TẠI SAO CẢ THẾ GIỚI DÙNG ĐÔ LA MỸ
Trước khi bắt đầu đọc thì note trước cho các bạn mấy điều: 1. Kiến thức từ bài này mình lôi từ 2 cuốn siêu kinh điển, siêu hấp dẫn:...
Trước khi bắt đầu đọc thì note trước cho các bạn mấy điều:
1. Kiến thức từ bài này mình lôi từ 2 cuốn siêu kinh điển, siêu hấp dẫn:
- Chiến tranh tiền tệ
- Lời thú tội của một sát thủ kinh tế
Âu cũng là kể lại câu truyện người khác đã kể thôi. Nhưng coi như là 1 bài thu hoạch xem mình hiểu như nào đi.
2. Các bạn nào học kinh tế, khuyên chân thành là đọc 2 quyển trên nha. Không giúp điểm cao hơn đâu, nhưng mà có động lực hơn để thấy: "Ồ học kinh tế thú vị phết".
Giờ thì bắt đầu thôi
Nếu coi thế giới tiền tệ là showbiz, thì đô la ắt hẳn là một nghệ sỹ hạng A xuất hiện trên mọi show truyền hình, trong những khung giờ vàng phát sóng và có lượng fan đông đảo nhất.
Theo một nguyên tắc dễ hiểu: Càng in nhiều tiền, đồng tiền lại càng mất giá. Đến đây các bạn có đồng ý với mình không đã, cái gì nhiều quá cũng dễ bị đánh mất giá trị. Thế nhưng lại có một điều vô lý ở đây, mặc cho tốc độ in tiền vô tội vạ của Mỹ trong những năm vừa qua (nhất là trong thời kỳ khủng hoảng do dịch Covid 19, Mỹ đã tung ra gói cứu trợ lên 1900 tỷ USD), mà lạm phát của nền kinh tế lớn nhất Thế Giới này vẫn duy trì ở mức thấp, tức là USD vẫn luôn giữ được giá trị cho mình.
Chỉ nhiêu đó thôi cũng cho thấy được phần nào sức mạnh của đồng dollar rồi. Thế nhưng, liệu đồng đô có thể giữ vị trí bá chủ mãi mãi, hay sẽ bị nhân dân tệ, với tham vọng khổng lồ của anh bạn hàng xóm với VN là Trung Quốc, dần dần soán mất ngôi vị?
Xét cho cùng, ở cái thời buổi kinh tế mở cửa như thế này, riêng Việt Nam nhỏ bé của chúng ta một ngày cũng đã có không biết bao nhiêu giao dịch qua lại với bạn bè quốc tế. Thế mà cứ mỗi nước lại đi đổi một loại tiền khác nhau e là hơi bị cồng kềnh. Thành ra cái nhu cầu dùng một loại tiền chung cho mọi hoạt động, ở mọi nơi đất nước cũng là điều dễ hiểu.
Đồng ý là như thế. Nhưng đố các bạn, thế giới thiếu gì loại tiền khác nhau, sao lại cứ phải là đô la Mỹ?
Để trả lời cho câu hỏi: Điều gì mang lại sức mạnh cho USD, thì trước hết các bạn cần đồng ý với mình một điều là:
Đồng tiền mạnh nhất phải gắn liền với loại hàng hóa quan trọng nhất.
Bản chất tiền có giá trị vì nó được hàng hóa “bảo kê”, hay nói cách khác, hàng hóa chính là “nhân tố” bí ẩn đảm bảo cho sức mạnh của đồng tiền. Chứ chi phí in ra một tờ có vài xu thôi.
Vậy bạn thử nghĩ xem, tại thời điểm này loại hàng nào là quan trọng nhất? Không phải thứ gì xa lạ, đó chính là dầu mỏ, nguồn cung cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, là thứ bạn dùng để chạy xe máy bon bon đi làm hàng ngày. Bạn thấy đấy, mọi hoạt động quan trọng trên Thế giới này đều xoay quanh thứ vàng đen của thế kỷ 21.
Nếu như bước tiến của loài người thời đồ đá là phát minh ra công cụ đồng, thì con người ở xã hội công nghiệp bây giờ không thể sống nếu thiếu dầu mỏ. Câu truyện này xem chừng rất là dễ hiểu ở thời điểm hiện tại. Thế nhưng mà từ trăm năm trước, khi mà chưa ai thấy được tầm quan trọng của dầu mỏ trong tương lai, thì giới tài phiệt Mỹ (nhấn mạnh là chỉ một nhóm người) đã biết rằng:
Ai làm chủ được nguồn cung dầu mỏ, người đó sẽ làm chủ được nền kinh tế toàn cầu.
Và thế là họ dùng mọi thủ đoạn để dính chặt Đô la và dầu mỏ với nhau. Nhưng bằng cách nào? Câu trả lời là bằng quyền lực, bằng thủ đoạn của một nhóm tài phiệt núp dưới cái tên Mỹ. Họ muốn mở rộng sự ảnh hưởng của Mỹ tới càng nhiều nơi trên Thế Giới càng tốt, nhưng không phải bằng chiến tranh như trước đây nữa, mà khéo léo hơn là thông qua sự tương trợ trá hình, những mục đích nghe thì có vẻ cao cả nhưng thực chất lại sặc mùi lợi dụng.
Bọc bên ngoài những âm mưu chuộc lợi là các gói viện trợ, sự giúp đỡ dành cho các nước. Mỹ đã khôn ngoan đi tìm điểm yếu của các quốc gia, từ cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ... cho đến nền chính trị và tôn giáo đầy bất ổn như ở các nước Trung Đông - nơi được cả Thế giới biết như khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất. Bằng một thỏa thuận trao đổi, Mỹ đã ép được Arab Saudi chỉ nhận thanh toán dầu mỏ bằng đô la Mỹ. Và thế là... cả Thế Giới cần dầu mỏ giờ đã cần thêm cả đồng USD như một combo vậy đó. Bắt đầu từ đây, USD đã từng bước trở thành đồng tiền lớn mạnh nhất trên Thế Giới.
Để nói về âm mưu của Mỹ với các nước Trung Đông, có lẽ là mình phải dành riêng một bài nữa mới kể hết. Nếu các bạn quan tâm, thì comment mình biết cái nhá.
Giờ thì bạn nghĩ xem, Mỹ đã thành công với âm mưu này thì chẳng lẽ lại không có quốc gia nào khác cũng nhăm nhe muốn được ăn miếng ngọt dậy mùi tiền ấy. Và anh bạn hàng xóm của chúng ta, kẻ đông dân hiếu chiến - Trung Quốc - cũng muốn đồng tiền của mình có sức mạnh như vậy.
Vẫn theo cách cũ, Trung Quốc cũng muốn mở rộng tầm ảnh hướng của mình, dùng âm mưu để khiến các nước yếu kém hơn phải phụ thuộc vào họ. Bằng cách tìm kiếm những con nợ mới và một thứ hàng hóa mới. Mà biểu hiện là việc Trung Quốc ngày càng kết nạp thêm nhiều thành viên vào câu lạc bộ các con nợ của mình, từ các nước Đông Nam Á như Lào, cho tới vùng Trung Đông chiến sự như Pakistan, Sri Lanka... hay đứng trong danh sách vay nợ nhiều thứ 2 của Trung Quốc là Angola của Châu Phi.
Còn lại, đố các bạn biết thứ hàng hóa mà Trung Quốc đang chạy đua để dẫn đầu là gì? Nhiều người mạnh dạn đoán đó chính là Big data – một thứ hàng hóa được coi như vũ khí hạt nhân vô hình của kỷ nguyên mới. Tất nhiên tất cả chỉ là dự đoán thôi chứ ai nằm trong bụng ông Trung Quốc để biết ông ta mưu đồ cái gì đâu. Nhưng mà với quan điểm cá nhân, mình tin giả thiết này!
Chung quy lại, mục đích sau cùng của anh bạn Trung Quốc trong mọi căng thẳng hay gây hấn về thương mại với các nước anh em bạn dì khác sau cùng là muốn tăng sức mạnh cho nhân dân tệ. Họ muốn nối gót Mỹ, đem đồng tiền của mình ra thống trị toàn cầu.
NHƯNG... Câu truyện không có dễ dàng như vậy. Viễn cảnh người người cất NDT trong két có vẻ như còn khá xa với. Bởi cho dù có một thời gian bị suy yếu sức mạnh vì dịch bệnh – thì USD vẫn bất chấp là loại tiền được sử dụng nhiều nhất trên Thế Giới cơ mà, khoảng 68%. Trong khi đấy, con số này với đồng NDT bạn biết là bao nhiêu không? Chỉ có 4,8% mà thôi. Hẳn là một khoảng cách hẵng còn xa vời lắm.
Cuối cùng, trước khi kết bài, mình muốn đặt ra một câu hỏi vì mình thực sự cần hỏi mà chưa có ai giải đáp:
Nếu như thực chất đứng sau mọi mưu đồ của Mỹ, cũng chỉ là vì lợi ích của một nhóm người, một nhóm các nhà tài phiệt có tham vọng kiểm soát dòng tiền trên toàn cầu. Vậy có khi nào, nếu các kế hoạch của Trung Quốc thực sự khả thi, họ sẽ chuyển hướng hay bắt tay với Trung Quốc luôn không?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất