TÚI VẢI CÓ GIÚP BẠN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG?
Chuyện cô Alessandra Hôm trước mình đọc được một bài viết của cô Alessandra Potenza – là Biên tập của The Verge, một trang viết...
Chuyện cô Alessandra
Hôm trước mình đọc được một bài viết của cô Alessandra Potenza – là Biên tập của The Verge, một trang viết về công nghệ và khoa học gì đấy, nói chung mình cũng chả quan tâm nhưng đại loại là cô này có tiếng tăm lắm. Cô viết bài về lựa chọn dùng túi vải của cô có giúp bảo vệ môi trường không. Đại loại là một năm trước cô cũng hòa theo trào lưu tẩy chay nhựa và túi nhựa, rồi dùng vải sáp ong để thay thế màng cellophane (một loại màng cellulose), và rồi nhất quyết không dùng túi nylon/nilong mà dùng túi vải cotton.
Đương nhiên là cô cảm thấy rất tự hào, rất đắc chí là mình đã bảo vệ môi trường rồi. Cho đến một ngày cô đọc được báo cáo Tác động vòng đời (Life Cycle Assessment or LCA) của Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch ra mắt vào đầu năm 2018 rằng túi nhựa (túi nilong) thực ra có lợi cho môi trường hơn túi vải cotton cô đang dùng. Trong báo cáo này so sánh túi để đi mua sắm, đi siêu thị làm từ 8 loại vật liệu với nhiều thiết kế khác nhau để đựng được cùng 1 tải trọng là 12kg hàng hóa và thể tích 22 lít và phân tích tác động môi trường toàn vòng đời (Life Cycle Assessment) của tất cả các lựa chọn này. Kết quả cho thấy bạn cần phải dùng lại túi giấy 43 lần, túi vải cotton hữu cơ (organic cotton) 20 000 lần và túi vải cotton bình thường 7100 lần để bù đắp cho những tác động xấu đến môi trường do quá trình sản xuất các túi này, so với túi nhựa LDPE – túi nilong/túi nylon – Túi vải cotton hữu cơ là gây hại cho môi trường nhiều nhất. Cô sững sờ và tự hỏi: phải chăng quyết định đổi từ dùng túi nhựa thành túi vải của cô đã gây hại nhiều hơn cho môi trường?
Cô không chấp nhận, cô bảo mấy cái nghiên cứu đấy chả đưa ra được góc nhìn toàn cảnh, rồi cô hỏi các chuyên gia người Mỹ. Rồi cô và họ cùng nhau ngụy biện rằng “vấn đề rất phức tạp, phải đánh đổi thôi chứ biết sao giờ, mình chỉ có thể làm tốt được một khía cạnh nào đó thôi chứ không thể có phương án toàn diện được”. Và giáo sư Travis Wagner khi được cô hỏi về vấn đề này đã nói một câu như sau: “You have to be cautious about drawing big conclusions” – “Bạn phải thận trọng khi đưa ra những kết luận lớn/kết luận chung chung (kết luận tổng quát, khái quát)”. Mình ước gì cô và tất cả mọi người đã tự nói với bản thân và cũng nói với nhau câu này trước khi tẩy chay nhựa và nói không với túi nylon =).
Trong bài viết, cô cũng dẫn ý kiến các chuyên gia khi họ (miễn cưỡng) thừa nhận về tác động tiêu cực của túi vải cotton như sau: “Bởi sản xuất sợi cotton và túi vải cotton đòi hỏi diện tích đất trồng rất lớn, tiêu hao rất nhiều nước tưới tiêu và phân bón, rồi chúng ta còn phải thu hoạch chúng, chế biến sợi, sản xuất túi mới đưa chúng ra tới thị trường được. “Cotton là loại cây trồng rất “khát máu”” – Giáo sư David Tyler nói. Một nghiên cứu của chính phủ Úc năm 2007 cho thấy rằng túi nhựa có carbon footprint thấp hơn túi giấy. Làm giấy từ cây trồng tạo ra lượng rác thải rất lớn đến các bãi chôn lấp. Trong khi, “dầu mỏ được xem là tài nguyên quý giá nên ít khi bị lãng phí”. Thêm nữa, vận chuyển 1000 túi giấy đi khắp đất nước tốn nhiều nhiên liệu hơn vận chuyển 1000 túi nhựa, GS Wagner nói. “Lượng khí thải carbon tỷ lệ thuận với trọng lượng túi, cho nên vấn đề nó mới phức tạp nếu so sánh chúng với nhau”.
Cô viết tiếp: “Quan trọng là bạn quan tâm đến khía cạnh nào. Nếu rác thải ở đại dương là thứ bạn quan tâm nhất thì túi giấy tốt hơn vì nó phân hủy và không tồn tại lâu trong môi trường”. Và cô kết luận rằng để bảo vệ môi trường thì mục tiêu là dùng lại túi càng nhiều càng tốt. Cô cũng cho biết trong căn hộ của cô bây giờ có hơn 20 túi vải.
Mình thì thấy thế này: Alessandra mới bắt đầu tẩy chay nhựa được 1 năm thôi mà đã mua 20 cái túi vải. Các bạn thử tưởng tượng ai cũng như cô thì nhu cầu sản xuất lượng túi vải sẽ tăng lên, sau đó sẽ là tăng đột biến khi người ta trở nên cuồng túi vải. Như vậy, mỗi người như thế đang siết cổ đại dương và siết cổ môi trường một cách nhanh chóng vì nhu cầu túi vải tăng cao kéo theo lượng carbon khổng lồ được tạo ra do quá trình sản xuất túi vải cotton cũng như tiêu hao tài nguyên đất, nước, phân bón một cách khủng khiếp. Bản thân ngành may mặc, thời trang và sản xuất cotton đã là nguồn gây ô nhiễm lớn thứ 2 thế giới rồi, chưa cần nói tới cái trend túi vải này đâu. Và bạn có chắc là túi vải ở cuối vòng đời của nó sẽ tốt đẹp gì hơn nhựa không hay chúng cũng vẫn bị vứt ra bãi chôn lấp rồi sau đó biết đâu sẽ làm cá chim bị mắc kẹt, ngạt thở vì mắc phải cái túi vải rách và sau chục năm đó vẫn chưa thấy nó phân hủy.
Các bạn thấy không, khi mình đưa ra quyết định quá nhanh, quá nguy hiểm thì mình rất dễ mắc sai lầm. Đã vậy khi biết mình sai thì mọi người thường hay ngụy biện rằng “vấn đề phức tạp lắm, nhiều khi mình phải lựa chọn chứ sao có giải pháp nào hoàn hảo”. Nếu các bạn đi sâu vào vấn đề ngay từ đầu và tự hỏi “Vấn đề có đơn giản như vậy không?”, hay là nói như giáo sư kia: “Hãy thận trọng khi đưa ra một kết luận chung chung” – nhựa độc, nhựa có hại, nhựa tàn phá môi trường? Nhiều người đưa ra kết luận rất nhanh chóng, rất chung chung khi đụng đến một vấn đề gì đó, xong khi mình bẽ bàng phát hiện ra mình sai rồi thì các bạn lại hết sức thận trọng 😊) – không thể hoặc khó mà chấp nhận là mình sai. Khi các bạn cảm thấy được sự phức tạp của vấn đề thì hoan hô, bởi vì bây giờ các bạn có thể hiểu được người kỹ sư vật liệu, người lựa chọn vật liệu người ta cũng đứng trước những lựa chọn khó khăn như thế nào và người ta đã cân nhắc rất kỹ khi đưa ra lựa chọn đó chứ chẳng phải người ta muốn hãm hại môi trường chỉ để hãm hại bạn đâu nhé.
Phong trào tẩy chay nhựa, nói không với túi nylon chẳng qua là người ta thực hiện vì người ta muốn cảm thấy đỡ tội lỗi một tí, thể hiện tí trách nhiệm thôi, chứ họ đâu thực sự quan tâm. Bỏ nhựa là xong, đổi qua dùng túi giấy, đổi qua dùng túi vải. Như cô ấy nói: “I feel really good about myself” – cô tự hào lắm – như các bạn nữa – vì cô ấy và nhiều bạn nghĩ là mình chỉ cần làm như thế là xong trách nhiệm, môi trường sẽ tốt lên đc thế là xong.
Có bất công cho túi cotton không?
Sau khi báo cáo của Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch ra mắt, để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các bạn cuồng túi vải, thì có một bài phản biện của 1 bạn người Thái, là chuyên gia về Sustainability (Sustainability Specialist) đang làm ở Hà Lan đăng trên medium. Mình vào đọc, nội dung bài là những điều kiện giả thiết trong bài nghiên cứu là bất công với túi vải, đặt túi vải vào thế bất lợi do túi vải thường có thể tích nhỏ, nhưng chịu lực tốt hơn túi nhựa gấp nhiều lần, và chỉ đưa ra con số tác động môi trường lớn nhất của túi vải là về nguy cơ suy giảm tầng ozone – vốn là một thứ tác động không quá quan trọng và hoàn toàn có thể cải thiện được. Ngoài ra, những so sánh này được dựa trên điều kiện thực tế ở Đan Mạch và có thể không áp dụng được ở các nước khác và những biến động về thái độ tiêu dùng hay hạ tầng xử lý rác.
Thế là mình cũng đọc kỹ lại bài nghiên cứu đấy. Thì bạn ấy bảo bài đấy bất công ở chỗ là đầu bài so sánh các loại túi với nhau và đưa ra đơn vị so sánh – functional unit, đặc trưng trong các bài so sánh tác động vòng đời Life Cycle Assessment (LCA) – bất công cho túi vải. Đơn vị so sánh trong bài là số lượng túi cần dùng để chứa đựng được 22 lít hàng hóa và/hoặc 12kg hàng hóa. Túi vải được dùng thì mặc dù có thể chịu lực được tới 50 kg hàng nhưng chỉ có thể tích là 20 lít nên là muốn đựngy được 22 lít hàng hóa thì phải dùng 2 túi vải, nên là bất công, và nếu điều chỉnh lại đơn vị so sánh là lượng túi cần dùng để chứa đựng được 20 lít hàng hóa và/hoặc 15kg hàng hóa thì số lượng túi vải cần dùng sẽ là 1 túi, số túi nhựa cần dùng sẽ là 2 túi, và do đó, các con số về tác động môi trường của túi vải so với túi nhựa sẽ giảm xuống 4 lần, không còn dã man như là con số 20.000 lần nữa. Note: Túi vải đựng được 20 lít, nhưng chịu lực 50 kg, và bản thân nó đã nặng 252 gr (strength-to-weight 200 lần), nặng hơn 10 lần so với túi nhựa rồi nhé. Túi nhựa nhẹ gấp 10 lần – 24gr, nhưng chịu lực được 12kg (strength-to-weight 500 lần).
Đồng thời, con số 20.000 lần đó cũng là làm quá vì người ta chỉ đưa ra con số to nhất trong chỉ tiêu về nguy cơ suy giảm tầng ozone, mà nguy cơ nà cũng không phải là đáng quan tâm nhất và có thể cải thiện được bằng cách abc.
Mình bật cười, nghĩ bụng mới có mấy bài như thế mà các chuyên gia về bền vững đã nhảy xổm lên, bảo là bất công cho túi vải. Mình mới cay, là từ đó giờ chửi nhựa là một thứ không bền vững, chửi nó không từ 1 cọng lông, từ National Geographic tới các chuyên gia về môi trường học, hải dương học, v.v. mà không thấy bất công cho túi nhựa, đồ nhựa à. Hôm trước lúc mình viết về việc vật liệu thay thế có thể làm tăng tác động môi trường, có bạn còn bảo là có thể hiện giờ VLTT có tác động xấu, nhưng bạn phải cho vật liệu thay thế một cơ hội, phải open-minded vào, biết đâu người ta nghiên cứu được thì sao. Trời ơi, sao các bạn open-minded với một thứ còn chưa xuất hiện – một thứ vật liệu tốt đẹp hoàn hảo ở tương lai, mà sao các bạn hà khắc với một thứ vật liệu tốt đẹp ở hiện tại như nhựa vậy?
Quay lại với bài phản biện túi vải vs túi nhựa nha. Thứ 1, khi đưa ra đơn vị so sánh, thì mình phải chọn một đơn vị và thường phải chọn theo 1 tiêu chuẩn nào đấy. Việc không công bằng giữa các đối tượng được so sánh là chuyện bình thường và cũng là 1 trong những khiếm khuyết của nghiên cứu khoa học nói chung, vì người ta chỉ có thể dựa trên 1 vài số liệu cố định để thực hiện nghiên cứu. Việc túi vải chịu lực tốt nhưng lại có thể tích nhỏ – đó chẳng phải là 1 tính chất của nó sao. Muốn đựng được thể tích lớn hơn, chẳng phải người ta cũng cần dùng nhiều vải hơn để may sao? Và khi đi mua hàng hóa tiêu dùng, thể tích và trọng lượng cần phải có sự cân bằng. Thường bạn sẽ cần túi to để đựng hàng hóa cồng kềnh, chứ về trọng lượng thì người bình thường sẽ chẳng cần đến 1 cái túi chịu lực quá tốt vì bạn cũng chẳng xách nổi quá 10kg hàng hóa mỗi bên tay đâu, trừ khi bạn đi mua sắt cục – thể tích nhỏ nhưng trọng lượng to. Khi bạn có nhiều hàng hóa cồng kềnh không thể chứa hết trong một túi, việc bạn dùng 2 túi đựng lưng lưng cho cân bằng là một lựa chọn sáng suốt và bình thường. Bạn mua túi đã được thiết kế trước theo tiêu chuẩn và việc phân phối hàng hóa và sử dụng túi thế nào cho hợp lý với túi đã mua là việc của bạn, chứ bạn không thể yêu cầu người khác thiết kế túi cho phù hợp với mỗi món hàng hóa, mỗi lần bạn mua hàng được.
Thứ 2, cho dù là 1 túi vải có tác động nhỏ hơn tác động ban đầu 4 lần, nhưng tác động của túi nhựa cũng có thể bị giảm đi 4 lần bằng cách kêu người tiêu dùng sử dụng lại 4 lần cái túi nhựa đó. Trong bài báo, điều kiện giả thiết là túi nhựa dùng chỉ 1 lần và sau đó dùng để đựng rác. Nếu bạn cho rằng con số về nguy cơ gây suy giảm tầng ozone của túi vải có thể bị giảm đi thì tác động của túi nhựa cũng có thể bị giảm đi bằng rất nhiều phương pháp như sử dụng lại túi nhựa >10 lần, sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất hoặc dùng nguyên liệu gốc thực vật làm ra túi. Tác động của túi vải cũng có thể bị tăng lên nếu người sử dụng không có tâm, sử dụng bừa bãi, để túi dơ và giặt rửa túi thường xuyên gây tốn nước, tốn xà phòng. Có muôn vàn cách, muôn vàn những khả năng khác nhau để biến một chiếc túi có lợi hoặc có hại hơn cho môi trường. Again, nếu chúng ta so sánh túi vải trong tình huống có lợi cho nó nhất, vui lòng cũng làm tương tự với túi nhựa. Nếu đặt túi nhựa trong tình huống bất lợi nhất (người dùng 90% sẽ vứt rác thải nhựa lung tung xuống biển thay vì bỏ rác vào thùng và thu gom tái chế) thì vui lòng làm tương tự với túi vải. Vả lại, túi nhựa không được tái chế, không được sử dụng hợp lý, thì không phải lỗi của túi nhựa. Cũng như việc túi vải nhỏ không chứa được đồ to là do tính chất của nó. Cho nên, bài báo cáo trên không có gì là bất công cả, chỉ có góc nhìn của người đọc ưu ái cho ai hơn.
Thứ 3, về các chỉ số tác động môi trường, có thể bài báo cáo hơi bất công là chỉ lựa con số to nhất để so sánh. Tuy nhiên, mình đánh giá rất rất cao bài báo này ở chỗ nó đưa ra không chỉ 1 con số về carbon footprint – chỉ số đánh giá khả năng góp phần gây biến đổi khí hậu (Climate change) mà nó còn đưa ra nhiều tác động khác thường không được nhắc đến như suy giảm tầng ozone, chỉ số phát thải bụi mịn, chỉ số nguy cơ gây acid hóa nguồn nước mặt, chỉ số nguy cơ gây phú dưỡng nước biển, nước ngọt, chỉ số gây độc hệ sinh thái, chỉ số tiêu hao tài nguyên, tiêu hao nước. (Các chỉ tiêu được so sánh như sau: CC – Climate change; OD – ozone depletion, HTC & HTNC – human toxicity cancer and non-cancer effects, POF – photochemical ozone formation, IR – ionizing radiation, PM – particulate matter, TA – terrestrial acidification, TE – terrestrial eutrophication, ME – marine eutrophication, FE – freshwater eutrophication, ET – ecosystem toxicity, RD – resource depletion, fossil and abiotic, and depletion of water resource).
Ngay cả khi giảm tác động của túi vải xuống 4 lần, bạn cũng có thể thấy rằng túi cotton hữu cơ sẽ tạo ra nguy cơ acid hóa nguồn nước mặt gấp 130 lần, nguy cơ gây phú dưỡng nước biển 105 lần, nước ngọt 625 lần, tạo ra chất độc hại gây ung thư gấp 94 lần, chất độc hại không gây ung thư gấp 36 lần (trong khi túi nhựa là giá trị âm – tức là không tạo ra hoặc lượng tạo ra đã được bù trừ, thu hồi, v.v.), túi cotton hữu cơ tiêu hao nước gấp 432 lần, túi cotton thường tiêu hao nước gấp 153 lần, chưa tính tới các lần túi dơ bạn phải giặt giũ cho sạch bằng nước, xà phòng, tạo ra xơ vải. Đa phần những tác động này đến từ quá trình trồng bông theo phương thức độc canh, dùng nhiều nước, nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, v.v. Và mình thấy việc người ta đưa ra chỉ số lớn nhất của từng loại túi là một việc làm hợp lý, vì tác động môi trường đâu chỉ dừng lại ở mỗi việc tạo ra khí thải carbon? Đài Yle của Phần Lan có bài “Túi vải không phải là một lựa chọn thân thiện môi trường, vậy tại sao người ta vẫn đang quảng cáo nó như một sản phẩm xanh vậy?” – và thậm chí ở rất nhiều nước khác, như Việt Nam chẳng hạn, túi vải vẫn được quảng bá, ban phát rầm rộ như một lựa chọn xanh.
Kết
Bạn có thể thấy rằng có vô vàn những khả năng khác nhau ảnh hưởng đến tác động chung (kết quả LCA) của một chiếc túi, bao gồm (1) phương pháp sản xuất và phương pháp THỰC HÀNH sản xuất – có trách nhiệm, có bền vững không; (2) trọng lượng vận chuyển tính trên đơn vị sử dụng; (3) phương pháp sử dụng, tiêu dùng của người dân – tiêu thụ bừa bãi hay tiết kiệm, có dùng lại không hay dùng 1 lần chán rồi vứt hoặc nhét trong xó, hay cứ vài hôm lại mua 1 chiếc túi vải mới cho hợp thời trang; và (4) phương thức thải bỏ và hạ tầng tiếp nhận, xử lý rác. Mà những biến động này hoàn toàn nằm ở yếu tố con người: nhà sx sản xuất ra vật liệu như thế nào, theo phương pháp nào, người tiêu dùng sử dụng nó ra sao và sẽ thải bỏ như thế nào, hạ tầng xử lý rác xử lý nó như thế nào.
Thứ 2 nữa, tác động môi trường của một sản phẩm không chỉ dừng lại ở những tác động hữu hình như lượng rác thải nhựa mà nó tạo ra. Quá trình sản xuất, tiêu thụ của chúng ta tạo ra rất nhiều tác động vô hình khác, diễn ra một cách thầm lặng hơn. Cái hại mà bạn nhận thức được bao giờ nó cũng đỡ nguy hiểm hơn là cái hại mà bạn không nhận thức được. Các báo cáo này tuy không thể bao quát hết tất cả các trường hợp có thể xảy ra, nhưng chúng cũng có tính đến những điều kiện thường gặp nhất, và túi nhựa vẫn là một lựa chọn có tác động môi trường thấp hơn nhiều so với túi giấy hay túi vải cotton - những gì mà “truyền thông phong trào” đang tuyên truyền. Bạn có đủ open-minded để nhìn nhận vật liệu nhựa “as-it-is” không? Nếu bạn cho rằng nhựa xấu, hãy tự nghĩ xem những vật liệu khác liệu có xanh hơn không? Nếu bạn đòi hỏi người khác phải cởi mở với các vật liệu khác, hãy dùng thái độ cởi mở đó khi nói về nhựa nữa. Công bằng một chút đi, đừng dùng tiêu chuẩn kép.
Cuối cùng, việc đi so sánh và bám lấy những tác động hay con số này để chỉ trích nhau rằng anh xài túi này là hại lắm, tôi xài túi này mới là tốt nhất đều là những việc làm vô nghĩa. Chừng nào chúng ta hiểu rằng giải pháp cho môi trường đến từ chúng ta, từ cách chúng ta làm việc, thực hành sản xuất, sử dụng, tiêu dùng có trách nhiệm hay không thì chúng ta mới có thể giải quyết được vấn đề. Còn cứ đổ lỗi cho vật liệu, nghe bảo vật liệu này xấu rồi chê bai nó, thay thế nó thì chúng ta sẽ chỉ đi 1 vòng luẩn quẩn mà không giải quyết được gì cả.
Huỳnh Bảo Ngọc
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất