Trong bài viết này, mình sẽ bàn luận về body-shaming thông qua việc trả lời 2 câu hỏi:
Thế nào là body-shaming?
Body-shaming có thể tồn tại dưới những dạng thức nào?

I. Body-shaming là gì: Phân tích từ góc độ chủ quan và khách quan.

Body-shaming (tạm dịch: miệt thị ngoại hình) là hành động hạ thấp hay cà khịa người khác/ bản thân dựa trên đặc điểm cơ thể của họ/ bản thân. 

Về mặt chủ quan, để đánh giá liệu một hành động có phải body-shaming hay không thì còn tùy vào mục đích của người chê và thái độ tiếp nhận của người bị chê. 
Nếu người chê phàn nàn về đặc điểm cơ thể của khác với mục đích hạ thấp lòng tự trọng và nhân phẩm của người đó, thì người chê đích thị là đang thực hiện hành động body-shaming. 
Mặt khác, nếu người chê không hài lòng với đặc điểm cơ thể của người khác và góp ý về cách cải thiện ngoại hình với từ ngữ lịch sự, tế nhị và có tính đồng cảm, thì hành động của người chê chưa chắc đã gây ra hiện tượng body-shaming. Ở đây, mình dùng từ "chưa chắc" là bởi: việc thể hiện thiện chí khi góp ý về ngoại hình của người khác là yếu tố cần, nhưng không phải là yếu tố đủ để ngăn chặn hiện tượng body-shaming. Bạn có biết vì sao không? Đó là vì: sau khi nhận lời góp ý (dù lời góp ý có thể hiện thiện chí đến mấy) thì người bị chê vẫn có thể rơi vào tình trạng tự body-shame bản thân. Vậy nên, về mặt chủ quan, để đánh giá một hành động có yếu tố body-shaming hay không thì rất khó nói. 
Về mặt khách quan, body-shaming tồn tại ở rất nhiều dạng thức, và thường được đóng khuôn trong các ví dụ điển hình như sau: miệt thị người béo, miệt thị người gầy, miệt thị màu da (mấy anh chị racist là khoái món miệt thị màu da này lắm), miệt thị các bộ phận trên cơ thể, miệt thị các đặc điểm tính nam/ tính nữ, miệt thị do bệnh tật (ung thư, hủi,...),... Nói chung, cứ là bộ phận cơ thể thì đều có nguy cơ bị miệt thị, đến cách ăn mặc cũng có thể là một đối tượng của body-shaming. Những người sở hữu các bộ phận hoặc đặc điểm không phù hợp theo quy chuẩn của cái đẹp sẽ càng có nguy cơ cao phải chịu đựng body-shaming. 

II. Các loại hình body-shaming từ cũ đến mới

Khi đời sống xã hội phát triển, các phong trào phản đối nạn body-shaming đã góp phần giảm thiểu các hành động, lời nói có tính miệt thị như mình đề cập bên trên. Tuy nhiên, biểu hiện suy giảm, không có nghĩa là nó không còn tồn tại, thậm chí, cái 'con quỷ' body-shaming này đã tu thành tinh thông qua các dạng thức 'tế nhị' (implicit) hơn, hoặc vô thức (unconscious) hơn. 

1. Body-shaming dựa trên tướng số, kèm lời khuyên về phẫu thuật thẩm mỹ (pttm)

Chú ý: Trong mục này, mình không đánh đồng tất cả các nghiên cứu của tướng số là cảm tính và không có cơ sở. Mình cũng không đánh tráo khái niệm để kết luận: Tướng số = Body-shaming. Ở đây, mình chỉ muốn chia sẻ với mọi người về cách mà hiện tượng body-shaming đang đội lốt tướng số, và hậu quả nặng nề mà nó gây ra cho cộng đồng.
Da thì đen, tóc thì xoăn, nhìn cái số mày hèn; đi ép tóc rồi tắm trắng đổi vận đi.
Con bé kia có cái nốt ruồi ở miệng, trông cái tướng đanh đá tham ăn, đi tẩy nốt ruồi thì may ra có người lấy.
Trông kìa, hai cái răng cửa của anh kia bị thưa, số này mà không đi niềng răng là mất tài mất lộc, cứ để mà xem. 
Những phán đoán về tướng số mang đầy tính dân gian, và đậm mùi xác suất thông kế này mình đã nghe biết bao nhiêu lần. Tuy nhiên, thật sự mà nói, thì đây có đơn giản chỉ là vài lời nhận xét dựa trên hiểu biết hạn hẹp về thuật xem tướng hay đây đích thị là body-shaming? Một cách để xác định xem các câu nói trên thuộc về trường phái 'tướng số thiện chí' hay 'body-shaming vô duyên', chính là dựa vào mục đích của người nói. Sau khi đọc những câu trên, các bạn hãy tự mình trả lời những câu hỏi:
- Câu 1: Người chê có thái độ góp ý/ đánh giá/ nhận xét như thế nào về ngoại hình người bị chê?
- Câu 2: Người chê có đưa ra lời giải thích về đánh giá của họ không?
- Câu 3: Người chê có đưa ra lời khuyên xác đáng để giúp đỡ người bị chê cải thiện ngoại hình không?
Các bạn đã có câu trả lời cho mình chưa? Còn đối với mình, câu trả lời cho 3 câu hỏi trên lần lượt là: 
- Câu 1: người chê có thái độ phán xét và hạ bệ.
- Câu 2: người chê không đưa ra lời giải thích phù hợp, tất cả là định kiến áp đặt lên cơ thể của người bị chê.
- Câu 3: lời khuyên không xác đáng vì nó không được xây dựng dựa trên cơ sở góp ý. Thay vào đó, lời khuyên được đưa ra nhằm 'hù dọa' người bị chê nếu không thay đổi sẽ phải chịu số khổ, chịu mang tiếng đanh đá tham ăn cả đời, hay chịu mất tài mất lộc...
Kết luận: cả 3 lời nhận xét trên đều là body-shaming đội lốt tướng số. 
Tuy cả 3 ví dụ mình đưa ra bên trên đều là ví dụ giả tưởng nhưng nó phản ánh rất rõ nét về cách mà body-shaming hiện hữu trong đời sống của chúng ta. Bản thân mình đã trải qua nhiều lần bị đánh giá về vận mệnh dựa trên ngoại hình của bản thân, và mình không nhận thức được đó là body-shaming cho đến khi tự trả lời 3 câu hỏi nêu trên. Body-shaming biến hóa khôn lường bởi vấn nạn này đâu chỉ nằm ở mấy câu nói chê bai trực diện và có tính hạ bệ trực tiếp; tồi tệ hơn nữa, body-shaming còn gắn liền với quan niệm dân gian cổ hủ, với các con số xác suất thống kê lỗi thời và với định kiến xã hội. Body-shaming là một hệ tư tưởng độc hại, đã ăn sâu vào từng ngõ ngách của đời sống con người. 
Một trong những ngành công nghiệp ký sinh trên nạn body-shaming chính là ngành công nghiệp pttm. Biết bao nhiêu người ngoài kia đã đánh mất tự tin vào ngoại hình, vào khả năng làm chủ cuộc đời mình khi nghe theo mấy lời phán dạo về tử vi tướng số để đi làm cái mũi cao hơn, để đi tắm trắng,... Dẫu biết rằng nhu cầu tu sửa nhan sắc của mỗi người là khác nhau, và chúng ta nên học cách tôn trọng điều đó, nhưng quan điểm này không nên được sử dụng để biện minh cho những quyết định làm đẹp bị giật dây bởi body-shaming và body-shaming đội lốt tướng số. Sau khi đọc bài viết này, hãy cảnh giác và lý trí hơn khi tiếp nhận lời khuyên về việc tu sửa nhan sắc hay ngoại hình của mình dựa trên các quan niệm và kết luận về tướng số bạn nhé. 

Trên Spiderum cũng có một bài viết về chủ đề body-shaming và ptttm, mình thấy bài viết cũng đưa ra nhiều góc nhìn mới, các bạn có thể ghé đọc để hiểu thêm về body-shaming nha. 

2. Body-shaming theo phong cách 'Mean girls'.

'Mean girls' (tạm dịch: những cô nàng xấu tính) là một cụm từ khá quen thuộc với các tín đồ điện ảnh. 'Mean girls' là bộ phim về đời sống trung học của các thiếu nữ tuổi teen tại Mỹ đầu những năm 2000. 'Thời thượng', 'kiêu kỳ', 'cá tính' chính là những nét tính cách đặc trưng và gây được dấu ấn mạnh của các nữ chính trong bộ phim này. 
Here comes the Mean Girls
Cơ mà, 'Mean girls' thì liên quan gì đến body-shaming? Để khắc họa nét kiêu kỳ và xấu tính của các nhân vật nữ tuổi teen và để phản ánh môi trường học đường tại Mỹ, các nữ chính đã phải thực hiện không ít những câu thoại đậm tính body-shaming, nhắm đến các học sinh khác trong trường. Hình ảnh các cô gái 'Mean girls' nhẽ ra chỉ nên dừng lại trên màn ảnh rộng, tuy nhiên, trong thời gian gần đây, 'Mean girls' đã trở thành một phong cách trong lối sống và giao tiếp của một bộ phận giới trẻ.
Điều này có thể được chứng minh bằng độ viral của các clip mang phong cách mean girls và các means girl acting challenge trên Tiktok. Tại sao các clip này trở nên viral? Phải công nhận rằng, các clip phong cách means girl này khá cuốn và thu hút nhiều lượt xem và duets nhờ nỗ lực đầu tư về hình ảnh và những câu thoại trên nền nhạc bắt tai. Đặc sản của các video kiểu này đó là những câu thoại và biểu cảm diễn xuất mang đậm tính coi thường, body-shaming người khác. Tuy nhiên, có vẻ như khán giả chỉ tập trung vào tính giả tưởng, giải trí của các video này mà quên mất rằng bản thân body-shaming, các biểu hiện và hệ tư tưởng của nó không nên được cổ xúy trên các sản phẩm truyền thông nếu các sản phẩm truyền thông đó vốn không được sản xuất với mục đích nâng cao nhận thức về body-shaming.
Hình ảnh cho acting challenge theo phong cách mean girls trên Tiktok
Và nói thật ra, gọi là video giả tưởng hay acting challenge nhưng có bao nhiêu người dám chắc những câu thoại body-shaming đó không gây ảnh hưởng tới đời sống thực của người trẻ? Bao nhiêu người dám chắc sẽ không có những thiếu niên lớp 6, lớp 7 thiếu nhận thức bắt chước theo những video này và bình thường hóa nạn body-shaming chỉ là đùa cợt, chỉ là xu hướng?
Kết luận: Chừng nào chúng ta còn chưa thể trả lời cụ thể, và khách quan các câu hỏi nêu trên thì chừng đó chúng ta vẫn cần nghi ngờ và đặt câu hỏi về sự bình thường hóa, hay giải trí hóa nạn body-shaming trên mạng xã hội và các sản phẩm truyền thông. 
Mình sẽ cung cấp thêm các phân tích và luận điểm dưới góc độ khoa học về mối quan hệ giữa xu hướng mean girls và sự bình thường hóa nạn body-shaming thông qua một bài phân tích sắp tới. Trong bài phân tích đó, mình sẽ phân tích dưới góc độ của ngành truyền thông, cụ thể là ngành semiotics (ký hiệu học). 
Các bạn hãy cùng bàn luận với mình về chủ đề này để bài phân tích sắp tới của mình có thể đưa ra phân tích hợp lý và kết luận xác đác cho vấn đề body-shaming nha.
Thân ái,
Aiyana.