức ngày càng trầm trọng ảnh hưởng tới tư duy, tâm trạng và cả hành vi. Dù ngôn ngữ và, ở chừng mực nào đó, ký ức của bà vẫn còn mạnh, vài năm vừa qua Louise chủ yếu đánh vật với sự suy giảm nhận thức về không gian và thị giác, cũng như các chức năng điều hành như tự kiểm soát và giải quyết vấn đề. Bà vẫn nhận dạng được những hình dáng cơ bản, hình dáng động vật, những biển chỉ đường hiếm mà tôi đưa xem thử, và thậm chí còn nhìn ra được một bức Mona Lisa âm bản. Tuy nhiên, dăm ba nét xóa đi khỏi một con chữ khiến bà không thể đọc được nó. Một bức vẽ bàn tay có hình xoắn ốc đặt lên trên trở thành chú sên. Khả năng nhìn của bà không còn xuyên thủng nổi những chi tiết lộn xộn bên ngoài để tiến vào hình dạng có trật tự bên dưới.
Tôi càng lúc càng tò mò về mối quan hệ giữa các suy giảm nhận thức ngày càng trầm trọng của Louise và ý chí sáng tác dường như chẳng bao giờ vơi cạn trong bà. Friedrich Nietzsche viết, nghệ thuật chỉn chu là một thứ “khiêu vũ trong xích xiềng” - rằng những hạn định và hạn chế (thường do tự thân người sáng tạo đề ra) dẫn tới những cách ứng phó và triển khai làm nảy sinh sáng tạo. Quan sát bộ não và tác phẩm của Louise thay đổi theo thời gian, tôi hy vọng có thể chỉ ra vai trò của chúng đối với nhau.
Câu chuyện nghệ thuật của Louise bắt đầu hơn 20 năm về trước, khi bà đang tuổi ngoài 45. Bà mua một quyển sách bán thanh lý ở Boston, Đi vào Não bên phải (1979) của Betty Edwards. Dù Louise chưa từng cầm cọ vẽ, “sét đã đánh”, theo cách diễn tả của bà, và bà biết mình sắp sửa trở thành nghệ sĩ.
Một bài tập đầu quyển sách mời gọi người đọc thử chép lại bức chân dung Igor Stravinsky của Picasso, nhưng đảo ngược. Trái với suy nghĩ thông thường, cách đảo này khiến việc vẽ dễ dàng hơn. Vẽ một nhân vật nổi tiếng nhưng theo một góc hiếm thấy khiến các hệ thống tập trung của não phải chú tâm vào các hình dáng và đường nét bên ngoài của bức tranh - hơn là chính bức tranh, nhân vật được khắc họa, các chi tiết của nó, vốn là bận tâm thuộc về cầu não trái. Điều này từa tựa châm ngôn trường nghệ thuật, bảo ta hãy vẽ cái gì mình nhìn thấy, không phải những gì ta nghĩ mình nên thấy. Kể cả như vậy, cả hai quá trình đều khó tách riêng ra, bởi các kỳ vọng từ trên xuống của bộ não ảnh hưởng tới những kích thích xuất hiện từ dưới lên thuộc về môi trường xung quanh.
Louise làm thử bài tập này, và bà thấy ngạc nhiên vì tác phẩm của mình giống hệt Stravinsky. Niềm ham thích sao chép bức chân dung do Picasso vẽ không chỉ đến từ sự tái tạo, mà ở chính quá trình tái tạo ra nó. Hầu hết chúng ta thưởng thức niềm hoan lạc do nghệ thuật mang lại chỉ từ việc thưởng lãm; tâm trí chúng ta bày ra cảnh tượng trước, gắn nó với quá khứ đã qua, và tập trung vào tâm trạng trong khoảnh khắc đó. Hai người có thể cùng khóc trước một bức tranh của Rothko, một người từ niềm sung sướng và người kia từ sự hoang mang, hồ nghi. Louise cảm thấy sung sướng mỗi khi bà thực hiện cuộc chuyển hóa ấy trong tư cách một nghệ sĩ, sản sinh ra một bức tranh gom góp các xung thị giác của người xem đúng theo phản ứng mình mong đợi. Bà sắp sửa trở thành một người sáng tạo, chẳng còn chỉ là kẻ quan sát. 
Intersection (2010)
Intersection (2010)
Chẳng bao lâu, ham muốn biểu đạt của Louise đưa đẩy bà tới tranh trừu tượng. Màu dầu thú vị vì thứ mỹ cảm và cảm giác bề mặt nó mang đến. Bà sử dụng những gam màu chắc nịch trên toan cỡ lớn, cố tìm ra mối quan hệ nằm giữa cái không gian nơi người xem có thể bắt đầu mơ hồ dự phóng ra một bóng dáng (một góc đường, một chiếc bàn) và … liệu bóng dáng ấy có thật hay không? Trong đôi mắt kẻ quan sát không chỉ có mỗi cái đẹp. Người nghệ sĩ mách bảo chúng ta nên nhìn vào đâu, kiểm soát những cái chúng ta nhìn thấy, thế nhưng cái mà ta nhìn thấy được lại là một diễn trình cảm thụ xảy ra trong bộ não của chúng ta, chứ chẳng phải trên toan vẽ.
Cuối cùng, Louise cũng đăng ký theo học tại một viện mỹ thuật ở New England. Thoạt tiên có thể vẽ cả ngày mà chỉ cần nghỉ một lượt để vệ sinh cá nhân hay ăn bậy gì đó, nhưng hết năm đầu theo trường lớp hẳn hòi, bà bắt đầu ngồi nghỉ tay lâu hơn. Rồi đến một ngày bà không thể vẽ liên tục dù chỉ trong một giờ đồng hồ mà không nghỉ ngơi. Nhìn lại thành quả lao động trong một ngày, những nét cọ chớp nhoáng ngày trước nay đã rắn nét và mảnh mai hơn. Cái cảm giác chậm rãi mới mẻ này khiến việc vẽ của bà chậm lại đúng nghĩa. Để ứng phó với hoàn cảnh mới, Louise chuyển từ các bức trừu tượng cỡ lớn gồm những vòm cong bao quát mà chọn một cách thể hiện siêu-thực tế, tận dụng những nhát cọ nhỏ tối đa. Chùm tác phẩm này có tên gọi Tách rời, như một lời tiên tri.
Coming Apart/ Tách rời (2003)
Coming Apart/ Tách rời (2003)
Vẽ tranh chẳng hề là phần đời duy nhất của bà đang chịu ảnh hưởng. Bà càng lúc càng kém kiểm soát tay chân, đứng chẳng vững dù đang trên đất bằng phẳng. Đôi lúc bà cảm thấy chết dí trên nền nhà. Sau khi tìm tới một nhà thần kinh học, bà được chẩn đoán mắc một dạng của hội chứng Parkinson. Parkinsonism là một khái niệm bao hàm, một triệu chứng có nhiều đặc điểm khác nhau, nhưng nguyên nhân gây ra nó có thể từ thuốc men, truyền nhiễm, đột quỵ và các trường hợp thoái hóa, trong đó có dạng bệnh Parkinson mà chúng ta vốn quen thuộc. Tất cả các dạng của hội chứng Parkinson xảy ra khi thiếu hoặc nghẽn truyền dẫn chất dopamine bên trong hạch nền của não - phần giúp ngăn chặn chuyển động của cơ thể hoặc giúp chúng ta khởi động chúng mỗi khi vội vã. Dopamine cũng điều hòa nhiều mạng thần kinh khác nhau ở vùng hạch nền và xa hơn - những mạng thần kinh giúp chuyển động dễ dàng, nhưng đồng thời ảnh hưởng tới tâm trạng và tín hiệu nhận thưởng nữa. Thừa dopamine gây ra chuyển động thừa và không chủ đích (dyskinesia) cũng như các hành vi nghiện chất, cưỡng bách, thậm chí cả loạn thần. Thiếu dopamine dẫn tới không chỉ tình trạng đơ cứng của cơ thể mà còn đơ cứng suy nghĩ, mất cảm giác và trầm cảm.
Standing Room Only (2010)
Standing Room Only (2010)
Từ lúc Louise bắt đầu uống bổ sung dopamine tên gọi carbidopa-levodopa (Sinemet), bà đã có lại được sự linh hoạt của đôi tay và sức dẻo dai đòi hỏi trong quá trình sáng tác. Phần levodopa của hỗn hợp thuốc được chuyển hóa thành dopamine, còn carbidopa giúp dopamine không phân hủy trước khi đi vào não. Được sự trợ lực từ liều dopamine mới này, Louise bắt đầu sáng tác các bức trừu tượng lớn hơn, cầu kỳ hơn, khám phá nhiều trường màu sắc, hình thù và đường nét. Các triển lãm của bà bán chạy, thậm chí còn xuất hiện trong các cảnh phim, và bà có được sự tự tin để đứng lớp ở các khóa dạy nghệ thuật dành cho người trưởng thành.
Louise tiếp tục vẽ để thỏa mãn bản thân tới năm 2011, chín năm kể từ lần chẩn trị đầu tiên. Tranh của bà giờ đây có cả người lẫn thú (đặc biệt là chó). Tính trừu tượng trong tranh nay là một lựa chọn. Sự tập trung nhiều hơn vào phối cảnh - những phô diễn bao trùm của cảnh vật hay tĩnh vật - có thể dễ nhìn thấy trên toan vẽ của bà. Louise còn vẽ trên tấm polymer, mà bà bắt đầu ưa chuộng vì chúng “ăn cọ” hơn.
Khi hội chứng Parkinson trầm trọng hơn, Louise dùng 9 liều Sinemet mỗi ngày để vẽ được suốt 5 giờ và duy trì một cuộc sống bận rộn. Ngoài ra, còn những thuốc chủ vận dopamine, trông giống như dopamine và có tác dụng làm dịu đi những chu kỳ biến động khi Sinemet không thu được tác dụng. Nhưng thuốc chủ vận dopamine nổi tiếng bởi các phản ứng phụ đối với tâm trạng và hành vi người sử dụng thuốc - nhất là các hành vi nghiện ngập và gia tăng luyến ái. Khi tăng liều, Louise vật lộn với việc kiểm soát hành vi: gọi điện lập tức cho người thân yêu ngay khi nảy ra suy nghĩ, hay bị dán chặt vào màn hình máy tính suốt nhiều giờ liền. Sang 2015, bà bắt đầu có các biểu hiện triệu chứng nhận thức không thể giải thích là triệu chứng phụ của Sinemet nữa. Bà liên tục gây tai nạn xe, và chồng bà David để ý rằng bà chạy cực kỳ sát các xe khác. Mất đi khả năng đánh giá khoảng cách không gian không thể được lý giải hoàn toàn bằng các chuyển động bị chậm hay thời gian phản xạ chậm đi. Bà bắt đầu bị mất trí nhớ ngắn hạn - nhưng ở tuổi lục tuần, điều này không có gì xa lạ trong quá trình lão hóa.
Rồi Louise bắt đầu có ảo giác. Một ngày kia, bà nói với chồng mình cảm giác sợ hãi trước một người đàn ông lạ mặt, im lặng ngồi ở phòng khách. Ông ta chỉ ngồi ở đó và chẳng trả lời câu hỏi nào từ phía bà như là ai và đang làm gì. Cuối cùng, bà đã thu hết can đảm tiến lại gần và chạm vào ông ta. Chỉ khi các ngón tay chạm vào vải một chiếc áo khoác treo trên ghế, Louise mới nhận ra những gì bà nhìn thấy chỉ phỉnh lừa mình.
Đọc thêm
Chẳng bao lâu các bóng ma như trên xuất hiện thường xuyên hơn. Những nếp gấp trên gối nằm nom như một gương mặt, một chồng áo quần chuyển ra một con chó lạ. Các bộ mặt xuất hiện từ chậu cảnh, giá treo quần áo cử động như những kẻ đột nhập vào nhà. Louise không chỉ hiểu sai về các đồ vật: bà còn bắt đầu nhận diện sai con người, xem người lạ là chỗ quen biết, và nhìn gia đình như những doppelgängers.
Điều mỉa mai nằm ở chỗ ảo ảnh, dẫu kém sinh động hơn, lại là một đặc điểm quan trọng trong tranh vẽ người của Louise. Để “nhìn thấy” được chân dung Stravinsky, ta phải “hiểu sai” các nét vẽ trên bảng - đưa ra những suy đoán từ những mô thức hình dạng và màu sắc cho phép các đốm sơn tụ thành những hình dạng xác định. Các đốm sơn và đường nét này được gom vào những whatwhere, do đó che đậy nốt why. Hai nhà khoa học thần kinh David Milner và Melvyn Goodale giúp củng cố hiểu biết của chúng ta đối với các mạng wherewhat trong não người hồi thập niên 1990, dù lạ thay, sử gia nghệ thuật Ernst Gombrich cũng đưa ra một phân biệt gần giống như thế giữa what và where trong quyển Ý thức về Trật tự (1979). Ta không thể nhìn thấy diện mạo nếu không đưa ra đánh giá về giá trị cảm xúc nó biểu đạt. Chúng ta bắt đầu đoán xem vì sao gương mặt ấy có vẻ đau đớn, tức tối, buồn bã, và, giả như nhân vật kia hành xử thế nào khác trong một bức tranh, mắt của chúng ta cũng đi theo hướng hành vi của hắn ta.
Phối cảnh như thế này chẳng phải thụ động. Nó là một quá trình phức tạp gồm tập trung, chắt lọc và dung hòa các kích thích giác quan sẵn có vào hiện thực mà bộ não đã mong đợi. Các giác quan như thị và thính giác có thể tách rời ra khỏi nguyên gốc kích thích, nhưng não chúng ta kết hợp cả các dữ kiện đầu vào của chúng để tạo ra một mô hình - một ảo giác hiện hữu - hòng lý giải điều đang xảy ra. Kết quả là, cảm nhận của chúng ta sẵn tay nhào nặn hiện tại vào những gì ta trông đang đợi ở nó. Ngụy trang đánh lừa con linh dương, vốn muốn nhìn thấy cỏ cao và vì thế không phát hiện ra sư tử cái đang rình mồi. Trừ khi đối tượng đạt tới một nấc cảm giác bất khả nào đó - cỏ cao sao lại có mùi sư tử, không động đậy trong gió - ảo ảnh ấy mới bị đem ra thách thức và hiệu chỉnh.
Ảo ảnh như thế do đó không chỉ dùng vào việc chọn lối du hành qua các họa bích, mà còn giúp chúng ta chọn phương hướng trong thực tại bên ngoài. Khi các thành phần trong quá trình xử lý kia yếu đi, những thứ còn lại sẽ bị thích nghi “sai” và ảnh hưởng tới cách ta nhìn nhận cuộc sống hàng ngày. Có lẽ nó không “đúng” nhưng sẽ luôn ra sức để trở nên nhất quán. Khi ấy Louise hiểu sai các kích thích mà trước kia bà còn có thể xác định là những tạp tính nền, chẳng hạn vết nhăn của vải hay bóng đổ lên tường. Chấp nhận của bà đối với các gương mặt người thay thế các đồ vật vô tri vô giác (còn gọi là chứng pareidolia) là một sự bội phản kinh khủng ảo ảnh mà những người còn lại chúng ta trót gọi là thế giới. Để đối phó, Louise sớm học cách sống chung với các bóng ma bằng cách khắc họa lại chúng. Sử gia như Gombrich chịu ảnh hưởng lớn từ các nhà tâm lý học nhận thức như J J Gibson và Ulric Neisser, vốn đề xuất một chu kỳ nhận thức mà ta vận dụng để hành xử dựa trên những gì mình nhìn thấy. Ở đây, cuộc sống và nghệ thuật của Louise đóng vai trò một liên kết sống giữa cách tiếp cận nhận thức từ góc độ lịch sử nghệ thuật kiểu Gombrich và cách tiếp cận nhận thức từ góc độ tâm lý của Neisser.
Chứng kiến tình trạng suy yếu của Louise, hai vợ chồng quyết định ghi lại hiện thực của Louise theo cách tốt nhất có thể. Là một nhiếp ảnh gia giỏi, David lắng nghe các mô tả của Louise và dựng một loạt các sáng tác thể hiện sự chuyển hình kỳ quặc khung cảnh xung quanh vợ mình thành con người và động vật. Nếu người khác nhìn thấy được những gì bà nhìn thấy, thì Louise có lẽ không quá cô độc trước thế gian.
Hallucination and Chair
Hallucination and Chair
Trong các đợt khám lâm sàng với nhà thần kinh học đã giới thiệu Louise tới tôi, bà đến nơi nhưng không uống Sinemet, để họ có thể thấy tình trạng tồi tệ nhất của bà. Cánh tay cứng còng của bà chuyển động gần như bánh răng; dáng đi khập khừng; còn khuôn mặt lúc tươi thì trơ trơ còn lúc tệ thì hoặc buồn bã hoặc giàn giụa nước mắt. Rồi bà uống Sinemet, và chỉ ít phút biểu cảm của bà bừng sáng và tứ chi được giải phóng khỏi các bao cát vô hình. Dẫu vậy, quá nhiều Sinemet lại khiến Louise oằn người không kiểm soát được vì chứng dyskinesia.
Gần như cùng lúc các ảo ảnh bắt đầu gây ảnh hưởng tới mình, Louise bắt đầu nghe thấy âm nhạc mà không một ai khác nghe được, và giờ vẫn vậy. Bà như ở trong một chiếc hộp nhạc giới hạn số lượng bài hát lặp đi lặp lại, những tấu khúc mà não bà tự sáng tác, hàng giờ liền. Điều này trước kia từng làm bà bực bội, bởi chúng cứ thoắt ẩn thoắt hiện, nhưng bây giờ bà lại cảm thấy được thư giãn bởi các khúc nhạc do thần kinh tạo ra kia.
On your marks, get set, go (2014), trong chùm The Games Fish Play/Trò chơi của cá
On your marks, get set, go (2014), trong chùm The Games Fish Play/Trò chơi của cá
Trùng thời điểm bắt đầu xuất hiện ảo ảnh và ảo giác, Louise bất chợt rút ra khỏi tranh trừu tượng và chuyển sang chủ đề tĩnh vật - loại sáng tác đã rất nhiều năm bà không động đến. Chúng dường như là tĩnh vật, nhưng rõ ràng không thực. Trong khi cây cỏ, đèn, trái cây, tô sẽ đổ bóng, con cá đang bơi lội thì không. Trong chùm tranh Trò chơi của cá, lũ cá xâm nhập vào đồ bày trí trên bàn ăn - hay ngược lại? Góc nhìn ở đây bị đảo lộn.
Đảo lộn và xáo trộn trong cảm nhận trở thành chủ đề chính yếu trong chính đời sống cá nhân của Louise. Bà khó tập trung, khó ngăn nắp, và khó đứng vững, càng ngày càng trầm trọng hơn. Nhưng các phạm trù nhận thức khác như ngôn ngữ, ký ức và tự tri vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Tức bà vẫn còn nhận thức được khá tốt những khả năng đang dần thui chột của bản thân. Khi gần hết chuẩn bị liều Sinemet kế tiếp, cơn âu lo xâm chiếm bà: hễ chậm trễ uống thuốc, bà nhanh chóng trôi vào trạng thái trầm cảm và đông cứng thành một phiên bản lề mề, cứng đờ con người mới trước đó. Sau khi dùng Sinemet, cơn trầm cảm sẽ vơi bớt, và Louise sẽ vui vẻ trở lại - hay chí ít có thể cảm thấy vui được. Khi on, bà trở lại con người nguyên bản của mình theo nhiều cách khác nhau.
Ban đầu, phong cách của bà còn thưa lỏng, hoan nghênh những tai nạn tình cờ mang lại những hình dạng hay màu sắc không định trước. Như nhiều họa sĩ, Louise thích khám phá những sắc thái và hiệu ứng khác nhau. Dù vậy, khi hội chứng Parkinson phát tác, bà không còn giữ vững cọ được nữa. Bà chuyển sang dùng bay nhiều năm sau đó. Lựa chọn về phong cách không phải lúc nào cũng là các quyết định có ý thức, chủ tâm. Nhưng có phải mỗi nghệ sĩ mỗi khác hay không? Hình dạng và phong cách mới mẻ đến phần nào từ nhu yếu hay một tai nạn khi nghệ sĩ xử lý phương tiện, công nghệ hay một phẩm chất chất lượng mới hơn với cùng phương tiện, hoặc thậm chí còn là thao tác với những khiếm khuyết, bất toàn. Trong trường hợp của Louise, chính thay đổi về trí óc chứ chẳng về vật liệu là thứ dẫn tới các chuyển đổi phong cách; kể cả cách bà phản ứng lại thay đổi ấy cũng chẳng hề có chủ định. Mong mỏi, dẫu tay chân hay cảm xúc, chịu tác động trong trường hợp các bệnh do vùng hạch dưới gây ra, và David cẩn trọng quan sát cách bà phết nét bằng bay. Kể cả như vậy, chuyển sang dùng bay vẽ chẳng khiến kỹ thuật của bà suy giảm mà hóa ra càng tiến triển trong độ tinh chỉnh thẩm mỹ. Dù muốn hay không, Louise cũng thích dùng bay và những khía cạnh mới mẻ nó tạo ra, khi học cách hòa nó vào sáng tác của mình.
tác phẩm còn dang dở, 2015
tác phẩm còn dang dở, 2015
Một trong các trách nhiệm chính yếu khi tạo tác là biết khi nào tác phẩm hoàn thành. Không thiếu các tác phẩm bị hỏng vì tô vẽ quá mức. Trong quá khứ, nếu được, Louise hay hào hứng vẽ hàng giờ liền, nhưng ở nhiều bức khác nhau, cứ xong một bức sẽ bắt đầu bức khác. Nhưng lúc này bà chỉ muốn duy nhất một tác phẩm, cứ miệt mài với nó suốt hàng giờ liền, tới khi nhìn lại mới nhận ra nhẽ ra nên ngưng từ trước. Có đôi lần, trợ lý xưởng vẽ cùng ông David phải tháo dỡ bức tranh để bà không vẽ đến mức làm hỏng luôn nó. Sơn đi sơn lại là một ám cưỡng. Đôi lúc chỉ kiệt sức mới khiến bà ngơi tay.
Năm 2017, sau chuỗi tranh trừu tượng bà mãi sáng tác, các hình nhân nhón nhén bước vào cảm hứng sáng tác của bà bằng một chùm tranh tên gọi Các cô con tôi. Bà chưa gặp các cô bao giờ. Họ cũng không phải ảo ảnh. Chú thích của Louise dành cho chùm tranh - chú thích cuối cùng bà tự tay viết không nhờ người khác - có lời tựa Mình có phải Mẹ? Chi tiết này gợi về cuộc vật lộn của mẹ bà với bệnh mất trí nhớ, nhưng chủ yếu chú trọng vào vai trò của trí tưởng tượng để ngăn chúng ta thoát khỏi sự cô độc và cho chúng ta hành xử theo những vai trò ta chưa được chọn trao:
Là đứa con một lớn lên ở New York City, tôi thấy mình chẳng bao giờ biết được cảm giác có anh chị em là thế nào. Tôi dùng cả thời thơ ấu cô đơn để tạo ra những người bạn chơi tưởng tượng… Các bạn lúc nào cũng là con gái. Các tưởng tượng này chất ắp thời thơ ấu của tôi bằng hạnh phúc và yêu thương. Khi chơi, tôi cứ lượn lướt qua lại các vai mẹ và con gái, chẳng bao giờ thắc mắc làm sao như vậy. Đảo vai có lẽ khiến người nào khác thấy khó hiểu, nhưng với tôi thì không. "Các cô con tôi” biến mất khi tôi chừng 12. Tôi mỏi mòn tìm cách hồi sinh họ, nhưng họ không trở lại. Tôi buộc phải ngẫm ngợi, như một người trưởng thành, trước khả năng diệu kỳ của trẻ tự xoa dịu bản thân bằng trí tưởng tượng. Hoặc là… có lẽ tôi chẳng còn cần các cô con gái kia, mà chỉ nhung nhớ chúng.
The Girls/Các cô con tôi (2017)
The Girls/Các cô con tôi (2017)
Tới lúc này, Louise không còn dùng bay vẽ được nữa. Thế là, thúc đẩy bởi cái khao khát sáng tác nội tại, bà bắt đầu vẽ các cô gái bằng tay. Hoàn toàn ý thức, bà nói sẽ chuyển sang sử dụng ngón tay để vẽ vì thích cảm giác cầm nắm sơn, cũng như cách dùng đầu ngón tay vẽ “chấm”. Như những giai điệu cứ khôn dứt tỏa ra trong đầu, sự lặp lại cũng thể hiện ra bên ngoài, cả trong kỹ thuật của Louise. Dù trong quá trình hay thành phẩm, bà không cảm thấy được truyền sức, mà bị thúc bách.
Hành vi cảm thụ là hành vi hiểu về thế giới. Có lẽ nhấn mạnh và biện minh của Louise đối với sự thiếu kiểm soát, và những chấm liên tục, là phản ánh cho thực tế bà sở hữu ngày càng kém kiểm soát đi, về thể chất lẫn tinh thần, với thế giới xung quanh. Mặt khác, bất kỳ phong cách sáng tác nào cũng bao gồm sự điều phối của chức năng điều hành mà một nghệ sĩ áp lên quá trình tạo nên dấu ấn, và nhịp điệu tự nhiên (hít thở, nhịp tim, cơn run rẩy) áp lên chính hạn chế hay ưu thế thể hiện của họ. Sergei Rachmaninoff có thể sáng tác những bản nhạc chỉ duy nhất ông chơi được bởi đôi tay to lớn dị thường của mình (có lẽ là một dấu hiệu về rối loạn di truyền như hội chứng Marfan.) Bệnh của Louise vừa mang lại những khả năng và hạn chế trong nghệ thuật của bà; ảnh hưởng cách bà đặt tay, tốc độ và xử trí, và mối quan hệ của nó với chính cái không gian mà bà muốn lấp màu lên.
Chuyển biến từ cọ sang bay vẽ sang bàn tay theo một nghĩa nào đó là một thoái lui, đi giật lùi. Thế nhưng theo một cách hình dung khác, quá trình này là một hành hương vào chính hành vi sáng tạo bản năng và sự trinh nguyên nhất của dự định sáng tác. Trẻ vẽ bằng tay, và những thiếu thốn khi chân khắc thế giới được đắp bù trọn vẹn bởi biểu tượng bản năng. Cớ sao tính biểu tượng lại dễ dàng tạo ra hơn khi công cụ sử dụng là một bàn tay chứ chẳng phải cọ vẽ, đó quả là một điều hết sức lý thú. Những gì chúng ta cảm nhận về thể chất/ngoại tại và những gì chúng ta cảm nhận tinh thần/nội tại có vẻ tiến lại gần nhau hơn khi dùng tay để vẽ. Khi để lại dấu ấn bằng bàn tay, cơ thể chính nó trở thành một công cụ biểu đạt, và công cụ ấy chính là một cánh tay nhạy cảm. Cảm giác tiếp xúc khác với các loại cảm giác khác bởi các chuyển động liền mạch về cảm giác lẫn chuyển động. Chúng ta chạm tay vào một đồng xu trong túi, và chuyển động này đem lại một cảm giác, đánh thức thêm một chuyển động khác cho tới khi chúng ta hiểu rõ về đồ vật mà mình mong muốn. Chúng ta làm di chuyển một cánh tay có khả năng cảm nhận, và chuyển động ấy kích thích cảm giác va chạm.
Giờ nếu nghĩ về chọn lựa dùng sơn dầu của Louise, bà thích “cảm giác” về chúng theo nghĩa cầm nắm, tiếp xúc được, nhưng còn thêm cảm giác thị giác trừu tượng mà sáng tác sẽ đem tới. Còn hiện tại, thao tác với sơn ở đầu ngón tay và trát nó khắp giấy, Louise cảm nhận rõ nét hơn một phương tiện thị giác, theo nghĩa cảm và động.
Tới 2018, các ảo giác xảy ra thường xuyên hơn, trực diện và khiếp sợ hơn. Người lạ ngồi trên ghế, các cô gái đứng cùng bà trong nhà tắm, và đôi khi các doppelgänger của David chồng bà tham gia bữa tối giữa hai người họ. Có lần bà nhìn thấy cả ảo giác của mình, và đôi khi các bản sao con cái mình. Suốt những năm sau, những ảo giác này trở thành những thành phần cố định - một diễn cảnh tâm trí xảy ra đâu đó giữa phông và trực diện trường khả thị của bà. Chồng bà còn nghe thấy bà tâm sự, chẳng ngạc nhiên hay thảng thốt: “Chẳng có ai ở đây đâu!” Bà trong trạng thái bình thường không ảo giác mới là khác thường.
Sau chùm Các cô con gái, Louise bắt đầu một chùm tranh khác dự định ban đầu sẽ là một bộ tĩnh vật. Trước tiên là hai bức cố tình theo trừu tượng - Tối sang Sáng, chủ đề của chùm tranh. Cả hai bức là một vụ bùng nổ màu sắc. Bức thứ ba tiếp theo là một chậu đất có hình dáng một lẵng hoa trắng tí hon. Tuy nhiên sau mỗi lượt vẽ tĩnh vật thành công, phong cách của Louise lại giãn bớt, rồi buông thả hoàn toàn. Các bức tĩnh vật căng phồng thành những trình diễn lộng lẫy của trừu tượng trước khi thiêu trụi thành những lưỡi ánh sáng vô hình dạng, vắt qua một nền hoen gỉ. Có lẽ Khung 1 và 2 được phác thảo trong những lượt bà “thăng” khi dopamine do Sinemet mang lại ngập đầy hạch dưới, tạo ra thừa mứa chuyển động và tập trung tới mức bức tranh bị thao tác quá mức – còn Khung 3 và 4 là sản phẩm của liều Goldilocks, khi một lượng chính xác dopamine từ Sinemet cho phép một biên cảm xúc tạm đủ cân bằng giữa sự chú tâm và tự do thể hiện. Chưa hết, các bức sau đó không tài nào dùng sự sụp trồi dopamine để giải thích nữa. Cách mà các bông hoa mất bớt hình dáng riêng, đồng thời lại thu nhận những đốm màu vung vẩy ở phần còn lại của khung tranh, cho tới khi hình thức rã nát thành những chấm con – dường như là vẽ tranh từ chính cuộc sống, một cuộc sống mà ta không còn nhìn thấy được một cách rõ nét nữa.
Darkness to Light/Tối sang Sáng
Darkness to Light/Tối sang Sáng
Cùng với ảo giác, Louise còn bị ảo tưởng ám lấy. Từ ảo giác sang ảo tưởng là một phổ, một chuyển động từ nhận thức không cần kích thích thành một ý niệm không cần nguyên nhân. Bà nghĩ ai đó đang vào xưởng và vẽ lên tranh của mình. Bà chỉ về phía một toan đen tuyền để chứng minh – một toan vẽ mà bà đã vẽ rồi quên. Bà thường thấy con người trên cây hay nghe thấy tiệc tùng diễn ra ngoài vườn. Điều này thậm chí còn xảy ra kể cả khi chúng không xuất hiện trong phương nhìn của bà; và, sau khi được thông báo về sự vô lý của những điều này, Louise nói rằng bà vẫn cảm thấy chúng ở đó. Cảm thấy diễn tả một trải nghiệm nằm đâu đó giữa cảm và giác.
Louise lúc này vẫn đều đặn vẽ chồng lên các tác phẩm trước, và dường như không hề biết rằng chúng không được sáng tác ngay từ đầu. Bà không còn nhìn ra được tác phẩm của chính mình nữa. Năm 2020, không rõ lý do nào, bà thường không nhận ra được gia đình mình đeo khẩu trang phòng COVID-19. Một ngày nọ, chồng bà đứng trước TV, tay cầm ly cà phê, chứng kiến cựu tổng thống Barack Obama đọc diễn văn tại một cuộc vận động tranh cử ứng viên tổng thống Joe Biden, nói rằng: “Ồ, xem kìa, Obama đang uống cà phê.” Bà có thể đọc chính xác màu sắc của đồ vật trên bàn trước mặt mình, nhưng có lúc thế giới của bà lại loạn đa sắc. Nước trong bồn rửa óng ánh một màu xanh da trời, và đôi khi toàn thể thế giới của bà được lọc qua đôi tròng kính đục. Bà vẫn chưa chọn màu tranh sẽ vẽ khi trong trạng thái mờ đục này, nhưng nó quả tình ảnh hưởng tới kỹ năng sáng tác của bà, bởi có đôi khi cực khó nhìn ra màu gì trên toan và màu gì trong vỏ não của Louise.
If You Could See What I See/Nếu bạn thấy những gì tôi thấy (2019)
If You Could See What I See/Nếu bạn thấy những gì tôi thấy (2019)
Những năm trở lại đây, Louise đi từ vẽ lại tranh của mình hoàn toàn vô ý thức sang xé toạc chúng có ý thức. Chẳng còn vẽ được nữa, càng lúc càng bất mãn với cách đang vẽ, nhưng vẫn có thúc bách sáng tạo, bà bắt đầu thu gom những mảnh xé toang lại với nhau. Giờ đây bà cần trợ giúp từ một người bạn. Trong 18 tháng, bà cho ra đời 10 bức collage. Bà phá bỏ tranh và phân loại chúng ra, còn người bạn thì dán chúng lên một tấm bảng để Louise có thể đảo các mảnh tranh cho tới chừng nào thấy hài lòng. Triển lãm trước công chúng cuối cùng của Louise là năm 2019 với tên gọi Nếu bạn thấy những gì tôi thấy, có sự giúp đỡ của chồng mình David, đã ghi:
Tôi [David] đã sắp xếp những mảnh tranh xé toạc từ tác phẩm và bản vẽ của bà ấy thành những collage nảy ra từ miền vô thức của mình. Tôi thêm, bớt và sắp xếp lại chúng cho tới khi hình dáng và màu sắc có thể giao tiếp được với tôi - một hành động hủy hoại sáng tạo… Dẫu mong tình hình sẽ cải thiện, chúng tôi quyết định biến nghịch cảnh này (hội chứng Parkinson và mất trí) thành một cơ may sáng tạo.
Tác phẩm của Louise đã trở thành một hành động hủy diệt đầy sáng tạo. Như hành vi đảo vị giữa vịt và thỏ trong ảo ảnh triết học, chọn lựa này sẽ phủ định chọn lựa còn lại. Nhưng sự khuyết vắng cảm thụ của Louise trước một khả năng sáng tác không loại bỏ khả năng bà nhìn thấy được chúng theo những cách mới mẻ khác. Hệ thống thị giác tiếp tục được buộc phải phụng sự một ý muốn. Bất luận những méo mó về thị giác cũng như rối loạn về tư duy, bản năng sáng tạo - cái trực giác xuyên suốt đã bắt đầu từ bức Stravinsky lộn ngược của bà - đã buộc Louise sáng tạo, kể cả khi sáng tạo ấy mang cái giá của hủy diệt.
Nghệ thuật của Louise không thể tách rời khỏi bệnh tật, nhưng cũng không bị nó chi phối, quyết đoạt. Ở collage, ý nghĩa tự hiện trọn vẹn từ những mảnh ghép và ý tưởng rời rạc. Để lại dấu ấn cũng chính là để lại ý nghĩa, như sử gia nghệ thuật David Rosand từng chỉ ra. Do đó, khi khám phá ý nghĩa trong tác phẩm của Louise, chúng ta trải nghiệm được cái thế giới giàu ý nghĩa của bà.
Là một nhà khoa học thần kinh, tôi mô tả được khiếm khuyết của bà và ra sức định vị chúng, tìm cho ra từ các hệ não cụ thể điều gì khiến bà ra như vậy. Thế nhưng cách tiếp cận nhỏ giọt và quy giản này rốt cuộc lại trở thành một bài học không đem lại lợi lộc gì về giải phẫu thần kinh. Tương tự, một tiếp cận thuần túy phê bình nghệ thuật rốt cuộc lại chỉ ra một sự nghiệp sáng tác kém dần về kỹ thuật lẫn bố cục thay vì nhuận sắc hơn. Nhưng tôi không phải đơn thuần là một nhà thần kinh học hay một học giả khoa học xã hội, còn Louise cũng chẳng chỉ là một bệnh nhân hay chỉ là một họa sĩ. Chúng ta chính là tổng toàn những trải nghiệm - chẳng khác gì một bức collage nào đó của Louise. Và lướt qua những đa dạng kỹ thuật mà bà đã vận dụng để mang quá trình vẽ tranh vào chính trải nghiệm sống, thay vì trải nghiệm sống quy định ngược lại cách bà sáng tác, tôi như hiểu ra rằng rằng, dẫu phong cách của bà có thể bị triệu chứng của căn bệnh làm cho ảnh hưởng, năng lực sáng tạo của bà đã thăng vượt lên chúng.
Buồn thay, Louise qua đời chỉ ít lâu trước khi câu chuyện về bà được công bố. Tác giả ước được dành tặng bài viết này cho Louise và chồng bà David, người đã mời mình vào cuộc sống của hai vợ chồng để sẻ chia một quan điểm mới hơn và phong phú hơn về thế nào là ý nghĩa của sáng tác nghệ thuật.
k.