THÔI ĐỂ MAI LÀM!
Câu cửa miệng kinh điển thốt ra vô số lần để chúng ta có thể cày anime, chơi vài ván game, xem mèo trên tiktok hay đơn giản là cầm bàn phím đi phang nhau khắp spiderum. 

Trì hoãn là một vấn đề không mới với nhân loại, đôi lúc ta nghĩ rằng nó là vấn đề của những cá thể homo bị bao phủ bởi chủ nghĩa tiêu thụ, nhưng thực tế nó đã được mô tả sớm nhất bởi Hesiod trong bài thơ "work and days" vào khoảng 700 năm trước(1). Tiếp nối là thành tích 16 năm cho một bức vẽ của Leonardo Da Vinci, Victor Hugo tự lột sạch quần láo để ép mình hoàn thành một tác phẩm, Geoffrey Chaucer viết "đừng trì hoãn tới ngày mai" nhưng đến cuối đời chỉ hoàn thành được 24 trên 100 tác phẩm đề ra ... Lịch sử đã cho thấy không gì bảo vệ bạn khỏi con khỉ ngu ngốc trong não này
chính nó, 16 năm... nguồn vietnamnet.com

Vì trì hoãn khá phức tạp, nên bài viết này mình muốn khai thác một vài nguyên nhân chính, từ đó đưa ra giải pháp dựa trên chiêm nghiệm cá nhân. Trước hết, hãy cùng tua ngược dòng thời gian, khi tổ tiên ta vẫn hằng ngày rong ruổi tìm quả chín, săn bắt thú dữ và đôi lúc đấm nhau với các loài homo khác. 

1. Tiến hóa của sự trì hoãn


Hãy tưởng tượng rằng bạn là một cá thể homo sapiens ở tuổi trưởng thành, hằng ngày thức dậy vào bình minh và tất cả những gì bạn quan tâm là kiếm đủ thức ăn cho bộ lạc. Ở trong khu rừng nguyên sinh đầy nguy hiểm với thú dữ và hoa quả chín, mọi quyết định đều sẽ có ảnh hưởng ngay lập tức. Vào lúc này, bạn đang sống ở hiện tại, nơi mọi thứ đều được phản hồi nhanh chóng. 

Không kiếm đủ thức ăn thì đói, không biết giữ năng lượng mà thích tăng động chạy nhảy thì sớm muộn gì cũng bay màu. Được ăn thì vui vẻ mà làm tình thì đương nhiên sung sướng, chắc chả có cá thể nào muốn học tiếng của một bộ lạc khác để đi làm gián điệp đâu nhỉ? (một việc tốn calo nhưng không đem lại thức ăn ngay thời điểm ấy) 

Các cơ chế sinh học được cài trong não chúng ta nhằm mục đích tối thượng là sinh tồn và duy trì đã phát triển qua hàng trăm nghìn năm, khi mà não được thiết kế để sống trong một môi trường được gọi là immediate return environment(2)(tạm dịch: môi trường phản hồi tức thì). Cụ thể, vùng neocortex - vùng não kiểm soát ý thức của con người, có kích thước gần bằng 200 nghìn năm trước(3).
nguồn: FAVPNG.COM
Trớ trêu thay, chỉ trong vài trăm năm gần đây, xã hội đã được thiết kế theo một cách khác, nơi mà bạn làm việc để nhận lương 30 ngày sau đó, chăm chỉ học tiếng anh thì ít nhất vài ba thánh mới thấy sự khác biệt, đọc tài liệu sấp mặt thì đến lúc nhấn nút đăng bài mới cảm thấy sung sướng, ... Và còn nhiều khía cạnh khác của xã hội hiện đại trì hoãn phần thưởng đến tương lai. Môi trường chúng ta đang sống, được gọi là delayed return environment (tạm dịch: trì hoãn phản hồi môi trường). Vài trăm năm là một mốc lớn cho nhân loại, nhưng với bộ não bỏ ra hàng trăm nghìn năm để thích ứng với immediate environment, nó chẳng có ý nghĩa gì nhiều.

Nghĩa là, chúng ta đang đi lại với phần cứng không phù hợp với cuộc sống hiện đại - phần cứng yêu thích các phần thưởng tức thì(4). Có hẳn một khái niệm miêu tả điều này, nó gọi là delay discounting - miêu tả rằng khi phần thưởng hoặc sự trừng phạt ở càng xa chúng ta, giá trị của nó càng giảm(5)(6). 

Ta biết hành vi của con người được thúc đẩy chủ yếu bởi phần thưởng và sự trừng phạt. Chúng ta đơn giản sẽ coi nhẹ chúng nếu xảy ra ở một tương lai xa xôi và tập trung vào những phần thưởng ở hiện tại. Đây là lý do bạn nhàn nhã thưởng thức Netflix vào mấy ngày đầu và chạy deadline sấp mặt vào cuối thời hạn, vì đơn giản ở đó, hình phạt có vẻ hiện lên rõ ràng trong tâm trí.

2. sự cân bằng cảm xúc


Ta biết cơ thể được tinh chỉnh để phục vụ mục đích tối thượng là tồn tại và duy trì giống nòi. Vậy chính xác não làm thế nào để tối ưu cho việc sinh tồn? Câu trả lời, chính là reward system. 

Reward system chỉ một hệ thống được xây dựng bởi các con đường dopamine trong não. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành vi của con người. Nó hướng chúng ta tới các kích thích thú vị như tình dục, thức ăn, game gủng, lướt web ... Và sống chết tránh xa mấy thứ tốn nhiều năng lượng và buồn tẻ như bài tập, học từ vựng, ngồi đọc tài liệu dài ngoẵng để viết bài ...  Bằng cách tiết ra dopamine hoặc không(7). 

Trong trường hợp bạn đang khinh thường loại chất hóa học thần kinh cấu tạo từ một vòng benzen liên kết với 2HO và NH2 này. Nên nhớ rằng, trên thực tế dopamine không phải là một phần tử của niềm vui như nhiều người lầm tưởng. Nó là chất khiến chúng ta mong muốn mọi thứ(8). Từ miếng bánh ngọt tràn calo, lăn lộn trên giường với ai đó, cho tới việc ... Đi vệ sinh(9). 
Dopamine rất quan trọng trong việc điều khiển hành vi. Nó hướng chúng ta tới những việc mà nó cho là có ích cho sinh tồn (một cách vô thức) dù rằng không phải vậy. Khi này, bất cứ hành vi nào gây giải phóng dopamine, đều được não cho là có lợi và thúc đẩy chúng ta lặp lại qua reward learning (đại khái nếu nó thấy hành vi này tạo nhiều dopamine, não sẽ thêm vào "những hành vi nên làm", trong khi tiết ít thì sẽ được thêm vào blacklist và cố gắng điều khiển chúng ta tránh xa)(10).

Đó là một vòng luẩn quẩn. Dưới góc nhìn tâm lý học, trì hoãn là một sự tự cân bằng cảm xúc, tránh xa những thứ tẻ nhạt và gây khó chịu, hướng tới những thứ vui vẻ hơn. 

Trong một thí nghiệm của mình, Tice và Ferrari đã đưa sinh viên (những người trì hoãn kinh niên) vào trong phòng thí nghiệm và nói rằng ở cuối buổi sẽ có một số câu hỏi toán học. Một số người được nói rằng đó là những câu hỏi kiểm tra về mức độ nhận thức, số khác được cho hay ấy chỉ là những câu hỏi thú vị và vui vẻ. Họ sẽ có thời gian để chuẩn bị cho câu đó hoặc chơi một số máy chơi game lắp trong phòng. Với nhóm được nói rằng đây là một câu hỏi kiểm tra mức độ nhận thức, họ chơi game. Nhóm còn lại với câu hỏi được miêu tả là vui vẻ, họ cư xử như những người không trì hoãn(11). 

Như vậy, ta đã biết 2 quan điểm chính về trì hoãn. 

- 1 là do não không thể nhìn thấy lợi ích từ hành động sắp làm, từ đó hướng tới những hành vi có lợi ích tức thì hơn. 

- 2 là trì hoãn được coi là một chiến thuật xử lý căng thẳng khi cố gắng tránh xa những thứ gây khó chịu, tẻ nhạt - thứ sẽ kích hoạt fight-flight(12).

3. Sống ở hiện tại


Đây là điều mình chiêm nghiệm được khi đọc một số tài liệu về sự trì hoãn. Thật ra áp dụng chiến thuật này để chống lại sự trì hoãn đã được mình áp dụng mà chẳng hay biết gì về nó từ khá lâu. 

Ví dụ: 

- việc tập thể dục, mình tập vì mong muốn lượng năng lượng dồi dào sau tập khoảng 2-3 tiếng. Điều mà mình cực thích. 

- Vừa đọc báo học thuật vừa ghi chú từ mới không phải cho "a brighter future" mà là cảm xúc "tâm hồn đầy hoa lá và rộn tiếng chim" sau khi hoàn thành. Nó thực sự tuyệt vời, kiểu đời đẹp thế là cùng. 

- Mình đọc sách cũng vì cảm giác bay bổng giữa những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời kiểu kiểu vậy. 

Thường khi muốn nhấc mông và làm điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời. Mình không nghĩ về các lợi ích cho tương lai, mà tập trung vào hiện tại hơn. Nó thực sự hữu ích, dù rằng đôi lúc ta không thể kiếm được lợi ích tức thì nào cho việc mình muốn làm. 

Well, giai đoạn đầu có thể hơi khó khăn để hình thành sự hứng thú với các lợi ích ta nghĩ ra. 

Nhưng hãy nhớ bạn là con người, loài sinh vật có sự tự nhận thức đặc biệt trong sinh giới - hãy tận dụng điều ấy để quan sát và điều khiển chính mình. 

Đừng nghe theo bản năng giống lũ mèo. 

Tạm biệt! 

ai gọi t thế?

Có vẻ 4 bài của mình đều khá u ám như trời đông Hà Nội, vậy nên có lẽ bài sau sẽ tươi sáng hơn chút. Một bài về một cách để đời thêm đẹp thì sao nhỉ (science-backed)?

Rất mong được mọi người góp ý!
nguồn ở dưới phần cmt.