Bối cảnh chung

Nhớ chuyện những năm phổ thông: xung quanh mình, mọi người xem việc học ngoại ngữ (mà cụ thể nhất thì chính là Tiếng Anh) thật sự là một cực hình: đáng chán, khó nhằn, gây ra nhiều áp lực và đương nhiên kết quả không đạt được gì ngoài việc đạt đủ điểm số mục tiêu. Y như những Toán, Lý, Hóa,... chúng ta ra trường và nếu không theo sâu về chuyên môn, ta quên hẳn những bài giảng và kiến thức về tiếng Anh, không dùng hoặc muốn dùng cũng chỉ dừng ở mức cực kỳ khổ sở và ấm ớ. Bản thân mình là người "học tốt" tiếng Anh, nhưng thực chất khi bước chân vào Đại Học vẫn có những cảm giác bất lực nhất định với cái thứ mình đang được trang bị. 
Người ngoài nhìn vào điểm số sẽ có cảm giác mình thật sự rất ổn ở môn này. Mình cũng nghĩ thế, nhưng khi va chạm thực tế, giao tiếp với người nước ngoài thì mình ấm ớ như trẻ em vừa biết nói. Ủa kì?
Không quá khó hiểu nếu hình dung thế này: nếu tiếng Anh là một cây súng, thì thời điểm đó mình hiểu rất rõ về cách người ta thiết kế để cây súng ấy có thể bắn được, còn cách dùng thì ...um... hên xui. Có lẽ thời điểm đó mình tự tin nhất khi rủ kẻ thù cùng kể tên các bộ phận có trong cây súng, quả là một trò chơi thú vị trên chiến trường, nhỉ?
Từ vựng và hàng loạt các công thức ngữ pháp ...
Từ vựng và hàng loạt các công thức ngữ pháp ...
Bẵng đi một thời gian dài, tròm trèm 10 năm. Hiện tại mình đã học thêm 3 ngoại ngữ khác, dùng được ở mức chấp nhận được tiếng Anh, đang bập bẹ tiếng Hoa và Quảng. Xung quanh mình, bạn bè và đồng nghiệp đa phần sử dụng tốt hoặc đang học ít nhất hai ngoại ngữ, và mọi người đều ít nhiều dùng được thứ mình đang học và trang bị. 
Chuyện gì đã xảy ra? Phép màu à? Chắc là không, mình nghĩ chỉ đơn giản là thay đổi lộ trình đang đi thôi. Và mình cho rằng điều này đã thật sự khiến mình giảm tốn công sức học ngôn ngữ một cách vô cùng hiệu quả. Đồng thời nó cũng kích hoạt một góc nhìn mới ở nơi mình về việc học tiếng - những sự nhận ra, những góc nhìn và cách tiếp cận mà mình sẽ mang ra trình bày ở bài này.

Những lầm lạc nào đã đưa chúng ta ra xa khỏi "học ngoại ngữ"?

Phân loại việc học ngoại ngữ vào thành một kiểu "kiến thức"

Thực chất việc học tiếng có nhiều điểm khác và giống với học một kiến thức, một môn học. Bằng một góc nhìn nào đó ta vô tình nhầm đường khi bắt đầu bước chân vào việc học ngôn ngữ. Con đường học ngoại ngữ của bạn dựa trên một phương pháp đi rất khô cằn và lý thuyết. Tức là bạn xem nó như những luật lệ, những quy chuẩn, phải nhớ, phải tuân theo bằng lý trí để sử dụng khi bài kiểm tra xuất hiện. Và ngoại ngữ trở nên thật khó nuốt, dễ quên là cũng bởi cách dung nạp đó. 
Các bạn ở thành phố lớn hoặc/và có điều kiện tiếp xúc với một ngôn ngữ mới như "cái nó vốn là", sẽ ít nhiều khó đồng cảm với cái mình vừa nêu, thậm chí không hiểu vì sao lại có người viết bài này. Nhưng nếu nhìn vào một thực tế rằng cho tới thời điểm hiện tại vẫn có rất nhiều bạn học sinh (mình mạnh dạn đoán là vẫn chiếm số đông ở Việt Nam này luôn) vẫn đang học ngôn ngữ không khác gì môn Hóa học. 
Học ngôn ngữ phần nào đó khác với học kiến thức

Tức là với các bạn ấy thì động từ to be nó cũng như quỳ tím, còn phản ứng Oxy hóa-khử trông cũng hao hao như thì quá khứ hoàn thành và thì là mà, động từ bất quy tắc thì cũng vẫn phải được học thuộc lòng y như hóa trị của các chất vô cơ. Sau cùng khi kết thúc cái sự học phổ thông, mọi danh từ vừa được mình liệt kê, in đậm ra để làm ví dụ, nếu may mắn lắm, nó sẽ "trông quen quen nhưng tao chả biết nó là cái gì, và để làm gì". 
Thế là ngôn ngữ trôi tuột đi mất dù ngày xưa bạn có nhiều hôm thức căng mắt để ôn bài cho một kì thi quan trọng.

Cho rằng năng khiếu là một yếu tố quan trọng

Sau này mình nhìn lại, thấy nhiều người đánh giá rằng người này có năng khiếu học ngôn ngữ, người kia thì không. Với góc nhìn của mình thì có lẽ cái vấn đề đó nó thật sự có tồn tại nhưng nó chỉ đơn giản như là việc xe của tôi được thiết kế ra để có thể chạy 180km/h còn xe anh thì chỉ đạt 70km/h. Nếu đã đi lầm lối thì việc chạy nhanh hơn hay chậm hơn thực sự nó không mang quá nhiều ý nghĩa. 
- "Là do mình không có khiếu học ngoại ngữ, nên mình không học được tiếng Anh đâu"
- Ủa, vậy bằng cách nào lúc hai tuổi bạn lại học tiếng Việt được?
- "Nhưng mà tiếng Việt nó khác..."
- Thì đúng rồi, cách bạn học Tiếng Việt ngày xưa là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Một đoạn hội thoại quen quen
Mình đồng ý với chuyện đó. Vậy nên bạn thấy nó dẫn đến một kiểu lầm lạc khác đó là...

Tiếp cận ngôn ngữ mới từ một góc độ quá khác biệt và kém tự nhiên.

Cách chúng ta nhìn nhận cái đối tượng (ở đây chính là Ngoại Ngữ), cách chúng tiếp cận làm quen nó và cách chúng ta biến nó thành công cụ của mình, là thứ quyết định xem bạn có thể đi đúng, đi xa với nó hay không, chưa nói chuyện có thể học nhanh hay không nữa. Nếu đã xác định tiếp cận với ngoại ngữ như một kiến thức rồi thì dù năng khiếu của bạn có to như nào, bạn vẫn sẽ rất khó khăn trong việc nạp kiến thức vào người.
Thay đổi góc nhìn, thay đổi cách tiếp cận với học ngoại ngữ có thể thay đổi nhiều thứ
Thay đổi góc nhìn, thay đổi cách tiếp cận với ngoại ngữ có thể thay đổi nhiều thứ
Thử một ví dụ như này: Bạn là một đứa trẻ rất yêu bóng đá, và bạn quyết định rằng mình muốn đá bóng thật giỏi. Thế nên việc bạn làm ở bước đầu tiên là nghiên cứu thật chi tiết về luật bóng đá, đọc các số liệu phân tích cầu thủ và các tiêu chí đánh giá cầu thủ trong một trận đấu, học nằm lòng về các công thức qua người, về các ứng xử trong trường hợp bị vây ráp, gây áp lực từ các cầu thủ đối phương và ti tỉ nhưng lý thuyết về kĩ chiến thuật trên sân. Bạn chuẩn bị một cách siêu kĩ càng về kiến thức bóng đá. Lần đầu tiên bạn ra sân, bạn gặp rắc rối vì việc bạn không thể đỡ bóng tốt, không thể chạy đủ nhanh và xuống thể lực từ phút thứ 15 của trận đấu.
“千里之行,始于足下” (Thiên lý chi hành, thủy ư túc hạ) - Câu thành ngữ nổi tiếng này ngoài ý nghĩa thường hay được hiểu, rằng "mọi hành trình đều phải bắt đầu với bước đầu tiên, vậy hãy đi đi chần chờ chi". Theo mình nó còn có ý nghĩa là hãy bắt đầu với những điều cơ bản nhất, nền tảng nhất, tự nhiên nhất.  Vậy nên, hãy tiếp cận với ngôn ngữ bằng phương pháp đó, và với mình thì điều tiên quyết sẽ là...

Hãy bắt đầu học ngoại ngữ như nó là một bộ môn vận động

Giờ thì hãy xem việc học ngôn ngữ như một môn thể thao, nhé. Vậy xem xét những gì cần để biến ngôn ngữ thành một môn thể thao? Và những thay đổi đó nó giúp ích gì cho ta?

Cảm giác - thứ định hình thế giới quan

Tiếp nối lại ví dụ trên, theo bạn thì trong cái hành trình ngàn dặm đó, cậu bé đam mê bóng đá đã nên bắt đầu như thế nào? cậu nên "hạ cái chân" của mình xuống đâu trong vô vàn những điều cần phải học trong bóng đá?
Bước ra sân, chạm vào quả bóng, cảm nhận bề mặt của nó, cảm nhận sức nặng của nó, sút thử nó để xem lực chân của mình tác động vào quả bóng sẽ để lại hệ quả gì... cứ thế cứ thể lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng,... Cái thứ đó hay được tóm tắt với một cụm rất quen thuộc là Cảm giác bóng.
Nếu theo dõi bóng đá, bạn sẽ thấy trong vài trường hợp dù đó là cầu thủ lớn, xuất sắc hàng đầu thế giới đi nữa thì trong vài lúc kém phong độ hoặc vừa quay trở lại sau chấn thương, chúng ta sẽ nghe nhận xét rằng họ bị "mất cảm giác bóng" hay "cảm giác bóng chưa đủ tốt" - Cảm giác bóng sẽ theo một cầu thủ đến hết quãng đời thì đấu của anh ấy.
Cảm giác về đối tượng mình đang tác động là một điều quan trọng
Với các môn thể thao khác, chúng ta sẽ có thể hình dung được các kiểu "cảm giác" khác nhau, điều này đúng với đi xe đạp, với cầu lông, tennis hay cả bơi lội,... Nói nôm na, cái gọi là "cảm giác" này dễ hiểu là việc cơ thể chúng ta hiểu rõ về đối tượng chúng ta sắp tác động vào, hình thành một loạt những phản xạ và dự báo trước về điều sẽ xảy ra với đối tượng đó, từ đó đưa ra những thao tác phù hợp. Tất cả những điều đó càng lúc càng đi sâu vào tiềm thức, chúng ta không cần phải suy nghĩ về nó quá nhiều nữa. 
Với ngôn ngữ, nếu chúng ta bắt đầu với cái gọi là "cảm giác ngôn ngữ" sẽ là một điều hay. Khi đó thay vì bạn bắt đầu học và ghi nhớ các chữ cái hay ký tự, từ vựng và nghĩa của nó... bạn sẽ để tâm đến những cái rất thô sơ nền tảng như là "cách người nói thứ ngôn ngữ đó phát ra âm thanh nó sẽ trông như nào?", hay là "mình có cách nào để bắt chước những âm thanh đó một cách vô nghĩa?". 
Trong bài viết cách đây một năm khi mình kể về quá trình học tiếng Quảng Đông, mình có đề cập đến khái niệm "tắm ngôn ngữ". Dễ hiểu thì "tắm ngôn ngữ" là lắng nghe không cần hiểu, chủ động tiếp cận với ngôn ngữ bằng cảm giác chứ không bằng việc truy tìm ý nghĩa của nó. 
Thực tế có thể bạn đã thực hiện điều này rồi nhưng bạn lại không nghĩ mình đã làm, ví dụ như khi bạn lắng nghe một ngôn ngữ lạ, và bạn có thể biết được đó là tiếng gì, bạn phân biệt được điểm khác biệt trong tiếng Arab và tiếng Trung, bạn nhìn ra được những âm tiết hoặc cách lên xuống giọng đặc biệt chỉ xuất hiện ở tiếng Hàn,... những ví dụ đó cho thấy bạn đã có một lượng "cảm giác ngôn ngữ" nhất định với ngôn ngữ mà bạn để tâm. Có được cái gọi là "cảm giác" rồi thì mọi chuyện về sau sẽ có những hướng đi thú vị và thêm nữa nền tảng ngôn ngữ của bạn đã được xây sẵn chắc chắn hơn rất nhiều.

Hãy tạo ra vấn đề - song song với việc tập trung nạp lý thuyết xử lý

Chuẩn bị để đối mặt với các vấn đề là điều tốt, nhưng ngặt nỗi là đôi khi ta sa đà vào việc chuẩn bị mãi mà không bao giờ thực sự gặp vấn đề, hay là chủ động tìm kiếm vấn đề.
Hãy tìm cho mình những vấn đề, và nó nên là vấn đề rất trực quan, chứ không phải là một bài kiểm tra. Trước đây lúc đi học, cái mình làm với tiếng Anh là nhớ tất cả những gì được cho là quan trọng (ngữ pháp, từ vựng, cách ghép câu...) và trả lời nó thật tốt khi các câu hỏi của bài kiểm tra đến. Nhìn lại mình không cho rằng "bài kiểm tra" là một vấn đề thực thụ, nó chỉ là một trò chơi để đánh giá trí nhớ của bạn.
Trong vận động, vấn đề trực quan chính là bản thân cuộc chơi, là sự thi đấu. Nếu bạn yêu thích bóng đá thì nếu cứ mãi vờn trái bóng và học hỏi những lý thuyết về nó, sau đó tham gia các bài test, nó sẽ cho bạn cảm giác rất thiếu thốn. Bạn cần cùng bạn bè ra sân, chuyền quả bóng cho nhau và tìm cách vượt qua đối thủ, ghi bàn. Dù đó chỉ là một trận đấu trên vỉa hè của con hẻm nhà bạn, nó cũng khác biệt hơn rất nhiều. Với kiểu tiếp cận này, mọi thứ vừa trông như một trò chơi, vừa giúp kỹ năng xử lý vấn đề trong thực tế của bạn được rèn luyện, phát triển tự nhiên và điều đó rất đáng để thử.
Luyện tập như những vận động viên trong việc học ngoại ngữ
Luyện tập như những vận động viên trong việc học ngoại ngữ 
Trong phương diện học ngoại ngữ, mình nghĩ cái hay nhất sẽ là thực sự sử dụng ngôn ngữ, với những người bạn có cơ hội ở mọi lúc bạn sẽ liên tục đưa mình vào tình thế gặp những vấn đề tự nhiên và tìm giải pháp để giải quyết nó.
Trong trường hợp của mình, mình sẽ chuẩn bị cho bản thân những thông tin nền tảng, từ vựng đủ, cấu trúc cơ bản như một bộ công cụ phải có. Sau đó mình sẽ bắt tay vào việc đi tìm những thử thách và vấn đề mang tính thực dụng đầu tiên ngay, đó là: lắng nghe người bản ngữ nói về những nội dung bất kỳ, cố đoán xem họ đang muốn nói gì với mình, không rõ thì hỏi lại. Việc cố để nghe và hiểu giờ nó trở thành một vấn đề rất tự nhiên và trực quan để mình phải giải quyết. Cứ thế mình nâng dần độ khó với những thứ kỹ năng khác, những thứ vấn đề khác, và mọi thứ diễn ra dần dần, rất tự nhiên, thực tế và cũng rất vui nữa.

Tránh áp mọi thứ vào khung, thôi hỏi tại sao và hãy cố để đi đến trạng thái có được "bản năng ngôn ngữ"

Nếu bạn hỏi một cầu thủ giỏi hàng đầu thế giới là anh ta điều khiển quả bóng như thế nào để có thể đi qua 2-3 hoặc thậm chí là 4-5 hậu vệ, anh ta sẽ bảo là à anh ta sẽ di chuyển thế này này, và rồi chỉ cần bụp cái là qua người được. Có một cái khó trả lời là tại sao lại như thế? Bạn cần câu trả lời cho việc tại sao cách thức của sự việc đó diễn ra, để tìm cho mình một công thức và làm theo, nhưng thực tế nhiều khi chỉ đơn giản là cầu thủ ấy chỉ cảm thấy là đến lúc đó cần di chuyển như vậy thì anh ta di chuyển thôi. Điều đó là một kết quả của quá trình phản xạ diễn ra trong vài phần giây, hình thành nên từ cái gọi là cảm giác và phán đoán trong môi trường của sự bộ môn đó. Ngôn ngữ, một góc độ nào đó, cần những điều này khi bạn dùng nó.
Từ ngữ sẽ xuất hiện một cách bản năng
Từ ngữ sẽ xuất hiện một cách bản năng
Thử nghiệm tương tự, hãy tiếp cận một người bản ngữ (tốt nhất người đó không phải là giáo viên dạy tiếng), và trong quá trình trò chuyện, dừng lại và hỏi họ tại sao họ lại dùng từ vừa xuất hiện? Người vừa nói sẽ hơi khó khăn trong việc trả lời và câu hồi đáp phổ biến nhất có lẽ sẽ là "tôi không biết, tôi thấy chỗ đó phù hợp thì tôi dùng thôi". Còn bạn? Và vì sao bạn lại dùng "tôi cũng không biết nữa" chứ không dùng "tôi đều không biết nữa"? Chắc bạn sẽ mất một thời gian để nghĩ câu trả lời đó. Với ngoại ngữ, bạn hãy cố gắng đi về phía này và xem nó như một cột mốc mục tiêu. Tức là xây dựng cho mình trạng thái "dùng bản năng để đưa ra quyết định" trong sử dụng ngoại ngữ.
Tất nhiên bạn sẽ phải đi một quá trình dài, đủ lâu, tự quăng mình vào kha khá môi trường khác nhau và gặp rất nhiều vấn đề để có thể đạt được trạng thái có thể phản xạ tốt và nhận ra sự sai biệt trong cách dùng một ngôn ngữ. Nhưng cũng như hoạt động thể thao, khi đã đến được đó rồi, bạn sẽ giữ được "cảm giác" với cái bạn nói, cũng như dùng ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp đúng với chức năng của nó.

Vậy, học theo kiểu phân tích với ngoại ngữ có thật sự hoàn toàn là vô bổ?

Đọc đến đây nhiều khi chúng ta phát sinh ra một hướng suy nghĩ rằng là quan điểm của bài viết này cho rằng học từ vựng, học ngữ pháp hay học kiểu giáo trình sách vở đều trở là lạc hậu là kém hơn so với cách tiếp cận ngôn ngữ như một môn thể thao vận động. Errr... khum hề. Mình khum hề có ý đó. Thậm chí mình cảm thấy biết ơn giai đoạn chăm chăm học ngữ pháp để làm nguyên liệu cho quá trình học kiểu vận động sau này của mình (dù mình ước là thời gian đó đã được rút ngắn hơn =3=).
Thực tế mình cho là điều này vẫn cần thiết và trong nhiều trường hợp là bắt buộc phải có chứ không cứ hễ có phương pháp này là triệt tiêu, là mâu thuẫn với phương pháp kia, hoặc nếu đã có một phương pháp hay rồi thì mình vứt bỏ cái cũ. Quá trình bổ sung từ vựng, kiến thức ngữ pháp cùng một hệ thống những thứ có quy luật nên được xem là một công cụ. Và nếu đã là một công cụ thì nó không xung đột gì nhau cả, chỉ là chúng ta luân phiên sử dụng cho phù hợp thôi. Vậy đến khi nào thì ta bắt đầu quan tâm đến ngữ pháp, văn phạm? 
Ngôn ngữ vẫn là một vùng đất tuyệt vời để nghiên cứu
Ngôn ngữ vẫn là một vùng đất tuyệt vời để nghiên cứu
Vận động viên phát triển đến một lúc nào đó rồi cũng phải trở nên chuyên nghiệp. Họ lại phải phá vỡ những rào cản và đạt được những mục tiêu, cột mốc mới. Không thể cứ lặp đi lặp lại những bài tập thuần túy mang màu sắc cảm giác nữa, chúng ta cần những kiến thức được tổng hợp và chắt lọc. Tôi muốn hiểu vì sao tôi chưa thể chạy đủ nhanh? vì sao quả bóng cứ bay không theo ý tôi muốn, làm sao để có thể bật nhảy cao hơn? Tôi cần phân tích và cần một công thức để giúp vượt qua những giới hạn đó.  Khi này chính là lúc phương pháp nghiên cứu bắt đầu được mang ra và sử dụng.
Tương quan khi so sánh với ngôn ngữ thì, khi mình đạt đến trạng thái có thể hình dung được một ngôn ngữ nó có những sự vận hành như thế nào rồi, mình muốn biết thêm về những quy tắc và cả bất quy tắc của nó để làm cho bản năng ngôn ngữ trở nên rõ ràng hơn, dễ vận dụng hơn. Với nhiều người họ cần nó ở thời điểm rất sớm trong quá trình học ngoại ngữ, có người thì sau khi đã bôn tẩu cả mấy năm trời, nói chuyện với cả chục người bản ngữ, buôn bán giao thương đủ cả nhưng vẫn chưa cảm thấy cần dùng tới. 
Vấn đề mọi người gặp phải ở lúc đó có thể là vì ta cần bước vào một nấc mới của ngôn ngữ mà ở đó cần văn phạm, cần câu cú chỉn chu, cần một kiểu dùng ngôn ngữ lịch sự hơn. Chỉ mỗi "giao tiếp thông thường" "miễn hiểu nhau là được" đã không còn đủ để bạn dùng khi này. Nó sẽ xuất hiện như kiểu một giải pháp được đề ra cho vấn đề đang gặp phải một cách hết sức tự nhiên. Miễn đừng biến thứ công cụ kiến thức này trở thành một vòng lặp kín của việc "nhớ tất cả quy luật - thử thách kiểm tra trí nhớ" rồi đánh giá rằng đó là kĩ năng dùng ngôn ngữ. Đó là cách mình và nhiều người đã làm lúc còn học phổ thông đã phạm vào.

Kết

Viết cái sườn bài này để đó từ hồi trước tết, xong mải ăn chơi, công việc rồi lại đàn đúm... nên nhìn tới ngó lui mãi chưa viết. Tận đến khi dịch bệnh, cách ly và có nhiều thời gian ngồi một mình mới đủ động lực để vượt qua sự lười.
Với mình thì học ngôn ngữ giờ nó là một kiểu thú vui, nhưng mà vui vui gì thì cũng cần thấy được những cột mốc của sự phát triển chứ không thì nó vu vơ lắm. Mất cũng chừng chục năm để mình tìm được những hướng đi hiệu quả cho việc học ngoại ngữ theo cách của học một bộ môn vận động. Nhưng lạc quan mà nói thì, sau đó nó lại khiến mọi thứ dễ chịu hơn rất nhiều. 
Dễ chịu chứ cũng chưa hẳn là dễ dàng, vì đường vẫn còn dài và việc học thì nó vẫn còn hàng tá kiểu thử thách khác. Nhưng mình tin là con đường mình đang đi nó đã trở nên tự nhiên hơn, có những thành tựu rõ ràng hơn, khiến mình cảm nhận được tốt hơn về ngôn ngữ và những thứ xung quanh nó. Vi thế nên mình cảm thấy điều này thật đáng để đem khoe. 
Hy vọng nó sẽ một lời gợi ý cho bạn cải thiện con đường học ngôn ngữ của bạn.

Bài viết này mình viết tại website cá nhân của mình ở nhanluu.com. Đến đó để xem thêm nhiều bài viết và góc nhìn khác :D

Rất cảm ơn và trân trọng bạn vì đã đi đến cuối bài.

Đọc thêm: