Bạn có bao giờ cảm thấy nản chí với tiếng Anh? Tại sao học hoài, tra từ hoài mà lần tới gặp lại từ đó cứ phải ngậm ngùi gõ vdict.com hay lacviet.vn 1 cách cay đắng?
Bạn có bao giờ cảm thấy thiếu tự tin về tiếng Anh của mình, thậm chí ngay cả khi điểm IELST cũng dạng 6.5 7 chấm rồi mà nói một vài câu với người Tây vẫn ngắc ngứ, xong chả biết làm thế nào để diễn đạt được rõ quan điểm?




Bài này mình xin để chia sẻ 1 vài kinh nghiệm, có thể nói là xương máu, trong quá trình rèn luyện tiếng Anh của bản thân. Nói là xương máu vì ngay cả trong 1 môi trường bản địa không thể thuận lợi hơn, nó cũng ngốn đến hơn 5 năm để có thể tạm coi là thuần thục và tự tin với khả năng của mình. Vì vậy, hy vọng những tips nhỏ này có thể giúp ích cho các bạn. 

1. Không nên kết hợp tra từ trong lúc luyện các kỹ năng

Một trong những thói quen lãng phí thời gian nhất trong học ngoại ngữ là tra từ. Có thể tóm tắt quá trình một cách đơn giản như thế này: ví dụ bạn đang luyện đọc 1 cuốn sách bằng tiếng Anh, khi bắt gặp 1 từ mới, lập tức sự tò mò sẽ khiến bạn muốn dừng việc đọc và tra ngay để hiểu từ ấy trước khi đọc tiếp. Nếu không tra, cảm giác khó chịu và nhiều khi là sợ mình hiểu không đúng có thể khiến bạn nhanh chóng chán nản việc đọc và dừng lại. Nếu tra (và thậm chí nhiều người cẩn thận còn ghi lại),  rất có thể cả buổi bạn chỉ đọc được một vài trang, và cứ như vậy thì cả tháng hay cả năm cũng không ... mất tiền mua thêm sách mới vì vẫn chưa đọc hết cuốn ấy.
Vậy, bạn có thể làm gì để cải thiện điều này?
Theo mình có 2 thứ bạn nên làm. Đầu tiên, đừng ngại, hãy cứ tra nhanh từ mới, nếu như bạn cảm thấy thực sự cần thiết. Nhưng quan trọng là phải tra thật nhanh, với chỉ 1 mục đích duy nhất là để hiểu từ ấy trong văn cảnh mà người viết muốn đề cập. Đừng ghi chép lại, cũng đừng cố gắng nhớ. Vì “will power” của mỗi người là có hạn, và việc vừa cố nhớ từ trong khi vừa cố gắng đọc chắc chắn sẽ khiến bạn từ bỏ việc đọc nhanh hơn bạn tưởng rất nhiều.
Thứ hai, đừng đọc xong bỏ sách xuống rồi bật Facebook Insta lên ngay. Hãy cố làm thêm 1 bước nữa trước đó: rà lại 1 lần toàn bộ phần mình vừa đọc. Nó vừa có tác dụng khiến bạn hiểu sâu hơn về nội dung, và vừa khiến bạn chú ý hơn đến những từ được sử dụng lặp lại, mà vì bạn mới tra, nên có thể biết chắc là nó quan trọng cho nội dung sách hay rộng hơn là lĩnh vực mà bạn đang quan tâm. Ghi chú những từ lặp đi lặp lại hoặc những từ bạn cho là quan trọng nhất ấy ra 1 list, nhưng đừng làm gì sau đó nữa. Cứ kệ cmn cái list ấy 1 thời gian đi đã, sau hẵng hay.

2. Khi đã tra từ, tra cho đến nơi đến chốn

Như đã nói, khi bạn kết hợp tra từ với bất cứ hành động học nào khác, như đọc, nghe hay viết, đều rất dễ nản. Vì vậy, có thể nói cách duy nhất để khắc phục là dành riêng thời gian để tra từ. Đặt 1 pomodoro 25', tự định sẵn phần thưởng cho bản thân khi kết thúc 25 phút nặng nhọc này, như 1 cái bánh ngọt, hay 1 cốc trà sữa nếu bạn đại gia, hoặc 1 cái kẹo mút nếu bạn sinh viên nghèo như mình. Để nó bên cạnh đồng hồ pomodoro và bắt tay vào học từ.
(Cách học từ này của mình là tổng hợp từ khá nhiều nguồn, nhưng nó thực sự hiệu quả, mình đảm bảo với bạn đấy).

B1: Tra google: “use … in a sentence”. Đọc các câu, và cố đoán trong đầu nghĩa của từ.
B2: Giở từ điển, kiểm tra nghĩa của từ với nghĩa bạn đoán. Mình hay dùng: https://dictionary.cambridge.org/
B3: Nghe cách phát âm của từ 5-10 lần, và đọc to lại từ ấy 5-10 lần.
B4: Viết lại nghĩa của từ cộng với 3 ví dụ khác bạn tự đặt ra.
B5: Tra synonyms và antonyms của từ, đồng thời soi kỹ xem chúng sử dụng khác với nhau như thế nào.
B6: Chơi 1 chút, vào https://www.etymonline.com/ và đọc nguồn gốc của từ. Nếu thấy cái gốc nào quen quen, ghi lại. Nó sẽ rất có lợi cho việc bạn đoán từ sau này.
B7: Nhìn lại từ, và nghĩ ra 1 cách thật thông minh hay thật dị để nhớ được nghĩa của từ ấy.
Ví dụ, từ abdicate có nghĩa là từ bỏ địa vị, thường là vua hoặc nữ hoàng. Bạn biết mình cố nhớ kiểu gì không, mình đọc theo kiểu tiếng Việt là "ép đi cấy", và khi đã bị ép đi cấy rồi thì còn vua với nữ hoàng gì nữa, chỉ có cách từ bỏ cmn hết mà thôi. Nó quê thật, nhưng chắc cả đời mình cũng không quên từ này luôn đâu.
Hay từ compatible, mang nghĩa là 2 sự vật hoặc 2 người có thể hòa hợp, kết hợp và cùng tồn tại hài hòa với nhau được, con em bựa chơi với mình nó kể nó nhớ bằng cách chia ra làm 2 thứ: cái compa và cái "ti bố". Vì bố nó tập gym nên ti rất tròn =)), nên thế là cái compa và ti bố nó có thể kết hợp được với nhau.
Lưu ý: chắc bạn cũng thấy, cái này luyện cả trí tưởng tượng của bạn nữa. Nhưng thực ra nó nhắm vào cái nỗ lực của bạn thì đúng hơn, vì nghiên cứu đã cho rằng khi bạn thực sự nỗ lực tưởng tượng thì nó sẽ hằn vào não bạn. Vì vậy, kể cả bạn có không thể tìm ra 1 cách gì để nhớ, thì chỉ cái nỗ lực cố gắng tìm kiếm ấy thôi cũng đã khiến những từ đó chịu ở lại với bạn lâu hơn nhiều rồi.
B8: (QUAN TRỌNG NHẤT) đặt lịch đọc lại những từ bạn học. Mình không nhớ đọc được ở đâu, nhưng “xem đi xem lại” là tối quan trọng cho việc học từ. Và với kinh nghiệm bản thân, thường mình nhớ và có thể sử dụng nhuần nhuyễn 1 từ chỉ sau lần thứ 5 hay 6 mình xem lại. Yên tâm, khó ai chậm tiêu như mình, và khả năng cao bạn sẽ làm tốt hơn nhiều đấy.  
1 điểm nữa là hãy đặt ra lịch xem lại với quãng thời gian tăng dần. Ví dụ, sáng bạn học từ, thì nên đặt là tối, ngày hôm sau, 1 tuần sau, 1 tháng sau, 2 tháng sau. Vì những lần đầu là quan trọng nhất, còn những lần nhắc lại sau này là để chắc chắn các từ mới sẽ nằm lại trong bộ nhớ long-term của bạn (chả hiểu sao không thể nghĩ nổi dịch cái này ra tiếng Việt là gì)

3. Tìm lại động lực trau dồi tiếng Anh: Hãy bắt đầu học thêm 1 ngoại ngữ mới

(Cái này hơi xa xôi 1 chút, dành cho những bạn đã cày tiếng Anh được 1 thời gian, có thể nói là có trình độ, nhưng bị chững và không biết làm thế nào để tiếp tục trau dồi thêm vốn tiếng Anh của mình).

Đã từ khá lâu nhà tuyển dụng không còn ấn tượng gì với chữ English trong CV của bạn nữa, nhưng có thêm 1 chữ Spanish hay French hay Tung Của bên cạnh chữ English thì mọi thứ lại hoàn toàn khác. Nó sẽ giúp bạn trở nên khác biệt, và nó cũng mở ra rất nhiều cánh cửa mà bạn có thể chưa bao giờ nghĩ tới. Và việc đạt được điểm IELTS hay TOEFL tốt hoàn toàn có thể là điểm tựa cho bạn tự tin vào khả năng học ngoại ngữ của mình, để cho việc bắt tay vào cày 1 ngoại ngữ mới trở nên dễ dàng hơn. Điều cản trở lớn nhất là mọi người thường ngại, cộng với quan điểm được nhắc đi nhắc lại là ngoại ngữ rất khó cho người trưởng thành. Nhưng điều đó hoàn toàn là 1 ý kiến sai lầm bạn nhé. Đồng ý là trẻ nhỏ dễ hấp thụ ngoại ngữ 1 cách tự nhiên hơn, nhưng người trưởng thành cũng có đầy những lợi thế riêng, như việc lựa chọn ngoại ngữ và đặt mục tiêu, kênh thông tin, đồng thời với kinh nghiệm học tiếng Anh.
Còn 1 điều đặc biệt nữa mà có lẽ bạn chưa bao giờ nghĩ tới, học ngoại ngữ khác lại chính là cách để bạn có thể cảm thấy tự tin vào bản thân và khả năng tiếng Anh của bạn. Mình vẫn nhớ thời gian đầu tiên bắt đầu lẩm bẩm: uno, due, tre, quattro blah blah, mỗi ngày 25 phút mà như cực hình, nhưng sau 25 phút đó mình cứ bần thần tự hỏi: "TDN mà mình giỏi tiếng Anh được như bây giờ nhỉ, ngoại ngữ khó thế này cơ mà? Mình đúng chẳng phải dạng vừa đâu".
Ừ thì, những khoảnh khắc "tự sướng hơi quá" ấy có thể rất dở người, nhưng thực sự nó cho mình thêm động lực rất nhiều để tự tin vào bản thân và tiếp tục nâng cấp tiếng Anh hơn nữa. Vì có một điều mà rất nhiều người thường lầm tưởng ở cái thời đại mì ăn liền này, là họ có thể trở nên pro với cái vốn 500 600 từ thông dụng. Thực ra đó chỉ là cái tự tin giả tạo mà thôi, còn nếu để thực sự làm chủ 1 ngôn ngữ và có thể bàn luận cũng như đưa ra quan điểm của bạn, theo mình, có lẽ sẽ phải mất 1 vài cái "5 10 năm" đấy bạn ạ.



Kết: Thực sự điều mình muốn chia sẻ với các bạn chỉ là: tiếng Anh có lẽ là con đường ngắn nhất để mở cánh cửa ra thế giới đó bạn. Tất cả những nguồn thông tin chất lượng và cập nhật hơn, những cơ hội việc làm có thể thay đổi cả đời người, và rất nhiều những thứ tốt đẹp khác, rất có thể sẽ mỉm cười với bạn nếu như bạn thực sự làm chủ được tiếng Anh của bản thân. Vì vậy, cố gắng lên, bạn nhé!

A Dreamer

Các bài viết khác của tác giả: