Một bài viết, mặc dù đầy đủ logic, lý thuyết rất đúng, nhưng lại có thể khiến người đọc cảm thấy không hề thuyết phục.

Dẫn nhập

Mấy năm gần đây, có một phong trào nổi lên: đó là tranh luận, phản biện logic, tư duy thuần túy lý tính. Xa hơn nữa, trong mấy chục năm gần đây, phong trào phản biện theo tư duy biện chứng, đi từ chính đề và phản đề tạo thành hợp đề đã được Đảng và nhà nước quan tâm, triển khai vào các trường đại học.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có một thực tế dễ thấy, là việc có một số lập luận, thoáng qua lý luận rất chắc chắn, nhưng lại làm người đọc ức chế cực mạnh. Những bài viết dạng này, thường thu hút hàng trăm nghìn câu chửi bới về nhiều khía cạnh khác thay nói về nội dung bài viết. Ví dụ nhiều vô kể: Chửi lỗi chính tả, chửi viết ngu, đọc không hiểu gì. Chửi tác giả ngu, không biết gì. Chửi tác giả má hóp răng hô không biết gì (?) Chửi tác giả mặt nhìn như con đĩ mà lại thích lý luận (???).
Mặc dù đúng, là việc tranh luận để đưa ra tri thức mới cho nhân loại, thì chỉ nên quan tâm vào nội dung của vấn đề đang được tranh luận. Nhưng liệu việc những người chửi bới kia có sai hay không? Họ chửi bới vì họ không có khả năng tranh luận, không có kiến thức, có đúng là vì họ "ngu xuẩn và muốn hơn người" như những nhà "học thức" nói hay không? Đây chính là nội dung của bài viết này.

Vấn đề tiếng Việt

Tiếng Việt giàu và đẹp, phong phú cách thể hiện. Người Việt Nam tình cảm, sống chân thành, chí tình. Lịch sử Việt Nam lại gắn liền với nền văn hóa Á Đông kín đáo. Tức là xuất hiện mâu thuẫn: A. Chúng ta tình cảm, chúng ta muốn thể hiện và B. Môi trường lại không muốn chúng ta nói trực tiếp, không muốn chúng ta thể hiện ra thái độ yêu ghét hay thù hận của mình.
Điều này dẫn đến "phương tiện thể hiện khía cạnh ý thức được vật hóa của người Việt" - ngôn ngữ - cũng bị ép phát triển ngược vào phía trong, tạo thành một ngôn ngữ mà nhiều người chê bai là "cảm tính" như chúng ta thấy ngày hôm nay. Rõ ràng hơn, qua điều này tôi muốn nói rằng việc chúng ta thể hiện tình cảm, thái độ trong lời nói của mình đã trở thành chuyện hết sức bình thường, như chuyện hít thở hằng ngày, chỉ cần người đối diện hơi thay đổi âm sắc, tốc độ nói, từ ngữ khác với bình thường là chúng ta có thể nhận ra ngay, thậm chí biết được cả ý đồ của người nói. Nói cách khác đi: thông qua tương tác hai chiều: 
1. Người Việt Nam khi sử dụng ngôn ngữ của mình có thể cảm nhận được tâm tư tình cảm, thái độ của đối tượng một cách vô thức và
2. Khi sử dụng ngôn ngữ của mình, dù có cố gắng trung tính, người Việt vẫn thể hiện thái độ của mình ra cho người khác thấy.
Phải nói thêm, là thông qua hàm ý, bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có thể đạt được 2 điểm trên chứ không chỉ tiếng Việt. Nhưng riêng tiếng Việt thì sự cảm nhận về tình cảm thái độ lại cực kỳ rõ ràng, hơn các thứ tiếng khác rất nhiều, dẫn đến sự cực đoan về ngôn ngữ này cũng rất lắm.

Vấn đề sử dụng tiếng Việt trong tranh luận

Rất tiếc, tôi phải nói là đáng tiếc, khi chúng ta lại dùng tiếng để tranh luận, chứ không dùng toán học. Cái chúng ta muốn ở đây là tranh luận phải chính xác như là toán học vậy, không thiên vị, không định kiến. Nhưng (lại là nhưng) khi bản thân người đưa ra ý kiến tranh luận lại có những định kiến, thành kiến và thái độ trong lời nói của mình, thì không thể yêu cầu người khác phải "trung tính" được.
Điểm cần nói đến ở đây là việc một số bộ phận trí thức dùng những từ ngữ "phương tây" tưởng rằng trung tính mà lại không hề trung tính.
Ví dụ:
Xem Tử Vi là thứ thứ độc hại, cổ hủ lạc hậu hoặc là thừa thãi, vô bổ với đời sống hiện tại.
Những tưởng câu trên là trung tính, nhưng nó lại không hề trung tính, một chút cũng không, từ độc hại tôi nghĩ rằng tôi nên hiểu tác giả muốn nói là "toxic", nhưng sắc thái của từ "toxic" trong tiếng Anh và tiếc Việt đã khác nhau hoàn toàn. Nhiều tác giả bây giờ học theo tiếng Anh và ép người Việt phải hiểu cái nghĩa trung tính cũng như tiếng Anh, đây là một điều sai.
Những từ cổ hủ, lạc hậu, thừ thãi vô bổ, đều là những từ mang tiếng miệt thị nặng nề. Ngay từ đầu bài viết, tác giả đã không muốn người khác tranh luận tử tế, mà lại cấm người khác chửi mình, thì tôi cho rằng đây là điều không tưởng. Tôi sẽ sửa lại câu này như sau:
"Xem Tử Vi là không còn phù hợp và có những ảnh hưởng tiêu cực với nhịp sống hiện đại"
Vừa đầy đủ tất cả các yếu tố: độc hại, cổ lỗ, lạc hậu, thừa thãi, vô bổ; lại vừa đầy đủ trung tính. Một tiêu đề đặt như trên, chắc chắn số lượng người vào bắt lỗi chính tả, chửi tôi xấu trai, chửi trường tôi học là trường rẻ tiền sẽ giảm xuống còn một nửa.
Nhưng đây mới chỉ là việc đặt tiêu đề, dù gì thì nhiều người vẫn nói rằng tiêu đề giật tít không sao! Được, tôi sẽ đi sâu hơn trong phần này.

Vấn đề phân tích, đưa ra luận điểm bằng tiếng Việt

Việc tranh luận, bắt buộc phải có phân tích, có luận điểm, và luận điểm này cần phải công tâm. Thế nhưng các nhà tri thức của chúng ta có làm được nhỏ nhất này hay không? Đến cả việc đưa luận điểm cũng khiến người khác khó chịu, phiến diện, mà vẫn yêu cầu người khác phải chú ý đến bài viết của mình. Tôi cho rằng đây là một điều đáng xấu hổ với các "nhà khai sáng".
Tôi bắt buộc phải đưa ví dụ, bởi vì nói thế thì mọi người không thể hình dung được rằng cái vấn đề "cảm nhận quá rõ ràng thái độ của người khác, trong khi mình không nói ra được" - như tôi đã nói về 2 vấn đề trong tiếng việt, gây ra hiệu quả gì đối với cách chúng ta hiểu:
1. ... tuy vậy, dù quan trọng đến thế nhưng tất cả các tài liệu liên quan đến nó không hề có một câu nói nào nêu ra khái niệm của nó cả.
"dù - nhưng" là một cặp nối câu rất hay được dùng, nhưng nó lại không được trung tính cho lắm. Cách nói này kèm theo các từ biểu cảm "đến thế"; "không hề có một câu nào";"cả". Và trong mối tương quan nghịch (các tài liệu liên quan đến nó - khái niệm của nó) khiến cho ta cảm thấy hàm ý chê bai vấn đề của tác giả. Sự "cảm" này đôi khi còn tiêu cực đến mức người ta hiểu ý tác giả thành:"thực ra "nó" chả là cái gì cả, bọn nào cũng nói nước đôi lập lờ để tránh nói trực tiếp. Đấy chúng mày xem, ngay cả tài liệu liên quan đến nó mà còn chả thèm ghi gì cơ mà" - tôi nghi rằng tác giả cũng có ý này thật!
Đáng ra nên viết là:"Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực X. Tuy nhiên, các tài liệu của lĩnh vực X không đưa ra một khái niệm cụ thể cho nó." 
Nào, với cách viết trên của tôi, các bạn có thể đoán ra cảm xúc của tôi về vấn đề đấy là thế nào không?
2. A-bớt Anh-xtanh đã từng nói:"Tin hết các lời quote thì chỉ có ăn cái đầu bờ, ăn cái cục cờ", và thế là câu nói này được coi là lời thánh hiền, rồi lên sách.
Câu trên đọc qua cực kỳ trung tính, phải nói là như vậy. Tuy nhiên, do tư duy cảm xúc, và câu trên cũng vẫn là một câu "bình dân" nên vẫn có thể có nhiều ý hiểu khác nhau. Chính vì thế mới có người vào bênh tác giả, người thì lại vào chửi tác giả. 
Sai lầm của tác giả ở đây là dùng từ "thế là". Đây là văn viết, còn trong văn nói, tôi đố tác giả có thể nói câu này mà khiến tất cả mọi người hiểu rõ thái độ của mình là gì. Bởi từ này sẽ khiến người đọc cảm thấy rằng:"Cứ thế mà cũng được à" và họ sẽ ngầm hiểu điều tác giả muốn truyền đạt thành:"Thằng cha đấy nói bừa một câu, thế là điều này được coi là lời thánh hiền, rồi lên sách"
Đến đây nhiều người sẽ coi là tôi tiểu tiết hóa vấn đề. Nhưng sự thật thì vẫn có người đọc, vẫn có người chửi, thì tức là vấn đề này là quan trọng.
Tại sao không viết là:"A-bớt Anh-xtanh đã từng nói:'Tin hết các lời quote thì chỉ có ăn cái đầu bờ, ăn cái cục cờ'. Câu nói này sau này được coi là lời thánh hiền, và được xuất bản thành sách"
Thế nào? Các bạn có thấy khác không, còn cảm giác bức bối muốn chửi thằng này mặt hô răng hóp nữa không?
3. Hồng Thất Công thích ăn lá ngón, không thích ăn cơm bình thường; thực tế ông là thằng ngu
Câu này, vừa làm có giả định ngầm, giả định ngầm này khiến người đọc có cảm xúc tiêu cực. Tại sao lại thế?
Tác giả sai lầm khi dùng từ "thực tế". Việc dùng từ thực tế ở đây, tác giả đưa ra giả định nhân vật "ông" là "thằng ngu". Việc này ép người đọc phải thừa nhận, cho dù người đọc chưa và không hề có ý định đó. Chưa kể, giả định ngầm này còn chưa kiểm chứng được tính đúng sai. 
"Hồng Thất Công thích ăn lá ngón, không thích ăn cơm bình thường; ý kiến cá nhân tôi cho rằng ông là thằng ngu"
hoặc
"Hồng Thất Công thích ăn lá ngón, không thích ăn cơm bình thường; người đời thường gọi ông là thằng ngu[2]" có trích nguồn.
Thế nào? Các bạn có cảm thấy khác nhiều không, kể cả với một câu nói cực kỳ phiến diện, chửi bới như vậy mà vẫn còn có thể mang sắc thái trung tính?
Ví dụ thì còn nhiều, kể cả năm cả ngày không hết. Những bài viết thuộc dạng này là những bài đọc thì cứ tức anh ách, cảm thấy muốn chốt vỡ mồm tác giả. Nhưng nói thì sẽ bị chửi là vô học, chửi là không biết tranh luận. Tác giả cũng "chặn họng" đọc giả trước là chửi bới thì sẽ không trả lời. Haha, kỳ quặc. Trong khi chính tác giả dùng những từ ngữ không hề trung tính, muốn người đọc tức, nhưng lại cần người đọc trung tính như ông bụt.
Chính những cảm xúc mà người đọc vốn không thể lý giải như tôi ví dụ ở trên, sẽ khiến cho họ công kích cá nhân.
1. Mày là thằng nào mà dám có thái độ như thế này? Tác giả sẽ lại vào và nói rằng, tao là ai không liên quan đến nội dung tao viết. Chân lý là Chân lý!
Các bạn thấy đấy, liên quan rõ ràng chứ, thái độ hỗn hào, cà khịa giả định ngầm đồng loạt, chắc chắn sẽ dẫn đến việc người đọc đào bới đời tư cá nhân để xem xem tác giả là ai và phát ngôn ngu như thế! Nếu tác giả viết một cách trung tính như cách tôi sửa, thì người ta cũng chẳng thèm quan tâm đời tư tác giả làm gì.
2. Mày viết ngu quá, đọc chẳng hiểu gì! Tác giả vào bảo rằng, vì anh không đủ trình độ để hiểu!
Kỳ quặc, viết để người khác hiểu, chứ viết xong người khác không hiểu thì để làm gì. Đặc biệt, cái việc tác giả viết với một thái độ kênh kiệu, đứng trên người khác (cái này tôi sẽ ví dụ trong các bài viết khác - nếu cần) thì người đọc từ chối hiểu. Tổng kết lại, là do kiến thức của tác giả không đủ để người khác hiểu, cả về tâm lý lẫn xã hội.

Cho đến vấn đề thái độ của bài viết tiếng Việt

Có quá nhiều từ để có thể diễn tả sắc thái của một bài viết; đặc biệt là tiếng Việt, chúng ta có trào phúng, câng câng, xấc láo...
Điều đáng cảm thấy xấu hổ nhất, là những bài viết với thái độ khinh khỉnh vấn đề đang được tranh luận, bài viết mang tính chất trào phúng, trịnh thượng ... lại bị đội lốt dưới cái mác "tranh luận công bằng" - " đúng nguyên tắc tranh luận khoa học" - "tôi thì liên quan gì đến kiến thức mà tôi nêu ra".
Để tôi chốt một điểm mà các bạn sẽ cảm thấy hơi lấn cấn nhé:
Những kiến thức đấy không có giá trị tranh luận.
Tại sao? Vì như đã nói, tranh luận chỉ là khi kiến thức, lý luận, logic - những thứ này được nằm trong một thứ lớn hơn - là thông tin được đưa ra mà thôi.
Thông tin đưa ra, mà còn vẫn còn cảm tính trong đó, muốn người đối diện tranh luận một cách thẳng thắn không hề cảm tính. Khi đó, người phản biện sẽ phải hứng chịu cảm xúc ức chế không đáng có. Việc này sẽ chẳng dẫn đến đâu.
Khi còn chưa viết được trung tính, thì tốt nhất đừng lên mặt tranh luận. Và việc bị chửi, bị công kích cá nhân, là điều hoàn toàn hợp lý, hợp tự nhiên, hợp cả logic, không có gì sai ở đây cả. Nếu đã sẵn sàng đưa ra một bài viết sặc mùi thái độ cá nhân, thì tốt nhất là nên sẵn sàng "tranh luận công bằng" kết hợp với "tranh luận không công bằng"
Lê Đồ.