Khi ai đó giao cho bạn công việc hoặc kỳ vọng ở bạn một điều gì đó. Bạn có cảm thấy lo lắng quá mức, thậm chí kiệt sức vì thiếu khả năng hoàn thành tốt công việc được giao không?
Hồi bé, mỗi khi được thầy cô nhờ làm một việc gì đó vì họ thấy được khả năng của mình, như viết chữ và vẽ rất đẹp. Mình sẽ cảm thấy khá là tự hào, nhận nhiệm vụ đó, nhưng rồi lại làm không tốt vì lo lắng. Thậm chí, đã có lúc mình trốn luôn nếu như không thể đưa ra kết quả được như thầy cô kỳ vọng.
Nếu bạn luôn trong cảm giác sợ người khác thất vọng về mình, hoặc sợ người ta biết được năng lực thực sự không như mọi người kỳ vọng. Có thể, bạn đang mang hội chứng FODO (fears of disappointing others: nỗi sợ làm người khác thất vọng).

FODO là gì?

FODO (fears of disappointing others) là hội chứng sợ người khác thất vọng về mình. Hậu quả của FODO chính là stress kéo dài, căng thẳng, bồn chồn và hoàn toàn kiệt sức.
Bodil Jane
Bodil Jane
Ví dụ trong công việc, khi sếp liên tục giao thêm việc. Thông thường, để tránh né nhận thêm công việc, bạn có thể nói với sếp rằng nếu như mình làm việc này, mình sẽ không còn thời gian làm tốt việc đã được giao trước đó. Người mang hội chứng FODO không thể từ chối việc được giao, bạn không thể vạch ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống. Việc làm quá nhiều việc khiến bạn luôn trong trạng thái kiệt sức và stress triền miên.

Vì sao chúng ta ngại từ chối và vạch rõ ranh giới?

Ít ai sẵn sàng nói không khi cảm thấy không phù hợp với một yêu cầu từ người khác. Chúng ta rất ngại việc nói không vì sợ hãi cảm giác từ chối mong muốn của người khác.
Mình nghĩ đến cảnh tượng mình nói với sếp về khối lượng công việc khổng lồ mà mình không làm nổi, mình sợ nổi da gà cảnh họ nhíu mày tỏ vẻ không hài lòng. Nỗi sợ hãi xảy ra này vì nhiều trong đầu mình xuất hiện nhiều hậu quả, như hình tượng nhân viên chăm chỉ nhất công ty sẽ không còn nữa vì mình dám nói với sếp là mình "không thể".
Mình từng stress nặng, run bần bật, mỗi ngày giờ ăn trưa đều khóc nức nở. Chính vì mình không sao làm tốt được công việc như mơ mình mong muốn. Mình căng thẳng đến mức không nhớ nổi đã được chỉ bảo những gì, cứ hỏi đi hỏi lại những câu hỏi căn bản.
Khoảng thời gian đó, mình sợ nhất không phải là không thông qua thử việc mà là khiến người trao cơ hội cho mình buồn rầu và thất vọng. Mình còn tự ám ảnh bản thân câu mà người ta sẽ nói là "hóa ra em không giỏi như anh kỳ vọng".
Bạn bị stress vì bạn không thể nói không, bạn sợ nếu bạn nói không thì sẽ có ai đó cực kỳ thất vọng về bạn.
Để vượt qua nỗi sợ hãi, cách duy nhất chính là phải đối mặt với nó. Muốn thay thế nỗi sợ thường trực bằng sự tự tin thì bạn phải chứng minh với bộ não rằng mọi thứ không tệ và nguy hiểm như bạn nghĩ. Bằng cách làm điều bạn luôn cảm thấy sợ hãi thay vì tránh né, não bộ sẽ học cách chấp nhận nỗi sợ từ từ.

6 mẹo thoát khỏi nỗi sợ làm người khác thất vọng

1. Chấp nhận rằng bạn không bao giờ đủ tốt đối với người khác

Nếu có thể quay trở lại quá khứ, mình sẽ không làm hài lòng và nghe theo bất kỳ lời bình luận nào của người khác nữa. Bởi vì mục đích của mình không phải là làm hài lòng tất cả mọi người mà là phát triển chính bản thân mình. Mình đã không biết tận dụng để hoàn thành mục tiêu hợp lý.
Mỗi người đều có quan điểm khác biệt về những điều đúng sai, cái gì tạo nên hạnh phúc hay quan điểm khác biệt về sự hoàn hảo. Vì thế, chúng ta nên bắt đầu phát triển bản thân theo nguyện vọng của chính mình và đừng sợ hãi vì đã không giống người khác nữa.

2. Vượt ra khỏi vùng an toàn

"Vùng an toàn" (Comfort zone) là nơi bạn cảm thấy an toàn và thoải mái. Thế nhưng, nếu ở đó quá lâu thì nó cũng là nơi làm ngăn cản sự phát triển của bạn. Có người hỏi rằng sau 5 năm gắn bó với công ty thì bạn thực sự có chừng đó kinh nghiệm hay chỉ đang làm một vị trí đơn giản trong vòng 5 năm.
Đôi khi cách duy nhất để thoát ra khỏi vùng an toàn chính là đẩy bản thân vào những tình huống không thoải mái. Dĩ nhiên là sẽ rất đáng sợ khi bạn phải thoát ra khỏi vùng an toàn của mình.
Nếu mình không bước vào nơi đầy thách thức, mình sẽ không nhận ra rằng mình phải thay đổi rất nhiều. Bước ra khỏi nơi đó, đi cùng với tổn thương sâu sắc, mình biết rằng mình phải push bản thân liên tục mới có thể cạnh tranh trong một thế giới đầy rẫy sự biến động, vì ai cũng mong muốn trở thành người giỏi nhất.
Bắt đầu với những bước nhỏ, có thể thử làm task bạn cảm thấy khó nhằn vì vốn nó chính là điều bạn không thích. Ví dụ như nói cho người bạn yêu nghe suy nghĩ trong đầu bạn mà không sợ rằng điều đó sẽ khiến họ buồn phiền. Bạn cũng có thể tham gia vào lớp thể dục mơ ước mà xưa giờ bạn cứ nghĩ mình không có cân nặng lý tưởng để tham gia.
Từng bước nhỏ thực hiện điều mình muốn sẽ mang đến cho bạn sự tự tin và mạnh mẽ hơn mỗi ngày. Làm càng nhiều điều mình luôn lo sợ, bạn sẽ nhận ra thứ đáng sợ nhất là những gì bạn tự tưởng tượng ra trong đầu mà thôi.

3. Suy nghĩ về những việc mà bạn đã làm

Sau mỗi cơn bão lòng, chúng ta cần nhìn lại hành động của bản thân mình. Vì lý do nào mà mình lại phản ứng như vậy? Nỗi sợ của bạn đến từ đâu? Bạn cảm thấy căng thẳng về việc nào và vì sao lại như thế?
Để nhìn thật sâu vào chính mình, đi gặp các chuyên gia tâm lý có thể là một lựa chọn. Hoặc bạn có thể hồi tưởng lại quá khứ của chính mình.
Sau khi trách móc người khác đã đời, mình đã tự vấn bản thân một thời gian dài. Rồi mình cũng có câu trả lời, mình không có năng lực đặc biệt xuất chúng hay sự đam mê mãnh liệt với công việc mình được offer. Quan trọng nhất, mình nhận ra rằng mình không giỏi như mình hay tự ảo tưởng về bản thân. Lúc này, mình biết mình sẽ phải cố gắng rất nhiều nữa mới có thể bước đến vị trí mình mong muốn.
Sợ làm người khác thất vọng thì rất bình thường, nhưng có thể nó là đặc điểm tính cách riêng mà chúng ta tạo ra do những tổn thương từ bé hoặc hình thành sau những mối quan hệ đổ vỡ. Cách chúng ta phản ứng với người khác thường xuất phát từ những trải nghiệm của bản thân chứ không phải vì chính họ.
Nếu bạn nhìn thật kỹ vào cách bạn phản ứng với từng tình huống nhất định. Bạn sẽ hiểu bản thân mình sâu sắc hơn, vì sao mình lại hành động như vậy trong những tình huống đó, nỗi sợ của bạn đến từ đâu.

4. Vạch ra ranh giới

Thật sự rất quan trọng để thiết lập ranh giới trong cuộc sống, nhất là về mặt cảm xúc. Đừng để người khác hiểu lầm rằng sự tử tế là điểm có thể lợi dụng được hết lần này đến lần khác nhé.
Nếu bạn đã đọc tới đây rồi thì có thế bạn là kiểu người thích làm hài lòng những người xung quanh mình. Không có gì xấu khi muốn tất cả mọi người quanh mình đều hạnh phúc và bạn cũng thấy vui vẻ khi giúp đỡ người khác. Nhưng nếu bạn cứ làm thế với tất cả mọi người, thì sẽ có kẻ không tử tế lợi dụng bạn đó.
Hãy quan sát các mối quan hệ với người xung quanh và tự thiết lập cho mình ranh giới bạn nhé.

5. Tránh tự suy diễn phản ứng của người khác theo ý mình

Cách mà người khác phản ứng hoặc đối xử với bạn có thể không phải là do bạn đâu. Có lẽ bạn sợ hãi về việc nói không với người nào đó vì bạn sợ cách họ phản ứng, nhưng bạn đâu biết được đó là do bản thân họ hay những yếu tố nào khác ảnh hưởng đúng không?
Một người nào đó ngỏ lời mời bạn đi chơi, bạn sợ nói không sẽ khiến họ thất vọng, nhưng sao bạn biết được chứ? Bạn tự nói với mình rằng bạn biết người này và chắc là họ sẽ phản ứng tiêu cực thôi. Nghĩ kỹ xem bạn đã từng nhìn thấy họ làm vậy với ai đó khác đã nói không chưa?
Người ta thường giận dữ hay buồn rầu bởi vì đó là cách họ phản ứng lại với những điều nằm ngoài dự tính, đó không có nghĩa là họ đang tức giận với bạn đâu. Bạn có thể nghĩ ngược lại là họ chỉ cố tỏ ra buồn vì có thể họ đang thầm vui mừng vì bạn không đến được đó.
Thế nên, đừng tự cho rằng tình huống xảy ra và phản ứng của người khác tất cả là do bạn. Chỉ cần biết những điều mình làm không trái với lòng là được rồi.

6. Trân trọng giá trị của chính bạn

Nếu bạn muốn bỏ đi nỗi sợ làm người khác thất vọng, thì bạn cần biết chính xác mình là ai. Giá trị của bạn là gì? Và bạn đang đấu tranh cho điều gì? Bạn có đang hành xử như người bạn muốn trở thành không? Nếu không, bạn sẽ làm gì để thay đổi điều đó.
Để tìm được giá trị của bản thân thực sự không hề dễ dàng chút nào. Cần bạn dành rất nhiều thời gian và đây là quá trình không bao giờ kết thúc, bởi lẽ chúng ta sẽ không bao giờ ngừng việc phát triển. Chúng ta thay đổi theo thời gian và suy nghĩ cũng sẽ phát triển khi chúng ta trưởng thành hơn.
Nếu như bạn không dành thời gian cần thiết để hiểu được bản thân, đánh giá lại giá trị của mình, hiểu sâu sắc hơn điều chúng ta mong muốn trong cuộc sống. Chúng ta sẽ chịu áp lực bởi điều người khác nghĩ và dễ dàng bị ảnh hưởng bởi ý kiến của họ về chúng ta.
Tóm lại:
Nỗi sợ có thể rất kinh khủng và nặng nề, chúng ta cần quay về với trực giác của mình và tin vào nó.
Càng cảm thấy mình làm đúng và thoải mái với nó, bạn càng dễ buông bỏ căng thẳng và nỗi sợ làm người khác thất vọng.
Cuối cùng, người ta có thể sẽ không thích cách bạn làm nhưng đó sẽ là bước để bạn trở thành người mình thực sự mong muốn.
Nguồn: