Ngoài tiếng mẹ đẻ, tôi đã từng tiếp cận tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Anh. Thứ tự vừa rồi đã được sắp xếp theo mức độ nghe hiểu tăng dần của tôi đối với những ngôn ngữ đó. Sau những lần hứng thú nhất thời nhưng đem lại lợi ích không ngờ tới, tôi đã bỏ túi cho mình một số mẹo để bắt đầu học tiếng nước ngoài đặc biệt hiệu quả.
Nguồn gốc tiếng mẹ đẻ mở ra cơ hội
Nhìn lại thời điểm sơ khai, một trong những bước tiến hóa giúp con người trở nên khác biệt và ưu việt hơn các loại động vật khác là sự ra đời của ngôn ngữ. Tuy các loài động vật khác cũng có các phương thức giao tiếp với đồng loại của mình bằng cách sử dụng một loạt các dấu hiệu như âm thanh hoặc chuyển động, nhưng không phức tạp và biểu cảm như ngôn ngữ của con người. Dần dần, ngôn ngữ phát triển và đa dạng hóa theo thời gian và lịch sử tiến hóa của loài người. Chúng ta có thể so sánh những ngôn ngữ hiện đại để xác định các tính trạng ngôn ngữ của tổ tiên, từ đó tìm ra được nguyên nhân và các giai đoạn tiền đề để hình thành và phát triển thành ngôn ngữ hiện đại ngày nay. Một nhóm các ngôn ngữ có chung một tổ tiên được gọi là một ngữ hệ. Trong đó, ngữ hệ Ấn-Âu được sử dụng rộng rãi nhất, bao gồm cả tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga và tiếng Hindi; ngữ hệ Hán-Tạng bao gồm tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Tạng và nhiều ngôn ngữ khác ở Đông Á, v.v... Do đó, thông thường, những quốc gia có chung ngữ hệ sẽ có lợi thế để học ngôn ngữ của nhau.
Thế nhưng, nếu ngôn ngữ mới cần học lại không thuộc chung ngữ hệ của tiếng mẹ đẻ, khó mà vận dụng được kinh nghiệm của tiếng nói dân tộc vốn quen thuộc thì bước tiếp theo là gì? Đối với đại đa số người dân, ngữ hệ xem như là một phạm trù ít được biết đến, dựa hoàn toàn vào nó để học ngôn ngữ thì không phải là hướng đi hiệu quả. Tuy nhiên, không biết không có nghĩa bản chất của nó không tồn tại. Hãy giữ lối suy nghĩ đó khi học ngoại ngữ, chúng ta sẽ tìm ra một cách học đi từ gốc rễ nhưng thoáng hơn: Tìm ra điểm giống nhau giữa tiếng nước ngoài và tiếng mẹ đẻ.
Ta có thể nhận thấy trong ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam, do sự ảnh hưởng của chế độ phong kiến phương Bắc từ những thuở đầu dựng nước khá sâu sắc, tiếng Việt xuất hiện những âm vay mượn từ từ vựng tiếng Hán, gọi là từ Hán cổ và từ Hán Việt, gọi chung là từ gốc Hán. Từ khi Pháp xâm lược Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XIX, tiếng Pháp dần thay thế vị trí của cổ văn, trở thành ngôn ngữ chính thức trong giáo dục, hành chính và ngoại giao. Chữ Quốc ngữ, do một số nhà truyền giáo châu Âu tạo ra, đặc biệt là hai tu sĩ người Bồ Đào Nha Gaspas do Amaral và Antonio Barbosa, với mục đích ban đầu là dùng kí tự Latin ghi lại tiếng Việt, được chính quyền Pháp thuộc bảo hộ sử dụng và dần dần sử dụng phổ biến hơn trong xã hội. Mặc dù chữ Hán với chữ Nôm đã được thay thế bằng chữ cái Latin để đồng văn tự với tiếng Pháp nhưng ngữ nghĩa và ngữ âm của tiếng Việt với tiếng Hán (tiếng Trung hiện đại) vẫn còn có sự tương đồng nhất định, như:
- Số đếm (từ 1 - 10) gồm nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, bát, cửu, thập (yī, èr, sān, sì, wǔ, liù, qī, bā, jiǔ, shí)*;
- người - nhân /rén*/: 人
- cơ thể, thân thể /shēn tǐ*/: 身体
(*): Đây là cách thức sử dụng chữ cái Latin để học phát âm tiếng Trung, gọi là Bính âm Hán ngữ (pīnyīn)
Với những ảnh hưởng từ quá khứ, tiếng Việt đã được hình thành như ngày hôm nay. Theo ý kiến cá nhân của tôi, tôi thấy rằng có tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ thật sự có lợi thế. Với hình thức chữ viết là bảng chữ cái Latin khá dễ nhớ, người Việt có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với các ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp,... Về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa, tiếng Việt lại có nhiều điểm giống nhau với tiếng Trung. Do đó, ngoài tiếng Anh được học ở chương trình phổ thông, nếu trau dồi vốn từ vựng gốc Hán, chú ý bảng phiên âm pīnyīn và đúc kết ra những điểm chung với tiếng Việt, bạn có thể cơ bản nghe hiểu tiếng Trung một chút rồi đấy.
Nghe chút nhạc, học chút từ nhé. Bài này là kinh điển đấy!
Còn tiếng Hàn thì thế nào nhỉ? Cũng giống như Việt Nam, Hán ngữ từ lâu đã được du nhập vào Hàn Quốc, từng là ngôn ngữ văn tự chính trong một thời gian dài ở xứ kim chi. Vì thế chữ Hán và tiếng Hàn có quan hệ rất mật thiết với nhau. Tuy nhiên các từ Hán du nhập vào và được sử dụng trong tiếng Hàn không đọc theo âm tiếng Trung vốn có của nó mà theo âm tiếng Hàn, tuân theo các nguyên tắc ngữ âm tiếng Hàn. Hiện tại, để học ngôn ngữ này, chúng ta cần kết hợp cả Việt- Trung. Vì quy tắc phát âm và viết chữ của tiếng Hàn có những điểm cần lưu ý như sau: Tiếng Hàn cũng dùng bảng chữ cái để ghi lại âm thanh và ghép lại tạo thành từng tiếng giống tiếng Việt nhưng là chữ tượng hình tương tự Trung Quốc, với các nét đơn giản và dễ nhớ hơn.
Thịt - gogi (고기) - Ghép âm "g" và "o" tạo thành tiếng "go", âm "g" và "i" tạo thành tiếng "gi", ta sẽ được từ "gogi" mang nghĩa "thịt". Tương tự cho Park Hang Seo (박항서), Hàn Quốc - Hanguk (한국), v.v...
Như vậy, bạn càng tiếp cận và lĩnh hội nhiều ngôn ngữ khác nhau, bạn càng tích lũy cho mình nhiều nền tảng để đối chiếu, bắc cầu với những ngôn ngữ mới. Chung quy thì sáng tạo vẫn là dựa vào những gì có sẵn mà, ngôn ngữ cũng không ngoại lệ.
“Language is the road map of a culture. It tells you where its people come from and where they are going.” (Rita Mae Brown)
Giữ lấy sự yêu thích lâu bền với ngôn ngữ
Tự hào mà nói thì tôi cũng từng giao tiếp đôi chút với người Trung Quốc (tiếng Trung phổ thông thôi, chứ tiếng địa phương của họ ngay cả dân nội địa Trung sống khác cái tỉnh nghe cũng không hiểu nhau), nói chuyện bằng tiếng Anh với người Anh và vài người bạn Hàn Quốc. Nhờ vậy, tôi nhận thấy ngôn ngữ quả nhiên không phải là một môn học trên lớp, nó là một phương tiện giao tiếp cần thiết cho đời sống. Nếu không có nhu cầu hoặc mục đích sử dụng phương tiện đó, chúng ta không thể thúc đẩy bản thân sử dụng nó một cách hiệu quả được. Nhận ra được điểm tương đồng giữa các ngôn ngữ chỉ là khởi đầu, thứ giúp bạn kiên trì và lĩnh hội được ngôn ngữ chính là nhu cầu và sự yêu thích của mình với ngôn ngữ. Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi, được đưa vào chương trình học phổ thông, nhưng tôi chỉ thực sự muốn học và dùng nó một cách nghiêm túc sau khi giao tiếp với người nước ngoài, muốn được thể hiện suy nghĩ của mình bằng ngôn ngữ một cách chính xác và lưu loát như họ. Không những thế, những bạn fan phim, fan idol sẽ nhìn ra được động lực kiên trì này rõ nhất. Một khi đã hâm mộ một nhân vật, diễn viên, yêu thích một bộ phim, bài nhạc hay thường xuyên theo dõi các video của cùng một quốc gia, về lâu dài, bạn sẽ tự động hiểu và có thể nói được một số cụm từ quen thuộc. Thay vì mãi chờ người phiên dịch, tự mình nghe hiểu vẫn tiện hơn, đang muốn xem đến thế mà!
Bạn tôi xem phim Hàn, nghe nhạc Hàn, đến độ nó có thể đăng caption bằng tiếng Hàn mà chưa từng bỏ tiền đăng kí khóa học tiếng Hàn nào; tôi xem phim Trung, nghe nhạc cổ phong vì yêu thích đơn thuần, gặp ai hát sai lời vẫn nhận ra được. Cứ thế, tiếng Trung thấm vào não bộ của tôi một cách tự nhiên như vậy đó. (Nhưng bảo tôi viết ra lời bằng chữ Hán, tôi vẫn chưa rèn luyện khả năng đó đâu).
“To have another language is to possess a second soul.” (Charlemagne)
Chuyện bên lề: Nhớ lần đó ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, một "anh" 30 tuổi khá gầy và cao tới bắt chuyện và ngỏ ý muốn kết bạn làm quen, nói đúng hơn là mượn tôi dẫn đi tham quan chỗ này chỗ nọ, tất nhiên tôi chưa nhận ra ý đồ đó từ đầu. Lúc đầu cũng từ chối, nhưng người ta kiên trì quá, add được hết các bạn đi chung với tôi, tôi cũng bất đắc dĩ đồng ý. Thôi miễn cưỡng nghĩ, có cơ hội tốt luyện tập thế này sao lại bỏ lỡ được. Nhưng đúng là đừng nên cho bất kì phương thức liên lạc nào dễ dàng như vậy. Bạn có thể bị lợi dụng làm GPS, app Review miễn phí hoặc gặp chuyện gì đó nguy hiểm hơn đấy. Sau lần đó, tôi xem như cứng rắn hơn trong vấn đề từ chối rồi.
Học như một đứa trẻ nhưng không quên mình là một người lớn
Nhớ lại xem bạn học tiếng mẹ đẻ bằng cách nào vậy? Trước khi vào trường tiểu học tiếp xúc với bảng chữ cái và học cách ghép vần, bạn đã nói được tiếng Việt rồi. Không chỉ một cá nhân mà hầu như mọi người đều có khởi đầu tương tự. Điều đó chứng minh được rằng, khi bạn còn là một đứa trẻ, mặc dù bạn thụ động tiếp nhận ngôn ngữ giao tiếp từ môi trường xung quanh nhưng chính tần suất hằng ngày và liên tục đã giúp bạn học và sử dụng được ngôn ngữ đó. Những lời khuyên học ngoại ngữ như thường xuyên xem video, xem phim không có phụ đề tiếng Việt, không cần hiểu hết 100% ngay từ đầu, nghe rồi lặp đi lặp lại đến mức thuộc lòng, v.v...chẳng phải giống với những điều kiện thuở bé còn học nói của chúng ta hay sao? Như vậy, chúng ta đã tìm ra một hướng đi nữa: Hãy đưa mình về điều kiện học tập như trẻ em.
Trẻ em hay người lớn đều không phải là một tờ giấy trắng khi học ngôn ngữ. Trước khi chính thức bước vào lớp 1 và học một cách bài bản, trẻ đã có khoảng 3000 từ vựng. Đó được gọi là kinh nghiệm. Người lớn có tuổi đời lâu hơn thì vốn từ lấy từ đời sống phải nhiều hơn như thế nào. Tuy nhiên, cách học tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ khác với cách học một ngoại ngữ khác làm ngôn ngữ thứ hai, thứ ba... Lúc này, bạn đã lĩnh hội được một ngôn ngữ - tiếng Việt, kinh nghiệm nhiều hơn, cơ hội để tìm ra điểm chung giữa ngôn ngữ đã học và một ngôn ngữ khác tăng lên đáng kể. Từ nền tảng này, chúng ta mới có thể tiếp tục học lên, phức tạp hơn, thành công hơn so với bản thân khi còn là một đứa trẻ. Ở mỗi độ tuổi đều có lợi thế riêng để học ngoại ngữ. Đừng bám vào suy nghĩ học ngoại ngữ từ bé mới có tác dụng. Biết bao người nổi tiếng, doanh nhân thành đạt từ nhỏ không được tiếp xúc ngoại ngữ, nhưng chính sự nhạy bén của tuổi đời, kinh nghiệm dồi dào và tính kiên trì với mục tiêu, họ không mất quá nhiều thời gian để học, để có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ. Vì vậy, song song với việc để bản thân tiếp nhận ngoại ngữ như trẻ em - tự nhiên, thường xuyên và lâu dài, đừng quên tận dụng bộ óc trưởng thành hơn, kinh nghiệm hơn để học tập một cách hiệu quả.
Knowledge of languages is the doorway to wisdom.” (Roger Bacon)
Vừa rồi là những cơ sở mà tôi đã nhận thấy để tìm ra những mẹo học ngoại ngữ. Hiện tại, tôi vẫn đang áp dụng chúng để cải thiện khả năng ngoại ngữ của mình, mong rằng chúng cũng có thể giúp ích được cho các bạn.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất